Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bắc Kinh
[MINH HUỆ 08-11-2013] Tôi đã nhiều lần buông lơi trên con đường tu luyện, và không thể buông bỏ tự ngã, nhưng các bài chia sẻ trên mạng của các đồng tu đã khích lệ tôi. Cảm tạ Sư tôn đã vì các đệ tử ở Đại lục mà khai sáng phương thức trao đổi kinh nghiệm tuyệt vời này, từ đó chúng ta thực sự thu được lợi ích và có thêm động lực. Sau nhiều lần bỏ lỡ cơ hội chia sẻ, cuối cùng lần này tôi đã đột phá sự trì trệ và ích kỷ của bản thân, viết ra thể hội của tôi trong 10 năm tu luyện, để báo cáo lên Sư phụ từ bi. Nếu có chỗ nào chưa phù hợp, xin các đồng tu hãy từ bi chỉ ra.
Theo Sư phụ, phản bổn quy chân
Mẹ tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996, nhờ vậy đã chữa khỏi những căn bệnh mãn tính và cứu được mạng sống của bà. Bà rất hạnh phúc, đến nỗi đã mua quyển Chuyển Pháp Luân cho mỗi người trong gia đình. Khi đó tôi đang là sinh viên học nghệ thuật điện ảnh và đã đóng trong một vài bộ phim nổi tiếng. Tôi hoàn toàn tập trung vào việc công thành danh toại. Sự truy cầu danh tiếng và tiền bạc đã làm tôi lỡ mất cơ hội tu luyện trong khoảng thời gian đó.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu vào năm 1999. Mẹ tôi đã đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp, nhưng đã bị bắt. Tôi đến văn phòng thỉnh nguyện để tìm hiểu xem bà bị giam ở đâu và yêu cầu thả người. Bất kể khi nào nghe thấy ai đó lăng mạ Đại Pháp, tôi sẽ khuyên can họ, và nói lời công bằng cho Đại Pháp. Có thể Sư phụ đã nhìn thấy tôi vẫn có một chút chính niệm và đã cho tôi một cơ hội khác.
Mẹ tôi buộc phải rời khỏi nhà để tránh bức hại. Bà quay về vào năm 2002, và có một giấc mơ về việc thuyết phục tôi bắt đầu tu luyện. Khi đó, tôi đã mệt mỏi với việc theo đuổi danh, lợi, tình của người thường. Trong những thứ tôi đạt được, không có gì làm cho tôi hạnh phúc thực sự. Khi mẹ tôi kể về giấc mơ và khuyên tôi tu luyện, tôi đã bật khóc. Tôi trang trọng tuyên bố bắt đầu tu luyện, và theo Sư phụ phản bổn quy chân.
Buông bỏ chấp trước vào tự ngã, lấy khoan dung bình hòa đối đãi với người khác
Sư phụ đã giảng:
“Mọi người còn nhớ, tôi thường nói câu này với chư vị, rằng đệ tử Đại Pháp làm gì cũng trước hết phải nghĩ đến người khác. Mỗi khi phát sinh một sự việc nào đó, khi xuất hiện một tình huống nào đó, cũng không e dè việc nhỏ nhặt, thì niệm thứ nhất của tôi là nghĩ về người khác trước, bởi vì đã thành quen như thế rồi, tôi bao giờ cũng nghĩ đến người khác trước.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội 2002 ở Boston”)
Do trong cuộc sống người thường, tôi luôn gặp thuận lợi, và đạt được thành công sớm, nên đã dưỡng thành tính cách ngạo mạn, ngang ngược và coi mình là trung tâm. Ngay khi bắt đầu tu luyện vào năm 2002, tôi đã trải qua một khảo nghiệm và chứng kiến sự mỹ hảo của việc đề cao tâm tính.
Một lần, tôi dành cả ngày chỉnh sửa một đoạn phim. Khi gần hoàn thành vào khoảng 8 giờ tối, một đồng nghiệp vô ý xóa mất tài liệu của tôi trên máy chủ khi đang cố gắng giải phóng dung lượng. Cô rất hoảng sợ và tìm người quản lý máy chủ giúp khôi phục tài liệu, nhưng họ đã không thể tìm lại được tài liệu đó. Tôi hết sức tức giận vì cả ngày làm việc của tôi đã mất trắng. Dự án phải nộp vào ngày hôm sau, và tôi sẽ phải dành cả đêm để làm lại từ đầu. Tôi chạy về văn phòng, trong lòng đầy tức giận.
Tôi đã tìm cách khiếu nại, nhưng cuộc gọi đầu tiên không thực hiện được, còn cuộc gọi thứ hai thì không có người trả lời. Điều này khiến tôi xem xét lại vấn đề, tôi tự hỏi người tu luyện có nên gọi điện khiếu nại không. Tôi gọi cho mẹ tôi, bà nói: “Họ không cố ý. Không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả. Đây chẳng phải là khảo nghiệm cho con ư? Và học viên Đại Pháp cần là người tốt trong mọi hoàn cảnh. Hãy nghĩ đến người khác trước.” Lời nói của mẹ đã giúp tôi bình tĩnh lại. Sau đó tôi nhận được cuộc gọi từ bộ phận hỗ trợ kĩ thuật. Cô ấy đã làm việc cả ngày và vừa mới ngủ trước khi tôi gọi. Tôi cảm thấy có lỗi vì đã làm gián đoạn giấc ngủ của cô. Tôi đã hoàn toàn vượt qua cơn giận, và không khiếu nại về mất mát của mình nữa.
Tôi nhận ra rằng đồng nghiệp của tôi hẳn rất lo lắng, tôi trở lại phòng máy tính. Đó là một ngày đông rất lạnh, cô ấy đang đi đi lại lại trong căn phòng lạnh đó. Tôi nói: “Đừng lo! Tôi biết chị không cố tình xóa tài liệu của tôi. Tôi sẽ làm lại. Dù sao tôi cũng có thể luyện tập thêm một chút.” Cô ấy rất cảm động và bắt đầu khóc, lặp đi lặp lại câu “xin lỗi”.
Tôi bước vào phòng máy tính, và thật đáng ngạc nhiên, người quản lý máy chủ nói rằng tài liệu đã được phục hồi. Không có mất mát nào cả. Tài liệu của tôi nằm ngay ngắn trên màn hình máy tính. Tôi cảm thấy rất kích động, và cảm tạ Sư phụ nhiều lần. Đây là lần đầu tiên tôi trải nghiệm được sự thù thắng mỹ hảo của khi vượt qua khảo nghiệm tâm tính, và cảm nhận hạnh phúc khi tha thứ cho người khác. Một cảnh giới mới hiện ra trước mắt tôi. Nghĩ cho người khác là một biểu hiện của tâm từ bi!
Trong khi tiếp tục tu luyện, tôi luôn có thể cảm thụ được sự thù thắng mỹ hảo của việc cảnh giới được thăng hoa. Những người biết tôi sau năm 2002 nghĩ rằng tôi dễ gần và khoan dung độ lượng, sẵn lòng giúp người khác – hoàn toàn tương phản với “tôi” ngày xưa kiêu ngạo và ngang ngược.
Buông bỏ tự ngã và từ bi cứu độ chúng sinh
Lần đầu tiên giảng thanh chân tướng bằng cách phát tờ rơi, tôi không biết phát chính niệm. Tim tôi đập thình thịch và tôi rụt rè sao chép các tờ rơi tại nơi làm việc. Tuy nhiên, giấy kẹt trong máy in và tôi đã không thể rút ra dù có cố gắng thế nào.
Một đồng nghiệp đã giúp tôi rút tờ giấy ra và nhìn tờ rơi một cách rất nghi ngờ. Nỗi sợ bóp nghẹt tôi đến mức tim tôi gần như nhảy ra ngoài cơ thể. Tôi từng là người rất táo bạo và không bao giờ hồi hộp khi biểu diễn trước hàng nghìn người. Tại sao giờ đây tay tôi lại run lên? Sau này nhờ học Pháp tôi đã biết rằng nhân tố tà ác ở không gian khác đang gây ra can nhiễu này. Những khi như vậy trong tâm tôi thường thấy nặng trĩu, cảm thấy một loại áp lực đè nặng lên mình.
Tôi đã quyết tâm vượt qua nỗi sợ. Tôi nắm lấy mọi cơ hội giảng thanh chân tướng về Pháp Luân Công cho những người tham gia chương trình TV này. Ban đầu tôi có tâm sợ hãi, dù tôi đã nói từ “Pháp Luân Công” rất nhỏ. Những người nghe thấy từ đó nhìn xung quanh một cách lo lắng. Sau này tôi biết cách phát chính niệm thanh trừ các nhân tố tà ác ngăn chúng sinh nghe chân tướng.
Tôi suy nghĩ về cách dùng từ và nội dung của các chủ đề giảng thanh chân tướng của mình. Tôi kể về mẹ tôi và các học viên khác đã trải qua bức hại như thế nào. Vì tôi hiểu cách thức làm việc của đài truyền hình, nhiều người đã rất hứng thú nghe sự thật đằng sau bản tin về vụ tự thiêu tại Thiên An Môn và họ đã tin tôi.
Để giảng thanh chân tướng về Pháp Luân Công cho nhiều người hơn nữa, tôi thường tự nguyện nói chuyện với bạn bè và con cái của đồng nghiệp về các cơ hội nghề nghiệp. Tôi bắt đầu bằng cách nói về mục tiêu nghề nghiệp của tôi trong ngành truyền hình, và nói với họ rằng đài truyền hình được yêu cầu phải hỗ trợ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và tuyên truyền thông tin sai lệch. Tôi cũng giải thích kỹ hơn lý do tại sao ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công, và về bản chất của ĐCSTQ.
Mỗi lần nói chuyện kéo dài hơn hai giờ và nói về nhiều vấn đề, gồm triết lý sống các nguyên lý trong tu luyện Phật gia. Cách làm này rất có hiệu quả. Tôi cảm tạ Sư phụ đã cho tôi những cơ hội và trí huệ này. Thật hạnh phúc khi được nỗ lực vì chúng sinh và khơi gợi Phật tính của họ!
Một trường hợp đã khiến tôi nhận ra rằng chỉ khi buông bỏ tự ngã mình mới có thể cứu nhiều người hơn. Trước một chuyến bay từ Thượng Hải đi Côn Minh, tôi đã xin Sư phụ an bài cho người có tiền duyên với Đại Pháp ngồi cạnh tôi.
Tôi khá giỏi nói chuyện với những phụ nữ trẻ, tuy nhiên, một người đàn ông trung niên có một cái bớt to trên mặt ngồi cạnh tôi. Tôi cảm thấy ngại vì cái bớt to của ông ấy và không muốn nói chuyện. Sau đó tôi nhận ra mình không nên phân biệt các chúng sinh. Tôi quyết định sẽ nói với ông ấy, bắt đầu phát chính niệm và xin Sư phụ cho tôi một cơ hội.
Không lâu sau, các tiếp viên hàng không bắt đầu phục vụ đồ uống, nhưng máy bay bị rung lắc nhiều do gió mạnh. Ly nước của tôi đổ vào người đàn ông bên cạnh, tôi liền tìm một chiếc khăn lau đưa cho ông và giúp ông lau quần áo, và bắt đầu cuộc đối thoại một cách tự nhiên. Tôi nói với ông rằng tôi làm việc ở một đài truyền hình, và ông khá hứng thú về công việc của tôi.
Tôi bắt đầu nói với ông về việc chúng tôi nhận được một danh sách mỗi tuần về những chủ đề không được đưa tin hay đề cập đến. Điều này giúp tôi dẫn dắt một cách tự nhiên đến vai trò tuyên truyền của đài truyền hình và người Trung Quốc đã bị ĐCSTQ lừa dối như thế nào. Tôi giải thích cách các chương trình truyền hình dùng chứng cứ ngụy tạo chống lại Pháp Luân Công để nói về vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn và vụ “bao vây” Trung Nam Hải. Ông ta tỏ vẻ rất quan tâm và hỏi liên tục. Ông nói rằng ông là một doanh nhân, và đang đến thành phố Vô Tích để bái tượng Đại Phật. Sau đó tôi giải thích sự khác nhau giữa thờ cúng, và tu luyện trong trường phái Phật. Tôi nói với ông ta rằng Phật không ban cho những lời cầu xin tư lợi hay sự an toàn. Chỉ có tu luyện chân chính mới là con đường tốt đẹp nhất.
Trước khi xuống máy bay, ông nói một cách chân thành: “Cảm ơn vì đã nói với tôi những chuyện đó. Tôi đã hiểu sai về Pháp Luân Công cho đến ngày hôm nay. Tôi sẽ nghĩ về những gì anh đã nói với tôi về Phật Pháp. Tôi đã học được rất nhiều điều từ anh!” Tôi cảm tạ Sư phụ từ đáy lòng vì đã cho tôi cơ hội này, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc buông bỏ tự ngã. Trong những thời khắc quan trọng, tôi phải không bị nhân tâm dẫn động, có thể xuất ra tâm từ bi, thì mới có thể cứu độ chúng sinh.
Tôi biết rằng mình vẫn chưa đạt chuẩn ở nhiều khía cạnh. Tôi vẫn chấp trước vào an dật, và đôi khi không tranh thủ thời gian làm ba việc. Chấp trước của tôi vào những thú vui vật chất đã dần dần giảm bớt trong những năm vừa qua. Tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc mỗi khi giảng thanh chân tướng cho người khác hay giúp họ thoái xuất ĐCSTQ. Tôi cũng vui khi ngộ ra các nguyên lý Đại Pháp, vượt qua khảo nghiệm và tinh tấn trên con đường tu luyện, và tôi cũng vui khi cảm nhận được rằng Sư phụ đang ở bên cạnh. Các đồng tu, xin hãy buông bỏ tự ngã và làm tốt ba việc!!!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/11/8/明慧法会–修去自我-真念救人-281641.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/11/15/143257.html
Đăng ngày 02-12-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.