Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cam Túc

[MINH HUỆ 04-06-2013] Bà Mao Tú Lan 51 tuổi ở huyện Cam Cốc, tỉnh Cam Túc đã bị kết án 12 năm tù vào tháng 08 năm 2010. Bà đã bị tra tấn dã man trong tù và hai lần phải đi cấp cứu. Cuối năm 2012, bà đã được thả về nhà để điều trị y tế. Tuy nhiên sau sáu tháng được thả, nhà tù nữ Cam Túc vẫn phái người tới quấy rối bà và ép buộc bà phải viết cam kết từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Mao Tú Lan sống ở thôn Đại Thạch, làng Đại Thạch, huyện Cam Cốc. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2004. Không lâu sau khi tu luyện, các bệnh của bà gồm bệnh tim, viêm đường ruột, bệnh viêm xoang, chứng phù chân, v.v. đều biến mất.

Bà Mao luôn chiểu theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Bà kính trọng và chăm sóc tận tình cho mẹ chồng 80 tuổi của mình, làm hết các việc như rửa mặt, gội đầu và dọn dẹp vệ sinh cho bà ấy. Bà Mao thường giúp đỡ những gia đình có chồng hay đi công tác xa, để lại những người vợ và người già chồng chất việc nhà và công việc đồng áng. Vì vậy hàng xóm láng giềng đều ca ngợi bà.

Ngày 28 tháng 01 năm 2010, bà Mao đã bị cảnh sát thuộc Cục An ninh Nội địa huyện Cam Cốc bắt giữ. Họ đã bắt giam bà phi pháp vì bà thường xuyên giảng chân tướng cho người dân ở các làng khác trong thị trấn Đại Thạch. Cảnh sát cũng buộc tội bà đã dùng sơn viết lên các cột điện trong làng những thông điệp giảng chân tướng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Tháng 08 năm 2010, Tòa án huyện Cam Cốc kết án bà Mao 12 năm tù giam. Ngày 07 tháng 09 bà bị chuyển tới Trại giam nữ tỉnh Cam Túc và bị bức hại nghiêm trọng. Bà đã lên cơn đau tim hai lần,  giữa tháng 10 bà bị chuyển tới bệnh viện để cấp cứu. Trại giam thông báo cho gia đình bà chuẩn bị hậu sự vì bà đang trong tình trạng nguy kịch. Bà Mao đã được thả để điều trị y tế vào ngày 07 tháng 12 năm 2012.

Mặc dù hiện tại đang ở nhà, bà vẫn có thể bị bắt và tống giam bất cứ lúc nào. Ngày 07 tháng 05 năm 2013, đội trưởng trại giam nữ Lan Châu là ông Quách, Tào Kim Quý, một người lái xe, cùng 3 nhân viên khác từ Đồn công an Đại Thạch đã đột nhập vào nhà bà Mao. Họ cố gắng ép buộc bà phải viết cam kết từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Sau đây là chi tiết về việc bà Mao bị bức hại:

Năm nhân viên Cục công an huyện Cam Cốc đã đột nhập vào nhà bà Mao vào ngày 28 tháng 01 năm 2010. Họ tịch thu máy tính, máy in,  hơn 10.000 nhân dân tệ tiền mặt, và đưa bà tới đồn cảnh sát để tra khảo. Cục phó Úy Trọng Dân đã nắm cổ áo và đánh đập bà tàn nhẫn. Đêm đó, bà Mao đã bị giam giữ tại trại tạm giam của huyện. Cai ngục đã bắt bà bỏ giầy đi, để bà đi chân trần trong tù. Trong phòng giam tối tăm, bà không có gì để ăn ngoài bánh bao mốc và cơm có dòi bọ. Trong hoàn cảnh bị ngược đãi như vậy, Bà Mao đổ bệnh trong một thời gian ngắn. Hai mắt bà không còn nhìn rõ nữa, mắt bà bị khô nhưng lại mắc chứng chảy nước mắt.

Sau khi bị kết án một cách phi pháp, bà Mao bị chuyển tới trại giam nữ tỉnh Cam Túc. Ngày đầu trong trại giam, một lính canh đã bắt đầu tra khảo bà. Khi bà Mao giảng chân tướng và nói về lợi ích nhận được từ tu luyện Pháp Luân Công, viên lính canh đã đưa mắt ra hiệu cho phạm nhân khác. Đêm đó, phạm nhân Mã Quế Phương và Hàm Đức Anh đã đánh đập tàn nhẫn và tra tấn bà suốt đêm. Sau đó họ yêu cầu bà viết cam kết bất luyện Pháp Luân Công. Bà bị ép buộc phải xem băng hình phỉ báng Pháp Luân Công và viết “báo cáo tư tưởng” hàng ngày.

Tái hiện cảnh tra tấn: Dìm đầu xuống nước

Một ngày tháng 10, phạm nhân Hàm Đức Anh, Lưu Linh Phương, Dương Tĩnh và Tư Hoa nhận lệnh giám sát bà Mao. Họ đưa bà vào nhà vệ sinh và bắt đầu đánh đập bà một cách tàn ác. Khi bà kêu cứu, họ nhét miệng bà bằng giẻ lau sàn, sau đó giật tóc bà và nhấn vào xô nước. Đầu bà bị nhấn chìm vào nước cho tới khi ngất lịm và ngã xuống sàn nhà. Sau đó bốn phạm nhân cùng đá vào phần trên của cơ thể, chân tay, lưng của bà Mao và tát mạnh vào mặt bà. Mặt của bà Mao bị sưng tấy vì bị đánh đập, toàn thân run rẩy, và chảy máu kinh bất thường.

Trong Trại giam nữ Lan Châu, các học viên thường xuyên bị đánh đập bằng dùi cui, biệt giam và không được cho ăn uống đầy đủ. Vì vậy bà Mao trở nên yếu ớt , thiếu sức sống, bà không thể ngủ vào ban đêm và tóc bà rụng dần, bạc dần.

Bà trở nên yếu ớt đến nỗi có lần bà bị trượt ngã trong nhà vệ sinh và bất tỉnh. Tấm gương gần đó bị vỡ và bà bị ngã lên những mảnh gương đó. Máu chảy tràn ra ngoài từ hai tay bà do bị cắt. Một học viên nhanh chóng gọi người tới giúp. Tuy nhiên phạm nhân Hàm Đức Anh đã ép bà Mao phải tỉnh dậy và tự đi lại một mình. Cứ mỗi bước chân, bà lại để lại một vệt máu. Sau đó trạm xá của trại giam chỉ băng bó qua loa vết thương và không chữa trị gì thêm.

Những phạm nhân được ra lệnh giám sát bà Mao thường xuyên cấm bà sử dụng nhà vệ sinh. Hàm Đức Anh đã từng tạt nước lạnh vào người bà, nhổ nước bọt lên mặt và đánh vào đầu bà cho tới khi nó sưng tấy lên chỉ đơn giản vì bà đã sử dụng nhà vệ sinh.

Một đêm nọ, toàn thân bà Mao bị trướng lên đau nhức do bà cố nhịn không đi tiểu. Bà không thể đứng thẳng, lưng và các xương sườn đều đau nhức. Những phạm nhân giám sát bà còn không cho phép bà giặt quần áo và đánh răng. Kết quả là răng bà bị lung lay, chảy máu. Ba chiếc răng hàm bị rụng nên giờ bà gặp khó khăn trong việc ăn uống.

Trong một lần khác, các phạm nhân đá vào phần eo của bà một cách hung bạo vì bà không đọc thuộc quy định trại giam “đạt yêu cầu của họ”. Kết quả bà chịu nhiều đau đớn đến mức khó thở và không thể đứng dậy.

Dưới sự xúi giục của lính canh, các phạm nhân tra tấn các học viên theo ý muốn. Họ không cho phép các học viên được nhìn nhau, nói chuyện hay giúp đỡ nhau, nếu không sẽ bị đánh. Một người thậm chí còn bị một phạm nhân đánh vào mặt vì tội nói mê trong lúc ngủ. Cô Trương Tiểu Minh, một học viên đến từ thị trấn Đại Tượng Sơn, tỉnh Cam Túc, đã ăn một vài hạt đậu vì quá đói. Ngay sau đó phạm nhân Dương Tĩnh túm đầu cô lôi vào một cái ngăn tủ đầu giường và tra tấn cô trong nửa ngày.

Phạm nhân Dương Tĩnh hơi một chút lại túm tóc học viên Lý Á và đập đầu cô vào thành giường làm bằng kim loại. Sau khi bị ngược đãi, toàn thân thể cô Lý Á đầy những vết bầm tím. Lý Á từng bị Hàm Đức Anh và Dương Tĩnh gọi lên phòng lính canh, ngay sau đó mọi người nghe tiếng la thất thanh của Lý Á từ văn phòng phát ra.

Năm tháng sau khi bà Mao bị giam giữ, các chứng bệnh của bà ngày một nặng hơn như nhịp tim tăng, huyết áp tăng, đau ngực vì bị tra tấn về thể chất cũng như tinh thần. Vì không muốn chịu trách nhiệm nếu bà Mao bị chết, trại giam đồng ý thả bà để điều trị y khoa sau khi lấy 8.000 nhân dân tệ từ con gái bà. Bà Mao trở về nhà vào ngày 07 tháng 12 năm 2012.

Gia đình bà Mao tan tác sau khi bà bị bắt. Ông Trương Kim Hổ, chồng bà nằm trên giường suốt vài tháng. Không có ai để chăm sóc mẹ chồng đã 80 tuổi của bà. Bà đã rất yếu và không thể tự đi vệ sinh, nhà cửa trở nên bẩn thỉu. Sau hơn một năm chịu đựng bệnh tật cũng như đói ăn, mẹ chồng của bà qua đời vào tháng 07 năm 2011.

Đứa con trai 16 tuổi của bà Mao tên là Trương Đà Phong đang học trung học khi bà Mao bị bắt. Cháu bị ép thôi học và hiện đang đi làm. Cháu bị mọi người kỳ thị và xem thường.

Đứa con trai út của bà là Trương Thụy Phong đang học tiểu học. Cháu thường bị mọi người chọc ghẹo và kỳ thị. Cháu trở nên cô đơn và sống nội tâm, gặp người khác cháu chỉ cúi đầu mà không nói gì. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, cảnh sát địa phương vẫn không buông tha họ và thường xuyên tới nhà quấy nhiễu, tra hỏi chồng bà Mao và các con của họ.

Sau khi bà Mao được thả về, khoảng vài trăm người họ hàng, làng xóm đến thăm bà. Nhiều người đã khóc khi thấy tình trạng tồi tệ của bà và nắm tay bà than thở: “Tại sao một người tốt như vậy lại có thể bị bắt và tra tấn thậm tệ như thế. Liệu trên đời này có còn công lý nữa hay không?”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/6/4/甘肃毛秀兰被冤判12年-保外就医后仍被骚扰-274888.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/3/140801.html

Đăng ngày 20-09-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share