[MINH HUỆ 29-10-2015] Khi Lục Đức Tân bước ra khỏi nhà tù sau ba năm bị giam giữ, điều đang chờ đợi anh là các sỹ quan cảnh sát với còng tay và sự đau lòng của cha mẹ và em gái.

Cha mẹ của anh Lục đã khóc: anh là niềm tự hào rất lớn của họ vì anh không những là người đầu tiên trong vùng tốt nghiệp trung học mà sau đó còn được nhận vào một trường đại học danh tiếng. Nhưng giờ đây anh lại bị còng và đưa về nhà trên một chiếc xe cảnh sát. Khi cảnh sát về đến làng của anh ở tỉnh Sơn Tây, cảnh sát địa phương đã trả tiền cho người dân sống gần đó giám sát anh Lục và ngăn không cho anh rời khỏi nhà của mình.

Một người quen của gia đình thở dài thất vọng: “Gia đình của cậu Lục đã phải tốn rất nhiều tiền để nuôi anh khôn lớn và cho cậu ấy ăn học đại học. Thật đáng thương cho cậu ấy vì cuối cùng kết cục lại thế này!“

Đối với anh Lục, người hiện đang sống ở Thượng Hải, thiếu tự do chỉ là một phần trong những gì mà anh đã phải chịu đựng. Những trận đòn, những cú sốc bằng dùi cui điện, và áp lực tinh thần mà anh đã phải chịu đựng nằm ngoài sức tưởng tượng.

Vào ngày 26 tháng 9 năm 2015, anh đã gửi đơn kiện hình sự cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân vì đàn áp Pháp Luân Công. Kể từ tháng 5, đã có hơn 190.000 công dân gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao và Viện kiểm sát Tối cao Trung Quốc.

Lớn lên trong một gia đình bần cùng

Gia đình anh Lục rất nghèo. Cha mẹ của anh đã làm việc cực khổ cả đời, nhưng, giống như hầu hết các gia đình nông dân ở Trung Quốc, họ hầu như không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Nhưng điều tệ hơn cả là anh Lục mắc bệnh mãn tính trong nhiều năm và tính nóng nảy của anh cũng là một vấn đề lớn khiến cho cha mẹ anh phải nhức đầu.

Bước ngoặt đến vào tháng 7 năm 1995 khi bác sỹ của anh Lục nói cho anh nghe về Pháp Luân Công, một môn thiền định giúp cải thiện cả tâm lẫn thân. Anh Lục đã đọc các cuốn sách, học các bài công pháp, và bắt đầu chiểu theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn.

Anh Lục nhớ lại: “Điều đó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của tôi”. Các bệnh tật của anh đã hoàn toàn biến mất và tính nóng nảy của anh cũng đã cải thiện. Trước đây, điểm số ở trường của anh rất kém, nhưng sau đó anh trở thành một học sinh luôn đạt điểm A.

Ngạc nhiên vì những thay đổi của tích cực của anh, nhiều học sinh và giáo viên đã hỏi anh về điều đã xảy ra. Họ nhanh chóng biết về Pháp Luân Công và một vài người trong số họ đã bắt đầu tu luyện.

Anh bị bỏ tù vì đức tin của mình

Giang Trạch Dân đã ra lệnh cấm Pháp Luân Công trên toàn quốc ở Trung Quốc vào tháng 7 năm 1999. Anh Lục, khi ấy vẫn còn là một sinh viên, đã bị giam hai tuần trong tháng đó.

Vào cuối năm 1999, khi anh đi đến Bắc Kinh để nộp đơn thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, các sỹ quan mặc thường phục đã tịch thu bức thư và bắt giữ anh. Anh bị giam trong trại tạm giam Vạn Bách Lâm trong hai tuần và bị đánh đập mỗi ngày.

Khi anh được thả, các cán bộ trong trường đã cố gắng đuổi anh ra khỏi trường. Nhưng anh Lục vẫn không bỏ cuộc và giải thích với họ. Cha mẹ của anh cũng đi đến trường, cầu xin họ cho phép anh tiếp tục việc học hành. Anh Lục được ở lại trường, nhưng các cán bộ ở trường học đã sách nhiễu anh hết lần này đến lần khác, yêu cầu anh từ bỏ niềm tin của mình vào Pháp Luân Công.

Trong kỳ nghỉ đông vào đầu năm 2000, anh đã đi đến Bắc Kinh một lần nữa để thỉnh nguyện cho quyền tự do tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát đã bắt và giữ anh tại một trại tạm giam gần Quảng trường Thiên An Môn cùng với các học viên đến từ khắp đất nước Trung Quốc. Anh Lục nhớ lại: “Một vài người trong số họ là những cụ già 90 tuổi, và một số trẻ em chưa tới 10 tuổi”.

Để tránh liên lụy cho các thành viên trong gia đình của họ và các quan chức địa phương, nhiều học viên đã từ chối tiết lộ danh tính và địa chỉ của họ. Sau đó họ đã được bí mật chuyển tới quận Mật Vân gần Bắc Kinh. Anh Lục nói: “Chúng tôi có thể nghe được tiếng thét của các học viên đang bị tra tấn trong buồng giam bên cạnh chúng tôi.”

Hai cảnh sát đã đánh và sốc điện anh Lục bằng dùi cui điện cho đến tận nửa đêm. Sau đó anh đã tuyệt thực trong sáu ngày, anh đã rơi vào tình trạng nguy kịch và được thả ra.

Chiếc còng quá chặt đã tạo ra những vết cắt sâu trên cổ tay của anh Lục. Những vết sẹo đến nay vẫn còn rất rõ.

Sự tra tấn đã gần như tước đi mạng sống của anh.

Anh Lục đã tốt nghiệp đại học vào mùa hè năm 2001. Tuy nhiên, ngay khi anh rời khỏi trường, cảnh sát đã đưa anh đến đồn cảnh sát A Bình Bắc Lộ ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.

Anh Lục cho biết: “Ở đó tôi đã bị đánh trọng thương và bị sốc điện bằng dùi cui trong 21 ngày liên tiếp”. Kết quả là, toàn thân anh đầy vết bầm tím, đầu chảy máu và dịch chảy ra từ đầu và từ vết thương trên cổ của anh vẫn còn để lại những vết sẹo. Quần của anh bị xé ra từng mảnh để lộ ra đôi chân trần trong khi bị đánh đập.

Một số cảnh sát cũng có lúc đã sốc điện toàn thân anh bằng dùi cui điện nhưng nhắm vào những vùng nhạy cảm như miệng, mi mắt, và các vùng kín.

ac4a06ea5b27f642bccc059ed5bf97c8.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: sốc điện bằng dùi cui.

“Các lính canh cố gắng ép tôi làm hai việc. Một là viết một bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, và hai là giúp họ gài bẫy và bắt giữ một người khác đã tốt nghiệp đại học.” Người sinh viên đó nhận được học bổng hằng năm vì có kết quả học tập xuất sắc, nhưng anh này sau đó đã bị đuổi học vì tu luyện Pháp Luân Công.

Vì anh Lục từ chối hợp tác, nên các lính canh đã dùng tới những biện pháp tồi tệ nhất. Một lính canh đã đưa anh đến một cửa hàng có bán tất cả các loại thiết bị tra tấn và hỏi người chủ cửa hàng: “Cái nào là cái tàn bạo nhất?” Cuối cùng, ông ta đã chọn cái dùi cui dày nhất với điện áp cao nhất sau đó chỉ về phía anh Lục và nói: “Tôi mua cái này cho anh và cho các học viên Pháp Luân Công giống như anh!”

Ở trong tù, các lính canh đã tra tấn anh bằng dùi cui điện, bao gồm cả loại công suất cao. Anh Lục nhớ lại: “Tôi đã không còn tự chủ được nữa và mất tỉnh táo.” Khi các lính canh cảm thấy mệt mỏi, họ đẩy anh Lục xuống sàn và đặt một chiếc ghế lên người anh. Một lính canh đã ngồi lên chiếc ghế đó và tiếp tục sốc điện anh. Anh ta cũng bắt các tù nhân xát muối lên các vết thương của anh Lục.

Vào ban đêm các lính canh đã còng anh vào một cái ống kim loại. Anh không thể đứng hoặc ngồi xổm xuống. Cái còng siết chặt mỗi khi anh di chuyển. Anh Lục kể lại: “Bàn tay và cánh tay của tôi sưng phồng lên”.

71549366dcddb5b3efeb60d95d7e3d45.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: “Còng vào ống kim loại để cho người bị còng không thể đứng hoặc ngồi.

Anh đã viết rằng: “Tôi gần như chết trong trại tạm giam. Chính sách đàn áp của Giang đã biến các sỹ quan cảnh sát thành những con quỷ tra tấn những người vô tội.”

Điều tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ

Từ trại tạm giam, anh Lục bị chuyển đến Nhà tù số 1 Sơn Tây, một nơi dành cho những tội phạm bị kết án.

“Tôi bị đưa vào một buồng giam nhỏ, trong đó chỉ có một cái bô nhỏ để đi vệ sinh, một cái giường và một cái ghế đẩu nhỏ.” Vài tù nhân thay phiên nhau giám sát anh: không cử động, không nói chuyện với người khác, chỉ ngồi yên trên cái ghế đẩu nhỏ suốt cả ngày.

“Việc đó tiếp diễn ngày qua ngày. Nó có thể khiến một người phát điên – anh Lục nói – Mọi người nghĩ rằng nhà tù là nơi tồi tệ nhất, nhưng các tù nhân ở đây gọi buồng giam đó là nơi tồi tệ nhất trong những điều tồi tệ.”

Hai tuần sau, các lính canh buộc anh Lục phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Các tù nhân đã cấm anh ngủ và cố gắng buộc anh phải từ bỏ niềm tin của mình.

Thời gian trôi qua, việc tẩy não đã được tăng cường, anh bị buộc phải xem các video vu khống mỗi ngày. Các lính canh và các tù nhân làm mọi thứ mà họ có thể làm được để phá hủy ý chí của anh.

“Tôi không còn khái niệm đã bao nhiêu lần các lính canh đánh hoặc tra tấn tôi nữa – chỉ là vì nó quá nhiều không đếm nổi”. Và không chỉ có anh. Những học viên khác bị giam giữ trong nhà tù, từ trẻ chưa đến tuổi vị thành niên đến cụ già 70 tuổi đều chịu sự ngược đãi tương tự.

Anh Lục nói: “Ít nhất là có hai học viên đã bị đánh đến chết trong nhà tù: một là Lưu Chí Bân đến từ Hãn Châu; người thứ hai là Khang Chí Quốc. Tôi không biết anh ấy đến từ đâu. Cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn, và Giang Trạch Dân cần phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ chuyện này”.

Một thảm kịch tương tự đã xảy ra với Liễu Chí Mai, một sinh viên xuất thân từ một gia đình nghèo ở tỉnh Sơn Đông đã được nhận vào đại học Thanh Hoa vào năm 1997. Vì tu luyện Pháp Luân Công, cô đã bị bắt, bị giam giữ, bị tra tấn, bị buộc phải trải qua tẩy não, và bị hãm hiếp. Cô đã bị rối loạn thần kinh từ việc bị lạm dụng này và chết vào năm 2015 ở tuổi 35.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/10/29/318303.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/30/153452.html

Đăng ngày 2-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share