Bài viết của Chu Văn Quảng
[MINH HUỆ 21-04-2025] Ngày 25 tháng 4 đánh dấu kỷ niệm 26 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh vào năm 1999. Nhìn lại lịch sử gần đây, có thể thấy sự kiện này là một trong nhiều vụ dàn dựng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào Pháp Luân Công.
ĐCSTQ vốn giỏi “cài cắm” các cá nhân hoặc nhóm người đối lập để đàn áp họ. Ví dụ, trong cuộc vận động “Trăm hoa đua nở” (1956-1957), Mao Trạch Đông khuyến khích mọi người tự do bày tỏ ý kiến, và hứa sẽ không trả thù những người chỉ ra những sai sót của Đảng. Song, ông ta lại dùng chính ý kiến của họ làm “bằng chứng” để tấn công họ trong Chiến dịch Chống Cánh hữu (1957-1959). Khoảng 550.000 người bị dán nhãn là “cánh hữu”, và họ cùng các thành viên gia đình đã bị tấn công.
Khi Pháp Luân Công lần đầu tiên được truyền dạy cho công chúng vào năm 1992, mọi người đã bị thu hút trước những tác động đáng chú ý của môn tập này trong việc cải thiện sức khỏe và đạo đức. Tuy nhiên, bản chất của ĐCSTQ vốn là đấu tranh giai cấp, tàn bạo, và lừa dối lại trái ngược với giá trị truyền thống của Pháp Luân Công là Chân-Thiện-Nhẫn. Từ năm 1996 đến năm 1998, chính quyền này đã nhiều lần tiến hành thu thập bằng chứng về hành vi sai trái của các học viên Pháp Luân Công, nhưng đều không bới ra được chứng cứ nào.
Ngược lại, vào nửa cuối năm 1998, kết quả của cuộc khảo sát của ông Kiều Thạch, cựu Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, lại trình báo cáo lên Bộ Chính trị, trong đó nói: “Pháp Luân Công đối với quốc gia và dân chúng chỉ có trăm điều lợi mà không có lấy một điều hại”. Một cuộc khảo sát do Tổng cục Thể thao Nhà nước thực hiện cũng cho thấy 98% người tham gia khảo sát đã cải thiện sức khỏe sau khi tập Pháp Luân Công.
Vì vậy, ĐCSTQ đã dùng một loạt âm mưu để thúc đẩy chiến dịch bôi nhọ và xóa sổ Pháp Luân Công.
1. Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999 bị dán nhãn là “cuộc bao vây”
Hà Tộ Hưu, một học giả ủng hộ ĐCSTQ có quan hệ mật thiết với Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC), đã đăng một bài viết trên một tạp chí dành cho thanh thiếu niên vào ngày 11 tháng 4, trong đó ông ta đã vu khống Pháp Luân Công. Ngày 18 tháng 4, khi các học viên đến Nhà Xuất bản Thiên Tân để trình bày sự thật, ban đầu nhà xuất bản đã đồng ý sửa đổi, nhưng ngày hôm sau đã nuốt lời.
Ngày 23 và 24 tháng 4, khi các học viên quay lại thỉnh nguyện tại tòa soạn báo, Công an Thành phố Thiên Tân đã điều động hơn 300 cảnh sát chống bạo động để giải tán các học viên. 45 học viên đã bị bắt, và một số bị cảnh sát đánh đến chảy máu. Khi các học viên yêu cầu thả những người bị bắt, cảnh sát nói: “Vấn đề này không thể giải quyết ở Thiên Tân. Các anh phải đến chính quyền trung ương [ở Bắc Kinh].” Vì vậy, ngày hôm sau (ngày 25 tháng 4), các học viên đã đến Văn phòng thỉnh nguyện Trung ương của Hội đồng Nhà nước để theo đuổi vụ việc.
Sau đây là một số lý do khiến tôi đi đến kết luận rằng ĐCSTQ cố ý dàn dựng nhằm khiến các học viên rơi vào thế tổ chức cuộc thỉnh nguyện lớn vào ngày 25 tháng 4:
a) Vụ việc ở Thiên Tân là lần đầu tiên có nhiều học viên Pháp Luân Công đến vậy bị bắt cùng lúc. Mục đích rõ ràng là cố ý đẩy cho tình hình leo thang.
b) Cảnh sát ở Thiên Tân đã bắt giữ các học viên Pháp Luân Công và nói với họ rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là đến Bắc Kinh. Nghĩa là, chỉ khi các lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh ra lệnh, thì cảnh sát Thiên Tân mới được thả những học viên bị giam giữ. Đó chẳng phải là ám thị rằng vụ bắt giữ là do quan chức ở Bắc Kinh chỉ đạo sao?
c) Theo lời kể của những người tham gia cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4, các nhân viên chỉ huy tại hiện trường đã dẫn các học viên xếp hàng dọc theo tường rào của Trung Nam Hải (khu phức hợp của chính quyền trung ương) chính là cảnh sát.
d) Tại hiện trường, không có học viên Pháp Luân Công nào chỉ huy, trong khi đó cảnh sát, Hà Tộ Hưu và Giang Trạch Dân (lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ bấy giờ) lại rất tích cực vào ngày hôm đó.
e) Sau đó, La Cán, Giám đốc Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) trung ương đã tiến hành hai cuộc điều tra về Pháp Luân Công, nhưng không tìm ra được bằng chứng nào để chứng tỏ Pháp Luân Công có hành vi sai trái. Điều này đương nhiên không có lợi cho việc thăng tiến của ông ta trên chính trường, vì ông ta cần một mục tiêu chính để tấn công nhằm thể hiện giá trị của mình. Hà Tộ Hưu và La Cán là anh em rể, mối quan hệ thân hữu này là điều kiện thuận lợi để họ thông đồng. La Cán dựng lên kế hoạch này vì ông ta từ lâu đã có thái độ tiêu cực với Pháp Luân Công và muốn kích động Giang Trạch Dân đàn áp nhóm này. Văn phòng Kháng cáo Trung ương vừa hay lại nằm gần Trung Nam Hải, nên các quan chức ĐCSTQ đã lợi dụng chi tiết này để bóp méo sự việc thành các học viên “bao vây” khu phức hợp của chính quyền trung ương.
f) Những người chứng kiến cho biết chính quyền cố ý định gài bẫy các học viên.
Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 năm 1999 đã diễn ra hoàn toàn trong hòa bình và sự lý trí. Các học viên chỉ muốn đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương để giãi bày về sự bất công do các quan chức Thiên Tân áp đặt. Họ không giương biểu ngữ hay hô khẩu hiệu—mà chỉ lặng yên ngồi hoặc đứng ở những khu vực mà cảnh sát dẫn họ tới.
Tối hôm đó, khi các học viên bị giam giữ ở Thiên Tân được thả, các học viên ở Bắc Kinh cũng lặng lẽ rời đi. Trước khi rời đi, họ thậm chí còn dọn dẹp hiện trường: Mặc dù có khoảng 10.000 người ở đó nhiều giờ đồng hồ, nhưng khi họ ra về, không một tờ giấy nào còn sót lại. Họ thậm chí còn thu gom cả những đầu mẩu thuốc lá mà cảnh sát vứt xuống đất và bỏ vào thùng rác.
Không hề có “cuộc bao vây” hay một dấu hiệu bạo lực nào. Âm mưu của ĐCSTQ nhằm kích động các học viên “tấn công” chính quyền đã thất bại.
2. Thành lập Phòng 610
Ngày 7 tháng 6 năm 1999, Giang Trạch Dân thành lập Nhóm Lãnh đạo Trung ương Xử lý Vấn đề Pháp Luân Công. Ba ngày sau, họ thành lập “Phòng 610”, lấy tên theo ngày thành lập. Nhiều năm qua, tổ chức này đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn giữ quyền lực vượt cấp, vượt trên luật pháp, tàn bạo cực độ, và vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc.
Phòng 610 quản lý mọi vấn đề liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công và là chủ mưu đằng sau các chiến dịch bức hại của ĐCSTQ. Họ sử dụng 10 loại thủ đoạn chính trị: danh sách đen, chuyển hóa (buộc các học viên từ bỏ tu luyện, thường là thông qua tra tấn), chế độ liên đới, chính sách mật, chỉ thị mật, kênh bí mật (đưa các học viên qua lại giữa các trung tâm tẩy não, một kênh để chuyển hóa các học viên), giao dịch bí mật (trả tiền cho người tố giác, bắt giữ, và chuyển hóa các học viên), tuyên truyền dối trá, dựng bẫy, và các chiến dịch vào ngày nhạy cảm (các sự kiện chính trị lớn và ngày kỷ niệm liên quan đến cuộc bức hại).
Từ năm 1999 đến 2025 đã là 26 năm, năm nào ĐCSTQ cũng bắt giữ các học viên trong các ngày lễ lớn (như Ngày đầu năm mới, Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Lao động, Tết Trung thu, và Ngày Quốc khánh), cả trong dịp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) diễn ra vào tháng 3 hàng năm. Các quan chức ĐCSTQ bức hại các học viên dưới những hình thức phi pháp như sách nhiễu, bắt cóc, bắt giữ, giam cầm, v.v..
3. Tố giác
Vài ngày sau khi cuộc bức hại bắt đầu, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân đã đăng một bài xã luận vào ngày 23 tháng 7 năm 1999 có tựa đề “Kiên quyết triển khai cuộc đấu tranh vạch trần và phê phán Pháp Luân Công”. Bài viết lặp lại nội dung phỉ báng được đăng trên Nhật báo Nhân dân vào ngày 20 tháng 7 và thể hiện lập trường và thái độ cứng rắn của quân đội. Chiến dịch tố cáo nhanh chóng lan rộng khắp cả nước.
Tại sao họ muốn “vạch trần và phê phán” Pháp Luân Công? Pháp Luân Công chỉ dạy mọi người tu luyện cả tâm lẫn thân, có lợi cho đất nước, xã hội và cá nhân. Mặc dù chính phủ đã tiến hành hai cuộc điều tra bí mật, nhưng không phát hiện ra vấn đề gì. Vì không có bằng chứng nào cho thấy Pháp Luân Công là xấu, nên Giang Trạch Dân, La Cán, và các quan chức cấp cao khác không có lý do chính đáng để tiến hành bức hại Pháp Luân Công, đồng thời họ sợ bị quốc tế trừng phạt về vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989, bởi vậy họ không dám mạo hiểm để thế giới phát hiện ra và lên án những vi phạm nhân quyền của mình. Do đó, họ đã phát động chiến dịch tố cáo, hòng tìm ra sai sót và ngụy tạo bằng chứng.
Nhìn lại, có thể thấy có ít nhất ba sự thật rõ ràng về chiến dịch này. Đầu tiên, “vạch trần và phê phán” là một thủ đoạn tẩy não mà ĐCSTQ sử dụng. Chiến thuật này từng thành công trong thực tiễn Cách mạng Văn hóa và các cuộc vận động chính trị khác, vì vậy, chẳng khó gì để Giang, La, và Phòng 610 sử dụng thủ đoạn này.
Thứ hai, “vạch trần và phê phán” là một chiêu bài nhằm gây gián cách và chia rẽ các học viên Pháp Luân Công, đồng thời là chiến thuật trì hoãn của Phòng 610 để câu cá trong vùng nước đục và nhân cơ hội này để nguy tạo nhiều “bằng chứng” hơn. Trước khi cuộc bức hại bắt đầu, gần 100 triệu người đã tập Pháp Luân Công (chiếm 1/10 dân số Trung Quốc). Họ đến từ mọi độ tuổi, mọi thành phần trong xã hội, nhưng không ghi danh, không có gia nhập tổ chức nào. ĐCSTQ đã áp dụng “vạch trần và phê phán” để chia rẽ, phát tán tin đồn và phỉ báng để từng bước khiến dư luận quay lưng lại với Pháp Luân Công. Chiến lược này đã giúp ĐCSTQ đạt được mục tiêu đe dọa các học viên và tẩy não cả nước.
Sau cuộc thỉnh nguyện hòa bình ngày 25 tháng 4 năm 1999, Giang và La lại tiến hành một cuộc khảo sát toàn quốc về Pháp Luân Công, huy động một số lượng lớn nhân viên an ninh công cộng (cảnh sát) để điều tra và thu thập thông tin tình báo, nhưng vẫn không tìm được gì. Đồng thời, họ cũng tích cực chuẩn bị để dựng lên một kế hoạch mới khi thời cơ chín muồi.
Thứ ba, các quan chức đã ra sức từng bước thúc đẩy cuộc bức hại, bắt đầu là chiến dịch tố giác, và ngụy tạo tội chứng. Ngoài Giang, sáu thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị không phê duyệt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Mặc dù vẫn giữ im lặng dưới sự ép buộc của Giang, nhưng họ cá nhân họ vẫn không đồng thuận. Giang và đám thuộc hạ từng bước leo thang cuộc bức hại theo cách này sẽ ít rủi ro hơn.
Trên thực tế, đặc vụ của ĐCSTQ đã trà trộn và hoạt động bí mật trong cộng đồng Pháp Luân Công nhiều năm, nhưng không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào. Nhiều đặc vụ nằm vùng thậm chí còn bắt đầu tập Pháp Luân Công. Tại sao? Bởi vì nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn thực sự là tốt.
4. Leo thang bằng truyền thông nước ngoài
Ngày 25 tháng 10 năm 1999, CCTV phát sóng cuộc phỏng vấn của Giang Trạch Dân với một phóng viên của tờ Le Figarotrong chuyến thăm Pháp của ông, tuyên bố vô căn cứ rằng “Pháp Luân Công là một giáo phái”. Sau khi xem chương trình, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã đến Quảng trường Thiên An Môn để phản đối, và họ đã bị bắt giữ.
Ngày hôm sau, các hãng truyền thông lớn của Trung Quốc đã đăng những gì Giang nói trên trang nhất với tiêu đề “Pháp Luân Công là một giáo phái”. Thế giới bên ngoài nhìn chung đều tin rằng điều này đại diện cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc về Pháp Luân Công. Gần 1.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn hoặc Văn phòng thỉnh nguyện Trung ương. Ngày hôm sau, Nhân dân Nhật báo đã xuất bản một bài bình luận đặc biệt có cùng tiêu đề. Sau đó, khoảng 600 học viên đã bị bắt vì giương biểu ngữ Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn.
Kế hoạch này nhằm mục đích cung cấp một vỏ bọc hợp pháp cho việc tẩy não và đàn áp. Ở Trung Quốc, Giang lại không dán nhãn Pháp Luân Công theo cách đó. Thay vào đó, trước tiên, ông ta đưa ra tuyên bố này với truyền thông nước ngoài, cố gắng tác động đến dư luận ở nước ngoài và sử dụng truyền thông nước ngoài để biện minh cho cuộc bức hại ở Trung Quốc. Ngay từ đầu, Phòng 610 đã cố gắng che đậy sự hợp pháp của cuộc bức hại và lừa mị để mọi người trên thế giới tin rằng cuộc bức hại này là hợp pháp.
5. Kết án oan
ĐCSTQ đã đầu tư 1/4 sản lượng kinh tế quốc dân vào cuộc bức hại Pháp Luân Công hàng năm, dùng lợi ích tài chính làm động cơ để các quan chức và công chúng tham gia vào cuộc bức hại.
Về mặt tổ chức và tư tưởng, Phòng 610 đã thao túng các cơ quan công an, kiểm sát, và tư pháp để tiến hành cuộc bức hại và biến nó thành công việc thường ngày, dai dẳng, chuyên nghiệp hóa, từ đó càng có tính toàn cục và lâu dài. Chiến dịch của họ đã dẫn đến cuộc bức hại hình sự đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm bắt giữ, truy tố, xét xử, kết án sai và các quá trình khác.
Ngày 13 tháng 11 năm 1999, các quan chức của ĐCSTQ đã tổ chức phiên tòa xét xử tư pháp phi pháp đầu tiên đối với các học viên Pháp Luân Công. Bốn học viên Pháp Luân Công ở Hải Nam đã bị Tòa án Trung cấp Hải Khẩu “xét xử” và tuyên án tù từ 2 đến 12 năm. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu cho 26 năm lịch sử kết án oan các học viên Pháp Luân Công. Theo ước tính khiêm tốn, đến nay đã có ít nhất 20.000 học viên Pháp Luân Công đã bị xét xử phi pháp.
Phòng 610 thường thao túng các phiên tòa xét xử các học viên Pháp Luân Công và chỉ thị cho tòa án đưa ra các bản án nặng trong các vụ án của họ. Các cơ quan công an, kiểm sát, và tư pháp các cấp đôi khi lừa gia đình đuổi luật sư của họ, vừa cản trở luật sư đọc hồ sơ vụ án, hoặc kết án các học viên trong các phiên tòa bí mật. Trong nhiều trường hợp, mọi thứ từ cáo buộc đến bản án đều do Phòng 610 và Ủy ban Chính trị và Pháp luật quyết định.
Trong các phiên tòa này, các thẩm phán thậm chí còn công khai quát lên rằng: “Đối với Pháp Luân Công thì không có luật nào hết.” Những câu cửa miệng phổ biến mà các thẩm phán ĐCSTQ sử dụng khi xét xử các vụ án Pháp Luân Công là: “Anh nói luật với tôi làm gì? Tôi đang nói chuyện chính trị với anh đấy”, “Đảng không cho biện hộ”, “Điều lãnh đạo nói là luật”, “Tòa án thuộc quyền lãnh đạo của ĐCSTQ, chúng tôi phải nghe theo Đảng”, “Các vấn đề của Pháp Luân Công không cần phải tuân theo thủ tục pháp lý”, và “Đừng có nói chuyện lương tâm với tôi”.
6. “Chuyển hóa”
Đây là thủ đoạn tàn ác nhất trong bảy thủ đoạn. Các học viên Pháp Luân Công tuân theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng lại bị quan chức ĐCSTQ ra sức “chuyển hóa” (ép từ bỏ tu luyện) bằng cách giam giữ trong trung tâm tẩy não. Quy mô trung tâm tẩy não có thể lớn hoặc nhỏ, địa điểm có thể được dựng lên ở bất cứ đâu, hình thức “chuyển hóa” thay đổi liên tục, biện pháp vừa mềm vừa cứng, khi cần sẽ dùng đến tra tấn. Các thủ đoạn đe dọa rất tàn ác, chẳng hạn như: “Không chuyển hóa thì hỏa táng!”
Để đạt được mục tiêu này, ĐCSTQ dùng đến đủ loại hình tra tấn: từ đánh đập, sốc điện, đóng dấu bằng sắt nung, hãm hiếp, bức thực, trói chặt trong áo trói, nhốt vào lồng sắt, cho chó cắn, trói vào các tư thế gây đau đớn và treo lên, năm ngựa phanh thây, lên thập tự giá, ngủ trên giường chết, v.v. Theo ghi chép, cuộc bức hại này có tới 130 phương pháp tra tấn thể xác, ngoài ra còn có nhiều thủ đoạn tra tấn tâm lý.
7. Vụ tự thiêu giả
Vào đêm giao thừa năm mới của Trung Quốc ngày 23 tháng 1 năm 2001, một vụ gọi là “tự thiêu” đã xảy ra trên Quảng trường Thiên An Môn, với năm người được cho là tự thiêu. Hai giờ đồng hồ sau vụ việc, Tân Hoa Xã đã cho đăng một bài báo bằng tiếng Anh với tốc độ nhanh chưa từng có, trong đó tuyên bố “năm người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công”.
Tuy nhiên, khi các phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) gọi đến Cục Công an Bắc Kinh và Bộ Công an để xác minh sự việc, họ được thông báo rằng các cơ quan này không hề hay biết. Rõ ràng, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ đã đi trước cuộc điều tra của cảnh sát. Lời buộc tội Pháp Luân Công được đưa ra nhanh đến mức nó không thể là một sự cố phát sinh đột ngột, mà chỉ có thể là một sự kiện đã được lên kế hoạch. CCTV đã tiếp tục thực hiện nhiều chương trình tấn công Pháp Luân Công và phát sóng liên tục, buộc mọi người trên khắp Trung Quốc phải xem đi xem lại.
Nhiều bằng chứng cho thấy vụ việc này là do ĐCSTQ dàn dựng nhằm vu khống Pháp Luân Công. Ba ngày trước vụ việc này, La Cán đã tổ chức một cuộc họp toàn quốc “thẳng tay trấn áp” để chỉ thị cho các quan chức địa phương bắt giữ nhiều người hơn và ban hành bản án nghiêm khắc đối với “các thế lực thù địch” trong và ngoài nước, bao gồm các học viên Pháp Luân Công.
Sáng hôm sau, La đã đến thăm Lữ đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm của Đội Điều tra Hình sự thuộc Cục Công an Thành phố Bắc Kinh, Lữ đoàn 6 của Quân đoàn Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh và Quân đoàn An ninh nội địa thuộc Cục Công an thành phố Bắc Kinh. Theo Tân Hoa Xã, La hoàn toàn khẳng định việc cảnh sát và cảnh sát vũ trang đàn áp các học viên Pháp Luân Công trên Quảng trường Thiên An Môn, và còn bảo họ tiếp tục đấu tranh và thực hiện bước tiếp theo là thẳng tay trấn áp. Hai ngày sau, vụ “tự thiêu” đã diễn ra.
Tháng 1 năm 2002, Đài Truyền hình Tân Đường Nhân đã sản xuất một bộ phim mang tên “Lửa giả” (False Fire), trong đó cảnh quay chậm của camera giám sát cho thấy rõ rằng Lưu Xuân Linh (một trong những người chết tại chỗ) thực ra bị một cảnh sát mặc áo khoác quân đội đánh bằng vật nặng chứ không phải bị chết vì tự thiêu như cáo buộc.
Trong khi đó, Vương Tiến Đông bị bỏng nặng, nhưng chai Sprite nói là đựng đầy xăng đặt giữa hai chân để dùng tự thiêu mà vẫn còn nguyên vẹn sau khi dập tắt đám cháy. Trước mặt Vương còn có một chiếc micro, có lẽ là để khuếch đại âm thanh khi anh ta hô khẩu hiệu, nhằm bóp méo các đạo lý mà Pháp Luân Công giảng dạy và kích động lòng thù hận.
Trong khi bé gái Lưu Tư Ảnh, 12 tuổi, đã “bị bỏng nặng” và đang được đưa vào xe cứu thương, các phóng viên vẫn có thể yêu cầu dừng lại để thu lại tiếng thét xé lòng của cô bé khi gọi mẹ.
Ngày 4 tháng 2 năm 2001, tờ Washington Post đã đăng một báo cáo điều tra trên trang nhất, “Ngọn đuốc sống thắp sáng bí ẩn Trung Quốc”. Phóng viên Philip Pan đã đến thực hiện một cuộc điều tra thực địa ở Khai Phong, quê của Lưu Xuân Linh, người đã chết trong vụ tự thiêu. Những người hàng xóm của Lưu cho biết không ai từng thấy cô tập Pháp Luân Công.
Từ cuộc thỉnh nguyện ôn hòa vào tháng 4 năm 1999 đến vụ “tự thiêu” giả mạo vào tháng 1 năm 2001, ĐCSTQ đã dàn dựng bảy vụ lừa đảo lớn chỉ trong một thời gian ngắn có 22 tháng. Những hành động dàn dựng được lên kế hoạch kỹ lưỡng này đã phơi bày bản chất tàn bạo và lừa dối của ĐCSTQ.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Bảo lưu mọi quyền.
Thế giới cần Chân-Thiện-Nhẫn. Sự hỗ trợ của bạn có thể giúp nhiều người hơn nữa tìm hiểu Pháp Luân Đại Pháp. Minh Huệ rất cảm kích sự hỗ trợ của bạn.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/21/492775.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/25/226385.html
Đăng ngày 30-04-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.