Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Bắc Kinh

[MINH HUỆ 17-11-2024]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các đồng tu!

Đầu tháng Năm năm nay, anh rể tôi gặp tai nạn xe hơi suýt nữa mất mạng. Chính là Sư phụ từ bi vĩ đại đã cứu mạng anh ấy, cứu vãn gia đình họ. Tôi là một nam đệ tử Đại Pháp, theo đề xuất của chị cả (cũng là đồng tu), từ đầu tháng 6 đến giờ tôi luôn hỗ trợ chị ấy việc chăm sóc cho anh rể. Tôi xin viết ra những trải nghiệm và tâm đắc thể hội của bản thân trong thời gian này để báo cáo lên Sư phụ và giao lưu cùng các đồng tu. Nếu có điều gì chưa thỏa đáng, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

1. Tai nạn giao thông bất ngờ, mạng sống của anh rể ngàn cân treo sợi tóc

Gia đình chị cả tôi sống và làm việc tại thủ phủ của một tỉnh khác. Anh rể cả của tôi vốn là kỹ sư cao cấp và từng là giám đốc trung tâm thuộc một viện nghiên cứu cấp tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, anh rể tôi được cơ quan cũ và một số đơn vị khác mời làm cố vấn kỹ thuật.

Một buổi sáng đầu tháng 5 năm 2024, anh rể tôi lái xe đi làm ở một đơn vị. Trên đường, xe của anh đã va chạm với xe quét đường, gây ra tai nạn nghiêm trọng. Sau vụ va chạm, xe của anh rể tôi lao khỏi vành đai xanh và vượt qua lan can bảo hộ mới dừng lại. Anh ấy nằm trên vũng máu, mê man bất tỉnh. Có người trông thấy ​​vụ tai nạn xe hơi và gọi 120. Một tiếng sau, xe cấp cứu mới tới nơi. Sau hơn một giờ chảy nhiều máu, xung quanh anh rể tôi bê bết máu và hiện trường vụ tai nạn xe hơi vô cùng thảm khốc. Những người xung quanh không khỏi lắc đầu thở dài: “Người này chắc là đi rồi, không cứu được rồi.” Thậm chí có người còn buồn bã nói: “Người này chết thảm quá!”

Xe cứu thương đưa anh rể tôi đến phòng cấp cứu của một bệnh viện gần đó (sau đây gọi là Bệnh viện A). Sau khi khám, các thương tích chính của anh rể tôi là: 1. Chấn thương sọ não nghiêm trọng và nhồi máu não đa ổ; 2. Bong thủy tinh thể mắt phải; 3. Gãy xương phức tạp ở cánh tay trái… Mạng sống của anh rể tôi đang trên bờ vực nguy hiểm, ngàn cân treo sợi tóc.

2. Nhờ Sư phụ từ bi cứu độ, anh rể tôi chuyển nguy thành an

Chị cả tôi nhanh chóng nhận được tin anh rể gặp tai nạn xe hơi và lập tức đến Bệnh viện A nơi anh rể đang điều trị. Bác sỹ nói: Mắt phải của chồng chị khó mà cứu được, tay trái cũng khó cứu lắm, đe dọa đến tính mạng. Chị cả rất bình tĩnh, không hề sợ hãi. Chị nghĩ: “Chuyện đã như vậy, an toàn tính mạng của chồng mình chỉ có thể trông cậy vào Sư phụ thôi.” Chị bước đến bên anh rể và thì thầm vào tai anh: “Anh phải nhớ kỹ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo nhé.’” Chị thầm cầu xin Sư phụ cứu chồng mình.

Chị cả đã đưa ra quyết định táo bạo, yêu cầu chuyển anh rể đến bệnh viện tốt nhất ở tỉnh lỵ (sau đây gọi là Bệnh viện B) để điều trị. Vì Bệnh viện A cách xa Bệnh viện B nên việc vận chuyển người bị thương sẽ mất nhiều thời gian. Các bác sỹ tại Bệnh viện A vô cùng lo lắng, cho rằng rủi ro lớn nên họ không khuyến nghị chuyển viện. Nhưng theo yêu cầu của chị cả, bác sỹ tại Bệnh viện A cuối cùng đã đồng ý cho anh chuyển viện.

Ngay sau đó, anh rể tôi được đưa đến Bệnh viện B một cách thuận lợi, anh được chuyển thẳng vào khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) và vẫn hôn mê. Chị cả lập tức thông báo cho bạn bè thân quyến về vụ tai nạn xe hơi của anh rể. Ai nấy đều cảm thấy kinh hãi và bất an, từ khắp nơi đổ về Bệnh viện B để thăm anh ấy.

Người thân sử dụng mối quan hệ cá nhân để liên hệ với các chuyên gia y tế có liên quan nhằm tìm kiếm nguồn lực và phương án điều trị tốt hơn. Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng trước mắt phải tìm cách làm cho bệnh nhân tỉnh lại càng sớm càng tốt. Tình trạng hôn mê càng kéo dài thì nguy hiểm đến sinh mệnh càng lớn. Nếu anh ấy tỉnh lại trong vòng một tháng, thì vẫn còn hy vọng cứu được; nếu anh ấy tỉnh lại trong vòng ba tháng, anh ấy có thể trở thành người thực vật; còn nếu sau sáu tháng anh vẫn chưa tỉnh, thì sẽ không còn hy vọng tỉnh lại nữa. Các chuyên gia y tế cũng đưa ra dự đoán khác nhau về thời gian anh rể tôi tỉnh lại dựa trên tình trạng thương tích của anh. Có người nói rằng phải mất hai tháng, có người nói phải mất ba tháng, và thậm chí còn lâu hơn.

Để cứu mạng anh rể, chị cả đã nhờ tôi và chị hai (cũng là đồng tu) phát chính niệm cho anh. Chị ấy cũng liên lạc với các đồng tu khác để giúp phát chính niệm, thanh trừ hết thảy nhân tố tà ác đang bức hại anh rể. Ở nhà, chị cả quỳ trước Pháp tượng Sư phụ và cầu xin Sư phụ cứu anh rể. Chị ấy cũng phát chính niệm trong thời gian dài để thanh trừ bức hại của cựu thế lực đối với chồng mình.

Theo quy định của Bệnh viện B, việc chăm sóc bệnh nhân ICU chỉ có thể được thực hiện bởi các điều dưỡng viên do Bệnh viện B chỉ định, người nhà không được tham gia vào công việc điều dưỡng. Anh rể cả của tôi vẫn trong tình trạng hôn mê và gia đình chỉ được phép vào thăm anh ấy nửa giờ mỗi ngày. Chị cả ngày nào cũng đi tàu điện ngầm đến Bệnh viện B để thăm anh rể. Vì Bệnh viện B cách xa nhà nên chị cả phải đi tàu điện ngầm hơn ba tiếng đồng hồ mỗi ngày. Mỗi lần đến thăm, chị cả tôi đều thì thầm vào tai anh rể: “Anh hãy nhớ, ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo nhé.’”

Kỳ tích đã xảy ra, vào ngày thứ năm sau vụ tai nạn xe hơi, anh rể tôi đã tỉnh dậy, sớm hơn rất nhiều so với dự đoán của các chuyên gia y tế. Các bác sỹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị anh rể tôi đều kinh ngạc và tán thán, nói rằng đó là một kỳ tích y học. Nhưng chúng tôi đều biết, đây chính là sự cứu độ từ bi của Sư phụ, và chúng tôi vô cùng biết ơn Ngài.

Anh rể tôi đã tỉnh dậy và sống sót. Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết, như cứu cánh tay trái, cứu mắt phải, và nhanh chóng phục hồi bộ não trở lại trạng thái tư duy bình thường. Để nhanh chóng giải quyết những vấn đề này, theo yêu cầu của chị cả, anh rể tôi đã được chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt sang phòng bệnh thông thường.

Xương cánh tay bên trái của anh rể tôi bị gãy và mất một mảng da thịt lớn. Anh ấy cần ghép một mảnh da lấy từ nơi khác và nối một mảnh xương. Ca phẫu thuật ở cánh tay trái bao gồm phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật ngoại khoa, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sỹ ở cả hai khoa. Ngoài ra, đang là mùa hè, nhiệt độ cao nên vết thương dễ bị nhiễm trùng. Bác sỹ điều trị nói với chị cả rằng ca phẫu thuật ở cánh tay trái của anh rể sẽ cực kỳ khó khăn và có nguy cơ thất bại, vì vậy chị cần phải chuẩn bị tinh thần.

Do việc phẫu thuật cánh tay trái của anh rể tôi rất khó nên một người trong gia đình đã đề nghị cắt bỏ tay trái, bởi cứu sống anh là điều quan trọng nhất. Quả đúng là như vậy. Nếu chọn cách cắt cụt, độ khó của ca phẫu thuật sẽ giảm đi rất nhiều, tỷ lệ thành công sẽ tăng lên đáng kể, chi phí y tế cũng sẽ giảm rất nhiều. Nhưng chị cả không đồng ý, nhất quyết giữ lại tay trái của anh. Cuối cùng, sau nhiều lần trao đổi giữa bác sỹ và gia đình, chị cả đã đồng ý với phác đồ điều trị do bác sỹ đề xuất và tiến hành phẫu thuật ghép da. Đồng thời, cánh tay trái được đặt một giá đỡ ngoài. Sau khi việc ghép da hoàn tất, sẽ tiến hành ghép xương và phẫu thuật cố định bên trong. Ca phẫu thuật này khó và bao gồm nhiều bước. Sau nhiều lần cắt mô, việc ghép da và đặt giá đỡ ngoài ở tay trái đã tiến hành thành công.

Do công việc chăm sóc quá nhiều, một mình chị cả tôi làm không xuể, bởi vậy, tôi và chị hai thay nhau đến Bệnh viện B giúp chị cả chăm sóc anh rể. Tại Bệnh viện B, anh rể tôi ở trong tình trạng chăm sóc đặc biệt, quanh người anh kết nối với nhiều cảm biến và một số thiết bị theo dõi xung quanh giường. Việc ăn, uống của anh đều cần chúng tôi hỗ trợ, đi tiểu, đại tiện đều ngay trên giường bệnh.

Trong mỗi ca phẫu thuật mà anh rể trải qua, chị cả, chị hai và tôi sẽ đứng bên ngoài phòng phẫu thuật và cầu Sư phụ cứu anh, đồng thời phát chính niệm để thanh trừ can nhiễu và bức hại của tà ác. Chúng tôi thầm niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” trong tâm. Ca phẫu thuật cánh tay trái của anh rể tôi đã thành công, ca phẫu thuật mắt phải sau đó cũng diễn ra suôn sẻ. Còn về chấn thương sọ não và nhồi máu não của anh, bác sỹ nói rằng y học hiện đại chưa có giải pháp, chỉ có thể dựa vào khả năng miễn dịch của chính bệnh nhân.

Ngoài dự liệu của hầu hết mọi người, đến cuối tháng 6, anh rể tôi đã được xuất viện. Trong vòng chưa đầy hai tháng, Sư phụ đã cứu anh rể tôi trở về.

3. Phân tích nguyên nhân sâu xa của vụ tai nạn

Sau vụ tai nạn xe hơi của anh rể cả, mọi người đều bàn luận về nguyên nhân sự cố, để rút ra bài học làm gương. Nhìn từ tầng thứ của người thường, vụ tai nạn xảy ra là do anh rể tôi thao tác không đúng cách, anh ấy đã nhầm chân ga với chân phanh và đâm vào xe phun nước phía trước, gây ra sự cố lần này. Hơn nữa, nguyên nhân khiến anh rể thao tác không đúng là do anh đang vội cho kịp thời gian và kẹt xe vào giờ cao điểm buổi sáng.

Nhưng từ giác độ của người tu luyện mà nhìn thì chúng tôi thấy không phải như vậy. Đây chính là bức hại của các sinh mệnh không gian khác gây ra đối với anh rể. Trước năm 1999, anh rể cả của tôi đã từng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, anh ấy từng rất tích cực học Pháp, luyện công. Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, anh ấy dần dần trở nên giải đãi trong tu luyện. Mặc dù chị cả đã thúc giục và khuyên nhủ, nhưng hiệu quả không đáng là bao.

Chúng tôi ngộ rằng tu luyện không thể ép buộc, cũng không thể dùng bất kỳ phương cách cưỡng ép nào để khiến người khác tu luyện, chỉ có thể khuyến thiện. Theo thời gian, anh rể ngày càng buông lơi trong tu luyện, tâm tính ngày càng sa sút, dần dần lẫn lộn với người thường, thậm chí còn sa vào đầu cơ chứng khoán.

Đệ tử Đại Pháp là có sứ mệnh và phải hoàn thành thệ ước mình đã lập ra. Khi tâm tính giáng xuống tầng thứ của người thường, toàn bộ nợ nghiệp đã mắc phải trong quá khứ phải tự mình gánh chịu. Bởi vì anh rể trong tu luyện không nghiêm khắc yêu cầu bản thân, giải đãi, tâm tính của anh đã rớt xuống tầng thứ người thường, vậy thì sinh mệnh của người thường đã được an bài rồi, mệnh đến lúc gặp phải tai nạn cũng không thể tránh được, đây mới là nguyên nhân sâu xa của vụ tai nạn này.

4. Đối đãi lý tính với vấn đề chữa bệnh cho những người chưa thực sự tu luyện

Theo sự sắp xếp của bác sỹ phụ trách Bệnh viện B, sau khi ca phẫu thuật nẹp ngoài cánh tay trái của anh rể hoàn tất, phải đợi ít nhất ba tháng mới được tháo nẹp ngoài, đồng thời còn phải phẫu thuật cố định bên trong cánh tay. Bác sỹ phụ trách giới thiệu rằng liệu pháp oxy cao áp hiện là phương pháp y tế được sử dụng phổ biến nhất để phục hồi não cho anh rể. Lúc đó là thời điểm nóng nhất trong năm và vết thương dễ bị nhiễm trùng nên chúng tôi đã chuyển anh rể đến bệnh viện phục hồi chức năng gần nhà (sau đây gọi là Bệnh viện C) để điều trị phục hồi chức năng.

Anh rể tôi được chuyển từ Bệnh viện B sang Bệnh viện C trong tư thế nằm, và quá trình điều trị phục hồi chức năng của anh ấy tại Bệnh viện C diễn ra tương đối suôn sẻ. Một tháng sau, anh ấy đã có thể di chuyển bằng xe lăn. Chị cả tôi rất mừng và nảy ra một ý tưởng táo bạo, đó là đưa anh rể về nhà. Chị nói: “Trường năng lượng ở nhà rất mạnh, có lợi cho việc phục hồi”. Đề xuất này bị con trai chị phản đối, và bản thân anh rể cũng không đồng ý. Nhưng chị cả vẫn khăng khăng như vậy, mọi người đành phải đồng ý với ý kiến ​​của chị và đưa anh rể về nhà.

Về đến nhà, anh rể tôi rất vui và phấn khởi. Trong mấy ngày đầu, mọi việc diễn ra bình thường. Nhưng vài ngày sau, anh rể tôi bị nhiễm trùng nghiêm trọng ở cánh tay trái. Chúng tôi phải đưa anh trở lại Bệnh viện C để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng.

Tại sao điều này lại xảy ra? Sau một thời gian suy ngẫm, chúng tôi ngộ ra rằng anh rể tôi vẫn chưa thực sự bắt đầu tu luyện, việc chúng tôi dùng những tiêu chuẩn cao vượt quá khả năng chịu đựng của anh để đối đãi với anh ấy là không phù hợp. Nếu anh rể tôi thực sự tu luyện và có chính niệm mạnh mẽ, có lẽ anh ấy đã không phải đến bệnh viện để điều trị. Nếu anh ấy có thể đo lường và đối đãi hết thảy theo tiêu chuẩn của một người tu luyện, thì toàn bộ quá trình sẽ là vấn đề tu luyện tâm tính và đề cao tầng thứ. Anh rể trước kia từng tu luyện, nhưng hiện tại anh đã rớt xuống rồi, trước khi anh ấy thực sự quay lại tu luyện, chỉ có thể dùng tiêu chuẩn của người thường đối với anh, và phải dùng phương pháp của người thường để giải quyết vấn đề trị bệnh của anh ấy.

Sư phụ đã cứu anh rể cả của tôi khỏi tay tử thần. Chúng tôi không thể tưởng tượng được Sư phụ đã phải chịu đựng những gì. Loại tai nạn xe hơi này đối với người thường mà nói là một thảm họa lớn. Nhưng ở cấp độ cao hơn người thường mà nhìn, vụ tai nạn xe hơi này chẳng phải là cơ duyên tuyệt vời cho anh rể tôi sao? Sau năm 1999, chị gái tôi đã liên tục thúc giục và khích lệ anh quay lại tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nhưng đã hơn 20 năm trôi qua mà vẫn không có hiệu quả gì. Chúng tôi phải tận dụng cơ hội này để giúp anh rể tôi nhận ra sự vô thường của thế gian, sự hư ảo của tiền tài địa vị, cũng như sứ mệnh thực sự của chính anh, để anh ấy có thể bắt đầu tu luyện trở lại, quay về gia viên thực sự của mình. Chỉ bằng cách giúp anh rể tôi quay trở lại tu luyện Đại Pháp, chúng tôi mới có thể xứng đáng với sự cứu độ từ bi của Sư phụ và xứng đáng với danh hiệu đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp.

5. Tiến thêm một bước tu bỏ “Tâm chấp trước vào tự ngã”

Trong quá trình chăm sóc anh rể, chúng tôi đã gặp phải một sự việc không mong muốn. Vì anh rể tôi bị va chạm mạnh vào đầu nên não anh ấy bị chấn thương và suy giảm nhận thức nghiêm trọng. Biểu hiện chính là anh không thể diễn đạt rõ ràng những gì muốn nói và không tìm được từ ngữ chính xác để diễn đạt ý mình muốn nói. Ví như, anh gọi cơ thể mình là máy bay, và gọi chiếc nẹp ở cánh tay trái là răng…

Mặc dù anh ấy có thể nhận ra chúng tôi, nhưng anh ấy hoàn toàn nhầm lẫn mối quan hệ và cách xưng hô với chúng tôi. Anh ấy gọi tôi là em trai của anh ấy, và gọi chị cả là mẹ… Điều khó hơn chính là, sự biểu đạt về sự vật và xưng hô của anh với chúng tôi là tùy kỳ, vì vậy rất khó để hiểu được quy luật của anh. Do vậy, chúng tôi không thể hiểu anh ấy nói gì hoặc muốn diễn đạt điều gì, và chúng tôi phải đoán.

Khi bác sỹ trò chuyện với anh rể để hỏi han tình hình, anh ấy cứ hỏi một đằng trả lời một nẻo, khiến bác sỹ bối rối và không biết phải giải thích thế nào. Cũng may là chúng tôi có mặt ở đó và có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho bác sỹ. Nhưng trong quá trình chăm sóc hàng ngày vẫn có vấn đề. Nếu chúng tôi đoán đúng những gì anh ấy muốn biểu đạt và thực hiện theo mong muốn của anh ấy thì tốt; còn nếu chúng tôi đoán sai và không thực hiện theo yêu cầu của anh ấy, anh ấy sẽ phát hỏa và chửi mắng chúng tôi không thương tiếc.

Lúc đầu, tôi thực sự không thể chịu đựng được. Tôi tự nhủ, mấy chục năm qua, chưa có ai chỉ thẳng vào mặt và mắng tôi như thế. Trong các trại tạm giam, nhà tù, trại lao động, cảnh sát đã tra tấn tôi nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy khó chịu đến thế, trong loại hoàn cảnh đó, tôi có thể biểu hiện sự không khuất phục. Ở đơn vị, ở nhà, ở quê, và giữa những người thân và bạn bè, có người coi thường tôi và nói đủ thứ chuyện không hay về tôi. Có người còn kể lại cho tôi nghe, tôi chỉ cười trừ. Vì họ không xúc phạm nhục mạ tôi trực tiếp nên tôi không quan tâm.

Bây giờ tôi đang phải đối mặt với anh rể, anh ấy trực tiếp chỉ trích và nhục mạ tôi. Một hoặc hai lần còn được, nhưng khi xảy ra quá nhiều lần, tôi thực sự cực kỳ khó chịu. Nhưng tôi không thể nói gì với anh ấy, và cũng không có cách nào giải thích, bởi vì tôi càng giải thích càng rối hơn. Không chỉ vậy, tôi còn phải tìm cách giải quyết vấn đề của anh ấy. Lòng tôi như sông biển quay lộn, cảm thấy quá khó chịu.

Có lúc tôi từng nghĩ đến chuyện trốn tránh, về nhà, không tham gia chăm sóc anh rể nữa mà để người khác làm. Nhưng khi tôi suy nghĩ kỹ lại thì không có ai phù hợp. Anh rể cả chỉ có duy nhất một người con trai, hai vợ chồng cháu trai đều có công việc; anh ấy cũng có em trai và em gái, nhưng họ cũng bận rộn công tác và không có thời gian. Tương tự như vậy, các em chúng tôi bên này đều phải đi làm, không có thời gian đến chăm sóc. Tôi thì vừa mới nghỉ hưu, thời gian không thành vấn đề, tôi lại là đàn ông nên việc chăm sóc anh rể thuận tiện hơn so với phụ nữ. Trong trường hợp này, tôi là người phù hợp nhất.

Nhìn lại bản thân, chỉ vì sự chửi mắng vô ý của anh rể mà tôi đã không chịu nổi, muốn trốn thoát vào phút cuối. Tôi chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình mà không nghĩ đến hoàn cảnh và mong muốn của anh rể. Tôi thực sự quá vị tư rồi, kém quá xa so với yêu cầu của Sư phụ tôi đối với đệ tử, thật đáng hổ thẹn! Sau khi bình tĩnh lại, tôi ý thức được rằng là tâm chấp trước nào đó của bản thân bị động chạm đến, và tôi cần tu bỏ nó.

Tôi tìm kiếm nội tâm của bản thân và điều đầu tiên tôi tìm được là cái tâm không chịu được việc bị người khác nói, vừa bị nói liền nổ tung. Trước đây, tôi đã từng giao lưu vấn đề này với chị cả và chị hai, cả hai chị đều nói rằng tôi không tiếp thu ý kiến ​​của người khác. Mỗi khi nói về tôi, mặc dù tôi không phản bác họ nhưng lại tỏ rõ vẻ không phục và không tiếp nhận. Hơn mười năm đã trôi qua, sự thật cho thấy tôi chưa bao giờ thực sự tu bỏ được chấp trước này. Bây giờ Sư phụ dùng phương cách này để cho tôi trực tiếp đối mặt với chấp trước dơ bẩn của chính mình. Nếu tôi không tu bỏ cái tâm này, tôi sẽ cô phụ lòng từ bi khổ độ của Sư tôn. Tôi phải tu bỏ cái tâm “không muốn bị người khác nói” này.

Hướng nội sâu hơn, tại sao tôi không muốn bị người khác chỉ trích? Tôi phát hiện ra đằng sau đó là tâm tự cho mình giỏi giang, tâm cao ngạo, tâm coi thường người khác, tâm tự cho mình là đúng, tâm thích nghe những lời dễ nghe và tâm không thích nghe ý kiến ​​khác biệt v.v.. Đây đều là biểu hiện của chấp trước vào tự ngã, đều là tư tâm. Tôi phải tu bỏ những chấp trước này, hoàn toàn triệt để tu bỏ chúng.

Giờ đây, tôi có thể chủ động ở góc độ của anh rể mà đối đãi với yêu cầu của anh, và tôi có thể đoán chính xác ý tứ của anh ấy. Đến giờ, chúng tôi đang rất hòa thuận và anh rể tôi ngày càng hài lòng với sự chăm sóc của tôi.

6. Dùng thiện ý và từ bi giúp anh rể quay lại con đường tu luyện

Sau khi anh rể tôi tỉnh lại, vì não bị tổn thương nghiêm trọng nên anh ấy không nhớ gì về vụ tai nạn xe hơi. Khi lãnh đạo và đồng nghiệp đến thăm, anh vẫn rất hào hứng biểu thị mong muốn sớm được quay lại làm việc. Anh còn nói muốn kiếm được nhiều tiền hơn trước đây, để góp phần cho tương lai tươi sáng của con cháu, và sống một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc…

Về vấn đề này, chúng tôi vô cùng lo lắng. Sư phụ cứu mạng anh rể cả của tôi không phải để anh ấy sống cuộc sống hạnh phúc như người thường, mà là vì mục đích tu luyện. Anh ấy phải hoàn thành sứ mệnh lịch sử và thực hiện thệ nguyện thần thánh của mình. Sự việc này xảy ra ngay bên cạnh chúng tôi và chúng tôi cũng tham gia vào việc này, chứng tỏ đây cũng là trách nhiệm của chúng tôi.

Anh rể tôi có thành tích công tác rất tốt và được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao, cho nên anh ấy rất tự phụ và khó tiếp thu ý kiến ​​của người khác, đối với những biện pháp mang tính cưỡng ép lại càng khó tiếp nhận hơn. Làm sao để tháo gỡ nút thắt trong tâm anh, xóa bỏ sự nghi ngờ và khiến anh chân chính quay lại tu luyện là vấn đề chúng tôi phải giải quyết.

Chúng tôi từ từ kể cho anh ấy nghe sự thật về vụ tai nạn xe hơi chí tử và quá trình giải cứu, đồng thời cũng kể chi tiết về cách chúng tôi đã cầu Sư phụ cứu anh. Với sự xác nhận của những người khác, cuối cùng anh rể tôi đã hiểu được mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn xe hơi và biết được ơn từ bi cứu độ của Sư phụ. Chúng tôi nói với anh ấy rằng nếu Sư phụ không cứu anh, anh đã chết rồi. Một khi sinh mệnh không còn nữa, có tiền thì có ích gì? Làm sao anh có thể đi làm trở lại? Làm sao còn có thể chăm sóc con cháu?… Dù sao anh rể tôi cũng đã từng tu luyện, cho nên căn cơ vẫn còn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng anh ấy đã đồng ý học Pháp luyện công.

Để giúp anh rể tôi quay lại con đường tu luyện Đại Pháp nhanh nhất có thể, chúng tôi biết rằng việc hướng dẫn anh ấy học Pháp tốt là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, vì vậy, trước tiên chúng tôi cho anh ấy nghe băng ghi âm bài giảng Pháp của Sư phụ. Lúc đầu, anh lắng nghe rất tốt, nhưng sau đó tôi phát hiện anh ấy ngủ thiếp đi khi nghe Sư phụ giảng Pháp. Chúng tôi cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến chấn thương ở đầu của anh ấy, và có lẽ Sư phụ đang thanh lý đại não cho anh.

Sau đó, chúng tôi phát hiện ra có điều gì đó không ổn. Mỗi lần nghe băng ghi âm bài giảng Pháp của Sư phụ, anh rể tôi đều ngủ thiếp đi. Đây rõ ràng là can nhiễu và bức hại của tà ác, không để cho anh ấy học Pháp. Vì vậy, ngoài việc phát chính niệm để thanh trừ tà ác, chúng tôi cần phải thay đổi cách học Pháp của anh ấy. Thế là tôi, chị cả và anh rể lập thành một nhóm học Pháp. Chúng tôi học Pháp cùng nhau, mỗi ngày học một bài giảng trong Chuyển Pháp Luân. Chị cả và tôi đọc sách còn anh rể lắng nghe. Nhưng giữa lúc chúng tôi học Pháp, anh rể lại ngủ thiếp đi. Chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi phải làm sao đây? Để giải quyết vấn đề anh rể ngủ gật khi học Pháp, chị cả tôi đã có cuộc trao đổi kỹ lưỡng với anh, và chỉ ra rằng ngủ gật khi đang học Pháp là hành vi bất kính đối với Sư phụ và Đại Pháp, và là hành vi không tín Sư tín Pháp, cần phải chính lại.

Đồng thời, chúng tôi cũng tìm ra vấn đề của bản thân. Việc yêu cầu anh rể cả học một bài giảng trong Chuyển Pháp Luân mỗi ngày là điều vượt quá khả năng tiếp nhận của anh ấy, như thế cũng là không suy nghĩ cho anh. Vì lý do này, chúng tôi lại điều chỉnh cách học Pháp. Sau khi học xong vài đoạn trong bài giảng của Sư phụ, chúng tôi hỏi anh rể xem có tiếp tục học nữa hay không. Nếu anh ấy nói có thể tiếp tục học, chúng tôi liền học tiếp; nếu anh ấy nói mệt và muốn nghỉ ngơi, chúng tôi sẽ dừng lại. Lần học tiếp theo sẽ bắt đầu từ chỗ dừng lại lần trước. Bằng cách này, hiệu quả khá tốt. Hiện tại, anh rể tôi rất tích cực học Pháp, đôi khi anh ấy còn đốc thúc chúng tôi nhanh chóng học Pháp.

Hiện giờ sức khỏe của anh rể ngày càng hồi phục tốt hơn. Từ lúc hôn mê ban đầu, phải đi tiểu tiện và đại tiện trên giường, nhờ người khác đút cho ăn, cho uống, phải ngồi xe lăn, v.v. đến giờ anh đã có thể tự chăm sóc bản thân.

Chị cả và anh rể tôi vạn phần cảm ân sự từ bi cứu độ của Sư phụ!

Nhân đây, thay mặt toàn thể gia đình, con xin cảm ân Sư tôn từ bi vĩ đại!

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/11/17/484641.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/11/23/221772.html

Đăng ngày 28-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share