[MINH HUỆ 20-12-2012] Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (Congressional-Executive Commission on China – CECC) đã tổ chức một phiên điều trần vào ngày 18 tháng 12 năm 2012 với chủ đề: “Điểm lại và cập nhật tình hình Pháp Luân Công ở Trung Quốc“.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ đã đưa tin về phiên điều trần của CECC, nói rằng Chủ tịch của CECC, đại biểu Chris Smith (R-NJ), và đồng Chủ tịch của CECC, Thượng Nghị sỹ Sherrod Brown (D-OH), đã nghe lời khai của 08 nhân chứng liên quan đến tình hình Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Ông Chung Đỉnh Bang, một học viên Pháp Luân Công Đài Loan, đã bay đến Washington D.C để trình báo về việc ông bị các cơ quan an ninh Trung Quốc bắt giữ trong một chuyến bay về thăm gia đình vào tháng 06. Ông chỉ được thả sau khi ký cái gọi là “bản tuyên bố ăn năn” mà ông coi là một “vết nhơ” cho danh dự của mình.

Đại biểu Smith đã chia sẻ một kinh nghiệm mà ông có được với một nhóm học sinh trung học đến từ Trung Quốc một tuần trước đó. Khi ông đề cập đến Pháp Luân Công với các học sinh, họ trở nên rất bối rối và muốn né tránh chủ đề này. Ông Smith nói rằng ông đã rất ngạc nhiên trước việc Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm thế nào để tẩy não người dân của nó một cách triệt để như vậy.

Một trong những nhân chứng là ông Hu Zhiming, một học viên Pháp Luân Công, nguyên thiếu tá trong lực lượng Không quân Trung Quốc, nói rằng ĐCSTQ đã dựa vào những lời dối trá và bạo lực để duy trì cuộc bức hại Pháp Luân Công. Những người dân Trung Quốc không hiểu rõ về môn tập thiền định này đã bị lừa dối bởi những lời dối trá của ĐCSTQ. Bởi không thể đánh lừa các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã sử dụng bạo lực và tra tấn để “chuyển hóa” các học viên nhằm ép buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Khi ông Hu từ chối bị “chuyển hóa”, ông đã bị kết án 08 năm tù giam. Ông đã kể lại với các thành viên trong buổi điều trần về quá trình ông bắt đầu tuyệt thực để phản đối sự tra tấn của ĐCSTQ. Sau đó, ông được đưa đến bệnh viện và bị cưỡng bức tiêm các loại thuốc không rõ tên.

Chủ tịch Smith đã giới thiệu bản dự luật H.R. 2121 năm ngoái, trong đó Tổng thống Hoa Kỳ có thể lập tức từ chối cấp nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với các quan chức cấp cao Trung Quốc và gia đình họ nếu những người đó vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Đài Tự do châu Á đã đưa tin về phiên điều trần của CECC ở Washington D.C vào thứ Ba vừa rồi trong nỗ lực cập nhật cho các thính giả của mình về tình hình của cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Đại biểu Smith đã tham dự phiên điều trần của Ủy ban về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ. Các chuyên gia và các học viên Pháp Luân Công đã đưa ra nhiều lời khai tại phiên điều trần. Học viên Pháp Luân Công Đài Loan Chung Đỉnh Bang là nhân chứng đầu tiên kể lại kinh nghiệm của mình. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2001. Ông đã đi đến thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây để thăm gia đình vào ngày 15 tháng 06. Khi ông chuẩn bị lên chuyến bay trở về Đài Loan vào ngày 18 tháng 06, ông đã bị nhân viên an ninh thành phố Cám Châu bắt giữ và bị buộc tội đe dọa an ninh quốc gia. Ông đã bị kết án 54 ngày trong trại giam và chỉ được phép gọi một cuộc điện thoại duy nhất cho luật sư của mình.

Ông Chung nói rằng Bắc Kinh luôn bí mật giám sát các hoạt động Pháp Luân Công ở Đài Loan. Nhân viên an ninh Trung Quốc đã nghi ngờ ông Chung mang thiết bị phát sóng sang Trung Quốc để can nhiễu các trạm phát sóng quốc gia. Ông đã bị buộc phải ký tên vào một tuyên bố ăn năn trước khi họ thả ông. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, ông Chung cho biết Bắc Kinh đã mở rộng cuộc bức hại tới Đài Loan: “Đầu tiên, theo Phật học hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan, tôi là học viên Pháp Luân Công Đài Loan thứ 17 bị bức hại ở Trung Quốc đại lục. Thứ hai, ĐCSTQ đã thuê gián điệp nước ngoài để thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp đối với các học viên Pháp Luân Công, cũng như thông tin về các hoạt động của họ. Bằng cách đó, các học viên nước ngoài sẽ bị bắt ngay lập tức khi họ nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục. Cộng đồng quốc tế cần lên án các hành động này“. Ông Chung đã cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vì tất cả những nỗ lực giải cứu của họ.

Ông Hu Zhiming, nguyên thiếu tá trong lực lượng Không quân Trung Quốc, là người tiếp theo đưa ra lời khai. Ông đến Hoa Kỳ vào ngày 02 tháng 08 năm 2012, sau nhiều năm bị bức hại ở Trung Quốc. Ông Hu bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1997. Sau khi chính quyền Trung Quốc cấm Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 07 năm 1999, bạn bè ông đột nhiên bắt đầu đối xử với ông như là kẻ thù của họ. Ông đã bị bắt tại một khách sạn ở Thượng Hải vào tháng 10 năm 2000, và bị đưa vào nhà tù Đề Lam Kiều vào tháng 04 năm 2002. Ông Hu nhớ lại việc ông đã bị trói vào một chiếc giường nhà tù trong một thời gian dài như thế nào. Sau khi được cởi trói, ông hầu như không thể tự đi lại. Ông được thả vào năm 2004. Sau khi hồi phục sức khỏe trong sáu tháng, ông đã tìm được một công việc ở Bắc Kinh một năm sau đó. Tuy nhiên, cảnh sát Bắc Kinh và Đội An ninh nội địa đã bắt cóc ông vào ngày 23 tháng 09 năm 2005 và kết án ông 04 năm tù giam vì giới thiệu cho mọi người cuốn Chín bài bình luận về Đảng cộng sản Trung Quốc và nói với họ về làn sóng thoái ĐCSTQ ở nước ngoài.

Ông Hu bắt đầu tuyệt thực vào tháng 05 năm 2006 để phản đối sự đối xử tàn bạo mà ông nhận được. Vào ngày thứ năm tuyệt thực, ông đã bị trói và được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rất suy yếu. Sau đó, ông bị bức thực tại bệnh viện. Họ nhét một ống dẫn thức ăn dài khoảng 90cm vào mũi ông, sau đó kéo mạnh nó ra làm ông bị chảy nhiều máu và rất đau đớn mỗi khi ông nuốt vào.

Sarah Cook, một chuyên viên nghiên cứu cấp cao của Freedom House, đã giới thiệu Pháp Luân Công và thảo luận về lý do tại sao ĐCSTQ phát động cuộc bức hại đối với môn tập vào năm 1999.

Chủ tịch Smith đã kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt ngay lập tức cuộc bức hại Pháp Luân Công và trả tự do cho các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
_________________________
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/12/20/媒体报道-美国国会就中共迫害法轮功举行听证会-266758.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/12/24/136770.html

Đăng ngày 1-1-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share