Bài viết của Hạ Thuần Thanh ở Melbourne, Australia
[MINH HUỆ 13-03-2013] Tối ngày 07 tháng 03 năm 2013, bộ phim “Trung Quốc tự do: Lòng dũng cảm theo tín ngưỡng” đã được trình chiếu trước lễ công chiếu chính thức tại trường Đại học Victoria ở Melbourne, Úc. Bộ phim là một sản phẩm hợp tác giữa Đài truyền hình Tân Đường Nhân và hãng phim World2Be Productions, do ông Michael Perlman làm đạo diễn. Bộ phim kể về câu chuyện của hai học viên Pháp Luân Công sống sót sau những kinh hoàng như tra tấn, tẩy não và buôn bán tạng người tại các trại lao động Trung Quốc.
Ông David Kilgour phát biểu tại buổi chiếu phim “Trung Quốc tự do: Lòng dũng cảm theo tín ngưỡng” ở Melbourne ngày 07 tháng 03 năm 2013
Ông David Kilgour: Nạn mổ cướp nội tạng sống phải chấm dứt ngay lập tức
Ban tổ chức buổi chiếu phim đã mời ông David Kilgour tới phát biểu tại sự kiện. Ông David Kilgour từng là Nghị sỹ Canada trong bảy nhiệm kỳ. Ông cũng làm việc với một luật sư nhân quyền nổi tiếng, ông David Matas, và đã có những nỗ lực rất lớn trong việc điều tra về nạn mổ cướp nội tạng sống đối với các học viên Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì thế ông đã được IGFM trao tặng Giải thưởng Nhân quyền năm 2009 và được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Trong bài phát biểu của mình, ông David Kilgour nói rằng dựa trên các báo cáo của một cuộc điều tra độc lập, kể từ năm 2000, đã có khoảng 65.000 học viên Pháp Luân Công bị giết để lấy nội tạng. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng nội tạng được lấy từ các tử tù, nhưng ở Trung Quốc, chỉ có các học viên Pháp Luân Công được kiểm tra sức khỏe 03 đến 04 tháng một lần với tình trạng nội tạng được ghi chép một cách đầy đủ chi tiết. Trong báo cáo điều tra do ông và ông David Matas thực hiện, 52 bằng chứng đã chứng minh rằng các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân của nạn mổ cướp nội tạng.
Kêu gọi chính phủ Úc ban hành luật chống cấy ghép nội tạng bất hợp pháp
Ông Kilgour nói mục đích mà ông đến Úc là để kêu gọi công chúng nhận thức về bi kịch mổ cướp nội tạng sống ở Trung Quốc. Hàng năm, mỗi bang ở Úc đều có nhiều người đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng. Ông hy vọng sự kiện này có thể thúc đẩy chính quyền ban hành một điều luật cụ thể nhằm ngăn chặn nạn buôn bán và cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Ông nói: “Chính phủ Úc có thể làm nhiều việc để ngăn chặn tội ác buôn bán nội tạng. Các chính phủ khác đã làm như vậy. Israel từng là nơi tệ nhất bởi họ thực sự trả tiền cho người dân để đi đến Trung Quốc. Khi tiến sỹ Lavi phát hiện ra rằng điều này đang xảy ra, ông đã đưa ra một dự luật mới với sự ủng hộ từ tất cả các đảng. Israel hiện giờ đã chấm dứt hoàn toàn việc buôn bán tạng và họ đã đưa một số kẻ môi giới tạng vào tù. Và tôi kết luận hiện nay không còn một ai từ Israel đến Trung Quốc để cấy ghép tạng. Vì thế sẽ là lý tưởng nếu cũng không có một ai từ Úc đến Trung Quốc vì nội tạng, và các nghị sỹ ở đất nước này sẽ không phải làm quá nhiều việc để đạt được điều đó.”
Ông nói rằng ngăn chặn một tội ác như vậy là trách nhiệm của mỗi người và có rất nhiều việc chúng ta có thể làm. “Nâng cao nhận thức cho công chúng, ban hành luật cấm du lịch sang Trung Quốc để ghép tạng, lên án chính quyền Trung Quốc tại mỗi diễn đàn và cuộc họp. Tôi tin rằng điều này cuối cùng cũng sẽ đem lại kết quả. Tội ác này phải dừng lại ngay lập tức.”
Chính phủ Úc đang làm việc bằng luật pháp để kiểm soát việc cấy ghép nội tạng
Quốc hội New South Wales (NSW) đã thảo luận về một bản kiến nghị “kêu gọi luật pháp hành động để chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và chấm dứt những hợp tác về cấy ghép nội tạng giữa NSW và Trung Quốc” vào chiều ngày 28 tháng 02 năm 2013.
Chủ đề này do ông Jamie Parker, Nghị sỹ đảng Xanh đại diện cho Balmain ở Quốc hội NSW, đề xuất và đã được thảo luận cùng ngày. Ông Parker đã nộp một đơn kiến nghị có hơn 10 nghìn chữ ký gửi Quốc hội.
Phản hồi của khán giả với bộ phim “Trung Quốc tự do: Lòng dũng cảm theo tín ngưỡng”
Ông Bill Schlink là chủ một công ty bất động sản ở Melbourne. Sau khi xem xong bộ phim “Trung Quốc tự do”, ông nói: “Hôm nay, bộ phim đã dạy cho người dân Úc chúng tôi một bài học. Tôi biết một chút về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, nhưng tôi chưa bao giờ biết là có một tội ác đáng sợ như mổ cướp nội tạng sống. Mặc dù những gì chúng ta có thể làm là hạn chế, ít nhất chúng ta phải ngăn chặn những điều như vậy xảy ra ở đây, tại nước Úc và các nước châu Âu khác.”
Ông Schlink tin rằng một trong những giải pháp là giáo dục con người những giá trị đạo đức cao hơn. “Mỗi quốc gia đều có một tiêu chuẩn đạo đức, bên cạnh kinh tế và pháp luật, còn có một tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá đúng và sai. Ví dụ, ngay cả khi luật pháp cho phép bạn nhận một quả thận mới từ Trung Quốc, nếu quả thận được lấy đi từ một người còn sống, đó là phi đạo đức.” Ông nói ông sẽ đưa nhiều bạn bè hơn đến buổi chiếu phim tiếp theo.
Ông Tony Anketell là quản lý của một đại lý xe hơi Ford. Ông nói: “Trước đây, tôi không thể tin rằng có nạn mổ cướp nội tạng sống tồn tại. Ông Kilgour nói rằng có 52 chứng cứ. Bây giờ tôi tin đã điều đó.
“Để ngăn chặn một tội ác như vậy, chúng ta phải giúp nhiều người hơn nhận thức được hành động tà ác này, và truyền thông điệp đó trên Facebook và Twitter, v.v.” Ông nói ông sẽ gửi đường dẫn trang web của ông Kilgour cho bạn bè và người thân và đề nghị họ xem bộ phim “Trung Quốc tự do: Lòng dũng cảm theo tín ngưỡng”.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/3/13/澳洲播放真相纪录片-揭活摘器官罪恶(图)-270919.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/3/15/138513.html
Đăng ngày 03-04-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.