Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Nội Mông Cổ

[MINH HUỆ 16-1-2016] Luật sư Lận Kỳ Lỗi gần đây đã nộp đơn kiện trưởng và phó trại tạm giam, nơi giam cầm bà Triệu Diễm Mẫn, học viên Pháp Luân Công ở thành phố Xích Phong, Nội Mông Cổ. Những người này đã tìm mọi cách ngăn cản luật sư bảo vệ thân chủ của ông. Vụ việc này đã gây xôn xao không nhỏ trong toàn thể giới công an và tư pháp địa phương

Đội An ninh Nội địa ở địa phương đã bắt giữ bà Triệu vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Họ đưa bà đến trại tạm giam ở Khách Lạt Thấm Kỳ, thành phố Xích Phong. Gia đình bà đã thuê luật sư Lận Kỳ Lỗi làm đại diện cho bà Triệu. Tuy nhiên, hai cai trại đã ngăn cản không cho ông Lận được gặp bà Triệu.

Bối cảnh

Luật sư Lận đã nộp đơn kiện giám đốc trại tạm giam Bạo Hiểu Tân, phó giám đốc Hồ Ngọc Thành, Trương Văn Trạch, và giám sát viên tại chỗ của Viện Kiểm sát ông Lưu Tường Nguyên.

Luật sư Lận đã đến trại tạm giam Khách Lạt Thấm Kỳ để gặp bà Triệu vào ngày 3 tháng 12 năm 2015. Ông kể lại trong đơn kiện: “Sau khi xuất trình những giấy tờ cần thiết, một nhân viên đã yêu cầu tôi trình thẻ hành nghề luật sư cũng như chứng chỉ hành nghề của tôi khi cô ấy biết bà Triệu là một học viên Pháp Luân Công.“

Ngay lúc đó vị luật sư đã trao đổi sự việc với phó trại tạm giam Trương Văn Trạch, nhưng ông ấy không hề giúp đỡ. Để tránh gây bất hòa, luật sư Lận đã mang tài liệu đến cho họ. Nhưng bộ phận thụ lý vụ án này lại yêu cầu luật sư điền vào một biên bản yêu cầu thẩm tra thẻ hành nghề luật sư.

Luật sư Lận đã nói chuyện với phó trại tạm giam Hồ Ngọc Thành, người đã nói rằng tại Điều 33 Bộ luật Dân sự yêu cầu luật sư phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền và phải được họ xác nhận trước khi đi gặp thân chủ.

Ông Lận nói rằng Điều 33 không quy định như vậy và trại tạm giam đang diễn giải sai luật, và đang cố ý làm phức tạp quá trình này nhằm gây khó dễ cho luật sư. Không một trại tạm giam nào, bao gồm các trại tạm giam khác ở thành phố Xích Phong, có yêu cầu như vậy. Tuy nhiên, quản giáo Trương còn công khai thách thức ông Lận kiện họ khi ông đến gặp đội quản giáo. Những gì luật sư nhận được là: “Đây là câu trả lời dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi. Còn ông là luật sư không hiểu luật pháp.”

Cảm thấy bất lực, ông Lận đã gọi điện đến văn phòng viện kiểm sát trong trại tạm giam và nói chuyện với trưởng phòng Lưu Tường Nguyên. Và vị trưởng phòng đó đã trả lời sau khi biết sự việc: “Họ đã làm như vậy lâu rồi. Chúng tôi chẳng làm gì được.”

Luật sư Lận hỏi: “Ông là người ở bộ phận giám sát. Tại sao ông không có hành động gì để xử lý đến hành vi phạm pháp này?”. Vị trưởng phòng trả lời: “Tôi không phải người hiểu rõ luật pháp. Nếu ông nghĩ họ sai, tại sao ông không thuyết phục họ?”, rồi cúp máy.

Sau đó luật sư Lận đã nộp đơn kiện cáo buộc những điểm sau:

  1. Yêu cầu bốn bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lạm dụng quyền lực của mình.
  2. Yêu cầu bị cáo phải xin lỗi nguyên đơn và huỷ bỏ những quy định bất hợp pháp liên quan đến việc thăm viếng thân chủ.
  3. Yêu cầu các bị cáo sắp xếp các buổi gặp mặt giữa thân chủ và luật sư. Thêm vào đó, ông Lận cũng yêu cầu quản giáo trả số tiền 2.000 nhân dân tệ bồi thường thiệt hại kinh tế và chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí pháp lý của nguyên đơn.

Đơn kiện của luật sư đã được gửi đến Viện Kiểm sát Tối cao, Bộ Công an, Cục Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Nội Mông Cổ, Phòng Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Xích Phong, cũng như tất cả các cấp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/16/322293.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/31/155016.html

Đăng ngày 08-03-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share