Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh
[MINH HUỆ 3-5-2016] Ông Lý Trung Uyên người gốc Triều Tiên, sống ở quận Ngân Châu, thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, luôn kiên trì với đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công, ông đã từng bị bắt giam phi pháp, bị cưỡng bức lao động, bị kết án và phải chịu các hình thức tra tấn tàn khốc.
Ngày 10 tháng 6 năm 2015, ông Lý đến bưu điện gửi đơn kiện Giang Trạch Dân. Ngày 20 tháng 10 năm 2015, ông bị khám nhà và bị bắt giữ phi pháp. Ngày 23 tháng 3 năm 2016, ông bị kết án phi pháp bảy năm rưỡi tù giam, ngoài ra còn bị phạt 10.000 tệ. Trước bản án trắng đen đảo lộn, không từ đạo lý này, ông Lý Trung Uyên đã đề nghị được kháng cáo.
Thời trẻ, ông Lý Trung Uyên đã từng ở trong quân ngũ 10 năm, ông đã cống hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình cho tổ quốc. Khi về già, chỉ vì kiên định tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành người tốt, ông đã nhiều lần bị khám xét nhà, bị bắt giam phi pháp và phải chịu cực hình, thậm chí gần như mất đi tính mạng. Tuy nhiên, ông vẫn không oán không hận, ông đã viết thư nói rõ sự tình cho các nhân viên tư pháp, các quan chức Ủy ban Chính trị Pháp luật các cấp tại quê nhà. Thậm chí ông còn khởi kiện lãnh đạo quốc gia tiền nhiệm Giang Trạch Dân vì tội ác của ông ta, bởi lẽ ông nhận thấy rằng bè lũ Giang đang lôi kéo người dân dấn sâu vào tội ác. Đây là một cử chỉ đại thiện đại nhẫn.
Trong đơn khởi tố của Viện kiểm sát gửi lên Tòa án, họ không hề đề cập đến lý do ông bị bắt giữ vì đã kiện Giang, mà họ lại tiếp tục thêu dệt tội danh cho ông. Họ gọi các sách Đại Pháp mà ông Lý học hằng ngày là “tuyên truyền văn hóa phẩm phi pháp”, họ cố ý bịa đặt rằng nhân viên kiểm tra của Sở cảnh sát thành phố Thiết Lĩnh đã bắt giữ ông Lý Trung Uyên khi ông đang ở nhà in ấn các văn hóa phẩm tuyên truyền Pháp Luân Công.
Người nhà ông Lý đến gặp đội trưởng Đội An ninh Nội địa để nói rõ tình hình, đội trưởng không gặp họ mà chỉ trao đổi qua điện thoại. Người nhà giải thích rằng việc ông Lý khởi kiện là hợp pháp, cần phải được pháp luật bảo hộ. Đội trưởng nói rằng việc bắt giữ này không liên quan đến việc kiện Giang.
Người nhà ông lại đến tìm công tố viên Viện kiểm sát là ông Tôn Ái Dân để nói rõ tình hình, ông Tôn Ái Dân không những không nghe kiến nghị của gia đình nạn nhân, mà còn hỏi qua điện thoại: “Anh nói rằng chúng tôi bắt giữ ông ta vì đơn kiện Giang, vậy thì bằng chứng đâu?” Người nhà nói: “Có chứng cứ, vì sự việc kiện Giang Trạch Dân này mà ngay trong ngày hôm đó, Sở cảnh sát thành phố đã đồng loạt ra tay lục soát, bắt giữ phi pháp hơn 20 người.” Ông ta không nói lời nào, ngập ngừng bảo họ hãy đến đợi ở phòng kháng cáo bên cạnh. Một lúc sau, một nhân viên Viện kiểm sát hỏi: “Các anh không đồng tình với phán quyết của Tòa án hay không đồng tình với bản định tội của Sở cảnh sát?”. Người nhà phản biện rằng không có văn bản pháp luật nào nói Pháp Luân Công là tà giáo, nhân viên này bảo họ mang sách đến, nhưng ngày hôm sau khi người nhà mang sách đến thì không tìm thấy nhân viên đó đâu.
Người nhà ông Lý Trung Uyên vẫn kiên trì nói rõ cho nhân viên Viện kiểm sát rằng tu luyện Pháp Luân Công không vi phạm bất cứ đạo luật nào. Tuy nhiên, ngày 22 tháng 12 năm 2015, công tố viên Viện kiểm sát phụ trách vụ án là ông Tôn Ái Dân và ông Lý Đông Mai vẫn nghe theo sự chỉ đạo của Phòng 610, căn cứ theo điều 258 luật tố tụng hình sự, đệ đơn lên Tòa án tố cáo ông Lý phạm tội có tổ chức, lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật. Tòa án quận Ngân Châu cũng nghe theo chỉ đạo của Phòng 610 mở phiên tòa xét xử vào ngày 22 tháng 1 năm 2016. Ngày 23 tháng 3 năm 2016, họ ra phán quyết phi pháp, kèm theo yêu cầu giáo dưỡng lao động nhằm gia tăng bức hại đối với ông Lý Trung Uyên.
Ông Lý Trung Uyên 60 tuổi, nguyên là nhân viên công ty Công trình Đường ống Thiết Lĩnh, thuộc Cục Quản lý Dầu mỏ khu Đông Bắc, luôn kiên trì với đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công, ông đã từng bị bắt giam phi pháp, bị cưỡng bức lao động, bị kết án và phải chịu các hình thức tra tấn tàn khốc. Ngày 6 tháng 7 năm 2015, ông đã gửi đơn kiện hình sự lên Tòa án tối cao, yêu cầu truy cứu, công khai tội ác của tên đầu sỏ Giang Trạch Dân để người dân thế giới hiểu rõ về cuộc bức hại này.
Vì khởi kiện Giang, sáng ngày 22 tháng 10 năm 2015, ông đã bị cảnh sát quận Ngân Châu và công an khu vực bắt giữ, khám nhà phi pháp. Ngày 2 tháng 11, ông bị Viện kiểm sát Ngân Châu kết án phi pháp với tội danh làm rối loạn trật tự xã hội.
Sáng ngày 22 tháng 1 năm 2016, Tòa án hình sự Ngân Châu đã mở phiên xét xử phi pháp kéo dài 3 giờ đối với ông Lý Trung Uyên. Nội dung đơn khởi tố gồm các tội danh mà họ đã ngụy tạo, rất nhiều tình tiết đưa ra không chính xác, bằng chứng đưa ra cũng không nhiều. Trong đơn tố cáo viết, ông Lý từ năm 1996 đến nay đã sử dụng các thông tin tải xuống trên mạng của tổ chức tà giáo, đem in ra làm các tài liệu dưới dạng sách, sổ tay, áp phích để tuyên truyền Pháp Luân Công. Lúc 10 giờ ngày 20 tháng 10 năm 2015, trinh sát viên Sở cảnh sát thành phố Thiết Lĩnh đã bắt giữ ông Lý Trung Uyên tại nhà khi đang in ấn văn hóa phẩm tuyên truyền Pháp Luân Công, đồng thời đã thu giữ một lượng lớn văn hóa phẩm tuyên truyền Pháp Luân Công gồm: hơn 420 cuốn sách của Pháp Luân Công, 78 băng đĩa tuyên truyền Pháp Luân Công, hơn 1860 thẻ, áp phích, câu đối…
Ông Lý Trung Uyên trả lời tại tòa: “Ngày 20 tháng 10 năm 2015, tôi đang nghỉ ngơi ở nhà thì có hai người đột nhập vào nhà và lục soát nhà tôi. Hai người đó thuộc đội cảnh sát hình sự, mặc thường phục, trong đó một người là trung đội trưởng họ Niếp có mang theo súng, là người của Sở cảnh sát. Sau đó họ gọi điện thoại cho Phó giám đốc Sở cảnh sát họ Vương và đại đội trưởng Cục An ninh Nội địa tên là Phương Tranh. Vừa đến nơi, hai người họ đã vô duyên vô cớ lục lọi tất cả đồ đạc trong nhà, họ đã lấy đi 2.500 tệ tiền mặt, loại tiền 100 tệ, họ còn mang đi cả bản gốc đơn kiện Giang dài 22 trang. Sau khi lục soát khoảng 1 giờ, họ không viết biên lai tịch thu tài sản. Đến khi về đồn cảnh sát, họ bắt tôi ký vào biên lai nhưng tôi không ký. Khi tra khảo tôi, thái độ của Giám đốc Sở cảnh sát rất hung hăng.”
“Nhân viên thụ lý vụ án hỏi tôi những thứ này ở đâu ra, tôi nói trên mạng internet, toàn thế giới đâu cũng có. Tôi cho rằng pháp luật không quy định Pháp Luân Công là tà giáo, trong 300 điều luật hình sự cũng không có. Đội phó Đội cảnh sát hình sự Trương Tiểu Đông nói rằng ở điều 301 có, tôi nói hãy mang ra cho tôi xem, nhưng anh ta nói tôi phải tự mình xem. Lúc họ đưa tôi đến đồn cảnh sát là 6 hay 7 giờ tối, vì tôi không chịu điểm chỉ, Trương Tiểu Đông liền đánh vào đầu tôi hai phát và còn chửi mắng tôi. Ngày hôm sau, khi thẩm vấn tôi, Trương Tiểu Đông và người họ Niếp hỏi tôi có chịu nhận tội không? Tôi nói pháp luật không quy định có tội. Trương Tiểu Đông nói giọng rất hung hăng và côn đồ: Ông không phạm tội thì tôi phạm tội.”
Lý Trung Uyên nói: “Khi nhân viên Phòng Điều tra Giám sát của Viện kiểm sát đến, họ chưa hỏi được hai câu đã rời đi. Họ hỏi tôi đến đây làm gì, tôi nói tôi bị bắt giam phi pháp. Người của Phòng Tuyên truyền Pháp luật cũng đến, khi tôi nói đến việc khởi tố Giang Trạch Dân, họ liền lấy đoạn băng ghi âm ra dọa tôi. Tôi bảo họ viết lại điều 3 luật hình sự: ‘Pháp luật không quy định thành văn bản thì không coi là phạm tội’, họ không viết.”
Trong phiên tòa, hai luật sư đến từ Bắc Kinh và Chiết Giang và ông Lý Trung Uyên đều căn cứ thực tế và lý lẽ xác đáng để yêu cầu quyền hồi tỵ đối với công tố viên, thành viên Bồi thẩm đoàn và thư ký tòa (đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng do họ có lợi ích cá nhân trong vụ xét xử). Mặc dù họ đã 3 lần làm ra vẻ rời bỏ phiên tòa mấy phút rồi lại quay lại, sau đó bác bỏ đề nghị hồi tỵ, nhưng đây cũng chỉ là một mánh khóe mà Tòa án thành phố Thiết Lĩnh vẫn dùng khi xét xử phi pháp các học viên Pháp Luân Công kể từ tháng 7 năm 1999 đến nay.
Trong phiên tòa, hai luật sư đã đưa ra những chứng cứ hợp lý để biện hộ vô tội cho thân chủ, họ nghiêm túc chỉ ra rằng điều 300 của luật hình sự không thích hợp với học viên Pháp Luân Công. Cái gọi là căn cứ pháp luật thực ra hoàn toàn là rắp tâm sử dụng sai pháp luật để tăng thêm tội danh nhằm hãm hại Pháp Luân Công. Tội danh quen thuộc mà họ định ra là “Lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Đến nay, tìm kiếm khắp các văn bản pháp luật ở Trung Quốc cũng không có văn bản nào quy định Pháp Luân Công là tà giáo, càng không nói đến phá hoại việc thực thi điều khoản luật nào.
Hai luật sư nhấn mạnh quyền tự do tín ngưỡng của công dân là một trong những quyền tự nhiên của con người, là một trong những quyền công dân quan trọng được nhắc đến trong “Tuyên ngôn nhân quyền thế giới” và “Công ước quốc tế về quyền công dân và quyền chính trị”, cũng đã được Hiến pháp Trung Quốc công nhận. Họ đã đứng trên giác độ pháp luật quốc gia Trung Quốc để bác bỏ những vu khống của công tố viên, đồng thời cũng chỉ ra rằng Viện kiểm sát đã vi phạm quy định pháp luật đối với ông Lý Trung Uyên, ví dụ: nhân viên thụ lý vụ án đã bỏ qua cả Luật hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Luật lập pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong số những ghi chép thẩm vấn ông Lý Trung Uyên mà công tố viên đưa ra, bản đầu tiên được lập tại phòng thẩm vấn ngày 20 tháng 10 năm 2015, người lập án là Dương Nhất, Vương Quân Hải, họ chủ yếu thẩm vấn Lý Trung Uyên có phải đã gửi đơn tố cáo Giang lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hay không. Đường đường là hai công chức quốc gia, hai cảnh sát hình sự, vậy mà đến Hiến pháp quốc gia, pháp luật tố tụng hình sự cũng không hiểu. Họ đã chà đạp lên quyền tố cáo của công dân, không hiểu pháp luật cơ bản. Lẽ nào hai cảnh sát thụ lý vụ án lại có thể tùy tiện phá vỡ Hiến pháp, không đếm xỉa đến luật hình sự, vậy thì ai đang lợi dụng quyền lực quốc gia để phá hoại việc thực thi pháp luật đây?
Trong quá trình thẩm tra, cơ quan công an đã lộ rõ những hành vi vi phạm pháp luật, chứng cứ được thu thập một cách bất hợp pháp, cơ quan điều tra hình sự đã có hành động giám sát phi pháp chỗ ở của ông Lý. Chứng cứ điều tra và biên lai tịch thu tài sản không có chữ ký của người điều tra, các tài sản bị tịch thu cũng không được đương sự xác nhận, không đưa biên lai tịch thu tài sản cho người bị điều tra. Người làm chứng trong ghi chép điều tra là Lý Uy, tuy nhiên không rõ ông ta là ai, người này có quan hệ gì, có phải do cơ quan điều tra thuê để làm chứng không, cơ quan công tố vẫn chưa làm rõ được điểm này.
Tất cả vật chứng đều không được đưa ra tòa, vi phạm quy định cơ bản trong luật tố tụng hình sự. Thậm chí trong biên lai tịch thu còn ghi máy đóng ghim, dao dọc giấy ở tình trạng “đang sử dụng”, làm thế nào chúng có thể tự động sử dụng được? Ngay cả tiền mặt và thẻ ATM cũng bị tịch thu.
Tại tòa án, luật sư đã chỉ ra rằng:
1. Cơ quan công tố đã định tội danh không có căn cứ, hành vi bị định tội của ông Lý Trung Uyên không cấu thành tội phạm. Việc cơ quan công tố kết tội ông Lý sản xuất, tàng trữ tài liệu Pháp Luân Công đều không liên quan đến tội lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật.
Việc áp đặt tội danh “Lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” lên những người có tín ngưỡng Pháp Luân Công, trong khi họ không phá hoại việc thực thi bất cứ luật pháp hay quy định hành chính nào, là hành vi hoàn toàn không đếm xỉa đến thiện ác, đúng sai, không đếm xỉa đến đạo lý, chỉ dựa trên một logic mang tính hoang đường. Càng hoang đường hơn là tội danh này đã được sử dụng trong nhiều năm và đến nay các nhà chức trách vẫn không có dấu hiệu sửa đổi, cũng không nghe thấy ngành tư pháp thế giới lên tiếng chỉ ra chỗ sơ hở rõ mười mươi này.
Quyền kháng cáo là quyền giám sát của công dân được quy định trong Hiến pháp, đồng thời mọi người nên nhận thức rằng, cho dù Tòa án hoàn toàn không đếm xỉa đến đạo lý, thì bản thân hình phạt nhằm vào tín ngưỡng đã là rất vô lý rồi. Nhiều năm qua, tất cả những bản án bị lợi dụng để định tội cho những người có đức tin vào Pháp Luân Công đều là những bản án oan sai thấu trời.
2. Cơ quan điều tra và cơ quan khởi tố đều cố tình sử dụng sai pháp luật, âm mưu hãm hại ông Lý Trung Uyên, những nhân viên chính phủ vì tư tâm mà làm trái pháp luật quốc gia, đã phạm tội phá hoại quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân.
(1) Việc thực hiện bản án này không có căn cứ pháp luật. Pháp luật Trung Quốc không có điều khoản nào quy định Pháp Luân Công là tà giáo, tín ngưỡng Pháp Luân Công là phạm tội, quảng bá các ấn phẩm của Pháp Luân Công là có tội, cho nên việc tố cáo ông Lý Trung Uyên truyền bá các tài liệu Pháp Luân Công, cho dù thế nào cũng không cấu thành tội phạm. Cá nhân ông Lý Trung Uyên hoàn toàn thực hiện quyền công dân cơ bản của mình quy định trong Hiến pháp, sự thật là không có việc ông Lý tổ chức, lợi dụng tổ chức tà giáo nào, cũng không phá hoại bất cứ quy định pháp luật nào, việc cơ quan điều tra áp dụng khoản 1 điều 300 luật hình sự là sai.
(2) Căn cứ đưa ra để xử phạt những người tín ngưỡng vào Pháp Luân Công là vi phạm Hiến pháp, vi phạm pháp luật, là cố ý áp dụng sai pháp luật để bức hại quyền tự do tín ngưỡng của ông Lý Trung Uyên.
(3) Cơ quan điều tra và cơ quan kiểm sát cùng các nhân viên công vụ đều biết rõ pháp luật không quy định Pháp Luân Công là tà giáo, không quy định rõ việc in ấn, truyền bá tài liệu Pháp Luân Công là phạm tội, họ cũng không chỉ ra được hành vi của đó có nguy hại gì cho xã hội. Với các hành vi kết án, thám thính, bắt giữ, thẩm tra, khởi tố ông Lý Trung Uyên, họ đã phạm tội áp dụng sai pháp luật vì tư tâm, tội phá hoại quyền tự do tín ngưỡng của công dân.
3. Luật sư đã cung cấp cho Tòa án các điều luật quốc tế và cơ sở lý luận của các chuyên gia chỉ ra rằng tín ngưỡng tôn giáo là quyền tự nhiên của con người, không cấu thành tội phạm.
Tại phiên tòa phi pháp, các nhà chức trách vẫn âm mưu hãm hại học viên Pháp Luân Công Lý Trung Uyên, họ chỉ trình chiếu qua loa một đoạn ghi hình do họ dựng nên, ngang nhiên bỏ qua các trình tự xét xử, khiến người xem dở khóc dở cười. Trong phiên tòa, Chánh án Phác Cẩm Thục còn cao giọng ngắt lời biện hộ của luật sư và lời biện minh của ông Lý: “Không cho tuyên truyền Pháp Luân Công”, dần dần công tố viên bị các luật sư bác bỏ không biết nói gì nữa, thẩm phán và các thành viên Bồi thẩm đoàn cũng không nói gì.
Cuối cùng, luật sư yêu cầu Tòa án đưa ra phán quyết dựa theo pháp luật, cơ quan công tố lên án sự việc không thuộc về cơ quan tư pháp, lập tức phóng thích Lý Trung Uyên, Chánh án Phác Cẩm Thục không còn cách nào đã phải nói rằng: “Lời cô ấy nói không được tính, tôi biết rồi, Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo, trông ông Lý lạnh cóng rồi, phiên tòa dừng ở đây thôi.”
Phiên tòa phi pháp diễn ra vào một ngày rất lạnh, nhiệt độ ngoài trời âm 22oC, ông Lý Trung Uyên bị xích chân, còng tay (khi vào phiên tòa, Chánh án đã yêu cầu cảnh sát tháo còng tay, nhưng không tháo xích chân cho ông). Ông chỉ mặc một chiếc áo mỏng, chân đi đôi dép nhựa, ông bị bức hại đến mức thân mình gày gò, tái nhợt. Khi trả lời tại tòa, đầu tiên ông bày tỏ lòng cảm kích đối với nhà sáng lập Pháp Luân Công – Sư phụ Lý Hồng Chí, nhờ Đại Pháp mà ông có được thân thể khỏe mạnh, tinh thần không ngừng được tịnh hóa. Việc ông khởi tố Giang Trạch Dân là để mọi người hiểu rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, Chân-Thiện-Nhẫn là tốt, cũng là để cơ quan tư pháp hiểu được chân tướng, để cứu độ tất cả những người mà ông đã tiếp xúc. Mặc dù nhiều lần bị ngắt lời, ông Lý vẫn kiên trì thuật lại quá trình mình bị bức hại trước phiên tòa.
Ông Lý đã dùng chút tiền tiết kiệm ít ỏi của mình để thuê luật sư biện hộ, không phải vì muốn mình được thoát án tù, mà ông muốn dùng cử chỉ, lời nói thiện tâm của mình, kết hợp với những lý lẽ chính đáng của luật sư để thức tỉnh thiện niệm của những công chức trong Tòa án và những người dân vẫn còn trong mê. Lẽ nào những người còn chút lương tâm có thể thờ ơ trước nguyện vọng tốt đẹp của ông?
Hi vọng những người dân trong và ngoài nước có thể minh bạch chân tướng, đứng về phía chính nghĩa, trợ giúp thêm một tiếng nói cho chính nghĩa và công lý.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/5/3/327482.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/5/6/156557.html
Đăng ngày 6-7-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.