Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-05-2025] Vào tháng 6 năm 2005, con trai tám tuổi của tôi, cháu Minh, được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp dạng thấp kết hợp với nhiễm trùng huyết ở trẻ em, và phải điều trị tại bệnh viện suốt một năm. Thế nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm, mà các khớp của cháu còn bị biến dạng, cơ bắp teo lại, cuối cùng cháu bị liệt và phải nằm liệt giường, không thể tự chăm sóc bản thân.

Tháng 5 năm 2006, khi tình cảnh của chúng tôi rơi vào tuyệt vọng nhất, Minh và tôi đã biết đến Pháp Luân Đại Pháp, và chúng tôi bắt đầu tu luyện. Nhờ liên tục đọc các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp, luyện các bài công pháp, hướng nội và đề cao tâm tính, tình trạng của cháu Minh dần dần cải thiện. Vì phải nghỉ học từ lớp hai để chữa bệnh, nên việc học của cháu bị gián đoạn. Nhưng cháu đã có thể theo kịp chương trình, và điểm số của cháu cũng tốt dần lên. Cháu đã có thể đi du học và hiện đang theo học chương trình tiến sỹ.

Tôi muốn chia sẻ với mọi người về những điều kỳ diệu của Pháp Luân Đại Pháp mà cháu Minh đã được trải nghiệm.

Trí huệ từ Đại Pháp

Đến mùa hè năm 2008, Minh đã có thể đi lại được và dự định quay lại trường học. Trong gần ba năm, cháu không tiếp xúc với những bạn học cùng lứa tuổi, nên tôi quyết định cho cháu tiếp tục học lên lớp năm thay vì học lại lớp ba. Lúc nào cháu khỏe, tôi đưa cháu đến trường học nửa ngày, còn những lúc không khỏe, tôi cho cháu ở nhà. Cứ như vậy, cháu đã hoàn thành bậc tiểu học.

Trong những năm học cấp hai, Minh chỉ làm bài tập về nhà khi cháu cảm thấy khỏe. Vì chưa hoàn toàn hồi phục nên đôi khi cháu cảm thấy khó chịu và không thể đến trường. Khi học xong cấp hai, cháu được nhận vào một trường trung học phổ thông hàng đầu của tỉnh, nhưng vì cháu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn nên chúng tôi quyết định cho cháu theo học một trường tư thục ở địa phương để tôi có thể tiện chăm sóc và cháu có thể tiếp tục tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Trong những năm học cấp ba, đôi khi cháu gặp vấn đề về sức khỏe. Khi đó, tôi xin nghỉ một ngày để cùng cháu luyện công và đọc các bài giảng. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cháu làm bài rất tốt và được nhận vào một trường đại học hàng đầu. Lúc đó, cháu đã hoàn toàn hồi phục. Sau này, cháu hoàn thành bằng cử nhân, lấy bằng thạc sỹ rồi ra nước ngoài theo học chương trình tiến sỹ.

“Học sinh tích cực nhất trường”

Năm cháu học lớp hai và phải nhập viện, Minh không chỉ gặp các vấn đề về sức khỏe mà còn bị mặc cảm và tự ti, sống tách biệt. Đến khi bị liệt, ngoài tôi ra, cháu không muốn gặp bất kể ai, kể cả bố hay ông bà. Cháu sợ ánh sáng và màu sắc sặc sỡ, vì vậy tất cả cửa sổ và cửa ra vào đều phải đóng kín và kéo rèm lại.

Sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn đã nuôi dưỡng tâm hồn non nớt của cháu. Khi sức khỏe cải thiện, trạng thái tinh thần của cháu cũng tiến triển vượt bậc. Với tâm thái tích cực và một tâm trí cởi mở, cháu đã chiểu theo các Pháp lý của Pháp Luân Đại Pháp.

Một phần của kỳ thi tuyển sinh vào cấp ba là bài kiểm tra thể chất. Khi đó, cháu đi lại chưa tốt và đôi khi tôi phải cõng cháu lên xuống cầu thang. Hơn nữa, cháu chưa bao giờ tham gia các lớp học thể dục. Giáo viên và bạn học của cháu nói rằng Minh cần xin miễn kiểm tra thể chất, mà điều này yêu cầu cần phải có giấy chứng nhận về bệnh của cháu. Nếu được chấp thuận, học sinh sẽ tự động được 60% tổng số điểm.

Khi tôi thảo luận việc này với Minh, cháu không đồng ý và nói: “Sư phụ Lý đã tịnh hóa thân thể cho con và con không còn bệnh tật gì nữa. Tình trạng hiện tại của con là biểu hiện của việc tiêu nghiệp. Nếu con dùng bệnh án để xin miễn thi thì có nghĩa là con vẫn là một bệnh nhân và không tín Sư tín Pháp.”

“Vậy con sẽ thi như thế nào?” Tôi hỏi.

Cháu nói: “Con sẽ bắt đầu tập luyện. Mỗi ngày trước khi đi học, con sẽ chạy một lúc. Con sẽ tập nhảy xa ở trường và sau bữa tối con sẽ tập bóng tạ. Con không quan tâm đến điểm số nhưng con sẽ tham gia kỳ thi”.

Tôi đồng ý dù vẫn lo lắng không biết liệu cháu có làm được không. Dù sao thì các khớp của cháu vẫn còn sưng và việc đi lại rất đau đớn. Nhưng Minh nói rằng chịu khổ không thành vấn đề.

Cháu đã tập luyện ba tuần trước khi thi. Khi Minh ra sân điền kinh, cán bộ nhà trường và giáo viên đều rất kinh ngạc. Bác sỹ của trường đã tìm trưởng giám thị và giải thích tình hình. Trưởng giám thị cử ba người đến khuyên ngăn Minh, nhưng Minh khăng khăng muốn hoàn thành toàn bộ phần thi chạy. Sau khi cháu hoàn thành vòng chạy đầu tiên, trưởng giám thị phấn khởi ôm chầm lấy cháu, nói: “Chàng trai trẻ, em thật tuyệt vời. Với tư cách là trưởng giám thị của kỳ thi thể chất, tôi tuyên bố em đạt điểm A.” Minh đã tham gia kỳ thi thể chất – một điều mà chúng tôi không dám tưởng tượng – và cháu đã nhận được điểm A. Chúng tôi biết Sư phụ đã giúp cháu.

Trong những năm cấp ba, Minh học ở một lớp nâng cao. Chương trình học rất nặng và các học sinh cạnh tranh gay gắt với nhau. Hầu hết học sinh đều chịu nhiều áp lực, đặc biệt là trong năm cuối cấp. Nhiều em bị trầm cảm và một số em bị mất ngủ. Minh vẫn học Pháp mỗi ngày và giữ được sự bình tĩnh. Cháu tập trung vào việc học và chú ý đến các vấn đề chính và logic của chúng. Cháu không quá chú trọng đến điểm số và luôn giữ được tinh thần thoải mái. Vào thời gian rảnh, cháu tập các trò ảo thuật.

Có lần, giáo viên chủ nhiệm của cháu đã tranh cãi với ban giám hiệu nhà trường và rất buồn. Thấy vậy, Minh đã biểu diễn một trò ảo thuật trước lớp để giảm bớt căng thẳng. Giáo viên chủ nhiệm rất cảm động, và cùng với ban giám hiệu nhà trường, đã trao cho Minh giải thưởng “Học sinh tích cực nhất trường”.

Vượt qua khó khăn

Trở ngại đầu tiên của Minh xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh cao học. Vì đã nghỉ quá nhiều buổi học trong những năm tiểu học và trung học cơ sở, kiến thức về tiếng Trung và tiếng Anh của Minh còn yếu. Điểm mạnh của cháu là toán và vật lý. Do đó, trong quá trình ôn luyện, cháu tập trung vào toán và vật lý với hy vọng đạt điểm cao ở những môn này. Nhưng trong kỳ thi môn toán – môn học yêu thích của cháu – Minh đã không hoàn thành một số câu hỏi vì không hiểu được một vài câu trong số đó.

Minh nghĩ cháu sẽ không được tiếp nhận. Cháu gọi cho tôi nói cháu định sẽ bỏ các bài thi còn lại của các môn khác, nhưng tôi nhắc cháu cần suy xét về những gì một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên làm. Tôi nói: “Bất kể những gì mà người tu luyện chúng ta gặp phải đều không ngẫu nhiên, và việc chúng ta đối mặt với những việc đó như thế nào đều sẽ lưu lại tham chiếu cho các thế hệ tương lai.” Cháu im lặng một lúc rồi nói cháu đã biết phải làm gì. Sau đó, cháu nói với tôi rằng cháu đã liên tục niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo” trong suốt quãng thời gian còn lại của ngày hôm đó. Tất cả các bài thi còn lại đều diễn ra tốt đẹp.

Sau khi kỳ thi kết thúc, Minh rất lo lắng, đặc biệt là vào đêm trước khi kết quả được công bố. Tôi nhắc cháu rằng, là một người tu luyện Đại Pháp, đây có thể là cơ hội để cháu nhận ra các chấp trước và loại bỏ chúng. Cháu đồng ý và nhìn lại quá trình vừa qua của mình từ việc chọn trường, ôn luyện, cho đến chính kỳ thi. Cháu nhận ra bản thân chấp trước vào danh lợi và tâm hư vinh.

Sau khi nhận ra những chấp trước của mình, Minh cảm thấy nhẹ nhõm. Ngày hôm sau, khi có kết quả, điểm của cháu cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn tuyển sinh. Cháu không quá vui mừng, mà thay vào đó, cháu rất bình tĩnh bởi không còn chấp trước vào kết quả nữa.

Trong quá trình học cao học, Minh đối mặt với một thử thách lớn khi người hướng dẫn của cháu đột nhiên thay đổi hướng nghiên cứu và cố vấn đề tài. Kỳ thực, Minh quan tâm đến người hướng dẫn đó là vì hướng nghiên cứu. Nhưng sau đó, cháu lại được giao cho một nghiên cứu sinh tiến sỹ trẻ tuổi làm cố vấn với đề tài kỹ thuật địa chất, một lĩnh vực không phù hợp với vóc dáng và tình trạng thể lực của Minh. Ngoài ra, cháu cần phải thiết kế một loại thiết bị nhất định (thiết bị này sau này đã được cấp bằng sáng chế trong nước và quốc tế), và liên hệ với các nhà sản xuất để sản xuất, thử nghiệm và lắp ráp.

Khi cháu nhận được các thiết bị và vật liệu thí nghiệm, Minh thấy các sinh viên khác đã lên kế hoạch cho luận văn của họ rồi. Thời gian eo hẹp khiến tình hình trở nên khó khăn, và rất có thể việc tốt nghiệp của cháu sẽ bị trì hoãn.

Minh cảm thấy áp lực, nhưng vì đã học các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp trong 10 năm, cháu có đủ dũng khí và sự kiên trì. Cháu chỉ tập trung vào việc nghiên cứu chứ không chú trọng đến kết quả.

Minh kiên nhẫn và bình tĩnh. Cháu làm việc chăm chỉ và đôi khi còn thức suốt đêm trong phòng thí nghiệm. Cháu cũng có được nhiều trí huệ từ Đại Pháp. Dữ liệu thí nghiệm đôi khi không như mong đợi, và một số sinh viên khác khuyên cháu sửa đổi dữ liệu để tiết kiệm thời gian. Cháu tự nhắc nhở rằng bản thân là một người tu luyện và cần chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Minh đã lặp lại thí nghiệm thay vì sửa đổi dữ liệu.

Kết quả là, Minh đã hoàn thành tốt việc nghiên cứu và cháu tốt nghiệp đúng hạn. Cháu cũng nộp đơn xin học chương trình tiến sỹ ở nước ngoài. Quy trình rất phức tạp, từ hồ sơ đăng ký, thư giới thiệu, cho đến phỏng vấn và thi TOEFL. Không có người hỗ trợ, cháu tự làm mọi việc trong khi vẫn tiếp tục nghiên cứu và làm luận văn cao học. Điều này không hề dễ dàng vì tiếng Anh của Minh vốn không tốt. Nhưng cháu có niềm tin vào Sư phụ và Đại Pháp, và không chấp trước vào kết quả.

Kết quả là, tiếng Anh của Minh tiến bộ nhanh chóng và cháu đã vượt qua kỳ thi TOEFL. Cháu nhận được học bổng toàn phần để đi du học và lấy bằng tiến sỹ.

Là mẹ của cháu, tôi rất vinh dự được viết về câu chuyện của Minh nhân kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 26, như một minh chứng cho thấy sự phi thường của Pháp Luân Đại Pháp. Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn thấy được Pháp Luân Đại Pháp kỳ diệu đến nhường nào. Tôi cũng xin chúc các bạn và gia đình mọi điều tốt đẹp nhất!

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/5/15/493625.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/16/227826.html

Đăng ngày 18-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.