Bài viết của Phùng Quang Vũ
[MINH HUỆ 9-1-2016] Tết lại về. Bầu không khí tràn ngập mùi thuốc pháo, đồ ăn mới nấu, tiếng người đi chúc Tết và tiếng cười vang của trẻ nhỏ. Vậy mà tôi chỉ có nước mắt và trái tim tan vỡ.
Vào đêm giao thừa của 16 năm về trước, mẹ tôi đã bị chính quyền bắt giữ. Kể từ đó, vào mỗi dịp Tết đến tôi lại thấy buồn tủi cho mình.
Mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cha mẹ và cả hai chị gái của bà cũng tu luyện. Nhưng rồi bi kịch đã ập đến với mẹ và cả gia đình khi Giang Trạch Dân, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999.
Từ hồi một tuổi, tôi đã bị mắc bệnh viêm khí quản. Để điều trị bệnh, tôi đã phải uống một loại thuốc cổ truyền rất đắng, nhưng cứ mỗi tháng một lần tôi lại bị chứng bệnh này hành hạ. Sau đó, năm 1999, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công cùng mẹ. Bệnh viêm khí quản của tôi đã khỏi hoàn toàn. Tôi đã không còn phải dùng đến thứ thuốc đắng kia nữa.
Thị lực của tôi được cải thiện rõ rệt. Kết quả học tập ở trường của tôi vẫn duy trì rất tốt. Năm 1999, tôi đã giành giải nhất Cuộc thi Olympic Quốc gia Toán học dành cho Học sinh Tiểu học và đã được một trường trung học tốt nhất ở thành phố chúng tôi tiếp nhận.
Bị bắt giữ
Mẹ tôi bị bắt giữ vào đúng đêm giao thừa năm 2000. Kể từ đó đến tháng 5 năm 2012, mẹ tôi nếu không bị cầm tù thì lại bị giam trong trại lao động cưỡng bức; nếu không cũng phải lưu lạc để tránh bị bức hại. Cha tôi tái hôn, còn tôi đã mất đi những người thân luôn mang lại cho tôi niềm vui trong cuộc sống.
Mãi đến mùa đông năm 2001, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên mà mẹ phải tìm cách lén gửi ra khỏi trại lao động cưỡng bức. Mẹ động viên tôi phải sống mạnh mẽ. Cầm lá thư trong tay, tôi thổn thức khóc gọi “Mẹ” không nguôi trong tâm mình.
Tháng 4 năm 2003 là thời khắc chưa kịp vui đã buồn đối với tôi. Mẹ tôi được trả tự do. Tôi đến nhà bà ngoại thăm mẹ. Khi nhìn thấy mẹ, chúng tôi không thể kìm được những giọt nước mắt.
Mẹ đã nấu cho tôi món thịt bò hầm và nhiều món ăn khác mà tôi yêu thích. Tôi ăn đồ ăn mẹ nấu mà trái tim không ngừng rỉ máu. Tôi ước gia đình mình lại được đoàn tụ, được trở lại cuộc sống hạnh phúc như xưa trong đó luôn có bố, mẹ và tôi.
Mẹ đã bị sa thải khỏi một ví trí trong chính phủ và không còn nguồn thu nhập nào nữa. Do vậy tôi phải ở với cha mặc dù trong lòng tôi rất mong muốn được ở cùng mẹ. Nhưng ít nhất thì tôi cũng có thể thỉnh thoảng đến thăm mẹ.
Bị cầm tù
Sáu tháng sau thì niềm hạnh phúc nhỏ bé của tôi cũng bị tước đi mất. Tháng 10 năm 2003, khi tôi đến nhà bà ngoại thì không thấy mẹ đâu. Tôi gọi mẹ toáng lên nhưng không thấy mẹ trả lời. “Bà ơi”, giọng tôi run rẩy, “Mẹ con đâu hả bà?”
“Cảnh sát đến bắt mẹ con đi rồi.” Trái tim tôi lại một lần nữa tan vỡ.
Năm 2005, tôi tốt nghiệp trung học. Trước hôm lên đường nhập học đại học, tôi tới trại lao động cưỡng bức thăm mẹ. Cai trại không cho tôi vào và nói rằng tôi phải có thư chấp thuận từ đồn cảnh sát.
Tôi đã đạp xe quay trở lại đồn cảnh sát cách đó khoảng chừng bảy dặm. Khi mang thư trở lại, cai trại vẫn không cho tôi vào.
Khi đang đứng ngoài cổng đột nhiên tôi thấy mẹ đi ngang qua. Tôi đã nhắn nhủ mẹ được vài lời. Tôi nói với mẹ rằng tôi mang đồ ăn cho mẹ nhưng cai trại không cho tôi mang vào.
Thấy những giọt nước trong khóe mắt tôi, mẹ nói: “Con trai, con hãy nói với cô bảo vệ kia là mai con phải đi nhập học trường đại học rồi và con sẽ không thể quay về thăm mẹ nữa. Hãy nói với cô ấy rằng những đồ ăn này là tình yêu của con dành cho mẹ. Có thể cô ấy sẽ cho con vào…” Mẹ tôi đã khóc, tôi cũng khóc và cô bảo vệ ấy cũng khóc theo.
Khi tôi đang học đại học thì mẹ tôi được thả, nhưng đến tháng 5 năm 2007 bà lại bị bắt giam trở lại và bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Hà Bắc vào tháng 2 năm 2008.
Một lần, trước dịp Tết Nguyên Đán vài ngày, tôi đến Nhà tù Hà Bắc thăm mẹ. Tôi chỉ được cho thăm có 10 phút. Mẹ và tôi ngồi cách nhau một bức tường kính lớn và phải nói chuyện qua điện thoại. Khi hết thời gian, tôi nghẹn ngào khóc và vẫy gọi mẹ. Sau đó mẹ kể với tôi rằng bà đã khóc ròng suốt trên quãng đường quay trở lại phòng giam.
Gia đình bị tan vỡ
Gia đình mẹ tôi đã bị hủy hoại. Sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, ông bà tôi bị theo dõi và bị kiểm soát điện thoại.
Kể từ khi mẹ bị bắt giam vào năm 2007, bà tôi đã tìm mọi cách để đòi tự do cho mẹ. Bà tôi lái xe ba bánh quanh thành phố tìm luật sư, nhưng không ai dám đứng ra nhận bào chữa cho mẹ.
Bà đã quá lo lắng và đau buồn đến nỗi bị lên cơn đột quỵ. Kể từ đó, bà không thể tự chăm sóc bản thân được nữa.
Tháng 4 năm 2009, cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông bà tôi. Họ lục soát toàn bộ ngôi nhà và bắt giữ dì và bác gái tôi khi họ đến nhà chăm sóc bà tôi. Bác gái tôi bị áp giải đến một trại lao động cưỡng bức.
Điều này vượt quá sức chịu đựng của bà. Bà đã qua đời 40 ngày sau hôm cảnh sát đột nhập.
Mười năm qua, chú tôi đã lo lắng cho mẹ và ông bà tôi đến nỗi không thể chịu đựng thêm được nữa. Chú bị ốm và phải nằm viện vài hôm sau cái chết của bà.
Ba đứa trẻ của ba gia đình tan vỡ – con trai của bác gái tôi, con trai của chú tôi và tôi – phải dọn đến sống cùng với dì tôi. Dì cũng có một đứa con trai nhỏ. Ngoài việc phải đối mặt với cuộc đàn áp, thì dì tôi phải chăm sóc 4 đứa trẻ, chăm sóc ông ngoại tôi và lo cho các nhu cầu thiết yếu của mẹ và bác gái tôi trong tù.
Ngày 27 tháng 8 năm 2009, dì tôi đã đưa bốn đứa chúng tôi đến làm sinh nhật cho ông tôi. Suốt ngày hôm đó trời mưa như trút, như thể ông trời đang khóc cho bi kịch của gia đình chúng tôi.
Ông tôi đã không thể chịu đựng được nỗi đau khổ khi nhìn thấy những người thân bị mất, bị cầm tù. Ông đã qua đời một năm sau đó.
Khi bác gái tôi được thả ra khỏi trại lao động, nơi đầu tiên mà bác đến là nhà tang lễ, nơi để tro cốt của ông bà tôi. Khi mẹ tôi được thả khỏi tù, nơi đầu tiên mẹ đến cũng là nhà tang lễ này.
Tôi ước giá như thảm kịch này đã không xảy ra với mẹ, với tôi và với cả gia đình tôi.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/2/6/323453.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/18/155610.html
Đăng ngày 1-3-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.