Bài viết của Mịch Chân

Là nhân chứng của cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 năm 1999, tôi luôn có cảm giác đặc biệt qua mỗi năm khi gần đến ngày kỷ niệm này. Cuộc thỉnh nguyện rất quan trọng trong việc gợi nhớ lại nguyên nhân cuộc đàn áp tàn bạo mà Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là người phát động và là thủ phạm chính.

Trước năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu vu khống và đàn áp Pháp Luân Công. Ngày 17 tháng 6 năm 1996, Báo Quang Minh – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đã đăng tải một bài bình luận phỉ báng Pháp Luân Công. Đến ngày 24 tháng 7 năm 1996, Ban quản lý Báo chí và Xuất bản, Bộ Tuyên truyền ra lệnh cấm xuất bản cuốn sách của Pháp Luân Công gồm cuốn Chuyển Pháp Luân và Pháp Luân Công.

Đầu năm 1997, Bộ Công an chỉ đạo một cuộc điều tra thu thập cái gọi là bằng chứng tội phạm để vu khống Pháp Luân Công. Ngày 21 tháng 7 năm 1998, Bộ phát hành thông cáo số 555 với nhan đề “Thông báo về việc điều tra Pháp Luân Công”. Bộ Công an vu cáo cho Pháp Luân Công trong thông cáo và đi ngược lại luật pháp bằng cách “Kết án trước, điều tra sau”. Cảnh sát đã thiết lập việc theo dõi điện thoại và nơi ở của các học viên Pháp Luân Công là điều phối viên, đồng thời sách nhiễu và đến chỗ những người tham gia ở điểm luyện công chung, lục soát và tịch thu tài sản cá nhân.

Ngày 11 tháng 4 năm 1999, Hà Tộ Hưu, thành viên của Học viện Khoa học Trung Quốc, đã xuất bản một bài báo với tựa đề “Tôi không ủng hộ những người trẻ luyện tập khí công” trong tại chí Triển lãm Khoa học và Công nghệ Thanh niên của Học viện Giáo dục Thiên Tân. Trong bài báo này, ông ta phỉ báng Pháp Luân Công bằng những thông tin sai lệch.

Từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 4 năm 1999, các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã đến Học viện Giáo dục Thiên Tân và các ban ngành có liên quan khác để kêu gọi rút lại báo cáo sai sự thật này. Hàng mấy nghìn học viên đã thuật lại những trải nghiệm tích cực của họ trong việc tu luyện Pháp Luân Công.

Vào ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1999, Cục cảnh sát Thiên tân đã điều động hơn 300 cảnh sát vũ trang tới đánh đập và giải tán các học viên bằng bạo lực. 45 học viên đã bị bắt giữ, một số bị thương.

Sau đó, ngày 25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và những nơi khác đã đến Văn phòng Kháng cáo Nhà nước ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa nhằm tìm lại công lý. Văn phòng Kháng cáo này đặt tại Trung Nam Hải, khu phức hợp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Chu Dung Cơ đã gặp mặt các học viên đại diện cho nhóm thỉnh nguyện này. Các học viên đã đưa ra ba đề nghị đơn giản là: lập tức trả tự do cho các học viên bị bắt giữ, đảm bảo môi trường tu luyện ôn hòa cho các học viên, và cho phép các sách của Pháp Luân Công được xuất bản.

Tôi cùng các học viên khác đứng trên vỉa hè từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối ngày hôm đó. Không có băng rôn hay kêu hét, và không có hành động công kích. Một số học viên thậm chí còn quét dọn sạch sẽ rác trên đường. Toàn bộ quá trình thỉnh nguyện đều rất trật tự. Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó.

Học viên bị bắt giữ ở Thiên Tân được trả tự do vào ngày sau đó. Các học viên thỉnh nguyện ở Bắc Kinh cũng đã lặng lẽ rời đi vào khoảng 9 giờ tối. Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa được cộng đồng quốc tế khen ngợi.

Tuy nhiên, sự phát sinh của sự kiện này lại khiến Giang Trạch Dân trở nên đố kỵ. Vì vậy, tối cùng ngày 25 tháng 4 năm 1999, ông ta đã viết thư cho Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị và các quan chức cấp cao khác, trong đó ghi: “Việc này sẽ trở thành một trò cười lớn nếu Đảng Cộng sản không thể đánh bại Pháp Luân Công.” Bức thư được in và phát cho quan chức các cấp. Ngày 6 tháng 6, Giang đã phát biểu trước cuộc họp Bộ Chính trị và phỉ báng Pháp Luân Công. Bài diễn thuyết của ông ta được in và gửi tới các quan chức trong Đảng.

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, lấy sự kiện thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 làm cớ để vu cho Pháp Luân Công là “bao vây Trung Nam Hải”. Giang và ĐCSTQ đã cấu kết với nhau trong cuộc đàn áp tàn bạo và vô nhân đạo này. Các nguyên lý của Pháp Luân Công là Chân – Thiện – Nhẫn, trong khi ĐCSTQ lại tuyên dương bạo lực và lừa dối.

Khởi nguồn từ cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, chúng ta có thể nhận thấy bản chất của ĐCSTQ và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này. Tôi hy vọng rằng cuộc thỉnh nguyện ôn hòa này, với mục đích duy trì lẽ phải và giữ gìn công lý, đã nâng cao nhận thức cho nhiều người hơn nữa.

Hơn 200.000 học viên Pháp Luân Công cùng thân nhân đã đệ đơn khởi kiện Giang lên Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vì tội ác của ông ta trong cuộc bức hại. Hơn một triệu người bên ngoài Trung Quốc đã ký đơn tố cáo tội ác của Giang. Hơn 230 triệu người dân Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Dường như ngày ĐCSTQ sụp đổ đang đến gần.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/23/327019.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/25/156412.html

Đăng ngày 28-04-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share