Bài viết của Đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 20-03-2025] Từ khi Sư phụ công bố kinh văn “Pháp nạn” và “Kinh tỉnh” vào năm ngoái cho đến nay, địa phương tôi đã có mấy vị đồng tu qua đời. Đặc biệt là từ mùa đông năm ngoái đến nay, ở cục bộ địa phương tôi, đã có bảy vị đồng tu mà tôi biết qua đời. Một vị đang học Pháp nhóm thì cảm thấy người khó chịu, ngày hôm sau đã ra đi rồi. Có vị vừa đả tọa xong, đứng dậy vào nhà vệ sinh rồi không dậy được nữa. Còn có một vị đang chơi bóng bàn thì đột nhiên ngã quỵ… Trong số họ, có mấy vị mới ngoài 60 tuổi, hầu hết đều ra đi dưới hình thức nghiệp bệnh. Còn một bộ phận đồng tu vẫn đang khổ sở vật lộn trong ma nạn nghiệp bệnh ở các mức độ khác nhau.
Điều này khiến chúng ta không thể không tĩnh tâm lại mà suy ngẫm sâu sắc và những vấn đề tồn tại trong tu luyện của bản thân và chỉnh thể chúng ta.
Sư phụ giảng:
“Chính Pháp đã vào giai đoạn cuối cùng, cựu thế lực muốn đào thải một lô những ai không thể chân tu, hoặc là những người trường kỳ vi phạm thệ ước không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử.” (Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc)
Sư phụ đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta, nhưng nhiều người trong chúng ta lại coi lời cảnh báo của Sư phụ như gió thoảng bên tai, sau khi kinh văn vừa được công bố, đọc qua một lượt liền cất lên cao, rồi chẳng xem lại nữa. Lâu dần, ngay cả việc Sư phụ đã công bố những kinh văn nào cũng không biết nữa, chứ đừng nói đến nhớ được nội dung.
Theo tôi được biết, những vấn đề xuất hiện ở các đồng tu xung quanh chủ yếu biểu hiện ở mấy phương diện sau:
1. An dật và lười biếng
Mấy hôm trước, một bài viết đăng trên mạng Minh Huệ có tên “26 trận chiến” có viết: “trận chiến thứ 21, 22, và 23, tất cả đều được đánh dấu chéo — thể hiện là các đệ tử Đại Pháp bị thua liên tiếp ba trận chiến này.“ Khả năng thua nốt ba trận chiến còn lại là rất cao. Nguyên nhân là “vì “quân đội” đã mệt mỏi rồi, họ cảm thấy họ đã cống hiến hết mình trong những trận chiến đầu tiên và chiến thắng đã nằm trong tầm tay. Họ trở nên tự mãn và không muốn chiến đấu hết mình nữa. Họ muốn nghỉ ngơi, cảm thấy những trận chiến cuối cùng không còn quan trọng nữa.”
Đương nhiên, bài viết của học viên là điều nhìn thấy từ tầng thứ của học viên đó, không thể đại biểu cho chỉnh thể. Nhưng tôi thấy đó cũng là thể hiện chân thực trạng thái tu luyện hiện nay của các đệ tử Đại Pháp ở một số địa khu cục bộ.
Tôi quan sát thấy rất nhiều đồng tu ở địa phương chúng tôi tuy cũng đang làm ba việc mỗi ngày, nhưng đều là “từng bước làm theo thói quen”, giống như đang hoàn thành “nhiệm vụ” bắt buộc phải hoàn thành vậy, chứ không còn dụng “tâm” mà làm nữa. Ngày nào cũng chừng ấy việc, quen thuộc đến mức không thể quen thuộc hơn được nữa, nên thành ra “tê liệt và máy móc”. Thấy đại kiếp đào thải chúng sinh đang từng bước đến gần, lại không có tâm từ bi và cảm giác cấp bách xuất phát từ nội tâm: dù sao thì tài liệu tôi cũng phát rồi, chân tướng cũng giảng cho các vị rồi, vẫn không tin, vậy hủy thì cứ hủy đi thôi. Người mang tâm thái này không phải là ít, tôi cũng ở trong đó.
Còn có không ít học viên lâu năm, cảm thấy vào thời điểm “20/7” năm 1999 cũng từng oanh liệt đến Bắc Kinh chứng thực Pháp rồi, trong làn sóng “kiện Giang” năm 2015 cũng đã tham gia, cảm thấy mình cũng đã theo kịp tiến trình Chính Pháp của Sư phụ, những điều này đều là vốn liếng để có thể viên mãn, có thể theo Sư phụ về nhà rồi, nên có thể yên tâm thoải mái sống những ngày tháng an ổn của người thường rồi. Cá nhân tôi cho rằng, trạng thái này của rất nhiều người tu luyện ở Đại Lục cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra Pháp nạn lần này. Trạng thái này biểu hiện đặc biệt rõ vào dịp Tết Cổ truyền năm nay. Rất nhiều học viên từ Rằm tháng Chạp đã ngừng giảng chân tướng, phát tài liệu, mà bận rộn với việc ăn Tết của người thường. Có người thậm chí đến Rằm tháng Giêng rồi, mà vẫn chưa bắt đầu giảng chân tướng, phát tài liệu.
2. Tâm sợ hãi vẫn là quan ải lớn cản trở tu luyện của đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục
Tâm sợ hãi là tử quan của người tu luyện, cũng là một đại quan ắt phải vượt qua. Sư phụ đã giảng trong Pháp:
“Tâm sợ hãi sẽ khiến người ta làm điều sai lạc, tâm sợ hãi sẽ khiến người ta mất đi cơ duyên, tâm sợ hãi là một ‘cửa tử’ [trên con đường] từ người trở thành Thần.” (Vượt qua cửa tử, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Trong Pháp đã sớm chỉ rõ, bản chất tà ác của tà đảng cộng sản quyết định rằng dù ngày mai Chính Pháp kết thúc thì hôm nay nó vẫn sẽ hại người.
Sư phụ giảng:
“Nhưng chừng nào nó chưa kết thúc, thì tà ác kia là vẫn cứ tà ác như thế thôi, giống hệt như thuốc độc, nó chính là thuốc độc, chư vị bảo nó không độc, nó cũng không làm nổi, cho nên mọi người không được buông lỏng cảnh giác, trong tu luyện là hết sức đừng để cựu thế lực dùi vào sơ hở.” (Giảng Pháp ở Pháp hội tại Vùng đô thị New York năm 2013,Giảng Pháp tại các nơi XII)
Mặc dù tà đảng bức hại đệ tử Đại Pháp suốt 25 năm qua, nhiều người tu luyện đã trải qua mưa gió, lảo đảo loạng choạng bước đi đến hôm nay, nhưng nhiều người tâm sợ hãi vẫn còn rất nặng. Mỗi ngày thấy tin Đại Lục trên Minh Huệ Net thường có thông tin đồng tu bị bắt, bị bức hại, thì không dùng chính niệm của người tu luyện để nhìn nhận vấn đề này, ngược lại còn tiếp thụ bài học phụ diện mà làm gia tăng nhân tố sợ hãi này, rồi không dám ra ngoài phát tài liệu, giảng chân tướng nữa; có giảng cũng là làm một cách chọn lọc trong tình huống đảm bảo an toàn cho bản thân.
Cũng có người cảm thấy trước đây mình đã từng oanh oanh liệt liệt phó xuất vì “Pháp” rồi; bao nhiêu năm qua, phát tài liệu không ít, giảng chân tướng cũng không ít; Chính Pháp sắp kết thúc rồi, không thể để xảy ra tổn thất gì nữa, nếu bị tà ác bắt đi, nếu không chịu đựng nổi, thì lại thành công dã tràng, cho nên cứ làm một cách “bình ổn” thôi… hoàn toàn đứng trên cơ điểm vị tư vị ngã. Như thế làm sao có thể tiến nhập vào vũ trụ mới, làm sao xứng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp chứ? Cho nên có một số người mỗi tuần chỉ phát chút tài liệu mang tính tượng trưng, giảng chân tướng cũng ít đi; có người thậm chí bắt đầu “nằm dài”, thậm chí “so xem ai tệ hơn”: Người khác không đi phát tài liệu, giảng chân tướng nữa, thì mình cũng không đi nữa.
Cũng có người một tay níu giữ người thường không buông, một tay níu giữ Phật không buông. Vừa không muốn từ bỏ cuộc sống an nhàn của người thường, lại vừa muốn có được Thiên quốc của Thần. Năm 1999, phong vân đột biến, Đại Pháp bị vu khống, những năm tháng đệ tử Đại Pháp bị bức hại tàn khốc nhất, họ lại đi “ẩn mình”, đợi đến khi hoàn cảnh nới lỏng, họ mới lại bắt đầu ra khỏi chỗ “ẩn cư”. Thế nhưng những “việc nguy hiểm” như giảng chân tướng, phát tài liệu thì vẫn không dám làm. Họ chỉ chuyên qua lại trong nội bộ đệ tử Đại Pháp: hôm nay giúp đồng tu bị nghiệp bệnh này học Pháp, giao lưu, tìm tâm chấp trước; ngày mai giúp đồng tu bị tà ác giam giữ phi pháp kia phát chính niệm; ngày kia lại tìm những người trước đây từng luyện, giờ không luyện nữa để giao lưu, kéo họ quay trở lại tu luyện v.v.. Bề mặt thì Pháp lý nói ra cũng rất có bài bản, rất dễ nghe, vẻ mặt cũng biểu hiện rất từ bi. Ngày nào cũng bận rộn tối mắt tối mũi, cảm thấy mình cũng đã tham gia Chính Pháp rồi. Đem sự giảo hoạt của người thường vào trong tu luyện Đại Pháp, rồi lại quên mất lời dạy của Sư phụ:
“Mọi người hãy đặt công phu một cách hết sức thiết thực vào tu luyện, đừng luẩn quẩn ở bề mặt, không được để ‘nhân tâm’ nhiều đến thế. Trong mắt Sư phụ, từng tư từng niệm của chư vị, từng cử động của chư vị, tôi đều từ đó nhìn ra được cái tâm của chư vị là thế nào. Tôi không hài lòng nhất là với những ai chỉ biết nói, chứ không đi làm, tôi cũng không hài lòng với những ai giảo hoạt. Tôi hài lòng với những ai thuần phác, thiết thực chắc chắn. Cũng mong mọi người trong nhiều năm tu luyện ấy, tăng cường trí huệ từ phương diện ‘chính’, không nên thu hoạch quá nhiều về mặt xử thế và trên phương diện làm người.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2010,Giảng Pháp tại các nơi XI)
Đáng buồn là những đồng tu này còn hay cười nhạo những đồng tu lên phía trước mà nhiều lần bị tà ác bức hại nghiêm trọng, còn mừng thầm vì thấy mình thật thông minh, khoe khoang con đường tu luyện của mình đi “rất ổn định”. Đúng là rất ổn định, đợi đến cuối cùng khi đệ tử Đại Pháp hoàn thành sứ mệnh thần thánh trợ Sư cứu độ chúng sinh, bạch nhật phi thăng, thì bạn cũng cứ ổn định như thế mà đứng trên mặt đất.
3. Không coi trọng học Pháp, không thực tu tâm tính, coi làm việc là tu luyện
Qua mấy vị đồng tu đã qua đời và những đồng tu mắc nghiệp bệnh thân thiết quanh tôi, tôi đã nhìn ra được mấy vấn đề lớn tồn tại trong tu luyện của chúng ta:
1. Tâm sắc dục không trừ bỏ là cái cớ lớn nhất để cựu thế lực bức hại
Có một nam đồng tu khoảng 70 tuổi, hồi “20/7” năm 1999 làm rất tốt, mấy lần tới Bắc Kinh chứng thực Đại Pháp; năm 2000 lại tổ chức cho mọi người luyện công tập thể, bị giam giữ phi pháp và bức hại trong tù mấy năm liền, sau khi ra tù đã thành lập điểm tài liệu lớn. Ông ấy ngày đêm làm sách Đại Pháp, làm tài liệu kiêm sửa chữa máy móc cho mọi người, tính tình thuần phác, thật thà, chịu thương chịu khó, phó xuất rất nhiều, cũng là người nhiệt tâm, ai bận ông cũng giúp, làm vô cùng tốt. Nhưng vị đồng tu này học Pháp rất ít, cũng không coi trọng phát chính niệm, coi làm việc là toàn bộ tu luyện rồi. Tâm sắc dục không trừ bỏ, rồi lại bị tà ác bắt giữ phi pháp, bức hại, giam cầm mấy năm, cũng khiến tài nguyên Đại Pháp bị tổn thất rất lớn. Sau khi ra tù, ông ấy vẫn không kịp thời suy xét và quy chính lại, cuối cùng bị cựu thế lực lấy đi sinh mệnh dưới hình thức nghiệp bệnh.
Ngoài ra còn có hai nam đồng tu cũng vì tâm sắc dục không trừ bỏ mà bị cựu thế lực đào thải: một vị bị ung thư, một vị bị bệnh tim, trong đó, có một vị vừa mới nghỉ hưu.
2. Học Pháp ít, không tu tâm tính, coi làm việc là toàn bộ tu luyện
Một nữ đồng tu cao tuổi, cũng là đệ tử Đại Pháp lâu năm đắc Pháp trước “20/7”, cũng từng tới Bắc Kinh hộ Pháp, thường xuyên phát tài liệu chân tướng, mà bị tà ác giam giữ phi pháp. Nhưng bất kể lúc nào, bà cũng đặt việc Đại Pháp lên vị trí hàng đầu.
Bà là nông dân, trình độ văn hóa không cao. Nhưng bà đã sớm học được cách làm tài liệu, “Cửu Bình”, “Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản” làm hết thùng này đến thùng khác, máy in ngày nào cũng bận rộn không ngừng. Thế nhưng, bà lại coi công việc Đại Pháp như toàn bộ tu luyện.
Việc nhà bà phải gánh vác rất nhiều: vừa phải giúp con trai trông ba đứa cháu, lại vừa phải ngày đêm cùng các chị em gái thay phiên nhau chăm sóc, phục vụ cha mẹ và mẹ chồng bị nằm liệt giường. Hơn nữa, công việc Đại Pháp thì việc gì bà cũng ôm hết vào mình. Các đồng tu thấy bà vất vả, sợ bà học Pháp không theo kịp, muốn giúp bà gánh vác một phần công việc, bà lại không để người khác tham gia, như thể sợ họ đoạt mất địa vị và công lao điều phối viên của bà. Tâm tật đố, tranh cường háo thắng cũng rất mạnh. Học Pháp không theo kịp, không biết tu, càng không biết hướng nội tìm. Danh-lợi-tình và văn hóa đảng đều chưa trừ bỏ. Trong gia đình thì chiếm thế mạnh, độc đoán, coi mình là nhất, khiến người nhà và con cái rất oán hận. Cuối cùng, bà bị cựu thế lực lấy đi sinh mệnh dưới hình thức ung thư.
3. Chấp mê vào ba con ma thời hiện đại (điện thoại di động, TV, mạng internet), dẫn đến nghiệp bệnh nghiêm trọng
Còn một nữ đồng tu cao tuổi nữa, cũng là đệ tử Đại Pháp lâu năm trước “20/7” năm 1999, rất lương thiện, nhiệt tình, ai có việc gì bà cũng giúp. Dù là trong người thường hay trong đồng tu, bà đều có tiếng tốt. Trong hơn 20 năm phong ba bão táp, bà làm rất tốt: chuyển tài liệu, làm bùa hộ mệnh, đóng sách Đại Pháp, điều phối các việc v.v.. Bà không có tâm sợ hãi, không chỉ phủ kín tài liệu khắp khu dân cư nơi mình ở, mà còn phát tài liệu chân tướng khắp mấy đồn công an xung quanh. Trong làn sóng kiện Giang, bà tìm đến từng đồng tu mà bà quen biết để giao lưu, khích lệ họ tham gia kiện Giang. Dưới sự nỗ lực của bà, các đồng tu xung quanh bà đều không bỏ lỡ cơ hội chứng thực Đại Pháp lần ấy. Hơn nữa, nhà bà còn như ngôi chùa của mọi người vậy. Thế nhưng một đồng tu tốt như vậy lại không coi trọng học Pháp. Sau khi chồng bà qua đời, con gái bà cũng kết hôn sinh con và ra ở riêng. Để giúp con gái đưa đón cháu ngoại đi nhà trẻ, bà bèn ở nhà con gái. Lâu dần, bà dần dà buông lơi tu luyện, chấp trước vào tình thân, và niềm vui sum họp gia đình của người thường, rời xa hoàn cảnh tu luyện. Bà mê xem TV, ngày nào cũng xem Tân Đường Nhân, theo dõi phim bộ, xem điện thoại. Tâm bị phân tán, cuối cùng căn bản học Pháp không vào được nữa. Đến khi bà bị ung thư vú, đồng tu muốn giúp bà, tìm bà để học Pháp cùng bà, nhưng bà đều né tránh không học. Cuối cùng, bà bị cựu thế lực bức hại đến teo tiểu não, rơi vào trạng thái mất nhận thức. Điều này gây ảnh hưởng phụ diện rất lớn đến người thường xung quanh.
Còn một đồng tu nữa, cũng mê đắm điện thoại di động, chấp trước vào mua sắm trên mạng, học Pháp không nhập tâm, giảng chân tướng bị rơi vào hình thức, cuối cùng cũng bị cựu thế lực lấy đi sinh mệnh.
Mấy vị đồng tu kể trên đều thuộc diện làm khá tốt ở phương diện giảng chân tướng cứu người. Mặc dù tu luyện của họ có sơ hở, bị cựu thế lực dùi vào sơ hở, nhưng họ đều sẽ có một kết cục rất tốt đẹp, bởi vì họ đã thực hiện thệ ước của bản thân: cứu độ chúng sinh.
Còn những người không hoặc rất ít giảng chân tướng, không thực hiện thệ ước, không hoàn thành sứ mệnh cứu độ chúng sinh, ở giai đoạn hiện nay, bề mặt họ vẫn ung dung tự tại như thể sống rất tốt, nhưng sau này thì sao? Cựu thế lực sẽ bỏ qua cho bạn sao?
Đã đến lúc cuối cùng của Chính Pháp rồi, chúng ta đều cần phải thanh tỉnh trở lại, tinh tấn lên, thời gian thực sự không còn nhiều nữa.
Bài chia sẻ lý tính giữa những người tu luyện thường chỉ phản ánh nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện tại thời điểm viết bài, thiện ý giao lưu trên tinh thần cùng nhau đề cao.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/20/491814.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/3/26/225979.html
Đăng ngày 29-03-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.