[MINH HUỆ-16-11-2013] Hội đồng Ân xá Quốc tế Pennsylvania đã tổ chức buổi chiếu phim “Trung Quốc Tự do – Lòng dũng cảm theo tín ngưỡng” tại thư viện Tredyffrin thuộc hạt Chester vào ngày 11 tháng 11 năm 2013.

Hơn 40 người dân địa phương đã theo dõi bộ phim, sau đó tham gia thảo luận theo nhóm. Nhiều người cho biết họ cảm thấy sốc trước những thông tin được tiết lộ trong bộ phim.

Được đạo diễn bởi Michael Perlman – đạo diễn của bộ phim “Tây Tạng: Vượt lên nỗi sợ hãi” – và đồng sản xuất bởi Đài truyền hình Tân Đường Nhân, bộ phim giành giải thưởng “Trung Quốc Tự do” kể về câu chuyện của Jennifer Trịnh và Tiến sĩ Charles Lee, một doanh nhân người Mĩ gốc Trung Quốc.

Jennifer và Charles, cũng như hàng nghìn công dân ôn hòa ở Trung Quốc, đã bị tra tấn và trở thành nạn nhân của lao động nô lệ vì tín ngưỡng của họ.

Bộ phim tài liệu này khiến người ta đối diện với những lạm dụng nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc: tùy tiện bắt giữ những người bất đồng chính kiến, thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống, và xuất khẩu hàng hóa được làm bởi lao động cưỡng bức sang phương Tây.

Bộ phim cũng đề cập đến việc người Trung Quốc đang bắt đầu vượt qua sự kiểm soát thông tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi lương tri của họ dần dần thức tỉnh.

Những nạn nhân bị tra tấn lên tiếng

Sau khi kết thúc bộ phim, bà Barbara Quintiliano thuộc Hội đồng Ân xá Quốc tế đã chủ trì một cuộc thảo luận về lao động nô lệ tại các nhà tù ở Trung Quốc, về việc chế độ Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công và thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống để kiếm tiền.

Bà Đào và bà Trương đến từ Trung Quốc cũng đã thuật lại việc họ bị tra tấn ở chính đất nước của họ như thế nào vì giữ vững đức tin vào Pháp Luân Công. Ngoài ra, họ còn bị ép phải làm các sản phẩm để xuất khẩu.

Bà Trương, gần 80 tuổi, nói: “Tôi bị bắt phải đứng im nhiều giờ đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, sau đó phải chạy cho đến khi qụy ngã.”

“Hàng ngày, tôi còn bị ép làm các sản phẩm để xuất khẩu từ 5 giờ sáng cho đến tận nửa đêm. Tôi đã nhiều lần bị ngất.”

Trong thời gian ba năm rưỡi bị giam cầm trái phép, bà Đào đã từng bị các bác sĩ trại giam lấy máu. Chỉ sau khi được thả, bà mới nhận ra rằng mình vừa may mắn thoát khỏi nạn mổ cướp tạng, bởi những xét nghiệm máu đó thường được thực hiện để lập hồ sơ về người hiến tạng tiềm năng.

Người dân thức tỉnh trước sự man rợ của thu hoạch tạng sống

Tiến sĩ Anna, một cư dân của Philadelphia, cho biết lần đầu tiên bà nghe nói về nạn thu hoạch tạng sống của ĐCSTQ là vào năm 2008. Bà kể lại câu chuyện của bác sĩ Jacob Lavee, một bác sĩ phẫu thuật ghép tạng người Israel. Bệnh nhân của ông đã nói với ông về kế hoạch sang Trung Quốc để cấy ghép tim của mình. Sự kiện này khiến bác sĩ Lavee bắt đầu chiến dịch ngăn chặn người Israel sang Trung Quốc để ghép tạng. (Xin vui lòng tham khảo bài viết của bác sĩ Lavee trong cuốn sách Tạng nhà nước)

Tiến sĩ Ann hồi tưởng lại cảm giác chấn động của mình lúc đó, đặc biệt khi bà phát hiện ra các bác sĩ Trung Quốc biết rõ về tội ác này nhưng vẫn cố tình tham gia.

Bà cho biết một bệnh nhân của bà có lịch hẹn cấy ghép tim ở Trung Quốc trong ba tuần tới, điều này có nghĩa người hiến tim đã được đặt lịch để chết vào ngày hôm đó. Bà nói rằng bà rất muốn biết người hiến tim đó là ai.

Không lâu sau đó, bà tham gia tổ chức Bác sĩ Chống Mổ cướp tạng Cưỡng bức để giúp nâng cao nhận thức về hoạt động man rợ này và chấm dứt các tội ác chống lại nhân loại.

“Tôi cảm thấy rất tiếc về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc”, Ruth, một trong những người tham dự sự kiện nói: “Các học viên Pháp Luân Công đang trải qua những đau khổ ngoài sức tưởng tượng. Mổ cướp tạng sống là cực kỳ tàn nhẫn và cần phải chấm dứt!”

“Bà Trương đã gần 80 tuổi và không đáng phải chịu đựng nhiều như vậy chỉ vì tuân theo tín ngưỡng của mình. Bà ấy là một người tốt. Tôi sẽ tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công và nạn mổ cướp tạng sống.”

Việc kiểm duyệt thông tin của ĐCSTQ đang dần bị bại lộ

Christopher Fritz muốn biết tại sao các hãng truyền thông không báo cáo về thảm kịch nhân quyền này. Alex, ông của một nạn nhân còn sống sót sau thảm họa diệt chủng của Phát-xít, nói với Christopher rằng những tội ác của Phát-xít cũng từng được che đậy kỹ càng khi họ còn nắm quyền.

“Trước khi những tội ác của Phát-xít bị phơi bày, người ta thường bắt gặp những mảng tóc và răng người đẫm máu, nhưng họ từ chối tin rằng Phát-xít đang tham gia vào một tội ác diệt chủng ghê tởm như vậy. Khi ngày càng có nhiều chứng cứ được đưa ra ánh sáng, người ta mới bắt đầu thức tỉnh trước những nỗi đau của người Do Thái. Chẳng phải nó cũng rất giống với cách mà ĐCSTQ đang che đậy tội ác mổ cướp tạng sống sao?”

Do sự kiểm duyệt thông tin và những nhạy cảm chính trị của chế độ Trung Quốc, giới truyền thông nước ngoài đã cố ý tránh đề cập đến chủ đề này để bảo vệ lợi ích của họ ở Trung Quốc. Nhưng khi càng nhiều chi tiết về tội ác này được phơi bày, giới truyền thông sẽ càng chú ý về chúng.

Chuyên mục Sarah Cook trên CNN gần đây đã đăng một bài báo có tiêu đề “Sự kiểm duyệt ở Trung Quốc đang lan ra các nước khác như thế nào”. Bài báo đã phơi bày xu hướng của giới truyền thông với vấn đề kiểm duyệt thông tin.

Sau buổi thảo luận, ông Fritz nhận xét: “Sự kiện này được tổ chức rất tốt, và có tính giáo dục rất cao!”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/11/16/美宾州观众观《自由中国》-再不能麻木-282744.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/11/23/143355.html

Đăng ngày 30-11-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share