Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc
[MINH HUỆ 26-1-2016] Một giáo viên trung học ở tỉnh Phúc Kiến đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu độc tài Trung Quốc, vì cái chết của vợ và việc ông bị bức hại. Ngày 6 tháng 9 năm 2015, ông đã gửi đơn kiện của mình tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Bà Bặc Lệ Bình qua đời vì bức hại
Vợ của ông Bành, bà Bặc Lệ Bình, đã bị kết án hai năm lao động cưỡng bức sau khi bị bắt vào tháng 1 năm 2006, vì không từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện ôn hòa. Bà đã bị tra tấn trong trại lao động, bao gồm bức thực tàn bạo, lạm dụng tình dục và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc.
Bà rất yếu sau khi được thả về nhà. Bà đã bị mất trí nhớ và rối loạn tinh thần.
Tuy nhiên, tháng 5 năm 2012, Phòng 610 địa phương đã cố gắng bắt giữ bà một lần nữa. Bà rời khỏi nhà và đi trốn trong hai ngày. Bà đã phải chịu khổ rất nhiều cả về tinh thần lẫn thể xác. Sức khỏe của bà xấu đi và đã qua đời vào ngày 17 tháng 12 năm 2012, ở tuổi 54.
Khổ nạn của ông Bành: Hai năm bị giam giữ và tra tấn
Ngày 5 tháng 6 năm 2001, ông Bành bị bắt giữ và thẩm vấn tại Phòng cảnh sát Kiến Âu trong ba ngày đêm, ông cũng bị đánh đập tàn bạo. Cảnh sát đã đấm và đá ông. Một cảnh sát đã túm tóc và dập đầu ông vào tường. Cơ thể ông đầy những vết bầm. Sau đó, ông bị đưa tới trại tạm giam và được thả sau 22 ngày.
Ngày 8 tháng 6 năm 2006, ông bị bắt giữ một lần nữa và bị đưa tới Trường Huấn luyện Giáo viên huyện Phổ Thành. Cảnh sát đã đánh đập, sau đó còng tay ông vào lan can với chân hầu như không chạm đất. Ông đã bị tra tấn theo cách này trong tám ngày đêm. Ông gần như đã bất tỉnh khi họ dừng tra tấn, tay và chân của ông sưng lên. Ông đã được bảo lãnh để tại ngoại chờ đến phiên xét xử.
Tháng 8 năm 2006, ông Bành bị kết án hai năm lao động cưỡng bức và bị đưa tới Trung tâm phục hồi chức năng Nho Giang. Ông bị ép phải tham dự các phiên tẩy não hàng ngày. Khi từ chối hợp tác, ông đã bị biệt giam và bị ép phải ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài.
Ngày 1 tháng 11 năm 2007, ông bị chuyển tới Trại lao động cưỡng bức Thủy Đầu. Ông cùng các học viên khác bị tra tấn ở đó. Phương thức tra tấn bao gồm đánh đập, sốc điện và biệt giam. Khi các học viên tiến hành tuyệt thực để phản đối việc bị ngược đãi, họ đã bị bức thực tàn bạo và cấm ngủ.
Ngày 9 tháng 9 năm 2008, một tháng sau khi hết hạn giam giữ, ông Bành mới được thả. Sau khi trở lại làm việc, ông bị giáng chức, và tiền lương bị cắt giảm 60%.
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610,” vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và tòa án trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/26/322676.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/7/155186.html
Đăng ngày 11-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.