Bài viết chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của một đệ tử ở Hà Nội tại Pháp Hội Việt Nam lần thứ nhất 5/2009

[MINH HUỆ]

Kính lạy Sư Phụ tôn kính từ bi

Kính thưa các bạn đồng tu

Tôi đắc Pháp vào tháng 2 năm 2008 giờ đã được hơn 1 năm. Trong suốt 1 năm ấy, càng ngày tôi càng thấm thía lời giảng của Sư Phụ “tu luyện là chuyện nghiêm túc phi thường”. Bao lần vấp ngã rồi lại đứng dậy, trải qua bao nhiêu khổ nạn những gì đọng lại trong tôi là sự từ bi vô lượng của Sư Phụ và sự vô biên của Đại Pháp. Có lúc tôi cảm nhận được sự run rẩy của một sinh mệnh đang cố gắng xuyên qua từng tầng lớp chấp trước kiên cố để thăng hoa. Đó là những lần tôi khóc ròng trứoc ảnh Sư Phụ khi thấy mình không đủ chính niệm để dứt bỏ nhân tâm. Thế nhưng chỉ khi một niệm hướng Thiện như thế nổi lên, tôi cảm thấy một trường từ bi ấm áp bao trùm quanh thân khiến tâm mình chợt thanh thản đến lạ thường. Sư Phụ vẫn luôn ở cạnh chúng ta như thế dù trong tu luyện cá nhân hay trong công tác chứng thực Pháp. Chúng ta có cảm nhận được sự hiện diện của Sư Phụ và lực lượng Đại Pháp hay không tùy thuộc vào nhận thức, chính niệm và tín tâm của chúng ta đối với Pháp và với Sư Phụ. Tiến lên trên hay rơi xuống dưới chỉ là một ranh giới mong manh. Trong bài tâm đắc này, tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm ấy.

Sư Phụ nhắc nhở tôi bước ra

Khi đắc Pháp một thời gian, cùng với việc đọc Kinh văn, nhận thức của tôi về sứ mệnh cứu độ cũng dần rõ rệt. Khi tôi còn đang chần chừ bước ra, Sư Phụ đã liên tục điểm hóa cho tôi qua những giấc mơ. Có lúc tôi mơ thấy mình lạc vào một cái chợ của người Hoa nhưng không thấy người nào, chỉ thấy người nằm ngổn ngang dưới những tấm chiếu và khăn che phủ dưới đất. Lúc khác tôi mơ thấy mình cùng một vài bạn đồng tu khác đứng trước cổng trường Đại học ở Việt Nam chờ giảng chân tướng cho các sinh viên người Trung Quốc. Thôi thúc bởi những lời nhắc nhở này, tôi cùng một vài bạn đồng tu nữa bước ra. Lúc đầu môi trường còn khá thoáng, việc giảng chân tướng của chúng tôi không gặp can nhiễu nào nhưng tiếp xúc với người Trung Quốc mới hiểu rõ họ bị đầu độc nặng đến thế nào. Có những lúc tôi cảm thấy đau xót khi không thể thuyết phục được họ nhận tài liệu bởi những giới hạn về tầng thứ, nhận thức và chính niệm của mình. Càng tiến thêm lên, tiêu chuẩn lại càng cao thêm. Đến một thời gian, tôi nhận thấy việc giảng chân tượng trở nên kém hiệu quả hẳn. Tôi cố gắng nhìn vào trong mà vẫn không tìm được lý do. Chợt có một lời nhắc nhở hãy đọc Cửu bình. Tôi hiểu ra rằng muốn lay động tâm họ thì phải hiểu được chướng ngại trong tâm họ, hiểu được thứ đang thao túng họ và bản thân những người chúng tôi chính niệm vẫn còn bị cản trở bởi những yếu tố tà linh cộng sản đã ăn sâu trong nhiều năm. Tôi bắt đầu đọc cửu bình và cùng với sự thay đổi trong tư tưởng, hoàn cảnh giảng chân tượng cũng được cải thiện nhiều. Sau đó một thời gian can nhiễu bắt đầu tiếp nối xảy ra. Đứng trước hoàn cảnh đó, chính niệm của tôi đã bị dao động, nhất là sau một lần mà tôi suýt rơi vào nguy hiểm nếu không có sự che chở của Sư Phụ. Nhưng cứ nhìn thấy người Trung Quốc trên phố trong lòng tôi lại áy náy vô cùng. Tôi biết họ là những người có duyên được Sư Phụ dẫn dắt sang nơi này để nghe chân tướng. Nếu tôi ngừng bước thì có phải tôi phụ sự an bài của Sư Phụ, và đánh mất cơ duyên của những người đó không? Vậy nên tôi luôn cố gắng học Pháp trước khi đi giảng chân tượng để củng cố chính niệm. Và mỗi lần mở sách tôi lại nhận được sự động viên của Sư Phụ: Gốc của tôi gắn trên vũ trụ, ai có thể động tới chư vị, người ấy có thể động đến tôi; nói thẳng ra, người ấy có thể động đến vũ trụ này” hay “Những Pháp thân của tôi điều gì cũng biết; chư vị nghĩ gì họ đều biết; điều gì họ cũng có thể làm được. Chư vị không tu luyện thì họ không quản chư vị; [còn nếu] chư vị tu luyện thì [họ] sẽ giúp đến cùng”. Tôi lại kiên trì bước ra. Quá trình vứt bỏ tâm sợ hãi đối với tôi không đơn giản. Tôi nhận thấy khi mình học Pháp tốt, thì năng lượng chân chính từ Pháp sẽ chế ngự và phủ nhận được những tư tưởng xấu khi nó khởi lên. Còn khi mình học Pháp không tốt, thì tâm mình động theo những tư tưởng tiêu cực đó, rất khó bài trừ nó và cũng khó đột phá được áp lực nặng nề trước những người bị thao túng và khống chế bởi tà ác. Càng đồng hóa với Pháp thì những vật chất sợ hãi cũng dần bị thay thế bởi những lạp tử của Pháp, của chính niệm. Khi tôi đi đến nhận thức rằng “Mọi công tác chứng thực Pháp đều do Sư Phụ an bài cho. Mình đang đi theo thực hiện an bài của Sư Phụ, lẽ nào Sư Phụ lại an bài những hoàn cảnh nguy hiểm cho mình. Vậy mình phải lo lắng gì nữa đây?”, thì tâm tôi trở nên bình ổn, lý trí và thanh tỉnh hơn. Tôi cảm nhận được lực lượng mạnh mẽ và từ bi của Đại Pháp theo mỗi bước chân. Chính niệm đầy đủ được gia trì bởi Đại Pháp có thể thức tỉnh phần biết của chúng sinh. Trong trường chính niệm ấy, tôi có thể nhận biết rõ mình phải bước tiếp như thế nào, theo hướng nào, nói gì với họ và quả thật cứ theo lời chỉ dẫn đó, thì tôi cứ đi là gặp, cứ đi là phát được rất nhiều tài liệu. Qua mỗi lần đột phá ấy, toàn thân tôi lại rung động mạnh mẽ khi cảm nhận được sự từ bi của Sư Phụ.

Khi đi giảng chân tượng, tôi luôn mang theo Hồng Ngâm đọc để thanh lý môi trường và củng cố chính niệm. Gần đây, tôi nhận thấy Sư Phụ luôn điểm hóa qua Hồng ngâm. Cứ mỗi lần bị can nhiễu, tôi thường không dám phát tài liệu trực tiếp mà chỉ đứng sau hỗ trợ chính niệm cho bạn đồng tu thực hiện. Trong một lần gần đây cũng vậy, khi tôi đang ở đằng sau hỗ trợ chính niệm tôi chợt mở Hồng Ngâm và bắt gặp bài:

Đại Pháp hành

Pháp Luân Đại Pháp.

Thâm vị trắc.

Thành đại thương khung

Tạo chúng sinh…

Một giọng nói vang lên trong tâm “Đã có một Pháp lớn đến thế, một Pháp thâm sâu như thế, một Pháp tạo chúng sinh trong tâm còn ngại gì không bước tới”. Lời thúc giục đó giúp tôi vứt bỏ chướng ngại trong tâm để bước tới và hiệu quả thật sự tốt đẹp không ngờ. Nhiều lần sau đó, khi bị can nhiễu tôi thường dở sách vào đúng phần này nhưng không phải lúc nào chính niệm cũng át được phần nhân tâm.

Khi yêu cầu càng đề cao lên, tôi cũng nhận được những lời nhắc nhở phải kết hợp giảng chân tượng cho người Trung Quốc và người Việt Nam và đặc biệt là phải mang tâm trong sáng đi giảng chân tượng cứu người. Có một lần khi đang phát tài liệu cho một đoàn người Trung Quốc tương đối đông, tôi chợt cảm thấy chính niệm của mình bị đánh bật ngược trở lại và tâm trở nên xáo động và trường áp lực nặng nề khiến người tôi như trùng xuống. Tôi thấy rõ mình không mang tâm sợ hãi nhưng vẫn không lý giải được trạng thái của mình lúc đó. Tôi tìm chỗ để nghỉ và mở Hồng Ngâm ra đọc. Đập vào mắt tôi là bài

Lý trí tỉnh giác

Thiểu tức tự tỉnh thêm chính niệm.

Minh tích bất túc tái tinh tấn.

(Bài trong cuốn Hồng Ngâm II)

Tôi chợt hiểu Sư Phụ muốn mình ngồi lại nhìn vào trong tìm ra sơ hở trong tâm. Vậy là tôi ngồi lại, tĩnh tâm suy xét. Tôi chợt nhận ra rằng cả ngày hôm nay, tâm tôi bị vướng bận vào mâu thuẫn với bạn đồng tu. Chính chấp trước đó đã tạo thành chướng ngại cản trở chính niệm xuất lai và cũng là kẽ hở khiến tà ác dùi vào. Lại một lần khác, khi tôi vừa đưa tài liệu cho một đoàn người Hoa thì đột nhiên một cơn đau đầu ập đến. Hướng nội mà tìm, tôi nhận thấy một lúc trước đã khởi lên một niệm người thường. Tâm thái của chúng ta khi đi cứu độ cũng phản ánh trực tiếp bởi thái độ của những người đó. Tôi nhớ có lần, khi vừa phát được tài liệu cho một nhóm người, tôi sinh tâm hoan hỷ, và chứng thực cá nhân tự nói với mình “A, hôm nay mình phát được nhiều thế nhỉ, tốt thể nhỉ”. Ngay khi niệm vừa xuất ra, một người trong đoàn chạy sang cả bên đường và ném tài liệu trả lại cho tôi. Lại một lần khác, khi đi giảng chân tượng cho người Việt Nam, tôi có chút thái độ chần chừ khi gặp một người có vẻ là bảo vệ nên không đưa tài liệu cho người đó. Khi người đó đi qua, tôi hiểu mình đã sai rồi. Khi đi phát tiếp, thái độ của người ta trở nên thay đổi hẳn và tôi không thể nào phát tiếp thêm cho ai được nữa. Qua tất cả những sự việc ấy, tôi càng hiểu rõ hơn giảng chân tượng là một việc vô cùng thiêng liêng và đề cao trong tu luyện cá nhân cũng gắn liền với hiệu quả của công tác Đại Pháp.

Chứng thực Pháp tại nơi công tác

Tôi đã có thái độ không đúng đắn nơi công tác. Điều này đã tạo ra đến một sơ hở lớn mà chỉ chút nữa là tôi đã phải trả giá. Cách đây một thời gian không lâu, trước khi hợp đồng 1 năm của tôi kết thúc, tôi bị báo là mình sẽ không được hợp đồng tiếp nữa mặc dù cơ quan hãy còn 1 vị trí trống. Nhưng lý do mà họ đưa ra mới là điều khiến tôi suy nghĩ: họ nói là do tôi thiếu tích cực trong công việc, và cả thiếu sáng tạo. Mặc dù lúc trước đã có vài dấu hiệu nhưng tin này vẫn đến khá đột ngột. Ngay lúc đó, niệm đầu tiên của tôi là hay là mình đã hết “nhiệm vụ” ở đây. Tôi vẫn tự nhủ trong tâm rằng mình chỉ theo và chấp nhận an bài của Sư Phụ mà thôi. Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy có gì không ổn. Thứ nhất giờ giấc làm việc ở đây rất tiện cho công tác Đại Pháp. Thứ hai tôi tự thấy mình vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm. Tôi đã giảng chân tượng và hồng Pháp cho một số người kể cả người đã từng nhận tin sai lệch nhưng tôi có cảm giác vẫn chưa đủ. Và điều khiến tôi băn khoăn nhất là cách họ nhìn nhận về thái độ của tôi. Điều này không phải là tôi đã thiếu sót trong chứng thực Pháp không. Khi nghe tin đó, tôi không chấp vào lợi, không bối rối khi nghĩ mình bị thiệt hại về kinh tế nhưng tôi không muốn họ có ấn tượng không tốt về đệ tử Đại Pháp. Cả ngày hôm đó, tâm tôi không bình an chút nào. Tôi tự hỏi không biết đây là an bài của ai, của Sư Phụ hay của cựu thế lực. Tôi trao đổi với vài bạn đồng tu mà vẫn không giải tỏa được vấn đề. Tôi cố nhìn vào trong, suy xét xem mình sai sót ở đâu và thấy tâm tưởng của tôi ngày một rối ren. Xen lẫn những suy nghĩ bảo hộ Pháp là tâm chấp vào danh và chứng thực cá nhân. Trong tâm tôi nổi lên những suy nghĩ như “Mình thế này mà họ lại bảo mình không ra gì sao? Hay “Trình độ mình có đến nỗi nào mà lại bị đánh giá như vậy chứ”. Trong cả ngày hôm đó, tôi căng thẳng với những suy nghĩ xáo trộn như vậy mà không bình tâm để thanh tỉnh mà suy xét vấn đề. Sáng hôm sau, đến tận giờ đi làm, tôi đã nghĩ là không thể thay đổi được gì. Nhưng rồi một niệm chợt nổi lên “Sư Phụ luôn nói rằng sự đề cao của đệ tử Đại Pháp là ở vị trí số 1. Miễn mình đề cao lên là mình đi theo con đường Sư Phụ an bài rồi” như Sư Phụ đã giảng (không phải nguyên văn)

Chỉ một niệm đó đã khiến tôi lý trí hơn hẳn. Tôi bắt đầu thấy rất rõ các chấp trước của mình. Từ trước đến giờ, tôi luôn làm theo cảm hứng, chỉ làm những gì mình thích. Vậy nên giờ đối với công tác Đại Pháp cũng vậy. Tôi thường lấy thời gian làm việc để làm các công việc Đại Pháp. Đối với công việc ở cơ quan tôi cho rằng mình làm cho hết trách nhiệm là được nên chỉ làm những gì mình được giao và làm với tâm đối phó, hời hợt. Cũng đã có lần tôi suy nghĩ đến lời giảng của Sư Phụ trong Chuyển Pháp Luân: “Những công nhân sau khi học Pháp Luân Đại Pháp của các ông, đến sớm về muộn, làm việc hết sức cẩn thận, lãnh đạo phân công việc gì cũng [thực hiện] không nề hà;” Tôi thật sự chưa làm được thế. Tôi luôn chấp trước vào thời gian và không muốn bị mất nhiều thời gian cho công việc. Ngay cả khi làm hội thảo, tôi cũng thường xuyên sốt ruột chỉ mong hết giờ để về học Pháp hay làm công tác Đại Pháp. Tôi nhận ra rằng mình không có cả đến sự tận tâm của một người thường, nên đã khiến cho người khác đánh giá mình là thiếu tích cực. Khi đã thấy rõ những vấn đề của mình, tôi thấy rất thanh thản và không còn rối ren trong tâm nữa. Nhớ lời Sư Phụ “Cái gì của chư vị thì là của chư vị”, tôi quyết định sẽ “tùy kỳ tự nhiên”. Thật lạ là ngay sau đó, các đồng nghiệp khác hết lòng giúp đỡ, thuyết phục lãnh đạo cho tôi cơ hội khác. Cuối cùng người sếp cũng bằng lòng và cho tôi cơ hội thử sức với một công việc mới. Qua đó, tôi hiểu ra rằng chính niệm thật sự có thể thay đổi hoàn cảnh và chỉ nhìn vào trong là sẽ vượt qua được khảo nghiệm.

Phối hợp chỉnh thể

Gần đây, hệ thống loa âm thanh ở nơi tập công chung của chúng tôi thường trục trặc mặc dù đã sạc điện đầy đủ. Từ nhận thức cá nhân tôi cho rằng nó phản ánh tình trạng tu luyện của cả nhóm và mỗi người nên tự xét chính mình, đề cao chính mình thì mới cải thiện được hoàn cảnh ấy. Về phía bản thân mình, tôi cho rằng tình huống can nhiễu đó nhắm vào một số tâm thái sau. Khi sự việc đó xảy ra, bản thân chúng ta nhìn nhận nó thế nào. Nếu chúng ta đổ lỗi cho người phụ trách loa đài, chứng tỏ chúng ta chưa trân trọng công sức của bạn đồng tu khác. Nếu chúng ta cảm thấy chán nản chứng tỏ chúng ta vẫn còn bị ngoại cảnh chi phối. Tôi nhớ khi nơi tập công bị can nhiễu, tất cả mọi người đều phối hợp rất tốt với nhau để duy hộ Pháp, tạo nên một trường kiên cố không gì phá vỡ khiến can nhiễu bị đẩy lùi. Vậy mà khi hoàn cảnh có vẻ thuận lợi hơn, chúng ta lại không phối hợp được với nhau tốt như vậy. Nếu có ai thấy rằng âm thanh trục trặc mà cho rằng tự tập ở nhà tốt hơn thì cho thấy chúng ta chưa biết trân quý môi trường chứng thực Pháp cực kỳ quan trọng đó. Đã có bao người có duyên đắc Pháp nhờ môi trường ấy, và nhiều người khác được giới thiệu về Pháp Luân Công cũng ở môi trường đó. Môi trường này được xây dựng nhờ vào nỗ lực của tất cả chúng ta và Sư Phụ vẫn luôn gia trì cho môi trường đó. Nhiều người khi bước vào môi trường đó có cảm giác rằng ngay cả trong mùa đông, nó cũng ấm áp hơn hẳn những chỗ khác. Sư Phụ đã giảng khi có mâu thuẫn, tất cả ai liên quan đều nên nhìn vào trong (không phải chính văn). Và khi có mâu thuẫn thì tất cả đều có vấn đề. Nếu chúng ta không thực sự từ thiện tâm mà giải quyết vấn đề thì những rạn nứt tạo ra sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho chúng ta trong việc duy hộ hoàn cảnh ấy. Tôi thật tâm mong rằng tất cả chúng ta sẽ cùng nhau trân quý và duy hộ môi trường chứng thực Pháp đó.

Trên đây là những chia sẻ của tôi ở tầng thứ hữu hạn của mình. Nếu nhận thức có gì chưa đúng với Pháp mong các đồng tu từ tâm chỉ rõ.

Một lần nữa, con xin được tạ ơn Sư Phụ từ bi đã cho con được đắc Pháp và dẫn dắt con cho đến ngày hôm nay.

Xin cảm ơn các bạn đồng tu đã luôn giúp tôi trên con đường tu luyện. Mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau bước đi kiên định, tinh tấn trên con đường trở về nhà, thực hiện tốt sứ mệnh và thệ ước của mình như Sư Phụ giảng:

“Kiên tu Đại Pháp tâm bất động

Đề cao tầng thứ thị căn bản

Khảo nghiệm diện tiền kiến chân tính

Công thành viên mãn Phật Đạo Thần”

(Kiên định – Hồng Ngâm 2.)


Đăng ngày: 16-5-2009

Share