Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ ở Ottawa, Canada

[MINH HUỆ 03-02-2014] Một Nghị sỹ của Nghị viện cấp tỉnh ở Ontario, ông Jack MacLaren, gần đây đã gặp phải sự phiền nhiễu không mong đợi từ đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Vào ngày 13 tháng 01 năm 2014, ông đã nhận được một lá thư không ký tên từ chi nhánh của CPAFFC (Hiệp hội Quan hệ hữu nghị với nước ngoài của Nhân dân Trung Hoa) ở Giang Tô, một tổ chức của ĐCSTQ. Bức thư yêu cầu ông ngừng ủng hộ Pháp Luân Công và thúc giục ông yêu cầu các đồng sự của mình cũng làm điều tương tự.

Ông MacLaren cho biết đòi hỏi của các tổ chức của ĐCSTQ không thể tác động tới quyết định của ông. Ngược lại, ông nói, bức thư đã thúc đẩy ông thêm nỗ lực ủng hộ các học viên Pháp Luân Công.

Ông Jack Maclaren, một Nghị sỹ ở Ontario đại biểu cho quận Carleton-Mississippi Mills

Ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với Pháp Luân Công

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Tân Đường Nhân, ông MacLaren tuyên bố: “Tôi đã công khai phát biểu ủng hộ Pháp Luân Công với tư cách là một tổ chức và là người thực hành một tín ngưỡng hòa bình. Nguyên lý của họ là Chân – Thiện – Nhẫn. Sự hiện diện của họ trong các cộng đồng ở Canada và Trung Quốc là rất tích cực.

“Tôi quan ngại về việc nhận lá thư này từ Hiệp hội ở Giang Tô. Nó đến từ nước ngoài, đất nước Trung Quốc. Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã tác động phần nào đến tổ chức này và lá thư này. Tôi nhận thức rất rõ rằng ở Trung Quốc, Pháp Luân Công đang bị bức hại.”

Trước đó ông đã gửi một lá thư chúc mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp và công khai lên án tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Ông Lý Tấn, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp ở Canada nói: “Bức thư không ký tên từ CPAFFC về bản chất là bức thư đe dọa. Nó cố gắng lợi dụng các mối quan hệ kinh tế giữa Ontario và tỉnh Giang Tô để gây ảnh hưởng đến các sự vụ cấp địa phương ở Canada. Tuy nhiên, điều ĐCSTQ không mong đợi là bức thư của họ lại thúc đẩy các nhà lập pháp tăng cường sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.”

Cựu thị trưởng St.John’s: ĐCSTQ là “kẻ độc tài đáng ghét”

Trường hợp của ông MacLaren là một ví dụ gần đây cho thấy nỗ lực kéo dài cả thập kỷ của ĐCSTQ nhằm mở rộng cuộc bức hại của nó ra bên ngoài Trung Quốc qua các kênh ngoại giao, truyền thông và các kênh khác.

Sau khi thành phố St John’s, thủ phủ của Newfoundland ở Canada, công bố “Tuần Pháp Luân Đại Pháp” vào tháng 05 năm 2001, đại sứ Trung Quốc đã gửi thư và các tài liệu vu khống Pháp Luân Công đến các chính khách Canada.

Bức thư của cựu Thị trưởng St.John’s Andy Well gửi tới ông Mai Bình, Đại sứ Trung Quốc ở Canada.

Ông Andy Wells, thị trưởng thời đó của thành phố St.John’s đã viết một lá thư trả lời: “Tôi đã vui mừng tiếp các đại diện Pháp Luân Công ở văn phòng chúng tôi trong suốt tháng Năm. Cuộc bức hại của các Ngài đối với nhóm người vô tội này là minh chứng cho sự suy đồi về đạo đức và phẩm cách của chính phủ Ngài. Hàng nghìn học viên Pháp Luân Công vô tội đã bị bắt giam, tra tấn và một số bị giết bởi chính phủ của Ngài. Tuyên bố của Ngài rằng luật pháp Trung Quốc bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các tử tù trong các trại lao động thật là lố bịch.”

Cựu nghị sỹ: “Một lần nữa tôi tự hào gửi lời chúc mừng”

Cuối tháng 08 năm 2000, các học viên Pháp Luân Công đã nhận được nhiều thư chúc mừng Tuần Pháp Luân Đại Pháp. Đại sứ Trung Quốc đã gửi thư tới các Nghị sỹ và quan chức chính phủ khác, yêu cầu họ không ủng hộ bất kỳ hoạt động nào của Pháp Luân Công ở Canada.

Nghị sỹ Gorden Earle là một trong số những người nhận được thư, ông viết: “Là người phát ngôn đa văn hóa của Liên minh NDP tôi đã soạn ra bức thư của mình… một lần nữa, tôi tự hào thay mặt cho Đảng Dân Chủ Mới của Canada gửi lời chúc mừng tới những người kỷ niệm Tuần Pháp Luân Đại Pháp.”

Thư trả lời của cựu Nghị sỹ Gordon Earle gửi tới ông Mai Bình

Trước đây một cựu nghị sỹ đã chia sẻ rằng phản ứng của ông đối với những lá thư tuyên truyền thù hận như vậy là lập tức ném chúng vào thùng rác. Một lần ông đã nói với các học viên Pháp Luân Công rằng trong nhiều vấn đề, các đảng phái chính trị khác nhau của Canada rất khó đạt được thỏa thuận chung. Tuy nhiên, họ đồng thuận về việc ủng hộ Pháp Luân Công và lên án cuộc bức hại.

Truyền thông Canada phơi bày sự xuất khẩu tuyên truyền của chế độ Trung Quốc

Vào ngày 20 tháng 03 năm 2004 tờ The National Post đã cho đăng một bài viết với tựa đề “Cuộc bức hại Pháp Luân Công lan đến Canada.” Bài báo đưa tin chi tiết về trường hợp đại sứ Trung Quốc ở Canada và các nhân viên khác của đại sứ quán và lãnh sự quán đã vu khống Pháp Luân Công trong các cuộc họp cá nhân hoặc thư từ giữa các chính trị gia và cơ quan truyền thông để kích động hận thù đối với Pháp Luân Công.

Bài báo viết rằng ông Mai Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Canada, đã đến thăm The National Post để vu khống Pháp Luân Công và để lại một quyển sách có nội dung phỉ báng. Bài báo chỉ ra rằng những lời phỉ báng là “vô căn cứ” và rằng “không có chính phủ nào khác từng chế nhạo công dân của chính mình, những người nghe theo lời dạy của thầy Lý [người sáng lập Pháp Luân Công].”

“Trong một lá thư viết vào tháng 03 năm 2003, gửi tới ông Jim Peterson, một nghị sỹ Đảng Tự do và giờ đây là thành phần nội các của ông Paul Martin, Chu Quang Hữu, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Canada, cảnh báo rằng Trung Quốc đã ‘khuyến cáo chính phủ Canada về tính nhạy cảm của vấn đề [Pháp Luân Công] trong các mối quan hệ song phương. Tôi hy vọng Ngài và chính phủ của Ngài hiểu quan điểm của chúng tôi và cảnh giác với bất kỳ nỗ lực nào của Pháp Luân Công nhằm gây hại cho mối quan hệ song phương của chúng ta.’ Bức thư được gửi đến cùng với bộ tài liệu tuyên truyền chuẩn chống Pháp Luân Công hiện nay”, bài báo chỉ rõ.

Bài báo cũng phơi bày việc các phương tiện truyền thông phát sóng bằng tiếng Trung đã được tận dụng để tuyên truyền hận thù đối với Pháp Luân Công như thế nào. “Vào tháng 08 năm 2002, Hội đồng Tiêu chuẩn phát sóng Canada phát hiện rằng một kênh truyền hình Hoa ngữ, đặt trụ sở tại Vancouver, Tầm nhìn tài năng, đã vi phạm bốn quy tắc trong Chuẩn mực đạo đức của Hiệp hội phát thanh truyền hình Canada cũng như đạo đức nghề báo với việc phát sóng lại chương trình tuyên truyền chống Pháp Luân Công do cơ quan truyền thông Bắc Kinh chịu sự quản lý của nhà nước sản xuất.”

Theo một bài báo vào tháng 02 năm 2000 trên The Globe and Mail, cơ quan An ninh Trí tuệ Canada (CSIS) đã phơi bày “một âm mưu do chính phủ Trung Quốc bảo trợ” trong những năm sau vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn 1989, âm mưu này nhằm cố gắng làm dịu đi những chỉ trích về thành tích nhân quyền của Bắc Kinh bằng cách giành quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông Hoa ngữ của quốc gia.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2014/2/3/无惧胁迫-加国省议员支持法轮功-287211.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2014/2/5/145246.html

Đăng ngày 12-02-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share