Bài viết của một học viên Đại Pháp ở Phần Lan
[MINH HUỆ 08-06-2015]
Kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu! Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của tôi trong việc giảng chân tướng tại các điểm du lịch trong những năm qua.
Tôi di cư khỏi Trung Quốc vào năm 2006. Lần đầu tiên tôi tới một điểm du lịch ở Thái Lan để giảng chân tướng, tôi cảm thấy cơ hội này đặc biệt quý giá. Tôi thấy thật may mắn có thể tự do giúp người Trung Quốc Đại Lục tìm hiểu sự thật về Đại Pháp.
Vì chúng tôi chỉ có ít tiền, chị gái và tôi không thể cùng ra ngoài làm công việc này mỗi ngày. Nhưng mỗi lần ra ngoài, tôi đều có thể cảm nhận được sự gia trì của Sư phụ. Thậm chí vào những ngày vô cùng nóng, tôi cũng cảm nhận thấy một năng lượng cực đại bao quanh. Tôi không cảm thấy khó chịu với cái nóng như thiêu của Thái Lan.
Khi giá cả tăng cao, chị gái và tôi phải chuyển ra ngoại ô thành phố. Để tiết kiệm tiền, tôi bảo chị rằng tôi muốn giảng chân tướng trực tuyến, và chị có thể tới các điểm du lịch. Một đêm tôi có một giấc mơ sinh động: một trong số các bạn học thời tiểu học của tôi bảo tôi rằng nếu cô ấy không ra khỏi Trung Quốc, cô ấy sẽ không bao giờ nghe được chân tướng của cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tôi hiểu rằng Sư phụ đã điểm hoá cho tôi rằng người Trung Quốc đang ra nước ngoài để được nghe chân tướng, vậy là tôi lại quay lại với việc tới các điểm du lịch. Trong một thời gian, các phương tiện giao thông công cộng là miễn phí, và tôi đã có thể tới các điểm du lịch hàng ngày. Tôi nhận ra rằng Sư phụ đã tạo cơ hội này cho chúng tôi. Sau khi tôi di cư sang Phần Lan, tôi tiếp tục giảng chân tướng tại các điểm du lịch, và tôi cũng tham gia vào công tác truyền thông của các học viên. Vì rất bận rộn trong mùa hè, nên tôi chỉ có thể đi tới các điểm du lịch vài lần. Thế rồi vào tháng 5 năm ngoái, tôi bắt đầu gặp vấn đề với máy tính của mình và đường truyền Internet, và tôi đã không thể giảng chân tướng thông qua phương tiện truyền thông. Tôi bắt đầu hướng nội, cố gắng tìm ra những sơ sót của bản thân. Tôi cảm thấy tôi cần phải giảng chân tướng tại các điểm du lịch, bởi vì có rất nhiều người có duyên ở đó đang chờ được nghe chân tướng.
Phát thanh sự thật
Một học viên phương Tây nói với tôi về một danh lam thắng cảnh mà người Trung Quốc nào cũng tới tham quan. Chị gái và tôi tới đó và thấy rằng đó là một điểm rất đẹp, vì đó là một công viên, và chúng tôi cũng có thể biểu diễn các bài công pháp Pháp Luân Công. Vì thế cả hai chúng tôi bắt đầu tới đó hàng ngày để luyện công, phát tài liệu, và khuyến khích người Trung Quốc thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó.
Chúng tôi treo một tấm pano về mổ cắp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống, và sau khi đọc thông tin, rất nhiều du khách đã ký tên thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt tội ác này.
Sau đó có các học viên phương Tây và cả học viên Trung Quốc đều tham gia cùng chúng tôi. Vì các học viên phương Tây không nói được tiếng Trung, nên họ luyện công, biểu thị cho du khách Trung Quốc thấy rằng người phương Tây cũng tu luyện Pháp Luân Công. Nhiều du khách đã háo hức lấy báo giảng chân tướng. Khi có nhiều người hơn luyện các bài công pháp, trường năng lượng trở nên rất mạnh, và cả du khách Trung Quốc và phương Tây đều thấy rất ngạc nhiên.
Dần dần, chúng tôi phát hiện ra một điều rất đặc biệt về địa điểm này: cứ vào các buổi sáng, một vài du khách Trung Quốc sẽ tới, rồi cứ mỗi giờ trôi qua thì lại có bốn, năm nhóm đi tour sẽ tới. Vào lúc cao điểm, có khoảng 20 xe buýt, nhưng họ chỉ ở lại trong một thời gian ngắn. Bởi vì không có đủ thời gian để chúng tôi phát báo và khuyên người Trung Quốc thoái ĐCSTQ, chúng tôi bắt đầu dùng loa phóng thanh để phát đi thông điệp của chúng tôi.
Nhiều khách du lịch Trung Quốc được những hướng dẫn viên của họ nói rằng rất nguy hiểm nếu họ nhận báo, rằng chúng tôi đều được trả tiền, và những lời dối trá kiểu như vậy. Bằng việc phát thanh sự thật, chúng tôi đã có kết quả tốt hơn. Sau khi nghe phát thanh, nhiều người sẽ tới lấy báo. Nhiều người quên cả chụp ảnh mà chỉ đứng xung quanh để nghe. Một số vẫn còn sợ sệt, nhưng họ đứng gần chúng tôi, giả bộ chụp ảnh. Tuy nhiên, chúng tôi biết họ vẫn đang cố tình lắng nghe.
Thực sự tu chính mình
Việc phát thanh và để mọi người biết chân tướng diễn ra tốt đẹp. Đó cũng là một cơ hội để tôi tu chính mình.
Người Châu Âu thích yên bình và yên tĩnh. Hồi chúng tôi mới bắt đầu phát thanh, những người không hiểu tiếng Trung rất khó chấp nhận việc này. Đột nhiên tôi bắt đầu trải nghiệm rất nhiều mâu thuẫn. Tôi liên tục nhắc nhở bản thân mình hành xử cho chính. Mỗi lần mâu thuẫn nảy sinh, tôi tự hỏi bản thân: Mình có làm gì sai không? Mình cần khắc phục chỗ nào? Liệu tiếng loa phát thanh có to quá không?
Đôi khi những người không biết về cuộc bức hại đã quát tháo tôi, và tôi cảm thấy chán nản. Ngày hôm sau, tôi sẽ lại lê bước tới điểm du lịch và lại bật loa phát thanh. Mọi việc được cải thiện, và các du khách lại lắng nghe và tới lấy tài liệu. Một số họ muốn nói chuyện và hỏi rất nhiều câu hỏi và tôi trả lời họ. Tôi hiểu rằng đây chính là cách mà Sư phụ khích lệ tôi làm tốt hơn.
Một hôm một người Trung Quốc đã chửi mắng tôi khi tôi nói với ông ấy về cuộc bức hại. Ngày hôm sau, tôi đã không có chính niệm mạnh mẽ khi tôi bật loa phát thanh. Bỗng nhiên, một học viên Đại Lục đã đến bên tôi. Cô trông rất xúc động, ôm chặt tôi và nói, “Cuối cùng tôi đã tìm thấy cô!”
Cô đưa cho tôi một tờ tiền giấy với một thông điệp về Pháp Luân Công in trên đó, là do các học viên Đại Lục làm để giảng chân tướng. Hiện nay tôi vẫn giữ tờ tiền quý giá này. Tôi cảm nhận rằng Sư phụ đã thấy tôi đang gặp khó khăn trong việc giảng chân tướng và đã an bài để cô ấy tới và khích lệ tôi tiếp tục công việc cứu người. Qua việc này, tôi có thể nhận ra chấp chước sợ hãi của mình – sợ rằng người ta sẽ không lý giải được việc phát thanh giảng chân tướng.
Dựa vào những kinh nghiệm đã qua, tôi đã hiểu cách sử dụng loa phát thanh cho đúng: lựa chọn địa điểm phù hợp, làm sao để tránh du khách Châu Âu và hướng dẫn viên của họ, khi nào thì vặn loa to lên hoặc nhỏ xuống, làm sao để điều chỉnh loa trong điều kiện thời tiết có gió, v.v… Bây giờ khi tôi tới cùng với một đồng tu vào buổi sáng, điều đầu tiên chúng tôi làm là kiểm tra chiếc đài.
Tôi điều chỉnh nội dung phát thanh và phối hợp với các học viên khác sản xuất ra nội dung tốt hơn. Sau này, các học viên gợi ý là chúng tôi nên sử dụng chương trình Radio Minh Huệ để sản xuất các bản ghi âm phát thanh giảng chân tướng tại các điểm du lịch. Tôi cũng đã gửi một số bản ghi âm tới Minh Huệ để giúp các học viên trên toàn thế giới. Một số học viên đã gửi những bản ghi âm rất tốt tới hệ thống giảng chân tướng ở châu Âu để tôi tải về. Tôi thực sự cảm thấy rằng các học viên Đại Pháp là một chỉnh thể.
Cuối cùng môi trường này đã thay đổi. Khi các hướng dẫn viên du lịch hiểu được rằng chúng tôi chỉ là đang phát thanh cho người Trung Quốc, họ không gây vấn đề gì với chúng tôi nữa. Một người dân địa phương lúc đầu đã có những ác cảm với việc phát thanh giảng chân tướng. Sau khi các học viên giải thích cho ông về tình hình thực tế, thì ông bắt đầu chào hỏi tôi khi ông đi vào công viên mỗi ngày.
Một hướng dẫn viên du lịch đã từng sống nhiều năm ở Phần Lan. Ông không có ác cảm với Đại Pháp, nhưng ông không thích việc chúng tôi sử dụng loa phát thanh. Một buổi sáng khi trời đổ mưa lớn, ông đã mang tới công viên một nhóm du khách. Hôm đó có rất nhiều khách du lịch Trung Quốc, khoảng hơn 20 xe khách. Bởi vì không có đoàn khách nào từ các nước khác, nên tôi đã vặn loa phóng thanh lên rất to. Ngay khi ông nghe thấy tiếng loa phát thanh, người hướng dẫn du lịch này đã quay đầu và nhìn chằm chằm vào tôi một cách kinh ngạc. Ông nói, “Tôi tưởng trong điều kiện trời mưa nặng hạt như thế này và vẫn còn đang rất sớm, cô sẽ không có mặt ở đây chứ!” Ngay khi ông rời đi, ông nói, “Cho dù gió hay mưa, cô thật là bền chí!” Tôi đáp, “Tôi biết ông cũng làm việc bất kể gió hay mưa, nên tôi cũng cần kiên định bất kể trời gió hay mưa!”
Từ đó trở đi, ông ấy không còn phản đối việc chúng tôi mở loa phát thanh nữa, và khi chúng tôi có nội dung phát thanh mới, ông lắng nghe chăm chú.
Đề cao trong mọi khía cạnh
Trong khi phát thanh giảng chân tướng, điều tôi ngộ được sâu sắc nhất đó là tầm quan trọng của việc bảo trì một tâm thái tu luyện tốt. Khi tâm thái của tôi tốt thì du khách tới và nghe rất chăm chú. Tôi cố gắng tu luyện tốt mỗi ngày, và cố gắng luyện đủ 5 bài công pháp vào mỗi sáng.
Vì tôi cũng làm công việc truyền thông, nên tôi mắc vào thói quen ngủ muộn và dậy trễ. Trước đây tôi đã có thể đi ngủ sớm và thức dậy sớm. Ban đầu, tôi rất khó dậy từ 5h sáng; bây giờ tôi đã có thể bắt đầu luyện công lúc 4 giờ 15 phút sáng. Tất nhiên, có đôi khi tôi không thể duy trì được tình trạng này. Tuy nhiên, sau khi luyện công buổi sáng, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi tôi ra ngoài giảng chân tướng. Tôi học Pháp sau khi tôi trở về nhà.
Can nhiễu lớn nhất mà tôi gặp phải sau khi tôi bắt đầu tu luyện vào năm 1997 chính là nghiệp tư tưởng của tôi. Nó làm tôi sao lãng khi tôi học Pháp hoặc luyện công. Hàng ngày, tôi phải tìm các phương pháp để duy trì sự tập trung khi tôi học Pháp.
Tôi cố gắng học thuộc Pháp, mặc dù rất chậm nhưng rất đáng công sức. Thậm chí chỉ cần học thuộc một đoạn ngắn, hoặc chỉ một bài thơ trong Hồng Ngâm tôi đã có thể ngay lập tức chặn các tư tưởng của tôi không cho chúng nghĩ lan man. Học Pháp mà tư tưởng của tôi đi lang thang thì rất khổ sở, và nhiều chấp chước sẽ nổi lên. Khi tôi có mâu thuẫn với một đồng tu, việc hướng nội trở nên rất khó. Hồi đầu năm nay, một học viên phương Tây và tôi đã có những ý kiến khác nhau. Cô ấy tin rằng việc phát thanh cho người Trung Quốc là áp đặt lên họ, và cô cũng cảm thấy là tiếng loa phóng thanh quá to. Khi tôi mở loa, và nhiều du khách Trung Quốc lắng nghe, thì người học viên này đã bắt tôi phải đứng một chỗ và vặn thật nhỏ loa xuống đến mức chỉ có mình tôi nghe được.
Tôi đã không thể giữ vững được tâm tính của mình, và tôi đã cảm thấy rằng, sau khi đã trải qua quá nhiều sự việc và cuối cùng đã chính lại được môi trường ở đây, thì một đồng tu khác lại gây can nhiễu. Bỗng nhiên trong tôi tràn ngập những lời phàn nàn và buồn tủi. Sau đó, tôi đã gọi cho một người điều phối và nói về những cảm xúc bị tổn thương của mình.
Lần kế tiếp khi tôi đến nơi, tôi có một suy nghĩ: “Nếu bạn cảm thấy tôi vặn loa quá to thì tôi sẽ đi chỗ khác; Tôi sẽ không để bạn nhìn thấy tôi, và bạn sẽ không nghe thấy tôi phát thanh nữa”. Nhưng vấn đề tâm tính của tôi vẫn không được giải quyết. Một số người phương Tây khác cũng nghĩ rằng hành động này là không quan tâm đến người khác, thậm chí họ nghĩ rằng chúng tôi không nên sử dụng loa phát thanh để giảng chân tướng.
Tôi thấy càng bực bội hơn và đã không muốn hướng nội. Vì không hướng nội nên không thể có giải pháp nào cả, và tôi càng nghĩ về vấn đề đó thì tôi càng thấy rằng những người khác đã sai. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi và chán nản. Sau đó tôi bỗng nhận ra: “Không thể như thế này mãi được – mình phải tu bản thân mình”.
Trong lần học Pháp nhóm vào hôm thứ Sáu, tôi đã ngồi trong một phòng nóng nực, cảm thấy ngột ngạt. Tôi đứng dậy và đi ra ngoài. Tôi bắt đầu học “Giảng Pháp tại thành phố Los Angeles”.
Sư phụ giảng:
“Chính là đệ tử Đại Pháp mắc lỗi nhưng không muốn để người [khác] nói; không ai có thể bảo được nữa, hễ nói liền giãy nẩy lên. Khi đúng thì không thích nghe người khác đề xuất ý kiến; mà khi sai thì cũng không thích nghe người khác nói; hễ [bị] nói liền không hài lòng. Vấn đề này đã rất là xấu tệ rồi đó.”
Sư phụ cũng giảng:
“Tu luyện chính là hướng nội mà tìm, dù đúng hay sai cũng đều tìm trong bản thân mình; tu chính là tu bỏ cái tâm con người. [Nếu] cứ không tiếp thu chỉ trích và phê bình, cứ hướng ngoại mà chỉ trích, cứ phản bác ý kiến và phê bình của người khác, [thì] đó là tu luyện sao? Đó là tu luyện thế nào vậy? Đã quen với việc chỉ nhìn thấy chỗ thiếu sót của người khác, từ trước đến nay vẫn không coi trọng việc tự xét bản thân; người ta tu tốt cả rồi còn chư vị vẫn như vậy hay sao? Sư phụ chẳng phải đang trông chờ chư vị tu tốt ư? Tại sao chư vị không tiếp thu ý kiến và chỉ luôn đi nhìn vào người khác? Mà không hướng nội tu và [tự] tìm trong bản thân mình? Mỗi khi bị nói về bản thân mình, tại sao chư vị thấy không vui? Các vị ngồi ở đây liệu có bao nhiêu người nếu đột nhiên bị người ta trỏ vào mặt rồi chửi mà vẫn có thể làm được ‘tâm tình thật thản nhiên’? Có mấy người khi đối diện với [tình huống] bị người khác phê bình và chỉ trích mà tâm bất động và [tự] tìm nguyên nhân của bản thân mình?” (Giảng Pháp tại Thành phố Los Angeles)
Ngay khi tôi đọc được điều này, tâm tôi trở nên tĩnh lại. Đây là một vấn đề rất cố hữu của tôi: Trên bề mặt tôi có biểu hiện dễ chịu; nhưng trên thực tế thì tôi rất lo lắng vì ý kiến của những người khác. Chấp chước vào danh của tôi cứ nổi lên, nhưng tôi lại thấy rằng tôi đã làm tất cả trong việc giảng chân tướng.
Bây giờ tôi đã có kinh nghiệm hơn, và môi trường cũng trở nên tốt hơn rất nhiều. Tiếc là, lòng nhiệt tình của tôi đã nguội đi nhiều, và tôi đã trở nên ích kỷ; thêm nữa, chất lượng của việc học Pháp nhóm của tôi gần đây đã đi xuống. Tất cả các vấn đề đều tới cùng một lúc, làm cho các nhân tố tà ác khởi tác dụng. Khi tôi tìm ra các vấn đề của mình, tôi cảm thấy rất xấu hổ.
Tôi tiếp tục tới điểm du lịch đó để giảng chân tướng. Vào thứ Bảy, khi mọi người cùng nhau giảng chân tướng thì trường năng lượng khác hẳn. Khi tôi vừa đến nơi thì một du khách Trung Quốc Đại lục đã tới và đề nghị được học các bài công pháp. Cô hỏi mua một cuốn Chuyển Pháp Luân, và cô muốn có một quyển sách hướng dẫn luyện công hoặc một đĩa CD. Hôm đó, rất nhiều khách du lịch đã tới lấy tài liệu giảng chân tướng. Một học viên Thuỵ Điển bắt đầu giảng chân tướng cho du khách Trung Quốc. Vì người Trung Quốc này nói tiếng Anh không tốt lắm, nên người học viên này đã kéo tôi lại để tôi giảng chân tướng. Tôi chỉ nói vài câu thôi, và người du khách đã đồng ý thoái ĐCSTQ.
Khoảng một tuần sau, tôi gặp phải một khảo nghiệm tương tự. Một học viên nói rằng tôi không nên mang theo loa phát thanh hay đi theo du khách, và tôi nên để loa một chỗ. Lần này tôi khá bình tĩnh, nhưng tôi vẫn nói rằng một mình tôi không thể bắt kịp được hết với nhiều nhóm tour như vậy, nên thi thoảng tôi vẫn cần phải đi theo họ.
Trước khi tôi nói hết thì một nhóm tour nữa lại đã tới. Khi tôi mang loa phát thanh tới thì một người đã hét vào mặt tôi và nói những điều rất thiếu tôn trọng về Đại Pháp. Tôi đã không cảm thấy buồn. Tôi chỉ nghĩ xem tôi đã làm gì sai để cho chúng sinh không được cứu độ. Hôm đó sau khi về nhà, tôi đã nói chuyện với một đồng tu khác, và cô ấy nói rằng hôm đó cô cũng có tư tưởng không tốt – cô đã không chấp nhận phương pháp giảng chân tướng của một đồng tu khác.
Tôi cũng nói rằng, sau khi nhìn thấy cách mà các học viên khác giảng chân tướng, tôi đã rất lo lắng. Tôi hiểu rằng hôm đó mỗi chúng tôi đều có những ý niệm tiêu cực về nhau, điều đó đã làm cho trường năng lượng bất thuần. Nếu điều này tiếp tục thì sẽ rất khó có thể cứu được ai.
Tôi quyết định thôi không theo cách mà tôi đang làm. Thay vào đó, tôi và đồng tu nọ đã bàn xem chỗ nào có thể để loa phát thanh được tốt nhất, để xem kết quả sẽ ra sao. Hàng ngày, đồng tu nọ tới công viên trước khi đi làm, và chúng tôi bật loa phát thanh trong khoảng một tiếng rưỡi – việc này khá hiệu quả. Một số người đã nấn ná gần đó, và một số thậm chí còn ngồi xuống các ghế ở gần chiếc loa và lắng nghe. Một người thậm chí còn tìm một học viên để thoái ĐCSTQ.
Sau khi cô ấy nghe thấy rằng một số hướng dẫn viên du lịch không hiểu tại sao chúng tôi lại sử dụng loa phát thanh thì một học viên đã viết bằng tiếng Trung giải thích rằng đó là để nói cho du khách Trung Quốc về cuộc bức hại. Cô đã tìm đến các học viên từ các nước khác nhau để dịch lời giải thích của mình sang bảy thứ ngôn ngữ khác nhau. Cô đã viết những câu này lên các tấm bảng và đặt chúng tại điểm du lịch này. Việc này rất có hiệu quả, và một số du khách phương Tây thậm chí còn chụp ảnh những tấm bảng này.
Điều này đã giúp tôi nhận ra vẻ đẹp của việc buông bỏ cái tôi và hoà hợp như một chỉnh thể. Tôi đã hiểu ra rằng, khi chúng ta chứng thực Pháp, Sư phụ yêu cầu chúng ta phải là các vị Giác giả; khi chúng ta giảng chân tướng theo một nhóm, Sư phụ muốn chúng ta hình thành một chỉnh thể bất phá. Sự phối hợp của chúng ta cho phép công lực của chúng ta trở nên mạnh hơn.
Hai trải nghiệm cá nhân này của tôi đã cho tôi thấy những gì Sư phụ giảng: Bất kể vấn đề chúng ta gặp là gì, chúng ta phải học Pháp nhiều hơn nữa. Biện pháp là hướng nội, tìm vấn đề của chính mình, và có khả năng tu chính bản thân thật tốt. Đây là cách duy nhất để cứu được nhiều chúng sinh hơn một cách hữu hiệu hơn.
Tôi vẫn còn rất nhiều sai sót mà tôi cần chính lại trên con đường cứu độ chúng sinh. Con xin cảm ơn Sư tôn đã cho con cơ hội này để có thể cứu độ chúng sinh, và con sẽ trân quý cơ hội này hơn nữa. Các đồng tu, xin từ bi chỉ ra bất kỳ thiếu sót nào. Đa tạ Sư tôn! Cảm ơn các đồng tu!
(Trình bày tại Pháp hội Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện Đại Pháp New York 2015)
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/5/31/310250.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/6/8/150971.html
Đăng ngày 21-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.