Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-10-2024] Tôi là một học viên trẻ đã bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Mặc dù đắc Pháp ở độ tuổi rất sớm, tôi lại chưa từng tinh tấn. Tôi chỉ học Pháp khi mẹ tôi thúc giục. Nếu mẹ không thúc giục, thì tôi sẽ không tự chủ động học Pháp.
Tôi vẫn luôn biết rằng Đại Pháp là tốt và tôi nên tinh tấn, nhưng lại không thể làm được mà không có sự đốc thúc của mẹ. Tôi sẽ cảm thấy thiếu thốn khi không đọc Chuyển Pháp Luân trong một thời gian dài. Tôi biết rằng cuộc đời tôi sẽ xa rời Đại Pháp nếu như tôi không học Pháp.
Sau khi kết hôn, tôi không còn sống chung với mẹ nữa. Tuy tôi đã chủ động cầm sách Đại Pháp lên và đọc, nhưng tôi vẫn không thể kiên trì làm điều đó qua thời gian. Trong sáu tháng vừa qua, tôi đã trải qua một quan nghiệp bệnh. Trong quá trình ấy, tôi đã tăng cường nỗ lực học Pháp. Chỉ khi đó tôi mới thay đổi trạng thái tu luyện của mình và nhận ra rằng tu luyện là một vấn đề nghiêm túc.
Thông qua trải nghiệm gần đây của mình, tôi muốn chia sẻ với các đồng tu trẻ và các học viên Đại Pháp là phụ huynh cách giúp đỡ con của mình trở nên tinh tấn hơn trong tu luyện.
Nhận thức Pháp một cách lý tính là then chốt để trở nên tinh tấn
Tôi tin rằng nhiều đồng tu phụ huynh có thể có nỗi trăn trở tương tự. Họ biết rằng Đại Pháp là tốt, vì thế họ hy vọng con cái của mình có thể trở thành học viên để con họ không bị bỏ lại phía sau trong tiến trình Chính Pháp. Vì cái tình, họ thúc giục con cái của mình tu luyện tinh tấn, tuy nhiên thông thường thì thúc giục không có hiệu quả tốt. Nếu như đốc thúc quá mức, thì bạn lo rằng con cái sẽ nổi loạn. Nếu như đốc thúc không đủ, thì bạn lo rằng con cái sẽ không đọc sách Đại Pháp. Mẹ tôi cũng ở trong tình huống nan giải như thế.
Tuy nhiên, từ góc độ của một học viên trẻ, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình. Vì sao tôi không thể luôn duy trì trạng thái tinh tấn? Vì sao tôi không muốn học Pháp? Lý do rất đơn giản: tôi chưa ngộ ra các Pháp lý và chỉ mới có nhận thức trên bề mặt về Pháp. Cảm ngộ của tôi đơn thuần chỉ là một loại cảm xúc của người thường. Tôi biết Đại Pháp là tốt và dạy người ta đề cao tâm tính. Tuy nhiên loại thể ngộ này chỉ giúp tôi tiến lên trong một thời gian ngắn, tôi đã không thể tiếp tục tu luyện tinh tấn. Vì thế, khi mẹ đốc thúc tôi, tôi sẽ học Pháp. Nếu như mẹ không đốc thúc, tôi sẽ không học vì tôi bị cuốn hút bởi những video, trò chơi điện tử, tiểu thuyết của người thường và việc mua sắm.
Cảm giác mà tôi có khi đọc các sách Đại Pháp cũng giống như đọc một quyển sách được viết bởi người thường. Mẹ tôi nói rằng sách viết rất hay. Tôi biết điều đó và đồng tình với mẹ. Tôi đã đọc Chuyển Pháp Luân nhiều lần rồi và cảm thấy rằng tôi không cần phải đọc nữa. Vì sao mẹ cứ luôn muốn tôi đọc quyển sách đó?
Tôi biết rằng Sư phụ đã nói quyển sách này có thể chỉ đạo chúng ta trong tu luyện và dạy chúng ta các Pháp lý tại những tầng thứ khác nhau. Tuy nhiên, vì tôi không chủ động học Pháp, nên không thể nhìn thấy nhiều Pháp lý hơn. Tôi càng học Pháp ít, thì càng ít đề cao. Tôi đã rơi vào trong một vòng tuần hoàn ác tính.
Khi các đồng tu phụ huynh thúc giục con cái của mình học Đại Pháp, động cơ thường là do cái tình. Bạn không muốn con cái của mình phải chịu khổ thêm nữa trong vòng luân hồi bất tận giống như người thường. Hoặc là bạn muốn con của mình nhận ra rằng tu luyện rốt ráo là gì và giúp đỡ con dựa trên các Pháp lý. Hai động cơ khác nhau đó sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau hoàn toàn.
Đầu tiên, cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc cho các học viên trẻ là con của mình. Đồng thời, con cái cũng là tấm gương phản ánh trạng thái tu luyện của người lớn. Nguyên nhân chủ yếu mà con họ không thể nhận thức Pháp một cách lý tính có thể là do phụ huynh cũng cần đề cao trên phương diện này.
Có phải là thể ngộ về Pháp của cha mẹ vẫn đang mắc kẹt lại trên tầng thứ bề mặt hay không? Nguyên nhân mà ban đầu bạn bước vào Đại Pháp là gì? Bây giờ bạn vẫn còn chấp trước này chứ? Bạn đã tìm ra những chấp trước căn bản của mình chưa? Nếu những câu trả lời này không rõ ràng, thì con cái bạn có thể cũng đang ở trong trạng thái tương tự như bạn. Bạn có thể kiên trì làm một việc trong thời gian dài, nhưng lực nhẫn nại của con bạn thì kém hơn. Tuy nhiên, về căn bản, những ai không nhận thức Pháp một cách lý tính đang trong tình trạng nguy hiểm và có thể dễ dàng bị cựu thế lực kéo xuống.
Một số học viên mà tôi biết đã từ bỏ đức tin sau khi bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lừa dối lúc bị giam giữ, và một số đã chuyển sang tu các pháp môn khác để tránh bị bức hại. Tôi tin rằng việc này có nguyên nhân là do không thật sự nhận thức Pháp và không tìm ra các chấp trước căn bản của mình. Trong tình huống này, cha mẹ đã từ bỏ tu luyện. Những đứa trẻ được đốc thúc học Pháp khi còn nhỏ, nhưng sau đó đã mất đi môi trường tu luyện và cuối cùng lại ngày càng trở nên giống người thường.
Với tình huống này, tôi đề xuất các đồng tu hãy đọc Tinh tấn yếu chỉ, Tinh tấn yếu chỉ II, và Tinh tấn yếu chỉ III thêm vài lần và tìm kiếm vấn đề của bản thân. Dưới đây là một đoạn trích trong Kinh văn “Tiến đến viên mãn” thuộc Tinh tấn yếu chỉ II.
“Có người cho rằng Đại Pháp phù hợp với quan niệm khoa học của mình, có người cho rằng [nó] phù hợp với đạo lý làm người của mình, có người cho rằng [nó] phù hợp với bất mãn chính trị của mình, có người cho rằng Đại Pháp có thể cứu vãn đạo đức bại hoại của nhân loại, có người cho rằng Đại Pháp có thể trị khỏi bệnh của mình, có người cho rằng Đại Pháp và Sư phụ là chính phái, v.v. Con người tại thế gian mang những tâm theo đuổi truy cầu và nguyện vọng tốt đẹp như thế thì không có sai; nhưng là người tu luyện thì tất nhiên không thể được. Tuy rằng chư vị có thể từ tác dụng của những tư tưởng như thế mà nhập môn Đại Pháp, nhưng rồi trong quá trình tu luyện cần phải tự coi mình là người tu luyện; sau khi tinh tấn đọc sách và học Pháp thì nhận rõ được suy nghĩ nào của bản thân đã đưa đến tu luyện Đại Pháp vào lúc bản thân mình nhập môn Đại Pháp. Sau khi tu luyện một [giai] đoạn thời gian rồi, thì phải chăng vẫn còn là những suy nghĩ ban đầu, phải chăng là cái tâm ấy của con người vẫn lưu bản thân tại đó? Nếu như thế, thì không thể tính là đệ tử của tôi; chính vì tâm chấp trước căn bản kia chưa vứt bỏ, không thể ngay từ Pháp mà nhận thức Pháp.” (“Tiến đến viên mãn”, Tinh tấn yếu chỉ II)
Chỉ có học các bài giảng Pháp của Sư phụ để tìm thiếu sót của bản thân và thật sự hiểu ra lý do vì sao bạn bước vào tu luyện, thì mới có thể giúp các học viên trẻ tốt hơn và cùng nhau đề cao.
Tôi đã tìm ra chấp trước căn bản của mình trong quá trình học Pháp. Chấp trước của tôi là Đại Pháp phù hợp với quan niệm và nguyên tắc hành xử của tôi, và đây là nguyên nhân vì sao tôi tin vào Đại Pháp. Khi Sư phụ bắt đầu yêu cầu chúng ta giảng chân tướng cho mọi người để họ cắt đứt liên hệ với ĐCSTQ bằng cách thoái xuất khỏi các tổ chức của nó, tôi đã mắc kẹt lại.
Tôi không biết làm cách nào để tránh bị hiểu lầm là đang tham gia vào chính trị. Vì vậy, mỗi khi nói về việc thoái ĐCSTQ và các tổ chức của nó, tôi lại chần chừ và không biết nói như thế nào. Sâu trong tâm, tôi nghi ngờ rằng liệu việc thoái Đảng có phải là không tham gia vào chính trị hay không. Tuy nhiên, lúc đầu tôi chưa bao giờ nhận ra vấn đề này.
Sau này, tôi nhận ra rằng Đại Pháp là để chỉ đạo chúng ta tu luyện, chứ không phải ở đây là để phù hợp với bất kỳ đạo lý nào trong xã hội người thường. Là những học viên Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta nên làm theo yêu cầu của Sư phụ mà không chần chừ, thay vì dùng quan niệm con người để đánh giá lời của Ngài. Sau khi tìm ra vấn đề này, tôi nhận ra vì sao tôi không thể hiểu được Chuyển Pháp Luân ngay cả khi tôi đã đọc cuốn sách này hàng chục lần khi còn là một đứa trẻ.
Loại bỏ cái tình để giúp đỡ các học viên trẻ tốt hơn nữa
Giả sử như các vấn đề được nhắc đến bên trên không tồn tại. Trong trường hợp đó, phụ huynh nên giao tiếp với con cái của mình thường xuyên dựa trên sự bình đẳng trong mối quan hệ. Bạn có thể nói với con về những chuyện nhỏ nhặt xảy ra xung quanh con và nói cho con biết rằng tu luyện là gì, mục đích của tu luyện, và những Pháp lý mà bạn đã ngộ được trong sách. Quá trình giao tiếp này cũng là quá trình tu luyện cho các học viên lớn tuổi. Mặc dù các học viên trẻ có thể trở nên nổi loạn, bạn không nên chú ý đến điều này khi đang cố gắng giúp đỡ họ. Đồng thời, bạn nên tận dụng cơ hội này để tu luyện bản thân.
Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng con của mình học Pháp không đủ, bạn sẽ cảm thấy con phải làm theo yêu cầu của mình. Vì vậy, bạn phải tìm ra chấp trước vào sự áp đặt đối với con cái và loại bỏ nó. Khi bạn loại bỏ cái tình này, thì hiệu quả của việc giao tiếp sẽ tốt hơn rất nhiều. Hơn nữa, giao tiếp mà có càng ít chấp trước thì càng khởi tác dụng mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn hơn.
Nội dung trên đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi trong tu luyện. Nếu như có điều gì không phù hợp với Pháp, xin hãy chỉ ra cho tôi.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/15/483908.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/8/221994.html
Đăng ngày 24-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.