– Chia sẻ thể hội với đồng tu về việc dùng hình thức pháp luật để phản bức hại, giảng chân tướng, cứu chúng sinh
Bài viết của Đạt Liên, đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Đại lục
[MINH HUỆ 22-05-2024] Dùng hình thức pháp luật để phản bức hại, giảng chân tướng, tiến hành kháng án, khiếu nại, kháng cáo, đây là một hình thức quan trọng để giảng chân tướng cho các nhân viên công tác trong ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án vào giai đoạn này. Bây giờ tôi viết ra quá trình này để kính báo lên Sư phụ từ bi và chia sẻ với các đồng tu.
Phần 1: Bị tư pháp bức hại, giảng chân tướng cho nhân viên trong ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án
Năm 2019, trước khi tà đảng Trung Cộng tổ chức cái gọi là hội nghị trung ương, vì tôi phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công mà bị Cảnh sát An ninh Quốc gia theo dõi, bắt bớ và lục soát nhà, sau đó bị đưa đến lớp tẩy não để bức hại.
Trong lớp tẩy não, có năm người luân phiên theo dõi tôi suốt 24 giờ mỗi ngày, tôi đã giảng chân tướng cho họ.
Ngày hôm sau, lãnh đạo từ “Phòng 610” thành phố và Cảnh sát An ninh Quốc gia đã đến. Một người trong đó nói: “Bà viết ‘tam thư’, cũng coi như biểu đạt thái độ, ngày mai có thể thả bà về nhà, ở đây chịu tội này làm gì? Không đáng!”
Tôi nói: “Tôi nói sự thật, đừng nói ‘tam thư’, một chữ tôi cũng không viết.”
Hôm sau, tôi bị giam phi pháp tại trại tạm giam thành phố và bị tạm giam hình sự trong một tháng. Khi kết thúc thời hạn tạm giam hình sự và chuyển thành “bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử” một cách phi pháp, cảnh sát phụ trách vụ việc ở đồn cảnh sát nói với tôi: “Chuẩn bị truy tố bà trực tiếp tại Viện kiểm sát quận, nếu Viện kiểm sát gọi cho bà để báo khi nào đến, thì bà phải đến.”
Sau khi tôi về nhà và nghĩ sẽ mời luật sư. Tôi tìm một công ty luật, và tôi đã giảng chân tướng Đại Pháp cho luật sư tiếp tôi, luật sư cũng sẵn lòng nghe. Nhưng cuối cùng ông ấy nói: “Cục Tư pháp có quy định yêu cầu các vụ án Pháp Luân Công phải được lập hồ sơ và không được phép bào chữa vô tội cho bị cáo. Nếu dì nhờ tôi làm luật sư cho dì, dì phải nghe theo tôi, có thái độ tốt và phải bày tỏ rằng từ nay trở đi sẽ không luyện nữa, như vậy dì có thể được hưởng án treo.”
Trong tâm tôi nghĩ: “Mình tốn tiền mời luật sư biện hộ cho mình và nói rằng mình có tội? Trên đời sao có chuyện hoang đường như vậy?” Thế là tôi quyết định tự biện hộ cho mình, tự viết đơn biện hộ. Bằng cách này, tôi có thể đường đường chính chính gửi đến các nhân viên trong ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án, cứu độ họ, trong khi luật sư biện hộ chỉ có thể nói trước tòa. Tôi chia sẻ với đồng tu về suy nghĩ của mình, đồng tu đã khích lệ tôi rất nhiều. Vì vậy, tôi đã vào Diễn đàn Công lý và tải xuống hồ sơ bào chữa, đồng thời dựa trên các quyền mà “Hiến pháp” nhà nước cấp cho công dân, dựa trên hoàn cảnh của bản thân, dưới sự giúp đỡ của đồng tu, tôi nhanh chóng viết “Đơn biện hộ” 10.000 chữ trong dịp Tết Nguyên Đán.
Sau Tết Nguyên Đán, đúng ngay thời điểm dịch bệnh virus Trung Cộng (Viêm phổi Vũ Hán), thành phố nơi tôi sống bị phong tỏa nghiêm ngặt, cơ quan nhà nước và các văn phòng khác về cơ bản đều đóng cửa, thậm chí cả bưu điện cũng đóng cửa. Ngày đầu tiên đi làm sau Tết, “Đơn biện hộ” đầu tiên tôi muốn gửi đến là người cảnh sát thụ án, để anh ấy sớm minh bạch chân tướng và chọn cho mình một tương lai tốt đẹp. Đồn cảnh sát xử lý vụ án nằm ở ngoại ô thành phố, cách trung tâm nơi tôi ở hơn chục cây số. Xe buýt ngừng chạy, không thấy taxi và hầu như không có người đi bộ trên đường. Tôi quyết định đi bộ trước và sẽ bắt xe buýt nếu gặp. Gió lạnh tháng Giêng như dao cắt, nhất là khi đi bộ trên đường ngoại ô không một bóng người, cát bụi thổi tung thật khó mở nổi mắt.
Khi tôi đi bộ đến đồn cảnh sát thì đã hơn 1 giờ chiều. Một ông lão thò đầu ra ngoài cửa sổ phòng trực và nói: “Không làm việc trong thời gian dịch bệnh.” Ông ấy chỉ vào tờ thông báo trên cửa và bảo tôi đọc.
Tôi nói: “Tôi biết không làm việc, nhưng có người trực ban.”
Ông ấy hỏi tôi có chuyện gì? Tôi nói: “Có một đơn khẩn cấp muốn gửi cho cảnh sát AA.”
Ông lão nói: “Thật trùng hợp, chiều nay là cảnh sát AA trực ban, vừa mới đến, tôi sẽ nối máy cho chị nói chuyện với cậu ấy nhé.”
Điện thoại nhanh chóng được kết nối với người cảnh sát, cậu ấy nói: “Không tiếp dân trong thời gian dịch bệnh.”
Tôi nói: “Không tiếp không sao, tôi gửi ‘Đơn biện hộ’ cho cậu rồi đi ngay.”
Cậu ấy bảo tôi niêm phong “Đơn biện hộ” và để ở phòng trực. Vậy là “Đơn biện hộ” đầu tiên đã được gửi đi.
Sau đó, tôi đi gửi mỗi ngày. Một tuần sau, bưu điện bắt đầu mở cửa hai tiếng mỗi sáng, mỗi lần mỗi người chỉ được gửi giới hạn một lá thư đã đăng ký. Vì vậy, mỗi ngày tôi đến hai bưu điện, nếu có thời gian thì đến ba bưu điện để gửi thư. Trong gần một tháng, tôi đã gửi tất cả những gì tôi cần gửi.
Trong khoảng thời gian này, tôi nhận được cuộc gọi từ cảnh sát khu vực tôi ở, cậu ấy cẩn thận dè dặt nói qua điện thoại: “Dì già rồi, lẩm cẩm rồi, thực sự lẩm cẩm rồi. Không thể gửi ‘Đơn biện hộ’ này nữa, nếu không dì sẽ bị bắt. Dì không sợ, nhưng cháu sợ. Nhất định đừng gửi nữa!”
Tôi cười nói: “Cảm ơn sự quan tâm của cậu. Tôi đã gửi đến cảnh sát thụ án rồi, cậu ấy bảo tôi ký tên, còn bỏ nó vào túi đựng hồ sơ và coi đó như bằng chứng phạm tội. Tôi nói với cậu ấy rằng, nếu cậu muốn dùng nó làm bằng chứng, tôi có thể đưa cho cậu thêm vài bản, và mỗi cảnh sát thụ án khác một bản, nhưng tuyệt đối đó không phải là bằng chứng phạm tội!“
Sau đó, tôi nhìn thấy một tin nhắn chưa đọc trên điện thoại của mình, tôi mở ra và thấy có tin nhắn: “Chào dì, ‘Đơn biện hộ’ của dì đã được tiếp nhận. Sau khi kiểm tra: Trường hợp của dì không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát chúng tôi, dì có gửi nhầm không? Lời nhắc nhở đặc biệt: Vui lòng kiểm tra đơn vị thẩm quyền trước khi gửi để không chậm trễ việc quan trọng của dì! Chúc dì luôn mỉm cười và mọi tâm nguyện của dì đều thành hiện thực!” Trong tâm tôi nghĩ: “Công tố viên gửi tin nhắn này đã được cứu.”
Ngày 8 tháng 5 năm 2020, tôi nhận được giấy triệu tập của Viện kiểm sát cấp quận, yêu cầu tôi đến Viện kiểm sát để thẩm vấn. Tôi đã đến Viện kiểm sát đúng giờ. Câu đầu tiên mà công tố viên (nữ) nói khi nhìn thấy tôi là: “Lãnh đạo đã xem tài liệu rồi, bà đủ bị kết án rồi, tôi và một trợ lý công tố viên sẽ là công tố viên trong vụ việc này.” Sau đó cô ấy hỏi một số vấn đề và tôi trả lời từng câu một. Tổng thời gian chưa đầy 15 phút, cô ấy nói có việc và thẩm vấn kết thúc.
Tôi nói: “Tôi vẫn có điều muốn nói với cô.”
Cô ấy nói: “Tôi không có thời gian. Nếu bà có thể bảo đảm từ nay về sau không luyện công nữa, tôi có thể kiến nghị tòa áp dụng án treo.”
Lúc này tôi lấy “Đơn biện hộ” ra đưa cho cô ấy, cô ấy lướt mắt qua rồi nói: “Không cần đâu, trước đây có nhận một bản rồi, còn có một bản trong hồ sơ.” Cô ấy ra hiệu cho trợ lý yêu cầu tôi ký vào biên bản thẩm vấn. Tôi nhìn thấy dòng chữ “đã xuất trình ID của công tố viên” được viết rõ ràng trên bản ghi chép thẩm vấn, và tôi hỏi cô ấy: “Tôi muốn xem ID công tố viên của cô.”
Cô ấy nói một cách khinh thường: “Bà còn nghi ngờ chúng tôi à? Chúng tôi sẽ gặp bà ở tòa.” Sau đó cô ấy bỏ đi. Là một người tu luyện, tất nhiên tôi không so đo với thái độ của công tố viên, nhưng tôi không ngờ cô ấy lại ngạo mạn và thậm chí tự cao tự đại đến vậy.
Hôm sau, tôi gọi điện cho công tố viên và yêu cầu công tố viên đánh giá lại cái gọi là “bằng chứng phạm tội” do một cơ quan công an nào đó cố ý đưa ra. Lý do của tôi là, cơ quan công an theo thuyết vô Thần lại đi “đánh giá bằng chứng” đối với người tu luyện có niềm tin vào Thần, thực thi quyền phán xét tôn giáo như vậy là không công bằng; lại nói, việc cơ quan công an (này) tiến hành điều tra rồi giao cho cơ quan công an (khác) tiến hành thẩm định là không đúng quy định của pháp luật, phải có thẩm định của bên thứ ba đủ năng lực mới có giá trị. Công tố viên nói: “Đừng gây rối với tôi, đó là điều chúng tôi luôn làm. Chưa có ai đưa ra yêu cầu như bà và yêu cầu của bà là vô lý.” Sau đó, [công tố viên] gác điện thoại.
Sau đó, tôi chia sẻ tình huống này với đồng tu, và nói rằng tôi muốn kiện công tố viên quận lên Viện kiểm sát trung cấp thành phố, điều này đã được đồng tu khuyến khích.
Ngày 20 tháng 6 năm 2020, tôi đã gửi đơn kiện công tố viên cấp quận BB và trợ lý công tố viên CC tới Viện kiểm sát trung cấp thành phố (có kèm theo một bản “Đơn biện hộ”). Đồng thời, tôi cũng gửi bản sao đơn kiện cho công tố viên có liên quan. Đơn khiếu nại nêu rõ: Với tư cách là người chịu trách nhiệm thẩm tra và khởi tố của Viện kiểm sát trong vụ án này, không nghiêm minh thẩm tra tình tiết vụ án và thực hiện chức năng giám sát pháp luật của một công tố viên, biết người kháng cáo không có bất kỳ tình tiết phạm tội, nhưng đã công nhiên bẻ cong luật pháp để khởi tố người kháng cáo một cách trái pháp luật, cố ý tạo ra án oan, án giả và án sai. Cũng liệt kê 9 điều và lý do khiến công tố viên kết tội “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” mà không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho thấy là tổ chức tà giáo, truy cứu trách nhiệm đối với trợ lý công tố viên CC về hành vi nghi ngờ người kháng cáo vi phạm pháp luật và phạm tội.
Ngày 29 tháng 6, tôi nhận được trả lời của Viện kiểm sát trung cấp thành phố: Chúng tôi đã nhận được thư của bạn, các tài liệu đã được chuyển đến Viện kiểm sát quận để xem xét và xử lý. Sau đó, tôi đã nộp đơn “Kiến nghị không từ chối thụ lý” lên thẩm phán phụ trách vụ án tại Tòa án quận.
Ngày 4 tháng 8 năm 2020, thư ký tòa án quận đã gọi cho tôi để thông báo đi lấy giấy triệu tập và chuẩn bị cho phiên tòa. Cũng chính là nói, Viện kiểm sát thành phố đã chuyển hồ sơ lên Viện kiểm sát quận để “xem xét, xử lý” nhưng không được giải quyết, đơn “Kiến nghị không từ chối thụ lý” mà tôi nộp lên tòa án không được chấp nhận hoặc đơn giản là bị bỏ qua. Vì muốn cứu thẩm phán và những người khác, tôi đã bỏ yêu cầu “Kiến nghị không từ chối thụ lý”.
Nữ thẩm phán hỏi tôi: “Bà đã thuê luật sư ở đâu và tên luật sư là gì?”
Tôi nói: “Là luật sư ở Bắc Kinh, tên là…”
Tôi còn chưa nói ra tên, thẩm phán đã giận dữ nói: “Bà đừng gây rối với tôi, nếu bà gây rối, tôi sẽ ra lệnh bắt bà ngay lập tức. Tôi hỏi bà, sao bà không thuê luật sư ở thành phố này?”
Tôi bình hòa nói: “Luật sư ở thành phố này không phù hợp với tôi, hơn nữa Cục Tư pháp có quy định, yêu cầu luật sư chỉ biện hộ có tội. Tôi vốn không có tội, sao có thể bỏ tiền thuê luật sư bào chữa cho mình có tội? Cô thử nghĩ hộ tôi một chút.” Cô ấy không nói gì.
Tôi nói: “Luật sư Bắc Kinh không thể đến được, nên tôi không thuê luật sư, tôi tự biện hộ.”
Thẩm phán thấy tôi bình hòa và thành khẩn như vậy, cơn tức giận đột nhiên biến mất, và nói: “Vậy phiên tòa sẽ bắt đầu đúng giờ vào lúc 9h30 ngày 12 tháng 8 năm 2020.”
Toàn bộ phiên tòa phi pháp đều được ghi âm và ghi hình, chỉ có một thẩm phán và một thư ký, hai công tố viên, hai bồi thẩm đoàn và hai cảnh sát tòa án. Thẩm phán hỏi tôi trong phiên tòa: “Có điều gì muốn nói không?”
Tôi nói: “Vì các đảng viên của Trung Cộng là những người vô Thần, việc những người vô Thần truy tố những người tu Phật tu Đạo là không công bằng; trước đây tôi đã kiện công tố viên BB, CC về điều này.”
Sau khi thẩm phán và bồi thẩm đoàn nghị luận thì thầm, họ nói rằng không ủng hộ. Nhưng không cho tôi biết cơ sở pháp lý vì sao không ủng hộ.
Công tố viên nhỏ giọng đọc bản cáo trạng trước tòa, cáo buộc tôi lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật… Tôi lập tức đề xuất với thẩm phán: “Giọng công tố viên đọc chứng cứ quá nhỏ và quá nhanh, tôi không nghe rõ chữ nào cả.” Kết quả là thẩm phán đã không trả lời, cũng không dừng lại. Công tố viên tiếp tục đọc nhỏ giọng, hoàn toàn mất đi khí thế hung hăng và kiêu ngạo ban đầu. Trong quá trình biện luận, tôi yêu cầu công tố viên giải thích tà giáo là gì? Tà giáo có hành vi biểu hiện gì? Công tố viên không trả lời, thay vào đó vu tội và hỏi tôi: “Có phải bà phát cuốn sách nhỏ không?” Tôi yêu cầu công tố viên lấy cuốn sách nhỏ ra đọc thử, để xem nội dung bên trong có phải là tà giáo không? Công tố viên không trả lời. Tôi tiếp tục nói: “Việc phát cuốn sách nhỏ chân tướng được cho là phá hoại việc thực thi pháp luật, xin hỏi điều nào, khoản nào, luật nào đang bị phá hoại?” Công tố viên vẫn không trả lời.
Tôi tiếp tục nói: “Theo giải thích tư pháp về Điều 300 Bộ luật Hình sự do hai Tòa án tối cao đưa ra, vì vi phạm ‘Hiến pháp’ và ‘Lập pháp’ nên không có hiệu lực, không thể dùng làm căn cứ để phán xét. Cách giải thích tư pháp của hai Tòa án tối cao đi ngược lại với bổn ý và mục đích lập pháp của Điều 300 Bộ luật Hình sự, vì vậy không liên quan gì đến Điều 300 Bộ luật Hình sự.
“Việc phát cuốn sách nhỏ chân tướng không có nguy hại cho xã hội, có ai đọc cuốn sách nhỏ mà phát điên hoặc trở nên ngu ngốc không? Không có. Không có nạn nhân, không có hậu quả hình sự, không gây tổn hại cho xã hội, làm sao có thể nói là phạm tội? Vì vậy không thể cấu thành phạm tội, tôi cũng không phạm tội! Cho đến nay, luật pháp hiện hành của Trung Quốc không có văn bản xác nhận Pháp Luân Công là X giáo. Nhưng nghe nói văn bản nội bộ lại quy định, sao không dám công khai? Vì nó có thể được sử dụng làm cơ sở pháp lý, đáng ra nên công bố công khai. Các vị sử dụng quy định nội bộ không dám công khai – coi đó như luật pháp để quyết định bản án, điều này không chỉ làm hại người khác, mà còn làm hại chính các vị, đồng thời còn làm hại…”
Thẩm phán ngắt lời tôi: “Không cần bà nói về việc của chúng tôi, bây giờ tuyên bố kết thúc biện luận.” Thay vào đó tôi được yêu cầu đọc tuyên bố cuối cùng của mình. Sau khi đọc xong, thư ký đã lấy bản “Lời khai cuối cùng” của tôi và cất vào hồ sơ. Thẩm phán hỏi công tố viên liệu có điều gì muốn nói không? Công tố viên nói: “Không.” Cũng chính là nói, công tố viên không hề có ý kiến bất đồng nào với lời biện hộ vô tội và lời tuyên bố cuối cùng của tôi.
Cuối cùng thẩm phán hỏi tôi: “Có nhận tội không?”
Tôi nói: “Tôi vốn vô tội, nhận tội gì đây?!”
Thẩm phán công bố: “Phiên tòa kết thúc, chọn ngày tuyên án.”
Họ bảo tôi về nhà chờ thông báo. Thư ký yêu cầu tôi ký vào biên bản tòa án và tôi viết: Tất cả bằng chứng bao gồm cả cuốn sách nhỏ đều không được trình bày, xác định và đối chứng trước tòa.
Vào ngày 17 tháng 12 năm 2020, thư ký tòa án yêu cầu tôi đến lấy bản án hình sự có nội dung: Phạm tội lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật, bị kết án một năm tù và bị phạt 10.000 Nhân dân tệ.
Cùng ngày, cảnh sát xử lý vụ án ở đồn cảnh sát đã bắt cóc tôi đến trại tạm giam thành phố, giam giữ phi pháp và bức hại tôi. Cảnh sát xử lý vụ án yêu cầu tôi ký lệnh bắt giữ, tôi cẩn thận viết xuống dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân Thiện Nhẫn hảo!” Cảnh sát xử lý vụ án cúi đầu không nói nên lời, còn những cảnh sát ở trại tạm giam nhìn nhau bối rối. Tôi nói: “Hiện nay Pháp Luân Công đã hồng truyền đến hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới, quyển sách chính “Chuyển Pháp Luân” của Pháp Luân Công đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và xuất bản, phổ biến khắp thế giới. Mọi người ca ngợi Pháp Luân Công không chỉ mang lại sức khỏe thể chất cho con người, mà quan trọng hơn là nâng cao cảnh giới đạo đức của con người. Pháp Luân Công và người sáng lập, Ngài Lý Hồng Chí, đã nhận được hơn 6.000 giải thưởng từ nhiều quốc gia và quan chức chính phủ trên khắp thế giới. Lý niệm Chân-Thiện-Nhẫn được Pháp Luân Công khởi xướng đã thành giá trị phổ quát cho nhân loại noi theo! Mong các anh ghi nhớ: ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân Thiện Nhẫn hảo’.”
Tôi không phục với quyết định của tòa án nên quyết định kháng cáo, và tôi đã viết đơn kháng cáo dưới ánh sáng lờ mờ của trại tạm giam. Vào ngày 24 tháng 12 năm 2020, tôi đã gửi đơn kháng cáo cho cảnh sát trại tạm giam, để kháng cáo lên Tòa án trung cấp thành phố.
Ngày 20 tháng 2 năm 2021, tôi nhận được phán quyết cuối cùng từ Tòa án trung cấp thành phố: Kháng cáo bị bác bỏ, giữ nguyên bản án ban đầu.
Vào ngày 31 tháng 3 năm 2021, tại trại tạm giam, tôi nhận được quyết định từ nơi làm việc cũ về việc “hủy bỏ chế độ hưu trí”. Tôi đã đề xuất khiếu nại. Tuy nhiên, vì trại tạm giam không có điều kiện để viết đơn khiếu nại nên chỉ bày tỏ bằng lời nói: Muốn khiếu nại (sau khi ra tù đã hết thời gian khiếu nại nên chỉ có thể viết đơn xin xem xét). Cảnh sát tại trại tạm giam đã hỏi tôi về tình hình và hỏi tôi nghĩ gì? Tôi thản nhiên mỉm cười nói: “Cảm ơn đã quan tâm, tôi không oán không hận.” Người cảnh sát đó đã giơ ngón cái lên với tôi. Ngày 19 tháng 4 năm 2021, tôi bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh để bức hại.
Vào ngày 15 tháng 11 năm 2021, tôi ra tù và kết thúc án oan. Ngày hôm đó, người của Ủy ban Chính trị Pháp luật quận, Phòng Tư pháp quận, cảnh sát khu vực và những người khác đã đưa tôi ra khỏi nhà tù. Tôi không biết những người này, đầu tiên cảnh sát khu vực tự giới thiệu, rằng cậu ấy mới làm cảnh sát khu vực nơi tôi cư trú được nửa năm, đồng thời giới thiệu tên, chức vụ của các nhân viên Ủy ban Chính trị Pháp luật, Phòng Tư pháp và các nhân sự khác.
Tiếp theo cậu ấy nghiêm nghị hỏi tôi: “Từ nay về sau dì có tiếp tục luyện Pháp Luân Công không?”
Tôi nhìn cậu ấy và trịnh trọng nói: “Luyện!”
Mọi người đều im lặng. Tôi tiếp tục nói: “Tôi vẫn muốn kháng cáo, tôi bị kết án sai, các vị đều là nhân viên thực thi pháp luật của quốc gia, tôi muốn thực hiện các quyền của mình và kháng cáo theo quy định của pháp luật, nếu án oan không được làm sáng tỏ, tôi sẽ kháng cáo đến cùng!”
Sau khi tôi nói xong, vị trưởng phòng của Ủy ban Chính trị Pháp luật nói: “Lên xe, chúng ta đưa dì ấy về nhà.”
Không có từ ngữ nào có thể diễn tả được sự bức hại mà tôi phải đối mặt trong những ngày tháng ở nhà tù nữ. Sau khi về nhà, tôi nghĩ đến việc viết thư chân tướng cho cai ngục, thật đáng thương khi những người này không minh chân tướng, mù quáng thực hiện cái gọi là chỉ thị, mệnh lệnh từ cấp trên và bức hại tàn bạo các học viên Pháp Luân Công. Vào giữa tháng 12, tức là trước Tết Nguyên Đán 2022, tôi viết thư chân tướng và gửi cho tất cả cai ngục mà tôi đã tiếp xúc và biết tên. Tôi cũng căn dặn mấy câu ở mặt sau thư chân tướng: Các vị mau minh bạch chân tướng Đại Pháp, trọng đạo đức, làm việc thiện. Bình thường nên cố gắng hết sức thiện đãi các học viên Pháp Luân Công bị kết án sai và bị tù oan. Trên đầu ba thước có Thần linh, Thần Phật sẽ ghi chép hành động thiện của các vị, Đại Pháp sẽ ban cho các vị phúc phận. Cũng là tích đại đức cho con cháu và người thân của các vị. Hãy trân quý sinh mệnh, nắm lấy tương lai!
Tôi đã gửi thư chân tướng đến nhà tù nữ trong ba năm liên tiếp và tôi vẫn tiếp tục gửi. Sau đó tôi cũng gửi cho họ “Đơn kháng cáo” của mình.
Phần 2: Sau khi kết thúc tù oan, tiếp tục kháng cáo, giảng chân tướng
Tôi sống một mình. Sau khi tôi trở về nhà, con gái nghe nói tôi vẫn muốn kháng cáo nên đã từ chối cho tôi vào nhà của cháu, nói rằng thật xấu hổ khi mẹ bị kết án, vì điều này mà cháu thường bị sỉ nhục, cảm thấy thua kém người khác, tổn hại danh tiếng… Trong một môi trường mà rất nhiều người đều cả tin vào tuyên truyền của Trung Cộng mà không cần suy nghĩ, con gái tôi cũng vậy, trong tâm cháu oán giận tôi và sinh ra chống đối Đại Pháp.
Tôi điện thoại cho người thân, và họ không nghe điện thoại của tôi. Trước đây họ đều biết Đại Pháp tốt và ủng hộ tôi tu luyện. Sau khi tôi bị kết án sai, họ bị tà đảng Trung Cộng dọa phát khiếp, cho rằng Pháp Luân Công là vấn đề chính trị, sợ bị liên lụy, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, v.v.. Tôi không bao giờ bỏ cuộc và thỉnh thoảng gọi cho họ, ngay cả khi họ không trả lời, tôi vẫn gọi cho họ. Về sau, họ bảo tôi đừng điện thoại mà đến gặp tôi để nói chuyện trực tiếp. Tôi nói: “Chào mừng nồng nhiệt!”
Con gái dù sao cũng là con gái, bạn bè thân quyến dù sao cũng là bạn bè thân quyến, gặp nhau vẫn khác hơn (là chỉ nói qua điện thoại). Họ nghẹn ngào rơi nước mắt khi thấy tôi bị bức hại chỉ còn da bọc xương, tôi cũng khóc theo họ.
Chị cả nói: “Chúng ta đều sinh ra cùng một mẹ, được nuôi dưỡng cùng một cha, và lớn lên trong cùng một gia đình, sao có thể bỏ mặc em được? Chủ yếu là lo lắng, sợ, sợ yêu thương em, em lại làm ra nhiều chuyện bất ngờ hơn, rồi lại bị bắt, lại bị… không dám nghĩ tiếp nữa, sợ! Nên mới phớt lờ em, để em nếm trải nỗi đau mất đi người thân.”
Em gái nói: “Chị ơi, em xin chị, nhất định đừng kháng cáo nữa, vô ích thôi, mọi người đều nói: Công an là kẻ cướp, Viện kiểm sát là người đưa thư, Tòa án là bảo vệ. Sẽ dễ dàng hơn nếu ngay từ đầu chị không kiện Viện kiểm sát, cáo trạng này sẽ gây ra rắc rối lớn!”
Em trai nói: “Chị đừng nghe những lời vô nghĩa của chính quyền về việc cai trị đất nước theo pháp luật, ba bên Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đều hạn chế lẫn nhau. Trên thực tế, ba bên đã cấu kết với nhau, thông đồng, cùng dựa vào nhau làm bậy. Chị phải nhẫn, đừng kháng cáo, đừng để bị lừa…”
Anh rể xen vào: “Ba mươi đến bốn mươi năm thâm niên mất trắng, quyền lợi hưu trí bị hủy bỏ, mất thì mất nhưng vẫn còn mạng người. Nếu em kháng cáo chỗ này, kháng cáo chỗ kia, liệu những người đó có tha cho em không? ‘Đồ cùng chủy kiến’ (ý đồ cuối cùng cũng lộ ra), không thể lại mất đi mạng sống một cách vô ích nữa. Em nói không sợ, nhưng gia đình lo lắng!”
Nước mắt vẫn còn đọng trên má của con gái, cháu nói: “Mẹ ơi, có một số chuyện con không dám nói, con sợ, mẹ không sợ nhưng con sợ. Sau khi mẹ bị bắt giam, những điều người ta nói với con khiến con không dám mở mắt nhìn, cũng không thể nhắm mắt ngủ được, thường xuyên gặp ác mộng.”
Tôi nói: “Mọi người đều biết rõ những lợi ích mà tôi đã nhận được khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Người tu luyện không tham gia chính trị, không làm chính trị. Cái gọi là tham gia chính trị chính là cây gậy được các chính trị gia dùng để đánh người. Người tu luyện đến để cứu người và cứu chúng sinh vào thời mạt kiếp, sinh mệnh của tôi đến thế gian là vì cứu người. Tất nhiên, đây là điều mà bản thân tôi minh bạch lựa chọn, nếu không, sinh mệnh tôi sẽ trở nên vô nghĩa. Về việc tôi muốn kháng cáo, đây là quyền lợi công dân của tôi, kháng cáo dựa trên pháp luật, tìm lại công lý, quay về chính nghĩa, điều này không những là trách nhiệm đối với bản thân mà còn với người thân và bạn bè đang có mặt ở đây, đồng thời cũng là cứu người. Về điều này, mọi người đừng dao động tôi, cũng không thể dao động được tôi. Đừng nói nữa, nói nữa cũng không tốt cho mọi người đâu. Ngoại trừ việc tu luyện của tôi ra, mọi người đừng ngần ngại chỉ ra những vấn đề khác, nếu có chỗ nào không tốt, tôi sẽ sửa đổi, nhất định sẽ sửa!” Họ đều ngập ngừng và không thể nói ra điểm nào không tốt của tôi. Lần này mọi người ra về mà không vui.
Nhưng những ngày tiếp theo, tôi cũng không nhớ lúc nào, mọi người lại bắt đầu liên lạc với tôi. Bây giờ họ thường điện thoại gọi tôi đến, thỉnh thoảng tôi nói bận không có thời gian, họ sẽ nói: “Chị không đến thì mọi người đến (nhà chị), chỉ muốn ở bên chị.”
Ngày 13 tháng 4 năm 2022, vì không đồng ý với bản án cuối cùng của Tòa án trung cấp thành phố nên tôi đã gửi đơn lên Tòa án trung cấp. Sau đó, tôi đính kèm tin nhắn (có nội dung khác nhau) vào đơn khiếu nại gửi lên Tòa án thành phố và gửi cho công an, kiểm sát viên, thẩm phán tòa sơ thẩm ban đầu; đồng thời, đơn kháng cáo cũng được gửi đến người phụ trách Cục Tư pháp, Ủy ban Chính trị Pháp luật và Phòng 610.
Chiều 17 tháng 5, tòa thông báo tôi lên Tòa án trung cấp thành phố để tham dự phiên tòa. Nói là tham dự phiên tòa, nhưng thực chất là trao đổi để phán đoán xem liệu có phúc thẩm hay không. Ba người tham gia cuộc trao đổi là thẩm phán, thư ký và tôi. Thẩm phán là một người đàn ông trung niên và thư ký là một phụ nữ trẻ. Khi bắt đầu trao đổi, thẩm phán hỏi tôi: “Tại sao kháng cáo?”
Tôi thấy họ không ác ý, rất tốt bụng, nên tôi hỏi lại một câu: “Hai người có xem đơn kháng cáo của tôi chưa?”
Thẩm phán nói: “Xem rồi, viết rất hay, có lý có cơ sở, mạch lạc rõ ràng.”
Tôi lại hỏi: “Anh đã thấy cái gọi là bằng chứng phạm tội mà họ đã phán định ở phiên tòa đầu tiên chưa?” Thẩm phán không trả lời.
Tôi lại hỏi: “Anh đã xem xét bản ghi âm thực tế của phiên tòa sơ thẩm (lúc đó là ghi âm và ghi hình) hay chưa?” Thẩm phán vẫn không trả lời.
Tôi dừng lại. Thẩm phán thấy tôi dừng lại không nói nữa, lúc này anh ấy nói: “Nếu dì có thắc mắc gì thì cứ hỏi, có điều gì muốn nói thì cứ nói, chúng tôi sẽ lắng nghe cẩn thận những gì dì nói.”
Tôi tiếp tục nói: “Đây là một vụ án oan và kết án sai. Tôi nghĩ điều quan trọng là anh không chỉ xem xét đơn khiếu nại của tôi mà còn cả cái gọi là ‘bằng chứng phạm tội’ đã buộc tội tôi, đồng thời điều tra toàn bộ quá trình xét xử sơ thẩm. Công tố viên đã không đưa ra cái gọi là ‘bằng chứng phạm tội’ trước tòa và không có sự đánh giá đủ tiêu chuẩn của bên thứ ba về ‘bằng chứng phạm tội’. Khi đó tôi yêu cầu công tố viên giám định lại cái gọi là ‘bằng chứng phạm tội’ nhưng công tố viên không chấp nhận, v.v.. Vì lý do này, tôi đã làm đơn khiếu nại công tố viên lên Viện kiểm sát thành phố. Đồng thời, đơn khiếu nại cũng được gửi đến công tố viên phụ trách. Sau khi công tố viên phụ trách nhận được đơn khiếu nại của tôi, đã trái phép gửi đơn khiếu nại lên Tòa án quận trước khi nhận được thư xét xử của Viện kiểm sát thành phố…”
Thẩm phán nói: “Tôi đọc, nhất định sẽ đọc.”
Tôi nói: “Không những hai người phải đọc, mà tất cả mọi người trong hội đồng xét xử vụ án này đều phải đọc thì mới có quyền phát ngôn.”
Thẩm phán nói: “Tôi sẽ cố gắng hết sức để đề xuất với họ. Dì hãy tiếp tục nói.”
Tôi nói: “Sau khi anh đọc minh bạch những điều này, anh sẽ tự rõ lý do vì sao tôi phải kháng cáo.”
Thẩm phán bảo tôi hãy tiếp tục nói, cứ nói hết tất cả những gì muốn nói. Tôi nói: “Pháp Luân Công không phải là một công pháp thông thường, mà là tu luyện Phật Pháp, là cứu người. Anh chỉ cần đọc hiểu cái gọi là ‘bằng chứng phạm tội’ của tôi, đứng trên cơ điểm đúng đắn, lựa chọn chính nghĩa, thiện lương, thì anh sẽ được cứu. Người nào minh bạch và lựa chọn thiện lương, chính nghĩa, thì người đó có thể được cứu.”
Thẩm phán hỏi: “Dì còn yêu cầu gì không?”
Tôi nói: “Yêu cầu của tôi đã viết trong đơn kháng cáo rồi: Sửa bản án thành vô tội, và (trả lại) sự thanh bạch cho tôi!”
Thẩm phán ngập ngừng nói: “Tôi không thể làm chủ việc này, phải báo cáo lên trên. Nếu không phục với phán quyết của tòa án này, dì có thể kháng cáo lên Tòa án cấp tỉnh hoặc Tòa án tối cao.”
Tôi nói: “Tôi sẽ làm, nhất định sẽ làm như vậy. Nhưng đối với anh và những người liên quan đến việc phúc thẩm vụ án này mà nói, thì đã mất đi cơ hội được cứu, điều đó thật đáng tiếc, và tôi không muốn thấy kết quả này.”
Vào ngày 22 tháng 6 năm 2022, Tòa án trung cấp thành phố đã bác đơn kháng cáo của tôi, giữ nguyên bản án sơ thẩm lần thứ nhất và sơ thẩm lần thứ hai.
Ngày 1 tháng 8, tôi không phục với quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm lần thứ nhất và lần thứ hai của Tòa án trung cấp thành phố. Nên đơn kháng cáo lại được gửi tới Tòa án cấp tỉnh. Cuối cùng tôi đã viết trong đơn kháng cáo của mình: “Các thẩm phán của Tòa án cấp tỉnh, đơn kháng cáo của tôi đã gửi đến bàn làm việc của các vị, các vị nên nhìn rõ tình hình thế giới hiện tại và minh bạch đạo lý. Phật Thích Ca Mâu Ni giảng: Cho tăng nhân một bát cơm, công đức vô lượng. Vậy ngược lại là tội lớn vô biên. Mỗi sự khởi đầu tốt hay xấu đều là lựa chọn của sinh mệnh, các vị lựa chọn làm con dê tế Thần cho tập đoàn tội phạm Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, hay chọn làm người thiện lương ‘cho tăng nhân một bát cơm, công đức vô lượng’. Điều này không đòi hỏi trí huệ hay lòng dũng cảm cao cả, chỉ cần chính nghĩa và thiện lương.
“Tôi là một người tu luyện Pháp Luân Công, là người thực hành Chân-Thiện-Nhẫn, tôi muốn khuyến thiện các vị rằng: Chân-Thiện-Nhẫn đã trở thành giá trị phổ quát trong xã hội nhân loại, là cảnh giới cao nhất của đạo đức nhân loại, là tín ngưỡng thần thánh nhất, thuần chính nhất, cao thượng nhất. Tôi là đệ tử Đại Pháp, hy vọng các vị nhanh chóng hiểu được chân tướng Pháp Luân Công, nhanh chóng chấm dứt bức hại Pháp Luân Công, nhanh chóng chấm dứt hành vi phạm tội này, nhanh chóng giải thoát bản thân khỏi những tội ác tày trời mà tập đoàn tội phạm Giang Trạch Dân đã gây ra khi bức hại Pháp Luân Công. Dịch bệnh đang hoành hành, đủ mọi thiên tai nhân họa không ngừng giáng xuống, nhân loại đối diện trước đại đào thải, đại thanh trừng, vẫn có thể từ bỏ cái gọi là sai khiến của ‘cấp trên’ và trói buộc của lợi ích, trả lại sự công bằng và chính nghĩa cho luật pháp, lấy luật pháp làm tiêu chuẩn, xử lý các vụ án bằng chính nghĩa và thiện lương, đưa ra những phán quyết có thể đứng vững trước thử thách của thời gian; khi đó, sự huy hoàng trong sự nghiệp của các vị, sự tốt đẹp của sinh mệnh tương lai và hạnh phúc của những người thân yêu của các vị đều được đong đầy trong đó. Hãy trân quý, mỗi sự lựa chọn thiện hay ác ở đời đều là sự lựa chọn của sinh mệnh, đừng để hối hận trở thành nuối tiếc suốt đời!”
Trong vài ngày tiếp theo, tôi gửi đơn kháng cáo khác lên Tòa án cấp tỉnh và đính kèm tin nhắn (có nội dung khác nhau) tới Tòa án trung cấp thành phố, thẩm phán của tòa sơ thẩm, công tố viên của Viện kiểm sát và cảnh sát của Cục Công an trong thời kỳ đầu. Đồng thời, đơn kháng cáo được gửi đến người đứng đầu Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh, Ủy ban pháp luật Đại hội nhân dân tỉnh và Hội nghị hiệp thương chính trị tỉnh.
Một ngày sau khi đơn được gửi đi, điện thoại di động của tôi nhận được tin nhắn từ một thẩm phán của Tòa án trung cấp thành phố, hẹn gặp tôi vào một thời gian và địa điểm nhất định.
Tôi đến trước thời gian đã hẹn và thẩm phán cũng rất đúng giờ. Anh ấy vừa gặp liền nói: “Đơn của dì gửi nhầm cho tôi, đơn kháng cáo lên Tòa án cấp tỉnh đã gửi đến tôi. Dì hãy gửi lại nhé, đừng chậm trễ việc quan trọng.”
Tôi nghe hiểu và nói: “Không gửi nhầm, chính là gửi anh, anh không thấy có một tin nhắn ở cuối đơn kháng cáo sao?”
Anh ấy nói: “Ồ, tôi hiểu rồi, dì muốn tôi minh bạch chân tướng, được phúc báo, được cứu! Nhưng tôi không có quyền quyết định trường hợp của dì. Ý kiến của hội đồng xét xử trong trường hợp của dì là khá nhất trí, cho rằng bản án quá nghiêm khắc nên vụ án được hoãn lại để xem xét. Nhưng khi ý kiến được gửi đến người lãnh đạo, ông ấy nói: ‘Án Pháp Luân Công là vấn đề chính trị, ai dám dám động đến vấn đề chính trị này?’…”
Tôi nói: “Anh phải bảo trì thiện lương. Chỉ cần anh bảo trì thiện lương, duy hộ chính nghĩa, dám nói lời chân thật, làm được vậy là tốt rồi.”
Anh ấy nói: “Tôi vẫn được cứu không?”
Tôi nói: “Được cứu, hãy thoái đảng mà anh từng gia nhập.”
Anh ấy nói: “Được, dì thoái cho tôi nhé.”
Tôi nói: “Lấy hóa danh cho anh nhé, gọi là Pháp Duyên, nó đồng âm với từ ‘tòa án’, vì anh có nhân duyên với Đại Pháp, nên nếu thêm họ của anh vào trước đó, thì gọi là A Pháp Duyên.”
Anh ấy nói: “Hay, rất hay, cảm tạ dì!”
Tôi nói: “Hãy cảm ơn Sư phụ Đại Pháp từ bi nhé, chính Sư phụ Đại Pháp mới thực sự cứu anh!”
Anh ấy thành khẩn nói: “Cảm tạ Sư phụ, cảm tạ Sư phụ Đại Pháp!”
Khi chúng tôi ra về, vị thẩm phán này nắm tay tôi và nói: “Cảm tạ dì, dì phải chú ý an toàn, bảo trọng nhiều hơn, bảo trọng nhiều hơn nữa!”
Tôi nói: “Anh đừng lo lắng, tôi có Sư phụ, Sư phụ từ bi…” Tôi chưa nói dứt lời, nước mắt đã tuôn rơi.
Ngày 22 tháng 9 năm 2022, tôi nhận được thông báo từ Tòa án cấp tỉnh: Tài liệu kháng cáo chưa đầy đủ. Yêu cầu gửi tài liệu trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo và phải chuẩn bị đầy đủ trước khi gửi. Ngày 26 tháng 9, tôi chuẩn bị “Đơn kháng cáo”, “Bản án”, “Quyết định”, “Thông báo từ chối kháng cáo”, bản sao CMND và các tài liệu khác gửi đến Văn phòng Khiếu nại Tòa án cấp tỉnh.
Ngày 18 tháng 7 năm 2023, tôi đã nhận được “Thông báo từ chối kháng cáo” từ Tòa án cấp tỉnh: Phán quyết và nhận định trong bản án ban đầu đã rõ ràng, bằng chứng xác thực và đầy đủ, định tội chính xác, hình phạt phù hợp, thủ tục hợp pháp. Lý do kháng cáo của bạn không thể được thành lập, đơn kháng cáo không đáp ứng điều kiện xét xử lại theo quy định tại Điều 253 Luật Tố tụng Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và bị bác bỏ. Tôi viết trên biên nhận: Đầu tiên, nếu một người đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu, là người tốt theo Chân-Thiện-Nhẫn và bị kết tội, vậy hỏi chư vị loại người nào mới là vô tội?! Thứ hai, xem qua các luật do Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành, không có luật nào xác định rằng “Pháp Luân Công là X giáo”. Pháp Luân Công không nằm trong số 14 tà giáo do Bộ Công an công bố. Cuối cùng, tôi chân thành hy vọng rằng thẩm phán có thể minh bạch chân tướng Pháp Luân Công và có thể bình an vượt qua đại dịch hiện tại.
Bước tiếp theo để kháng cáo là gì? Tôi chia sẻ với đồng tu, đồng tu đề nghị trước tiên nên tham vấn với Tòa án lưu động của Tòa án tối cao toàn quốc. Theo kết quả của quá trình tham vấn, kháng cáo của tôi không thuộc phạm vi của Tòa án lưu động. Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của diễn đàn thảo luận công cộng:
Ngày 1 tháng 8 năm 2023, tôi gửi kháng cáo đến Viện kiểm sát số 9 Viện kiểm sát thành phố, để kháng nghị quyết định của tòa án. Đồng thời, tôi lại gửi đơn tới Chủ tịch Tòa án tối cao toàn quốc, đề nghị xem xét lại đơn kiện theo quy định pháp luật.
Ngày 8 tháng 8, công tố viên của Viện kiểm sát số 9 Viện kiểm sát thành phố đã gọi điện và nói rằng đơn khiếu nại của tôi đã được nhận, yêu cầu bổ sung tài liệu. Một tuần sau, tôi hoàn thành tài liệu và gửi đến văn phòng của công tố viên đó.
Vào ngày 7 tháng 10, tôi nhận được cuộc gọi từ công tố viên của Viện kiểm sát thành phố, yêu cầu tôi đến Viện kiểm sát trong vòng ba ngày để trao đổi. Tôi đã đến đúng hẹn. Ngoài công tố viên ra, còn có một thư ký tham gia trao đổi.
Công tố viên nói: “Kháng cáo của dì rất chính quy.”
Tôi nói: “Không những chính quy mà lý do cũng rất chính đáng.”
Công tố viên nói: “Không ngờ suy nghĩ của dì nhanh như vậy. Chúng ta không hề xa lạ với nhau. Vui lòng cho chúng tôi biết vì sao dì muốn kháng cáo về vấn đề này? Ngoài việc chủ yếu nói về kháng cáo, còn vấn đề nào khác cần bổ sung thêm không? Ví dụ như đơn vị công tác cũ đã hủy bỏ trợ cấp hưu trí của dì, dì có suy nghĩ và yêu cầu gì? Tóm lại hãy nói ra những gì dì muốn nói, hai chúng tôi sẽ cẩn thận lắng nghe.”
Tôi suy nghĩ phút chốc rồi nói: “Không có cơ sở pháp lý nào để hủy bỏ quyền lợi hưu trí của tôi và điều đó là vi phạm quy định và pháp luật. Nhưng đây không phải là nội dung tôi kháng cáo lần này. Người tu luyện không xem trọng danh, lợi nơi thế gian. Không xem trọng không có nghĩa là không cần, đặc biệt đây lại là bức hại tôi. Từ xưa đến nay, bức hại người tu luyện đều là tội lớn, sẽ bị Trời trừng phạt. Người tu luyện giảng từ bi, tôi tạm thời không khiếu nại về vấn đề này và sẽ đi theo con đường thỉnh nguyện. Chuyện này nói sau vậy.”
Tôi tiếp tục nói: “Cho dù đó là kháng cáo, khiếu nại trước đây hay kháng nghị hiện tại, mục đích là để đánh thức chính nghĩa và thiện lương của các nhân viên trong ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án, để họ xử án theo pháp luật, trả lại sự thanh bạch cho tôi! Trong 24 năm bức hại Pháp Luân Công, các thủ đoạn được sử dụng là dối trá, lừa gạt và đàn áp mạnh mẽ. Ví dụ: Dựng lên vụ án giả về “Vụ tự thiêu Thiên An Môn” để đổ lỗi và bôi nhọ Pháp Luân Công; bịa đặt ra cái gọi là “1400 trường hợp tử vong” để vu cáo hãm hại Pháp Luân Công, thủ đoạn hèn hạ này đã khiến Thần Phật phẫn nộ, điều này dẫn đến việc bùng phát dịch SARS ở Bắc Kinh, và 19 năm sau, bệnh viêm phổi Vũ Hán (virus Trung Cộng) lây lan và họa loạn toàn cầu.”
Tiếp theo, tôi nói về làn sóng kiện Giang và sự ủng hộ toàn cầu dành cho Pháp Luân Công; đồng thời cũng nói về “Tàng Tự Thạch” ở Quý Châu. Cả hai tĩnh tĩnh lắng nghe và không xen vô một lời nào. Sau đó tôi giảng tam thoái bảo bình an (thoái khỏi tổ chức đảng, đoàn, đội của Trung Cộng). Lúc này, công tố viên mới nói: “Dì đã nói, chúng tôi cũng đã nghe, dành thời gian nửa ngày cho dì rồi. Vấn đề kháng cáo của dì (không có phiên tòa) không phụ thuộc vào chúng tôi, phải báo cáo lên cấp trên. Hãy chờ xem lãnh đạo nói gì, dì chờ tin tức nhé.”
Vào ngày 18 tháng 11 năm 2023, tôi nhận được thư chuyển phát nhanh từ Viện kiểm sát thành phố, đó là “Thông báo kết quả kháng cáo hình sự”. Thông báo xác định rằng các tình tiết của phiên tòa ban đầu đã rõ ràng, bằng chứng xác thực, đầy đủ, luật áp dụng chính xác, mức án phù hợp, thủ tục hợp pháp và xử lý thỏa đáng. Lý do kháng cáo của người khiếu nại không thể thành lập, tòa án sẽ không hỗ trợ, vụ án hiện đã khép lại thông qua dự thẩm. Ngày 6 tháng 12, tôi không phục với kết quả thẩm tra của Viện kiểm sát thành phố nên đã gửi “Đơn kháng cáo hình sự” đến Viện kiểm sát số 9 Viện kiểm sát cấp tỉnh.
Ngày 3 tháng 1 năm 2024, Viện kiểm sát cấp tỉnh trả lời: Hồ sơ kháng cáo của bạn đã được nhận. Sau khi xem xét, hồ sơ đáp ứng điều kiện thụ lý của tòa án chúng tôi, tòa án của chúng tôi sẽ thụ lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Vụ việc vẫn chưa kết thúc.
Ngày 7 tháng 9 năm 2023, tôi nhận được tin nhắn từ Tòa án tối cao: Thư của bạn đã được nhận. Sau khi xem xét, tài liệu bạn gửi chưa đầy đủ, căn cứ theo quy định pháp luật liên quan, vui lòng hoàn thành tài liệu phán quyết ban đầu của đơn kháng cáo và gửi lại, cảm ơn bạn đã hiểu và ủng hộ công việc của tòa án chúng tôi. Vào ngày 12 tháng 9 năm 2023, tôi đã gửi tài liệu bổ sung lên Tòa án tối cao.
Cho đến nay, vẫn chưa nhận được thông tin nào từ Tòa án tối cao, đồng nghĩa với việc kết quả xét xử vẫn chưa có.
Đầu tháng 3 năm 2024, trong thời gian Lưỡng hội của tà đảng Trung Cộng, cảnh sát khu vực đã gọi điện và nói rằng muốn đến nhà tôi để nói chuyện, đây là nhiệm vụ chính trị của cậu ấy. Tôi nói tôi sẽ đến đồn cảnh sát. Cậu ấy nói cũng được.
Khi tôi đến đồn cảnh sát, có ba người là phó giám đốc, cảnh sát khu vực và một cảnh sát khác đang đợi tôi. Phó giám đốc hỏi tôi: “Sức khỏe dì tốt nhỉ, có tinh thần, khí sắc tốt, có vẻ trẻ hơn một chút. Dì đã viết thư cho lãnh đạo, giám đốc chi nhánh công an thành phố chưa?” Tôi gật đầu đáp lại.
Ông ấy tiếp tục nói: “Sau này, khi dì viết đơn kháng cáo gửi lãnh đạo, đừng đưa thêm những tài liệu khác (tài liệu chân tướng) vào đó.”
Tôi nói: “Tôi muốn tốt cho họ, muốn họ biết nhiều hơn một chút, hiểu nhiều hơn một chút, thụ ích nhiều hơn.”
Ông ấy chuyển sang nói với cảnh sát khu vực: “Các anh ở đây nói chuyện nhé, tôi có việc đi trước.”
Cảnh sát khu vực viết một dòng vào sổ tay, sau đó cũng nói nội dung giống như phó giám đốc. Tôi hỏi cậu ấy: “Ai thông tri cho cậu nói chuyện với tôi?”
Cậu ấy nói: “Là Đội trưởng Đội An ninh Nội địa của chi nhánh, vấn đề của dì coi như kết thúc rồi, nếu không…”
Cậu ấy đổi chủ đề: “Chúng cháu gửi tặng dì một hộp táo.”
Tôi nói: “Không cần đâu, các cậu cứ ăn nhé.”
Người cảnh sát còn lại nói với tôi: “Hãy cho cậu ấy một cơ hội để thể hiện, tôi sẽ lái xe đưa dì về.”
Cảnh sát khu vực mang hộp táo đến nhà tôi rồi định rời đi, tôi nói: “Chẳng phải cậu muốn đến nhà tôi để nói chuyện sao?”
Cậu ấy nói: “Dì này, dì thật lợi hại. Dì còn nhớ không? Ngày 15 tháng 11 năm 2021, cháu và một trưởng phòng Ủy ban Chính trị Pháp luật đã đưa dì ra tù về nhà, đó là lần đầu tiên cháu nhìn thấy dì, và cháu hỏi dì: ‘Từ giờ trở đi dì có tiếp tục luyện Pháp Luân Công không?’ Với một từ ‘luyện’ của dì khiến cho phương án lớp tẩy não của ‘tam quốc tứ phương’ (ý chỉ Ủy ban Chính trị Pháp luật, Phòng 610, Phòng tư pháp, khu phố) bị giải thể, vị trưởng phòng ngay lập tức quyết định đưa dì về nhà. Sau đó, vị trưởng phòng đã yêu cầu khu phố và các đơn vị khác gửi cho dì quà Tết và quỹ cứu trợ, nhưng dì kiên quyết từ chối và nói rằng người tu luyện không nhận quà. Sau đó cháu kể chuyện này với trưởng phòng, ông ấy nói: “Mọi người đều giống dì ấy (chỉ tôi), thì Ủy ban Chính trị Pháp luật nên bị bãi bỏ, tôi cũng nên tìm một công việc khác.’ Ông ấy cầm lấy đơn kháng cáo của dì và nói: ‘Vừa có lý vừa có bằng chứng, không cho người ta bình phản, thật là vô pháp vô thiên!’”
Cậu ấy dừng lại. Tôi nói: “Cậu tiếp tục nói đi, tôi đang nghe.”
Cậu ấy nói: “Dì ơi, dì không chỉ thay đổi lý niệm của vị trưởng phòng đó, mà còn thay đổi cả quỹ đạo nhân sinh của cháu! Cháu vốn là sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật, được chọn chuyển sang ngành công an. Cấp trên nói với cháu rằng cần phải đào tạo ở tất cả các vị trí trong ngành công an, và sau đó… Cháu trở thành một cảnh sát và gặp dì, đọc tài liệu của dì gửi cháu, cháu đã minh bạch chân tướng, và đưa ra một quyết định: Loạn thế không làm quan, quyết định không đi đâu hết, chỉ ở lại địa phương này làm cảnh sát để bảo vệ bình an.”
Tôi nói: “Tôi không bảo cậu đừng làm quan. Người tốt làm quan, làm quan càng lớn càng tốt, bảo hộ được nhiều người tốt, người xấu sẽ ít đi.”
Cậu ấy nói: “Người tốt không thể làm quan được.” Rồi lại hỏi tôi: “Có một người ở đồn gặp chuyện lớn, dì biết không?”
Tôi lắc đầu nói: “Không biết. Ở đồn cảnh sát, cậu ấy là người đầu tiên tôi gửi thư chân tướng, nhưng cuối cùng đã không thể cứu được cậu ấy. Bây giờ cậu ấy ở đâu?”
Cậu ấy nói: “Cấp trên nói đây là án lớn và quan trọng, bị giam ở địa điểm khác, đặc biệt giữ bí mật!”
Tôi nói: “Tất cả đã muộn rồi, đây cũng là sự lựa chọn của sinh mệnh cậu ấy.”
Cậu ấy đứng lên nói phải ra về. Tôi tặng cậu ấy một món quà, cậu ấy không nhận. Tôi nói: “Qua lại – mà không có qua có lại thì không phải là quân tử, nhất định nhận nhé.”
Cậu ấy nói: “Dì ơi, sau này có thư hay tài liệu gì cứ giao cho cháu, cháu sẽ giúp dì gửi, cháu biết rõ đâu là tốt và đâu là xấu, bảo đảm an toàn, đáng tin cậy.”
Tôi nói: “Tốt, hãy làm nhiều việc thiện hơn nữa, tích công đức nhiều hơn, thật tốt biết mấy! Nhưng mà, tu luyện không ai thay thế được, ai tu người ấy đắc. Cậu yên tâm, dì có Sư phụ!”
Lời kết
Từ lúc tôi gửi “Đơn kháng cáo hình sự” đến Viện kiểm sát cấp tỉnh vào ngày 6 tháng 12 năm 2023, đến lúc viết xong bài này cũng đã hơn 100 ngày nhưng vẫn chưa nhận được kết quả xét xử. Đã hơn 200 ngày kể từ khi tôi gửi tài liệu bổ sung lên Tòa án tối cao vào ngày 12 tháng 9 năm 2023, nhưng vẫn chưa nhận được phán quyết.
Thực chất, tôi không mong chờ kết quả sẽ như thế nào ngay khi bắt đầu kháng cáo. Mà kết quả (mong chờ) thực sự chính là cứu người, là giảng thanh chân tướng và cứu độ chúng sinh. Sứ mệnh của đệ tử chính là cứu người, cứu độ chúng sinh bị lừa dối trong ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án…
Từ nay về sau đệ tử chỉ có vâng lời Sư phụ, học Pháp nhiều, bỏ đi chấp trước nhiều hơn, giảng thanh chân tướng cứu nhiều người hơn, nhiều người hơn nữa!
Cảm tạ Sư phụ!
(Bài viết được chọn đăng trên Minh Huệ Net nhân Kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2024/5/22/【慶祝5.13】真正的結果是講清真相、救度眾生-477610.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/2/218433.html
Đăng ngày 25-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.