Bài viết của một học viên người Việt tại Sài Gòn, Việt Nam

Gần đây trên một diễn đàn của một nhóm học viên Việt ở quốc nội đã xuất hiện một số hiện tượng bất đồng quan điểm mà biểu hiện ra cũng khá là gay gắt. Có một học viên đã công khai dùng những lời lẽ khẳng khái và mạnh bạo để bình luận về một số tình huống nhận thức và tâm thái của những học viên khác. Người học viên này khi trình bày đã lập tức đi thẳng vào vấn đề và dùng một số từ ngữ cũng khá là quyết liệt để thể hiện quan điểm. Điều này đã gây nên nhều sự bất bình và khó chịu cho ít nhiều học viên trên diễn đàn. Một số còn cho rằng người học viên lên tiếng kia đang tự đặt mình cách biệt với chỉnh thể và biểu hiện là thiếu từ bi.

Tôi chính là người học viên lên tiếng đề cập ở trên. Thế nhưng bài chia sẻ này tôi không có ý định bàn luận về nội dung gây bất đồng quan điểm giữa nhiều học viên. Tôi muốn chia sẻ đôi lời dựa trên khía cạnh tu luyện cá nhân. Sư Phụ dạy chúng ta rằng trong khi tu luyện thì bất kể điều gì xảy đến cùng đều là tốt cho sự đề cao của chúng ta. Và với tôi sự bất đồng quan điểm vừa xảy đến giữa các học viên chính là một tình huống tu luyện có ích cho sự đề cao.

Đôi khi chúng ta tự mình thật khó nhận ra được các chấp trước đã bị ẩn giấu lâu ngày sau khi trải qua nhiều năm tháng lăn lộn trong cõi hồng trần. Thậm chí dù sau khi đã có cơ may đắc được Đại Pháp, chúng ta vui mừng khôn xiết mà tự nhắc nhở bản thân phải thật cặn cẽ suy xét trong nhất cử nhất động, thí chính việc làm đó cũng có thể khiến chúng ta tự mình phong tỏa chặt lại thêm chính các chấp trước vốn đã bị giấu kỹ kia đi. Chúng ta càng tỏ ra “kiên cố” trước mọi lời tác động bao nhiêu thì lại cũng càng có thể khiến chúng ta bỏ lọt ngoài tai cả những lời hảo tâm góp ý bấy nhiêu. Nhất là khi đó lại là những lời góp ý mang tính phê bình ngược lại với quan điểm hiện tại của chúng ta.

Sư phụ giảng:
“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Chuyển Pháp Luân, Bài giảng thứ Tư)

Từ góc độ tu luyện, tôi nhận thấy chính khi có những lời khó nghe, những lời nghịch với nhận thức của bản thân, những lời phê bình góp ý từ các đồng tu hay từ chính những người bình thường khác lại có tác dụng giúp chúng ta đề cao mau chóng. Những lời trái ý thì sẽ có thể đánh thẳng vào cái tâm của mình và làm cho nó lay động. Tu luyện mà chỉ toàn thích tụ họp với những đồng tu có cùng quan điểm, và chia sẻ về những vấn đề tâm đầu ý hợp thì sẽ khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội đề cao. Chính khi mâu thuẫn xảy ra, mâu thuẫn giữa các đồng tu xảy ra thì lúc đó là tình huống tu luyện. Chúng ta phát hiện ra được, tự nhìn vào bên trong, thấy được tâm thái chưa tốt khi bị kích động thì đó chính là chúng ta đang tiến đến việc đề cao.

Thường thì giữa các học viên do ai nấy cũng đều mang phong thái tu luyện nên dường như chúng ta ít để ý đến sự xuất hiện của những va chạm tâm tính, tranh luận, bất đồng quan điểm giữa chúng ta với nhau. Chúng ta coi đó đều là những trạng thái không đúng đắn, không cho phép chúng xuất hiện hoặc khi xuất hiện thì chúng ta cố gắng tỏ ra kiên cố không lay động. Thế nhưng theo tôi thấy chính những mâu thuẫn xuất hiện đó đem đến cho chúng ta một tình huống tu luyện tốt để đề cao. Tiếp thu được ý kiến của người khác, nhất là những ý kiến trái ngược cái quan điểm hiện tại của mình sẽ giúp chúng ta khai mở được một số vướng mắc của tư tưởng. Đôi lúc chúng ta bị quanh quẩn mãi bởi một quan điểm nào đó mà chúng ta cảm thấy rất tâm đắc, rất đúng đắn. Và khi chúng ta càng ôm giữ nó, cộng thêm chúng ta không ngớt “đề phòng” mọi sự kích động xung quanh thì có thể vô tình chúng ta đã để cho bản thân bị “kẹt” lại tại một nơi nào đó. Ngay khi chúng ta mở lòng ra với mọi lời góp ý và thẳng thắn nhìn vào bên trong mình, chúng ta có thể thấy được một khung cảnh khác thanh bình hơn.

Trên đây chỉ là những hiểu biết tại tầng thứ của tôi. Có điểm gì sai sót mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điểm chưa đúng.

Ngày 15 tháng 4 năm 2009

Share