Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh
[MINH HUỆ 14-01-2025] Chị Trương là bạn tốt của tôi nên tôi rất thân với cả gia đình chị ấy. Tôi đã giảng chân tướng cho cả nhà chị và giúp họ làm “tam thoái”. Tiểu Tài là cháu ngoại của chị Trương, một thiếu niên rất cá tính, bướng bỉnh, không thích học mà chỉ mê chơi game. Trong mấy năm từ khi cháu học lớp 9 rồi thi đỗ vào trường cấp ba công lập, cho đến khi thi đỗ vào đại học công lập, tôi không ngừng tận dụng cơ hội để giảng chân tướng cho cháu và gia đình. Nhờ sự bảo hộ của Sư phụ Đại Pháp và trí huệ mà Đại Pháp ban cho, cháu đã trưởng thành về nhân cách đạo đức, học tập ngày càng tiến bộ và vượt qua các kỳ thi một cách thuận lợi.
Thành tâm niệm chín chữ chân ngôn, Tiểu Tài thi đỗ cấp ba
Chị Trương có chuyện gì cũng bàn bạc với tôi. Khi Tiểu Tài sắp tốt nghiệp cấp hai, một hôm chị Trương tìm tôi nói: “Làm sao bây giờ, Tiểu Tài học hành trung bình, sợ không thi đỗ cấp ba, cả nhà tôi lo lắm”. Chị Trương còn kể rằng chị gái của chị ấy đã nhạo chị: “Dì cứ nói Pháp Luân Đại Pháp tốt, vậy dì làm cho Tiểu Tài thi đỗ cấp ba xem nào.” Tôi bảo chị Trương: “Cả nhà chị hãy thành tâm niệm chín chữ chân ngôn đi, nhất định sẽ nhận được phúc báo, kỳ tích sẽ xuất hiện”. Thế là chị Trương nhắc nhở cả nhà cùng thành tâm niệm chín chữ chân ngôn. Kết quả là thành tích học tập của Tiểu Tài tiến bộ rất nhanh, sau đó cháu đã thi đỗ vào trường cấp ba công lập một cách suôn sẻ. Chị Trương rất vui, còn đặc biệt dẫn tôi đến nhà chị gái của chị ấy để giảng chân tướng và giúp chị ấy làm “tam thoái”
Pháp lý của Đại Pháp có thể bình ổn tính khí của Tiểu Tài
Sau khi Tiểu Tài lên cấp ba, để giúp cháu theo kịp chương trình học, bố mẹ cháu đã tranh thủ kỳ nghỉ để sắp xếp cho cháu học thêm, nhưng cháu không muốn. Một hôm trong bữa tối, vì không muốn đi học thêm, Tiểu Tài bị bố tát hai cái. Cháu không ăn cơm mà khóc rồi bỏ chạy. Cả nhà cùng với họ hàng quanh đó tìm hơn hai tiếng đồng hồ mà không thấy cháu đâu. Hơn 8 giờ tối, chị Trương đến nhà tôi cầu cứu. Vừa vào cửa chị đã khóc nói: “Tìm khắp các cầu thang trong các khu chung cư quanh đây đều không thấy. Đứa nhỏ này mà có mệnh hệ gì thì tôi sống cũng chẳng còn ý nghĩa nữa. Cô học Đại Pháp, cô cầu xin Sư phụ Đại Pháp bảo hộ cho cháu ngoại tôi với”. Tôi an ủi chị đừng khóc nữa và nói với chị rằng Sư phụ đã giảng:
Chân Thiện Nhẫn tam tự thánh ngôn Pháp lực vô hạn
Pháp Luân Đại Pháp hảo chân niệm vạn kiếp tức biến” (Đối liên, Hồng Ngâm IV)
Tôi nói: “Chị tin Đại Pháp tốt thì hãy niệm chín chữ chân ngôn nhé, cháu sẽ không sao đâu, hơn chín giờ sẽ về thôi. Em sẽ cùng chị đi tìm cháu”.
Đến hơn chín rưỡi tối, Tiểu Tài quả nhiên đã về nhà bà ngoại. Tôi và chị Trương cùng lên tầng, định ngó qua Tiểu Tài một cái rồi về. Vừa vào đã thấy Tiểu Tài đang rất tức giận, lấy đũa chọc vào bát cơm, vừa khóc vừa la hét: “Mẹ cháu không phải là mẹ, toàn khen con nhà người ta. Bố cháu cũng không phải là bố, xé rách sách của cháu. Cháu không muốn sống nữa, lúc nãy cháu chạy lên sân thượng tòa nhà mười mấy tầng chưa xây xong định nhảy xuống, chỉ thiếu chút nữa là nhảy rồi, thật đấy! Nghĩ đi nghĩ lại lại thôi không nhảy nữa”. Cháu vừa nói vừa khóc, lấy ngòi bút rạch tay mình, cố sức cứa sâu vào da thịt. Bà ngoại nói gì cháu cũng không nghe, chỉ gào thét, lấy tay đấm vào khung cửa, làm ông bà ngoại sợ không dám nói gì. Tôi liền dùng những Pháp lý Đại Pháp mà tôi biết để khuyên nhủ cháu, rồi giảng về đạo đức truyền thống khuyên răn cháu. Mãi đến nửa đêm cháu mới nguôi ngoai. Về đến nhà, tôi nói với chồng: “Thằng bé này tính khí nóng nảy quá, chưa từng thấy, sợ thật. Người nhà nói nửa câu cũng không được, không tài nào động vào được”.
Vài ngày sau, chị Trương dẫn Tiểu Tài đến nhà tôi, tôi rất bất ngờ. Chị Trương nói riêng với tôi: “Cô về rồi thì hôm sau thằng bé nói với tôi: ‘Bà hôm qua thật tốt! Rất là tốt! Bà ấy nói rất hay, con muốn được gặp lại bà ấy’”. Trong lòng tôi vốn hơi e ngại, không muốn gặp lại cháu, nhưng rồi lại nghĩ, mình là đệ tử Đại Pháp, Sư phụ dạy mình phải thiện đãi người khác, biết nghĩ cho người khác, nên cần trò chuyện với cháu. Vậy là tôi kể cho Tiểu Tài nghe những câu chuyện tốt đẹp về tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, các tấm gương về đức hạnh truyền thống Trung Hoa và phương pháp học tập. Nghe xong, cháu vui vẻ ra về.
Ít hôm sau, chị Trương lại dẫn con gái và cháu ngoại đến nhà tôi. Chồng tôi pha trà mời khách, Tiểu Tài uống rất vui vẻ. Khi chị Trương nhờ chồng tôi nói chuyện với Tiểu Tài về phương pháp học tập, chồng tôi vừa nói rằng học tập trước hết phải đặt mục tiêu, thì Tiểu Tài lập tức sa sầm mặt mày, nói: “Từ tiểu học đến giờ, thầy cô chủ nhiệm nào cũng bắt đặt mục tiêu học tập, cháu chán ngấy rồi. Ông cũng bảo cháu đặt mục tiêu, cháu xin thất lễ.” Nói xong cháu đứng dậy bỏ đi. Mẹ cháu đuổi theo rồi không thấy quay lại. Chị Trương thấy ngại quá, ngồi một lát rồi cũng về. Chồng tôi nói: “Tính khí thằng bé này giờ tôi biết rồi, lần sau đến tôi không tiếp nữa đâu”. Tôi cũng không biết nói gì hơn.
Khi Tiểu Tài học lớp 11, vào một buổi tối mùa đông, khoảng hơn tám giờ, chị Trương đến nhà tôi nói rằng Tiểu Tài bị bố phát hiện đang chơi điện thoại nên lại bị đánh. Lần này cháu chỉ mặc một chiếc quần mỏng chạy đi mất, tìm không thấy. Chị vừa nói vừa khóc: “Thời tiết này chết cóng mất!” Tôi nói: “Chị đừng khóc, đợi con gái em tan làm về lái xe đi tìm cùng chị”. Chị nói: “Tôi đến không phải để nhờ cô giúp tìm cháu, mà là muốn cầu xin Sư phụ Đại Pháp”. Tôi nói: “Được rồi, vậy để em thắp hương cho Sư phụ, chúng ta cùng cầu xin Sư phụ”. Sau khi thắp hương xong, tôi khấu đầu ba cái, chị Trương cũng khấu đầu ba cái. Một lát sau, chị lại liên tục khấu đầu, tôi nói: “Không cần đâu, Sư phụ biết rồi. Chị xem khói hương đẹp chưa này”. Ba nén hương cháy đều tăm tắp, khói hương liên tục biến đổi hình dạng, lượn lên xuống, trước sau, trái phải, lúc thì cuộn lại như đám mây, lúc thì biến thành sáu làn khói, còn có đủ các kiểu dáng khác mà lời nói khó tả hết, đẹp vô cùng. Tôi nói: “Sư phụ điểm hóa rồi, cháu ngoại chị đảm bảo không sao đâu”. Hơn chín giờ tối, mẹ Tiểu Tài gọi điện báo cháu đã về nhà, cơn giận cũng nguôi rồi. Hai chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, trong lòng vô cùng biết ơn Sư phụ.
Sự thay đổi của mẹ Tiểu Tài
Tiểu Tài khai giảng cấp ba chưa được bao lâu, giáo viên chủ nhiệm đã mời phụ huynh đến nói chuyện: Tiểu Tài không thích học, ngủ gật trong lớp, kết quả học tập không tốt. Mẹ Tiểu Tài về bảo cháu phải học hành chăm chỉ, chú ý nghe giảng trong lớp. Nhưng Tiểu Tài không tiếp thu, mẹ cháu chỉ biết tức giận mà không làm gì được. Chị Trương lại tìm tôi nhờ đến nhà khuyên Tiểu Tài. Tôi nói với Tiểu Tài về sự tốt đẹp của Đại Pháp, bảo cháu niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”, và thoái xuất khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong. Cháu nói đã hiểu rồi. Tôi sợ làm ảnh hưởng đến việc cháu làm bài tập, mấy lần định về nhưng cháu đều không cho, còn nói muốn nghe tôi kể chuyện thêm chút nữa. Bà ngoại và bố mẹ cháu ở phòng khách, nghe thấy vậy chỉ cười.
Hai tháng sau, mẹ Tiểu Tài đến nhà tôi. Tôi thấy cô ấy vẻ mặt tức giận, sắc khí hằm hằm, liền hỏi cô ấy giận ai vậy? Cô ấy nói: “Giận thằng con cháu đấy. Giáo viên chủ nhiệm gọi điện thoại trao đổi mấy lần rồi. Cái tật lười học của thằng bé lại tái phát làm cháu tức đến đau cả tim. Trong lớp nó lại ngủ gật không học hành gì cả. Lần trước cô khuyên xong nó ngoan hẳn, điểm số cũng tăng lên, giờ lại đâu vào đấy rồi”. Tôi khuyên cô ấy hãy dùng tâm thái Chân-Thiện-Nhẫn để giáo dục con, phải thiện với con, phải nhẫn nại, phải động viên, thực sự đồng hành cùng con, làm bạn với con, chứ đừng nổi nóng. Tôi nói: “Cháu cứ tức giận mãi cũng không giải quyết được gì. Hay là thế này, cháu cũng biết Đại Pháp là tốt, cháu hãy đọc sách “Chuyển Pháp Luân” đi, bản thân được thụ ích, lại có thể bảo ban con”. Cô ấy đồng ý.
Từ đó, mẹ Tiểu Tài bắt đầu học Đại Pháp. Không lâu sau, bệnh chàm trên mặt và cổ của cô ấy vốn không chữa được trong nhiều năm đã khỏi hoàn toàn. Một cô công nhân vệ sinh quét cầu thang thấy sự thay đổi trên da của mẹ Tiểu Tài liền hỏi làm cách nào mà khỏi được. Cô công nhân vệ sinh kia còn kể mình bị bệnh phong thấp, đau nhức khắp người, thân thể không khỏe, mùa đông năm nào cũng bị cảm, mỗi lần cảm cúm kéo dài hơn một tháng, không làm việc nổi. Mẹ Tiểu Tài hỏi tôi nên trả lời cô ấy thế nào. Tôi nói: “Cháu bảo cô ấy thành tâm niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’, làm ‘tam thoái’ thì sẽ được bình an, rồi tặng cho cô ấy tấm thẻ bình an mang chân tướng”. Mẹ Tiểu Tài kể cho cô công nhân quét dọn nghe lý do sức khỏe mình tốt lên. Thế là cô ấy cũng làm “tam thoái” và hàng ngày thành tâm niệm chín chữ chân ngôn. Khoảng một tháng sau, cô công nhân quét dọn vui vẻ nói với mẹ Tiểu Tài: “Bây giờ sức khỏe của em tốt rồi, hết bệnh rồi, không còn khó chịu nữa. Em phải kể chuyện tốt lành này cho họ hàng của mình mới được.” Một năm sau, cô công nhân quét dọn lại kể với mẹ Tiểu Tài: “Năm nay em không bị cảm cúm nữa, ngày nào em cũng niệm chín chữ chân ngôn, sức khỏe ngày càng tốt lên”.
Tiểu Tài thay đổi
Tiểu Tài là đứa trẻ có duyên với tôi. Từ khi thi đỗ cấp ba, cứ khoảng hai tháng cháu lại đến nhà tôi một lần để trò chuyện. Bố mẹ cháu cũng nhận thấy cứ mỗi lần Tiểu Tài đến nhà tôi về là trạng thái của cháu lại tốt được vài tháng. Khi nào trạng thái không tốt nữa, cháu lại phải đến nhà tôi nói chuyện. Khi Tiểu Tài sắp thi đại học, chị Trương cùng con gái và Tiểu Tài lại đến nhà tôi bàn bạc. Thành tích học tập của Tiểu Tài không ổn định, nên mọi người sốt ruột, trong lòng cảm thấy không chắc chắn. Tôi nói: “Đừng lo lắng, đừng bực bội, cháu nó đã rất giỏi rồi. Trong lòng cháu nó biết Đại Pháp tốt, giáo viên ép vào Đoàn mà cháu còn không vào. Bảo cháu vào phòng thi cứ niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo’. Đừng cầu xin gì cả, chỉ cần thành tâm thành ý niệm như vậy, kỳ tích sẽ xảy ra”. Kết quả là Tiểu Tài đã thi đỗ cả hai trường đại học công lập, đúng như mong đợi, cả nhà đều vui mừng.
Tôi cũng tham dự tiệc mừng Tiểu Tài đỗ đại học. Tôi vừa vào phòng lớn, mẹ Tiểu Tài đã dẫn một người đến gặp tôi. Người này vừa gặp đã nói: Cháu quen cô, cháu biết cô là ai đấy. Tôi thầm nghĩ: Mình đâu có quen người này, sao lại biết mình nhỉ. Hóa ra đó là cô họ của Tiểu Tài, một giáo viên trường dạy nghề. Cô ấy ở cùng khu chung cư với nhà Tiểu Tài và thường đi dạo buổi tối cùng mẹ cháu. Tôi liền nhân cơ hội này giảng chân tướng và khuyên cô ấy làm “tam thoái”. Cô ấy nói: “Trước đây cháu chẳng tin vào điều gì cả, nhưng qua trường hợp của Tiểu Tài, cháu đã thấy kỳ tích Pháp Luân Đại Pháp có thể cải biến người ta là có thật. Cháu biết điểm thi mấy lần trước của Tiểu Tài đều không cao bằng lần này, đây là lần tốt nhất. Thấy sự thay đổi của Tiểu Tài, cháu tin Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Cháu nghe lời cô, cháu xin thoái xuất khỏi các tổ chức Đoàn, Đội”.
Ông nội của Tiểu Tài là nhân viên kỹ thuật của thôn, cũng là đảng viên của tà đảng. Trước đây mẹ Tiểu Tài khuyên ông thoái Đảng, ông nhất định không chịu. Tại tiệc mừng đỗ đại học này, tôi gặp ông lần đầu. Tôi nói: “Hai chúng ta không quen biết, nhưng cháu nội ông thường đến nhà tôi chơi, rất thân quen. Chắc ông cũng biết sự thay đổi của cháu rồi nhỉ”. Ông ấy đã chứng kiến Đại Pháp giúp cháu mình trưởng thành, vừa nghe thấy thế liền tỏ ra rất nhiệt tình. Tôi tiếp tục giảng chân tướng cho ông, khuyên ông ấy làm tam thoái để được bình an khi tai họa ập đến. Ông ấy nói: “Thoái! Tôi đồng ý. Thật ra tôi chẳng tin Đảng Cộng sản, không có cảm tình gì với nó cả. Hồ sơ của tôi vẫn để ở nhà chứ có nộp đâu”.
Tiểu Tài đã cải biến rất nhiều, đạo đức và văn hóa ứng xử của cháu đều được nâng cao. Năm nay cháu học năm thứ hai đại học, trong kỳ nghỉ cháu đã bắt đầu đọc sách “Chuyển Pháp Luân”. Hiện tại, mẹ Tiểu Tài, chị Trương và chồng chị Trương đều đang học Pháp. Những chúng sinh này đã được thụ ích dưới sự phổ chiếu của Phật quang Đại Pháp, tất cả đều là nhờ ân điển từ bi hồng đại của Sư phụ. Đệ tử khó có thể dùng lời để bày tỏ lòng cảm tạ ân Sư.
(Phụ trách biên tập: Văn Khiêm)
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/14/485598.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/23/225591.html
Đăng ngày 27-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.