Bài viết của Phương Chính Văn, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-11-2014] Tại địa phương tôi ở, các điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng hiện như hoa nở khắp nơi, và tài liệu sản xuất ra đều có chất lượng tốt và đa dạng chủng loại.

Tuy nhiên, có rất nhiều học viên không biết cách bảo trì thiết bị. Mỗi khi máy in có trục trặc nhỏ gì đó, họ lại đi tìm các học viên biết kỹ thuật để nhờ hỗ trợ.

Vì vậy trong một thời gian, tôi trở thành một người chuyên đi giúp các học viên giải quyết các vấn đề đơn giản về kỹ thuật và tìm người để sửa các máy in. Khi có người thông báo với tôi về máy in của họ không hoạt động, tôi sẽ đạp xe đạp đến nơi và mang đi, từng chiếc một, rồi đem trở lại sau khi nó được sửa xong.

Điều này làm tôi trở nên bận rộn. Tôi tự nhủ, tôi là một đệ tử Đại Pháp, chỉ cần là việc của Đại Pháp, dù có khổ nữa, khó nữa, tôi cũng nhất định phải làm.

Nhưng trong quá trình này, tôi dần nhận ra đó không chỉ là việc sửa chữa thiết bị, mà còn chính là quá trình tu tâm.

Hướng nội bất cứ khi nào nảy sinh tâm oán giận

Học viên A và tôi có kế hoạch đến nhà học viên B để lấy máy in. Tuy nhiên, chúng tôi đã bị chậm lại, và khi đến nhà đồng tu B, trời đã tối.

Học viên B lạnh lùng hỏi chúng tôi: “Các bạn có mệt không?” Chúng tôi nói không. Anh ấy đáp: “Tôi thì mệt rồi. Tôi đã đợi các bạn ba tiếng đồng hồ rồi.”

Sau khi lấy máy in, tôi hỏi học viên A: “Bạn thấy thế nào sau khi nghe học viên B nói?” Cô trả lời cô không thấy giận học viên B. So sánh với tấm lòng bác đại của cô ấy, tôi nhận ra chấp trước oán giận của mình. Tôi bắt đầu hướng nội. Ba tiếng thực sự là một thời gian dài, và chúng tôi đã không nghĩ đến học viên B. Rõ ràng là ở phương diện này, tôi cần phải đề cao tâm tính của mình.

Tôi đưa máy in đến chỗ sửa chữa và khi về đến nhà, lúc đó cũng gần 10 giờ đêm. Khi ăn tối và nhìn lại những gì xảy ra trong hôm nay, tôi nhận ra những oán giận đã biến mất. Sư phụ đã giúp loại bỏ nó cho tôi.

Sau khi máy in được sửa xong, tôi đã liên hệ với học viên B và hỏi xem khi nào tôi có thể đưa lại máy cho anh ấy. Anh trả lời: “Cứ để nó ở nhà bạn. Bởi mấy ngày tới tôi rất bận.” Anh nói anh sẽ gửi tin nhắn để tôi biết khi nào có thể đến đưa máy in cho anh ấy.

Lúc đó, tôi bắt đầu thấy khó chịu và nghĩ: “Anh ấy rất lo lắng khi máy in bị lỗi. Giờ sửa xong rồi thì anh ấy lại không mau chóng mà lấy nó về, mình lại phải giữ cho anh ấy Tại sao anh ấy không biết nghĩ cho người khác?” Nhưng ngay lập tức tôi ý thức được tâm oán giận của mình đang nổi lên, tôi đã tóm lấy nó, diệt trừ nó và buông bỏ triệt để.

Tiếp đến lại có thêm nhiều khảo nghiệm khác. Học viên B nói với tôi anh muốn dùng máy in. Khi đó tôi đang làm ở một hạng mục khác và nói anh ấy liên lạc với một học viên khác. Anh nói anh không thể chờ người học viên này và rất lo lắng. Cuối cùng, tôi không còn lựa chọn nào ngoài việc tự mang máy in đến cho anh ấy.

Bởi xe buýt đã hết giờ chạy, và nếu đi bằng taxi sẽ mất 40 nhân dân tệ. Nên tôi đã chở máy in bằng xe đạp, và tay tôi thì nhuộm màu đen bởi mực in. Tôi hiểu rằng can nhiễu này xuất hiện để tôi oán giận học viên B và từ chối chuyển máy in cho anh ấy.

Vì thế tôi quyết định chuyển máy in đến chỗ học viên B. Tôi đã mang thiết bị đến điểm hẹn và học viên B yêu cầu tôi đi bộ xa hơn về phía Bắc để giao máy. Tôi tự nhủ mình cần luyện tính nhẫn nại, đưa cho anh ấy máy in và không nghĩ điều gì khác.

Tôi đã thành công trong việc giao lại máy in cho học viên B mà không phàn nàn gì. Trên đường về nhà, tôi cảm thấy trong tâm rất nhẹ nhàng. Tôi biết tâm tính tôi đã được đề cao.

Khi thấy thiếu sót của đồng tu, hướng nội tìm bản thân

Học viên C là một đồng tu lớn tuổi rất tích cực trong việc giảng chân tướng trực diện cho người dân. Bà hay mang một lượng lớn tài liệu trong một chiếc xe kéo và đi đến các đám đông để phát tài liệu. Bà còn tải về một số tài liệu và in ấn, ghi các đĩa DVD, làm các tấm thẻ và bùa hộ mệnh có thông điệp về Pháp Luân Công.

Bất cứ khi nào bà có vấn đề với máy in hoặc máy tính của mình, bà thường gọi tôi để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, khi tôi đến nơi, bà thường hay dành thời gian để than phiền về các học viên khác. Tôi cố gắng nói với bà có thể đó chỉ là hiểu nhầm giữa các học viên, nhưng bất kể tôi chia sẻ nhận thức của tôi với bà như thế nào, bà vẫn không thay đổi. Điều này khiến tôi chú ý tại sao bà liên tục than phiền với tôi.

Tôi nhớ lại lời Sư phụ giảng trong bài “Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago 2004”:

“Khi xuất hiện bất kể mâu thuẫn gì, xuất hiện bất kể sự việc gì — tôi từng dạy chư vị rồi — thì không chỉ hai người có phát sinh mâu thuẫn ấy phải tìm nguyên nhân bên trong bản thân mình, mà người thứ ba [đứng ngoài chứng kiến] cũng phải nghĩ về bản thân mình, vì sao lại để chư vị thấy [mâu thuẫn] ấy? Huống là chúng ta đang là một trong những người gây mâu thuẫn đó; vì sao không tự tu bản thân mình đi?”

Sư phụ cũng giảng trong “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC 2009”:

“Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo.”

Tôi tự nhủ: “Chẳng phải bản thân mình cũng có vấn đề sao?” Điều này chắc hẳn là có lý do. Tôi phát hiện rằng mình có thành kiến với người phụ trách và vấn đề này chưa được giải quyết. Tôi đã chọn cách chia sẻ riêng việc này với các đồng tu khác, thay vì từ bi chia sẻ một cách trực tiếp với người điều phối. Vì vậy, tôi đã mắc sai lầm và không hành động dựa trên Pháp. Khi nhận ra vấn đề của mình, tôi nhận thấy học viên C cũng ngừng than phiền với tôi về các đồng tu khác.

Một lần nữa, tôi nhận ra rằng không có những điều nhỏ nhặt trong tu luyện, mỗi sự việc đều cần buông bỏ nhân tâm

Trong mâu thuẫn, hướng nội tìm bản thân

Chúng tôi đã ngừng in Tuần báo Minh Huệ ở địa phương của mình, và tôi nghĩ mình nên chịu trách nhiệm đảm nhiệm việc này. Với sự giúp đỡ của các học viên, tôi bắt đầu công tác biên tập tuần báo cho địa phương. Vì thế tôi phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, và khi gặp vấn đề không thể giải quyết, tôi đi tìm sự trợ giúp từ các đồng tu khác.

Đồng thời, tôi chú ý nhiều đến việc bài trừ ảnh hưởng sâu đậm của Văn hóa đảng trong các bài viết. Bài viết của tôi được Ban Biên tập Minh Huệ kiểm tra lại và đăng tải. Từ đó, tôi đã tăng thêm tín tâm và trở nên độc lập hơn.

Cũng bởi tôi thấy tự tin với những gì đang làm nên vào một đêm nọ, học viên E yêu cầu tôi đến nhà anh ấy. Khi tôi đến đó, có một sự cố đã xảy ra. Anh ấy nói: “Học viên D muốn nói chuyện với bạn”, rồi anh ấy lập tức rời đi.

Học viên D nói ông biết tôi đã viết về những bức hại ông trải qua trên Tuần báo Minh Huệ và những báo cáo này đã được đăng công khai. Ông lo sợ sẽ bị bức hại trong tương lai và hy vọng tôi chấm dứt việc này.

Tôi cảm thấy giận dữ và tự bảo vệ mình. Tôi nói: “Tôi đã thấy việc này được đăng trên website Minh Huệ và đã dùng nó cho phiên bản tuần báo ở địa phương. Tôi đã sai khi không nói với ông trước khi sử dụng bài viết này.” Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục nói về những gì tôi đã làm.

Tôi thấy không vui về học viên E khi anh ấy đẩy tôi vào tình huống này. Tôi cảm giác như bị phản bội và quyết định ngừng tham gia hạng mục này. Tôi ra về mà trong tâm trĩu nặng. Trong hơn một tháng, tôi không thể viết một bài nào. Chính vì thế, chúng tôi đã dừng in tuần báo. Trong thời gian đó, tôi cố gắng tìm kiếm người có thể giúp tôi đảm đương việc này.

Nhưng sau đó, thông qua học Pháp không ngừng, tôi nhận ra mình đã sai. Đây chẳng phải là cơ hội cho tôi đề cao tâm tính hay sao? Tôi đang làm một việc thiêng liêng đến vậy. Nếu như các tâm chấp trước người thường của tôi không bộc lộ ra, làm sao tôi có thể trở nên tốt hơn? Tôi tu luyện thế nào đây? Tôi phải tiếp tục viết bài cho Tuần báo Minh Huệ, phơi bày tà ác và góp phần cứu thêm nhiều người.

Hiện tại, tôi vẫn đấu tranh với những quan niệm người thường của mình và cũng có nhiều chấp trước cần loại bỏ. Đến nay tôi nhận ra không có những chuyện nhỏ nhặt trong tu luyện. Mọi thứ xảy đến với tôi là có lý do. Chỉ khi tôi dùng pháp bảo “hướng nội tìm”, thì tôi mới thực sự là người tu luyện.

Tôi vẫn đang kiên định làm những gì cần phải làm. Khi tôi viết các báo cáo cho Tuần báo Minh Huệ và mọi việc diễn ra không thuận lợi, tôi ngay lập tức nhìn lại tâm tính của mình. Liệu có bất cứ chấp trước người thường nào kéo tôi lại không? Những Pháp lý nào tôi chưa thực sự hiểu được? Tìm thấy vấn đề của mình liền lập tức quy chính lại, đây chính là quá trình đề cao.

Trong tu luyện, chúng ta cần không ngừng tẩy tịnh bản thân, bước ra khỏi trạng thái người thường và hướng đến cảnh giới của Thần.

(Giao lưu tâm đắc thể hội của Đệ tử Đại Pháp Đại Lục lần thứ 11 trên Minh Huệ Net)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/15/299616.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/11/19/146940.html

Đăng ngày 09-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share