Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-01-2025]

Tên: Lưu Ngọc Thư
Tên tiếng Trung: 刘玉书
Giới tính: Nam
Tuổi: 80
Thành phố: Huyện Hoài Lai
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Không có thông tin
Ngày qua đời: 25 tháng 5, 2024
Ngày bị bắt gần nhất: Tháng 3, 2004
Nơi giam giữ gần nhất: Trung tâm tẩy não thành phố Trương Gia Khẩu

Tên: Nghê Văn Tú
Tên tiếng Trung: 倪文秀
Giới tính: Nữ
Tuổi: Khoảng 79
Thành phố: Huyện Hoài Lai
Tỉnh: Hà Bắc
Nghề nghiệp: Không có thông tin
Ngày qua đời: Không có thông tin
Ngày bị bắt gần nhất: Tháng 11, 2023
Nơi giam giữ gần nhất: Không có thông tin

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Lưu Ngọc Thư và gia đình chưa có ngày nào được sống yên ổn. Ông, vợ ông, hai con gái và một con trai của họ đều liên tục bị bắt bớ, giam giữ và sách nhiễu. Vợ ông, bà Nghê Văn Tú, đã qua đời sau một vụ sách nhiễu vào tháng 11 năm 2023. Do phải chịu đựng nhiều năm bị giam cầm và bị cưỡng chế dùng thuốc, ông Lưu cũng đã qua đời sáu tháng sau đó.

Ông Lưu, đến từ huyện Hoài Lai, tỉnh Hà Bắc, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Vợ ông, bà Nghê Văn Tú, con gái lớn Lưu Triêu Hà, con gái thứ hai Lưu Triêu Hồng và con trai Lưu Triêu Huy cũng tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, họ bị chính quyền coi là mục tiêu trọng điểm.

Bức hại đối với hai vợ chồng

Ông Lưu, vợ ông, con gái lớn và một số học viên địa phương khác đã luyện các bài công pháp Pháp Luân Công ngoài trời vào tháng 10 năm 2000 và đã bị bắt.

Trong một vụ việc khác, để trả đũa việc ông Lưu yêu cầu trả tự do cho một học viên địa phương bị giam giữ phi pháp, ông Lưu lại bị bắt và giam giữ tại trụ sở chính quyền huyện. Ông bị đánh đập, lăng mạ và bị sốc điện. Cảnh sát nhét tất vào miệng ông để ngăn ông la hét trong khi tra tấn.

Trong các kỳ họp thường niên của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 3 năm 2001, ông Lưu lại bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não. Sau tám tháng bị ngược đãi về tinh thần và thể xác, ông buộc phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công rồi mới được thả.

Năm 2003, ông lại bị bắt và bị kết án lao động cưỡng bức với thời hạn không rõ. Do huyết áp cao, trại lao động không nhận ông nên ông được thả về.

Tháng 3 năm 2004, ông Lưu bị bắt lần nữa và đưa tới Trung tâm tẩy não Trương Gia Khẩu, nơi ông bị giam liên tục năm năm. Khi được thả vào tháng 3 năm 2009, phần lớn răng của ông đều bị rụng, huyết áp ở mức cao nguy hiểm, và ông phải vật lộn với chứng phù nề toàn thân và mất trí nhớ. Tình trạng sức khỏe của ông ngày càng xấu đi trong những năm tiếp theo. Theo một nguồn tin nội bộ, nhân viên của trung tâm tẩy não đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, khiến ông bị những triệu chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, ông Lưu đã qua đời vào ngày 25 tháng 5 năm 2024. Khi đó ông 80 tuổi.

Ông Lưu qua đời chỉ sáu tháng sau khi vợ ông qua đời, bà đã chết ngay sau khi bị người của đồn công an Thổ Mộc sách nhiễu vào cuối tháng 11 năm 2023. Khi ấy bà khoảng 79 tuổi.

Bà Nghê cũng bị bắt và giam giữ nhiều lần trong suốt cuộc bức hại. Bà từng bị giam trong một trung tâm tẩy não hơn 30 ngày và bị tra tấn vì không từ bỏ Pháp Luân Công.

Bức hại đối với các con gái

Con gái lớn của họ, cô Lưu Triêu Hà, một kỹ sư hóa học, cũng bị bắt nhiều lần và bị đưa đi lao động cưỡng bức hai năm. Cô từng tuyệt thực để phản đối bức hại trong một trại tạm giam ở Bắc Kinh. Lính canh đã vứt cô bên lề đường lúc cô đang hấp hối. Một người tốt bụng đã phát hiện ra cô và giúp cô mua vé tàu để trở về nhà. Khi về đến nhà, không ai nhận ra cô. Chồng cô, một sĩ quan quân đội, đã ly hôn cô để tránh bị liên lụy do chính sách liên đới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người con gái thứ hai, cô Lưu Triêu Hồng, buộc phải rời nhà lánh nạn để không bị công an truy tìm. Sau đó, cô bị bắt và bị kết án 5 năm tù. Cô bị tra tấn dã man trong khi bị giam giữ. Chồng cô cũng đã ly hôn cô.

Bức hại đối với người con trai

Anh Lưu Triêu Huy là một bác sĩ, anh đã đến Bắc Kinh vào ngày 1 tháng 11 năm 2000 để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Anh bị bắt vài ngày sau khi trở về. Cảnh sát đã đột kích vào nhà anh và đưa anh cùng bố mẹ đến chính quyền huyện. Họ đánh đập và sốc điện anh trong hơn một tiếng đồng hồ.

Tháng 5 năm 2001, anh lại bị bắt ở nơi làm việc và bị giam một tuần tại trại tạm giam huyện. Tháng 6 năm 2001, Phòng 610 huyện ép nơi làm việc và cơ quan y tế địa phương đình chỉ công tác của anh trong bốn tháng. Trong thời gian đó, anh chỉ được nhận 150 nhân dân tệ mỗi tháng để trang trải sinh hoạt tối thiểu. Tháng 12 năm 2001, anh phải bỏ nhà đi trốn, sau đó bị đuổi việc. Cảnh sát lại ập đến nhà anh, tịch thu nhiều tài sản giá trị như đồ trang sức và đồ sứ Cảnh Thái Lam.

Anh Lưu bị bắt tại một nơi thuê trọ ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc, vào ngày 9 tháng 5 năm 2002. 2.000 nhân dân tệ tiền mặt mà anh mang theo, kính mắt, sách Pháp Luân Công và quần áo của anh đều bị tịch thu. Anh bị đưa đến Trung tâm tẩy não thành phố Trương Gia Khẩu vào đầu tháng 8 năm 2002 và bị chuyển đến trại tạm giam huyện Hoài Lai vào đầu tháng 11 năm 2002.

Anh Lưu bị kết án 7 năm tù vào ngày 25 tháng 8 năm 2003. Anh bị đưa đến Nhà tù Ký Đông vào đầu tháng 1 năm 2004. Lính canh bố trí hai tù nhân theo dõi anh suốt ngày đêm. Do bị ngược đãi, anh bị cao huyết áp, chảy máu mắt và rách sụn chêm đầu gối phải. Nhà tù không cho anh được gặp gia đình và liên lạc thư từ trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Bắc Kinh vào khoảng tháng 8 năm 2008 và kéo dài thời hạn tù của anh thêm hai tháng. Anh Lưu cuối cùng đã được trả tự do vào tháng 10 năm 2008.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/1/4/487816.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/1/6/223460.html

Đăng ngày 16-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share