Bài viết của Thẩm Dung, phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan
[MINH HUỆ 10-12-2024] Ông Khâu Thiêm Hỷ, năm nay 68 tuổi, đã may mắn đắc Đại Pháp và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công năm 40 tuổi. Nhìn lại 28 năm qua, trong ông tràn ngập lòng biết ơn.
Ông cho biết: “Những người trạc tuổi tôi than thở rằng suốt một đời họ làm lụng chăm chỉ để kiếm tiền, phấn đấu vì danh vì lợi, nhưng cuối cùng cũng ra đi với hai bàn tay trắng không mang theo được gì. Còn tôi, tuy không phải là người giàu có, cũng rất đỗi bình thường, nhưng những gì mà tôi có được lại là điều mà nhiều người khác mơ ước.” Đời người giống như quán trọ, rốt cuộc thì người lữ khách thực sự có được gì? Chúng ta hãy nghe câu chuyện của ông.
Thuở nhỏ, ông Thiêm Hỷ sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Tân Xã, Đài Trung. Gia đình ông sống dựa vào vườn cây ăn quả. Ông là con út trong gia đình, ở trên có 2 chị gái và 5 anh trai. Dù bố mẹ và các anh chị đều bận rộn với công việc đồng áng nhưng cậu bé Thiêm Hỷ luôn có thể tự giác việc học tập, sáng dậy sớm đi học mà không để người lớn phải bận tâm cho mình.
Khi ông Thiêm Hỷ học năm thứ hai trung học cơ sở, mẹ ông qua đời vì bạo bệnh. Lúc đó, ông chuyển đến sống cùng gia đình anh trai. Sau hơn 10 năm học tập, ông Thiêm Hỷ tốt nghiệp Đại học Sư phạm Chương Hóa (trước đây là Học viện Giáo dục Chương Hóa) và trở thành Trưởng phòng Đào tạo tại trường Trung cấp Công nghiệp Nông nghiệp Vụ Phong, Đài Trung.
Biết đến Pháp Luân Công
Trong trường, Phòng Đào tạo nổi tiếng là quan trọng nhất và “bận rộn nhất”, đặc biệt là công việc sắp xếp thời khóa biểu, vốn liên quan đến nhu cầu và lợi ích của mỗi giáo viên, càng trở thành cơn ác mộng hàng năm của ông Thiêm Hỷ.
Với tư cách là trưởng phòng, ông Thiêm Hỷ cho biết: “Ban đầu chưa có máy tính để xếp thời khóa biểu, chúng tôi phải làm thủ công. Nếu xếp lịch không tốt thì các giáo viên sẽ đến gặp tôi và phàn nàn về lịch dạy của mình. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên phải điều chỉnh, bố trí giáo viên dạy thay và lập kế hoạch cho nhiều hoạt động giảng dạy. Công việc quá căng thẳng đến nỗi tôi bị loét dạ dày và sụt cân trầm trọng.”
Lúc đó, khí công là giải pháp duy nhất giúp ông Thiêm Hỷ tạm thời giải tỏa căng thẳng, ông đã tập khí công trong nhiều năm. Ông nói: “Trước kia, tôi từng thích đọc tiểu thuyết võ thuật, rồi sau đó tôi muốn học khí công. Một mặt, luyện khí công giúp tôi tăng cường sức khỏe, mặt khác, thỏa mãn được niềm đam mê võ thuật của tôi.”
Cuối năm 1996, ông Thiêm Hỷ nhận được cuộc gọi từ ông Giản, một người bạn cũng say mê khí công. Ông ấy hào hứng nói rằng nhiều người ở Trung Quốc bây giờ đang tu luyện Pháp Luân Công và rủ ông tương lai hai người cùng nhau học. Sau đó không lâu, ông Giản gửi cho ông Thiêm Hỷ một cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Dòng chữ lớn “Chuyển Pháp Luân” nổi bật trên bìa màu xanh hiện ra trước mắt ông. Ông nóng lòng dở cuốn sách ra xem và một niệm muốn bái sư cầu đạo khởi lên mạnh mẽ trong ông.
Có lẽ chính cái tâm mong mỏi được tu luyện này đã khiến ông sớm nhận được một cuộc gọi nữa từ ông Giản. Ông Giản nói với ông: “Tôi sắp đến Bắc Kinh để tham dự Hội giao lưu của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục. Anh có muốn đi cùng tôi không?” Mặc dù lúc ấy ông Thiêm Hỷ còn chưa học luyện các bài công pháp, nhưng đã đồng ý ngay lập tức. Ông hy vọng được gặp Sư phụ Lý Hồng Chí.
Hiểu được ý nghĩa thực sự của tu luyện
Trong chuyến đi Bắc Kinh vào tháng 2 năm 1997, ông Thiêm Hỷ không gặp được Sư phụ Lý. Nhưng chuyến đi 10 ngày này giúp ông hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc tu luyện. Ông thừa nhận: “Thực ra lúc đó tôi mới bắt đầu tiếp xúc với Pháp Luân Công, cứ nghĩ chỉ là một môn khí công thông thường. Nhưng sau Pháp hội, tôi nhận ra rằng môn tu luyện này hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng”.
Ông Thiêm Hỷ tham gia luyện công tập thể buổi sáng tại Công viên Địa Đàn, Bắc Kinh.
Ông Thiêm Hỷ nhận thấy các đồng tu ở Bắc Kinh đều rất coi trọng việc học Pháp. Họ đọc sách một cách cung kính, lưng ngay, cổ thẳng. Họ chia sẻ cởi mở về việc bản thân chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp khi gặp mâu thuẫn, oan ức ở đơn vị công tác hoặc ở nhà, từ đó buông bỏ chấp trước và quan niệm.
Ông Thiêm Hỷ nhớ lại: “Phòng Pháp hội lúc đó rất đông người. Một đồng tu đến từ Bắc Kinh bị đẩy dồn vào góc phòng, nhưng anh ấy không hề bận tâm, chỉ mỉm cười và nói không sao, còn bảo tôi ở đây để tranh thủ ép chân.” Dù chuyện này nhỏ thôi nhưng qua đó tôi nhận ra rằng có rất nhiều điều trong cuộc sống đều là để tu luyện chính mình.“
Khi quan niệm chuyển biến, mọi việc sẽ thay đổi
Sau khi trở về Đài Loan, tuy công việc vẫn vất vả như thế nhưng ông Thiêm Hỷ nhận thấy tâm thái của mình đã khác trước. Ông cho biết: “Trước kia, buổi sáng sau đợt nghỉ lễ dài ngày, tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi từ các giáo viên xin nghỉ phép đột xuất. Mỗi lần nhận được cuộc gọi như vậy, tôi cảm thấy đau đầu và phiền toái vì tôi sẽ phải tìm giáo viên dạy thay. Nhưng nhiều người thường từ chối đề nghị dạy thay với lý do “không rảnh” khiến tôi khó xử”.
Nhưng sau khi học được cách tu tâm dưỡng tính, những cuộc gọi xin nghỉ như vậy đã không còn là vấn đề với ông nữa. Ông nói: “Tôi gạt bỏ nỗi sợ rắc rối và nói với giáo viên rằng họ cứ yên tâm, tôi sẽ giúp giải quyết ổn thỏa và thầy/cô hãy chăm sóc bản thân thật tốt. Khi đó, tôi cảm thấy mình cần phải giúp đỡ người khác. Tôi cần xử lý vấn đề giáo viên dạy thay, nếu không họ sẽ rất lo lắng. Khi sắp xếp lớp học sau này, tôi sẽ lưu ý nhu cầu của từng giáo viên và cố gắng hết sức để đáp ứng.”
Ông Thiêm Hỷ luôn đặt mình vào vị trí của người khác và thực tâm nghĩ cho họ. Thiện ý chân thành của ông không chỉ cải biến thái độ và bầu không khí tại nơi làm việc mà còn thay đổi cả tình trạng sức khỏe yếu của ông. Ông cho biết: “Vì bị loét dạ dày tá tràng nên tôi không dám uống cà phê, không dám uống trà đặc, cũng không dám ăn dứa. Sau đó, tôi vô tình uống cà phê và ăn dứa mà không sao cả. Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra căn bệnh mà tôi từng chịu đựng nhiều năm đã biến mất”.
Được gặp Sư phụ tại buổi giảng Pháp của Sư phụ tại Đài Loan
Ngày 16 tháng 11 năm 1997, Sư phụ Lý đã đến Trường Tiểu học Tam Hưng ở Đài Bắc để giảng Pháp. Vì nhiều người không kịp đến tham dự buổi giảng đó, Sư phụ đã đồng ý tổ chức thêm một buổi nữa ở Đài Trung. Tuy nhiên, do thời gian gấp gáp, rất khó tìm được địa điểm tổ chức. May mắn thay, ông Thiêm Hỷ sống ở Đài Trung, ông đã xin phép hiệu trưởng và được sự chấp thuận, nên trường học của ông trở thành địa điểm giảng Pháp cho buổi thứ hai.
Ông Thiêm Hỷ bộc bạch: “Trong chuyến đi Bắc Kinh, tôi đã không gặp được Sư phụ, nhưng lần này, cuối cùng tôi đã toại nguyện”. Ông kể: “Vào đúng 1 giờ chiều, tôi nhìn thấy Sư phụ bước vào hội trường. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Sư phụ rất cao lớn và rất từ bi. Tôi nói gì với Sư phụ Ngài đều mỉm cười và gật đầu.” Trước đây, tôi từng học qua nhiều môn khí công, các khí công sư thường tự cho mình là cao siêu, nhưng Sư phụ của chúng tôi không hề kiêu ngạo chút nào.“
Buổi thuyết giảng ở Đài Trung diễn ra từ 1 giờ chiều đến 7 giờ tối. Sau bài giảng, vẫn còn rất nhiều người vây quanh Sư phụ, có người muốn đặt câu hỏi, có người muốn bắt tay. Ông Thiêm Hỷ nói: “Sư phụ giảng đã rất lâu rồi, lẽ ra đến lúc cần nghỉ ngơi. Nhưng Sư phụ rất kiên nhẫn, không ngại trả lời. Ngài còn bắt tay từng học viên một. Tôi cũng để ý thấy trong suốt thời gian giảng Pháp, Sư phụ chỉ nghỉ ngơi chốc lát, đến nước Ngài cũng không uống”.
Sau khi buổi giảng Pháp kết thúc, ông Thiêm Hỷ cùng một số nhân viên công tác dùng bữa với Sư phụ, lúc này ông mới hiểu được sự vất vả của Sư phụ khi truyền Pháp. Ông nhớ lại: “Sau bữa cơm, Sư phụ chủ động đến bắt tay từng người. Bàn tay của Sư phụ rất mềm. Đã bao năm trôi qua nhưng cảm giác và ấn tượng về cái bắt tay lúc đó vẫn còn in đậm trong tâm tôi”.
Trong hai buổi giảng Pháp năm đó, rất nhiều người biết đây là cơ hội ngàn năm có một nên họ nhanh chóng gọi điện báo cho người thân, bạn bè đến tham dự. Vợ và anh trai của ông Thiêm Hỷ cũng bước vào tu luyện sau khi nghe buổi giảng Pháp của Sư phụ.
Ông Thiêm Hỷ cùng vợ tại Pháp hội Đài Loan năm 2024
Lời kết
28 năm đã trôi qua kể từ khi đắc Pháp, nhìn lại hành trình trân quý này, ông Thiêm Hỷ khiêm tốn nói: “Việc tu luyện của tôi rất đơn giản, dường như không có kỳ tích gì, nhưng tôi đã chứng kiến rất nhiều điều kỳ diệu. Ví như, nhiều người mắc bệnh chữa trị khắp nơi không hiệu quả, có người mách họ tu luyện Pháp Luân Công, nhờ đó họ đã khỏe mạnh trở lại. Cũng có trường hợp gia đình không hòa thuận, vợ chồng rất căng thẳng nhưng nhờ tu luyện đã trở nên hòa hợp. Những ví dụ như vậy có rất nhiều. Pháp Luân Đại Pháp rất chân chính và thực sự có thể thay đổi cuộc đời của mỗi người.”
Cuối cùng, ông Thiêm Hỷ muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Sư phụ. “Con vô cùng biết ơn Sư phụ đã an bài cho con cơ duyên đắc Pháp trong đời này, khiến con trở thành một người tốt hơn, giúp con hiểu được nguồn gốc của sinh mệnh và con đường trở về.“ “Tôi đã đắc được Đại Pháp trân quý nhất trên đời, đó là thứ tôi thực sự mang theo được khi rời khỏi thế gian. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết sức để cho nhiều người hơn biết đến Pháp Luân Đại Pháp, đây cũng là cơ duyên vạn cổ của mỗi sinh mệnh khi đến thế gian này.”
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/10/485963.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/23/222186.html
Đăng ngày 02-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.