Theo phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 27-5-2016] Tổng cộng 18 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đức Châu tỉnh Sơn Đông đã bị bắt trong hai ngày của tháng Tư năm nay. Công an đã nhắm đến họ sau khi họ nộp đơn kiện cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, kẻ đã khởi xướng cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công.
Có sáu trong tổng số 18 người hiện vẫn đang bị giam giữ, 11 người được thả, và một học viên hiện đang ở đâu vẫn không rõ. Công an đã lục soát nhà và tịch thu rất nhiều tài sản cá nhân của học viên.
Hơn nữa, sáu học viên ở Đức Châu cũng đã bị cảnh sát sách nhiễu với cùng lý do tương tự.
Sáu người vẫn bị giam
Ông Mã Ngọc Thanh
Công an đã nhiều lần bắt và lục soát nhà ông Mã Ngọc Thanh, khoảng 50 tuổi. Ngoài ra, họ còn tống tiền ông Mã kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công xảy ra vào năm 1999. Mới đây ông tiếp tục bị bắt vào lúc 5 giờ chiều ngày 22 tháng 4 năm 2016. Một cô gái trẻ đã gõ cửa nhà ông, giả vờ như đang đi tìm người hàng xóm. Ngay khi ông mở cửa, nhiều công an đã xông vào lục soát, lấy đi máy tính và máy in của ông.
Hiện ông Mã đang bị giam tại trại tạm giam Đức Châu. Khi vợ ông yêu cầu trả tự do cho ông, bà bị đe dọa và họ còn yêu cầu bà ký vào một biên bản nói xấu Pháp Luân Công.
Nhớ lại ngày 11 tháng 8 năm 2009, hơn 10 công an ở đồn công an địa phương đã lục soát nhà ông, lấy đi nhiều sách và tài liệu về Pháp Luân Công, sau đó họ còn bắt ông. Mẹ ông Mã –người cố gắng ngăn cản vụ bắt giữ – bị giữ nằm trên sàn, và công an còn bắt vợ ông điểm chỉ vào lệnh bắt.
Sau đó họ giam ông trong phòng biệt giam và dùng nhiều hình thức để tra tấn ông. Họ bắt ông lột quần áo và ra lệnh cho ông cung cấp tên của những học viên Pháp Luân Công ông biết. Thêm vào đó, công an còn tống tiền gia đình ông Mã 15.000 tệ (khoảng $2500) trong thời gian ông bị giam.
Ông Tôn Tường Nhân
Ông Tôn Tường Nhân, 72 tuổi, bị bắt vào tối ngày 22 tháng 4 năm 2016, và bị đánh đập thậm tệ. Chính quyền bắt ông đi lao động nhiều giờ mỗi ngày.
Bà Trần Ngọc Lan
Bà Trần Ngọc Lan, 74 tuổi, bị bắt vào ngày 22 tháng 4 năm 2016. Khi con trai bà đến cục công an địa phương để yêu cầu trả tự do cho bà vào đêm hôm đó, bản thân anh cũng bị giữ lại và xe của anh thì bị tạm giữ trái phép.
Bà Lữ Đa Mỹ
Bà Lữ Đa Mỹ, khoảng 60 tuổi, bị bắt vào ngày 22 tháng 4 năm 2016. Chồng bà bị tạm giữ cả đêm khi ông đến cục ông an địa phương để yêu cầu trả tự do cho bà.
Bà Trương Tú Cần và bà Vương Ngọc Cần
Cả hai hiện đang bị giam tại trại tạm giam.
11 người được thả
Sau đây là danh sách 11 học viên được trả tự do: Ông Lý Chí Dũng và vợ là bà Lý Tuấn Linh, bà Khổng Tường Mai, ông Vương Kiến Bình, bà Mạnh Tú Vân, bà Khang Thục Phượng, bà Trương Văn Yến, bà Quách Lệ, bà Trương Thanh Thành, ông Lão Cổ và bà Liễu Nguyệt Bình.
Trong nhóm này, có một số học viên đã kể lại những gì xảy ra với họ ở trại tạm giam như sau:
Hai vợ chồng ông Lý Chí Dũng và bà Lý Tuấn Linh
Lúc 5 giờ 30 chiều ngày 22 tháng 4 năm 2016, một công an ở Đội an ninh nội địa, đã đóng giả làm một người kiểm tra công tơ nước đến gõ cửa nhà ông Lý. Khi bà Lý ra mở cửa (vì ông Lý không ở nhà), bà đã bị đe doạ và tấn công. Điều này khiến bà Lý bị đau tim và ngã xuống.
Công an đã đợi ông Lý và còng tay ông ở ga tàu ngay sau khi ông đến nhà ga. Ngoài ra, họ còn lục suát nhà và lấy đi máy tính, hai điện thoại di động, một máy in, nhiều sách về Pháp Luân Công và nhiều tài sản cá nhân khác.
Công an đã đánh ông Lý thậm tệ đến mức ông bị gãy răng, hai bàn tay và miệng bị chảy máu. Tuy vậy, họ vẫn đưa ông Lý đến cục công an địa phương để thẩm vấn ông cả ngày. Sau đó ông bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đức Châu, nơi ông đã tuyệt thực trong 13 ngày và bị bức thực ba lần.
Lính canh đã còng tay và chân ông vào bốn góc ở trên giường. Công an còn bức thực và làm ông nghẹt thở nhiều lần. Ngoài ra thức ăn (được dùng để bức thực) còn văng tung toé khắp giường, sàn nhà, và trên quần áo của ông.
Khi công an thẩm vấn ông Lý, lúc đó ông rất yếu đến mức không thể nói lên lời hoặc ngồi thẳng lưng. Ông được trả tự do và trở về nhà sau 30 ngày giam cầm.
Bà Lý Tuấn Linh bị đưa đến bệnh viện có nhiều công an giám sát.
Thông tin liên quan về ông Lý Chí Dũng: Sáu người trong gia đình bị bắt chỉ bởi họ kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc
Bà Khổng Tường Mai
Bà Khổng Tường Mai bị ốm rất nặng ngay sau khi họ bắt giam bà, sau đó bà Khổng được đưa đến bệnh viện để cấp cứu và được trả về nhà vào ngày 27 tháng 4.
Bà Lưu Nguyệt Bình
Bà Lưu Nguyệt Bình, 55 tuổi, nghỉ hưu và sống tại thành phố Đức Châu. Công an đã nhiều lần tìm cách bắt giữ bà sau khi bà nộp đơn kiện Giang Trạch Dân vào tháng 10 năm 2015, nhưng họ không thể tìm bà tại nhà. Chính vì thế, họ đã đến nhà mẹ đẻ 84 tuổi của bà Lưu để sách nhiễu gia đình bà, khiến cho họ bị lo lắng.
Tối ngày 22 tháng 4 năm 2016, công an lại âm mưu bắt giữ bà. Tuy nhiên, họ phát hiện bà có triệu chứng của một bệnh nghiêm trọng và nhổ ra máu trong lúc giam cầm. Sau đó bà được thả.
Bà Khang Thục Phượng
Bà Khang Thục Phượng, 57 tuổi, bị bắt vào ngày 22 tháng 4 năm 2016 và bị giam giữ một tháng. Vào cuối tháng 10, có bốn cảnh sát đã bắt bà tại nhà sau khi bà nộp đơn kiện Giang Trạch Dân. Họ bắt bà điểm chỉ và giam bà trong bảy ngày. Công an cũng tống tiền con trai bà một khoản tiền (chưa rõ chi tiết)
Bà Triệu Chương
Bà Triệu Chương, khoảng 60 tuổi, là nhân viên hưu trí ở Công ty khí đốt Trung Nguyên. Bà bị bắt giam một tháng từ ngày 22 tháng 4 năm 2016
Ngày 29 tháng 10 năm 2015, bà bị bắt giữ và thẩm vấn bởi bà nộp đơn kiện Giang. Sau đó họ đưa bà đến trại tạm giam, tuy nhiên người ở trại tạm giam lại không nhận bà vì kết quả kiểm tra sức khoẻ cho thấy bà bị bệnh lao. Dù vậy, công an địa phương vẫn thường xuyên sách nhiễu bà.
Bà Mạnh Tú Vân
Bà Mạnh Tú Vân, 67 tuổi , bị bắt vào tối ngày 22 tháng 4 năm 2016 và bị giam giữ một tháng.
Vào ngày 26 tháng 10 năm 2015, bốn cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà chụp ảnh và lấy mẫu máu bất chấp việc bị bà phản đối. Họ đã cố giam giữ bà, nhưng do kiểm tra sức khỏe không đạt, họ đành phải thả bà về.
Bà Quách Lệ
Bà Quách Lệ, khoảng 40 tuổi, bị bắt lúc 5 giờ chiều ngày 23 tháng 4. Công an đã lục soát nhà bà vào ngày hôm sau. Họ đã giam bà trong một tháng.
Bà bị bắt trước khi đi kiện Giang vào ngày 28 tháng 10 năm 2015. Công an đã thẩm vấn, cưỡng ép lấy mẫu máu của bà, và giam bà trong bảy ngày. Vào buổi tối cùng ngày, con gái của bà cũng bị giáo viên của cháu đưa đến đồn công an. Công an đã thẩm vấn cháu đến tận 9 giờ tối.
Một người mất tích
Ông Trương được biết đã bị bắt vào ngày 22 tháng 4; tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin về thời điểm ông được trả tự do. Gia đình ông cũng không biết hiện ông đang bị giam giữ ở đâu.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 06 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài Giang.
Xin xem thêm tại bản tiếng Hán: 山东德州李志勇遭警察殴打、灌食
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2016/5/27/329291.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2016/6/5/157286.html
Đăng ngày 28-6-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.