Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 26-3-2016] Ngày 4 tháng 3 năm 2016, một người dân ở Tề Tề Cáp Nhĩ đã bị xét xử với tội danh “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Đó là một cái cớ được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để bắt bớ các học viên Pháp Luân Công.
Vụ xét xử cô Lý Nhị Anh đã diễn ra tại Tòa án quận Long Sa, thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ mà không hề thông báo cho gia đình của cô biết. Thậm chí cô Lý còn không biết mình sẽ bị xét xử cho đến khi cô bị đưa ra tòa. Cô đã phản đối hành vi vi phạm thủ tục pháp lý của tòa án, nhưng thẩm phán Lương Phượng Phượng nói: “Cô là một người trưởng thành nên chúng tôi không cần phải thông báo cho gia đình cô biết vụ xét xử này”, đúng là một tuyên bố sai lầm.
Cô Lý Nhị Anh
Cô Lý bị giam giữ trong Trại tạm giam
Phiên tòa kéo dài chưa đầy 30 phút, trong thời gian đó cô Lý bị cấm bào chữa cho chính mình. Công tố viên Vương Bân đề nghị một bản án từ 4 đến 6 năm tù. Cô Lý đã viết: “Tôi vô tội” trên hồ sơ tòa án khi được yêu cầu ký tên. Cô khẳng định rằng mình vô tội, tu luyện Pháp Luân Công là quyền theo Hiến pháp, và không có luật nào cấm môn tu luyện này.
Hiện cô Lý vẫn bị giam giữ sau lần bắt giữ gần đây nhất của cô vào ngày 4 tháng 11 năm 2015.
Gia đình bị đe dọa vì phản đối
Ba ngày sau, anh chị em của cô Lý đã đến tòa án và yêu cầu được gặp thẩm phán Lương. Đội bảo vệ nói với họ rằng thẩm phán đang xét xử và bảo họ về nhà.
Khi họ quay lại hai ngày sau đó, bảo vệ lại tìm cách đuổi họ về một lần nữa. Lần này, họ từ chối rời đi nếu không được gặp thẩm phán Lương. Sau đó, vị thẩm phán này đi xuống cầu thang và trở nên tức giận khi nhìn thấy các thành viên gia đình của cô Lý.
Bà Lương hỏi: “Các anh chị đang làm gì ở đây vậy?”
Một người thân của cô Lý nói: “Chúng tôi muốn biết về vụ xét xử chị gái mình.”
“Vụ xét xử đã xong rồi.”
“Vụ xét xử diễn ra khi nào? Tại sao chúng tôi không được thông báo?”
Thẩm phán cao giọng: “Bởi vì chị của anh tu theo một tà giáo!”
Em trai của cô Lý hỏi: “Vậy sao? Ai đã ra phán quyết này?”
Thẩm phán và nhân viên của bà ta bước về phía em trai cô Lý, trỏ ngón tay vào mặt anh ấy và nói: “Sao cậu dám nói như thế? Chúng tôi có camera giám sát ở đây đấy.”
Em gái của cô Lý nói: “Các vị đã không tuân thủ quy trình pháp lý. Chúng tôi, gia đình của cô Lý, có quyền tham dự phiên tòa.”
Thẩm phán nói: “Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Hơn nữa, cô ấy là người trưởng thành nên chúng tôi không cần phải thông báo cho gia đình của đương sự.”
Lần bắt giữ đầu tiên
Vào ngày 27 tháng 9 năm 2013, cô Lý bị cảnh sát của Đồn cảnh sát Giang Ngạn bắt giữ ngay trước cửa nhà cô. Cô đã bị tra tấn tại đồn cảnh sát, họ đã liên tục thúc một cây gậy vào miệng của cô khiến cô không thể ăn uống được gì và chỉ nôn ra máu. Sau đó cô bị chuyển đến trại tạm giam số 1 ở Tề Tề Cáp Nhĩ.
Tại trại tạm giam, một nữ cai ngục họ Hàn đã đánh cô trước mặt mọi người. Hàn đá mạnh vào lưng cô đến nỗi da của cô bị trầy xước. Cô Lý bị còng tay và bị xích bằng một cái cùm nặng hơn 15 kg trước khi cô bị đưa vào phòng giam.
Minh họa cảnh tra tấn: còng tay và cùm chân
Hai ngày sau, cảnh sát Giang Ngạn thẩm vấn cô trong trại tạm giam. Do cô Lý không thể đi lại được vì bị chấn thương lưng và bị xiềng xích nặng, lính canh đã cho các tù nhân phạm tội hình sự kéo cô vào phòng thẩm vấn. Quần dài và quần lót của cô đã bị rách nát trong suốt quá trình này.
Cô Lý không thể ăn uống được gì sau khi bị thương tích, và cô bị nôn nhiều lần. Sau khi bị đánh đập dã man trong trại tạm giam, sức khỏe của cô bị tổn hại nghiêm trọng. Bác sĩ nhà tù đã đưa vào người cô một số loại chất lỏng thông qua tĩnh mạch, khiến cô bị viêm dạ dày. Sau đó, cô bị nôn ra máu.
Sau 20 ngày bị tra tấn dã man, cô Lý trở nên gầy mòn giống như một bộ xương khô.
Vào ngày 24 tháng 10 năm 2013, cô Lý trở bệnh nặng. Không muốn cô chết trong trại tạm giam, đồn cảnh sát Giang Ngạn và các nhân viên của trại tạm giam đã thả cô về với lý do “cho tại ngoại để điều trị y tế”.
Họ sách nhiễu gia đình cô Lý 10.000 nhân dân tệ trước khi thả cô ra. Sau khi cô phục hồi, họ còn bắt cô Lý hàng ngày phải đến đồn cảnh sát để trình diện.
Sau một thời gian luyện Pháp Luân Công, sức khỏe của cô đã cải thiện. Khi cô không còn đến đồn cảnh sát để trình diện nữa, chính quyền địa phương lại xử phạt gia đình cô 10.000 nhân dân tệ.
Lần bắt giữ gần đây nhất
Khoảng nửa đêm ngày 4 tháng 11 năm 2015, một vài nhân viên từ đội cảnh sát hình sự quận Kiến Hoa, thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ đã đến nhà cô Lý Nhị Anh. Họ sử dụng chìa khóa vạn năng để đột nhập vào nhà và bắt cô đi.
Họ thậm chí còn không để cô mặc quần áo trước khi đưa cô tới đồn cảnh sát Đông Tứ. Sau đó cô bị đưa đến đồn cảnh sát Giang Ngạn, và cuối cùng cô bị giam giữ tại trại tạm giam số 1 Tề Tề Cáp Nhĩ. Thời gian này, gia đình cô Lý không còn chút tiền nào để đưa cho họ.
Ngay sau đó, đồn cảnh sát Giang Ngạn và Sở cảnh sát Kiến Hoa đã gửi hồ sơ của cô lên Viện Kiểm sát quận Long Sa.
Khi gia đình cô Lý hỏi về trường hợp của cô thì các nhân viên Viện Kiểm sát đã từ chối trả lời. “Tất cả các trường hợp Pháp Luân Công sẽ được xử lý một cách bí mật và không được cung cấp bất cứ thông tin nào.”
Gia đình cô Lý không có cách nào biết được những gì đang hoặc sẽ xảy ra đối với cô.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/26/325831.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/9/156212.html
Đăng ngày 27-5-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.