Bài viết của Mịch Chân

[MINH HUỆ 22-08-2024] (Tiếp theo Phần 1 Phần 2)

4. “Thiên – nhân hợp nhất” trong chữ Hán

“Thiên – nhân cảm ứng”, “Thiên – nhân hợp nhất” là một đặc trưng quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Trời tuy ở trên cao, nhưng mọi thời khắc đều có liên hệ với nhân gian: “Trời soi con người, giống như tấm gương”, “Làm việc thiện, Trời Đất đều biết; làm việc ác, Trời Đất cũng biết”. Những việc thiện ác ở nhân gian, Thượng Thiên thông qua thiên tượng để cảnh báo thế nhân, vì vậy từ xưa đến nay, có cách nói là “quan sát Đạo Trời để đối ứng Đạo của người”, hợp đức với Trời, giống như trong “Dịch Thư” có viết: “Dữ thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự” (hợp đức với trời đất, hợp sự sáng trong với nhật nguyệt, hợp trật tự với bốn mùa).

“Trời hiển thị thiên tượng, để thấy lành dữ. Đó là hiển thị cho con người. Từ Nhị (Nhị, cổ văn là chữ Thượng); Tam thùy là Nhật, Nguyệt, Tinh. Quan sát thiên văn, để quan sát sự biến đổi, biểu thị việc của Thần”.

“Thuyết văn giải tự” giải thích chữ Thị (hiển thị) là, Thượng Thiên hiển thị thiên tượng, là để báo trước lành dữ. Trên chữ Thị (示) là chữ Nhị (二), cổ văn Nhị nghĩa là Thượng (ở trên cao), ở dưới là chữ Tiểu (小) là Tam Thùy, đại biểu cho Nhật Nguyệt Tinh (mặt trời, mặt trăng và các vì sao), là ý tượng mà Thượng Thiên hiển thị cho con người. Khi xảy ra nhật thực, nguyệt thực, tinh tượng biến hóa, hạn hán, lũ lụt, thì các đế vương cổ đại sẽ quan sát thiên tượng, cho rằng mình trị quốc sai phương pháp, Thượng Thiên đưa ra cảnh cáo, thế là hạ chiếu trách tội bản thân, đại xá thiên hạ, để bày tỏ sự kính úy đối với Thần linh.

“Thuyết văn – Thị bộ” có 60 chữ, biểu thị Thần linh, tế tự, hoạ phúc, lễ chế và những nội dung liên quan đến Thiên Thần, như Lễ, Phúc, Tường (may mắn), Họa, Thần, Tế, Chúc (cầu nguyện), Xã (Thần thổ địa), Tổ (tổ tiên) v.v., đều từ chữ Thị (示) diễn hóa ra.

Chúng ta làm thế nào mới được Thượng Thiên bảo hộ?

“Lễ (禮) là thực hành. Dùng để thờ Thần để được phúc. Gồm bộ Thị (示) và chữ Lễ (豊 – dụng cụ đựng đồ tế lễ)”. Chữ Lễ (豊) là đồ dùng tế lễ, gồm bộ Đậu (豆 – đồ dùng đựng thực phẩm), tượng hình.

Lễ (豊) là đồ dùng tế lễ, dùng đồ dùng tế lễ để đựng lương thực và đồ hiến tế, thành kính dâng Thần linh, thì sẽ được Thần linh bảo hộ. Từ đồ dùng và nghi thức tế Thần mở rộng ra trong cuộc sống của mọi người, là cần phải tuân theo lễ nghi, phép tắc.

Cổ nhân nói “Quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành” (Quan sát Đạo Trời, thực hiện ý chỉ của Trời). Ý nghĩa của câu nói này là hiểu mệnh Trời, và thân thể và cái tâm thống nhất thực hiện. Mấy nghìn năm nay, đã hình hành tập tục kính Thiên, thuận Thiên, tín Thần bái Thần. “Lễ ký – Trung dung” có viết: “Giao Xã chi lễ là để thờ Thượng Đế”. Lễ Thần Xã là chỉ lễ tế Thiên Địa, ngày mùa đông tế Trời gọi là Giao, ngày mùa hạ tế Đất gọi là Xã, hợp thành Giao Xã.

Trong những ngày lễ truyền thống Trung Hoa, đều là từ tế tự diễn hóa ra. “Lễ ký – Nguyệt lệnh” có ghi chép rằng, vào ngày đầu tiên của năm mới, Thiên tử cần phải cử hành đại lễ tế Trời, còn phải cử hành các hoạt động “cầu ngũ cốc với Thượng Đế” và với Thần Nông Hậu Tắc. Ngày Lập Xuân, Thiên tử đích thân dẫn Tam công, Cửu khanh, Chư hầu, Đại phu, đi đón xuân ở ngoại thành phía Đông. Cảm ơn và ghi nhớ sự hóa dục của Trời Đất, cảm ơn mưa thuận gió hòa. Do đó đã xây dựng mối quan hệ giữa con người và Thần.

“Thuyết văn giải tự” có viết rằng: Phúc là phù hộ. Phúc (福) là từ chữ Phúc (畐) diễn hóa ra, Phúc (畐) nghĩa là đầy. Gồm chữ Cao (高) lược bớt đi, tượng hình cao và dày. Phúc (畐) là một loại đồ dùng tế lễ cổ đại, có bụng căng lên tượng trưng no đầy đa phúc, sau thêm bộ Thị (示) thành chữ Phúc (福). chữ Phúc (畐) và chữ Phúc (福) là cùng nghĩa.

Phần Nhã Tụng trong Kinh Thi có viết rằng: “Báo dĩ giới phúc, vạn thọ vô cương” (Dùng phúc báo đáp, sống trường thọ). Phúc cụ thể là gì? Người xưa quy kết thành 5 phương diện, gọi là Ngũ Phúc, tức Hạnh phúc, May mắn, Trường thọ, Mỹ đức, và An lành.

Nhà y dược và dưỡng sinh thời Đường là Tôn Tư Mạc, đã viết trong “Phúc thọ luận” rằng: “Phúc giả, tạo thiện chi tích dã; họa dã, tạo bất thiện chi tích dã” (Phúc là do sự tích lũy của những việc thiện; họa là do sự tích lũy của những việc bất thiện); “Phúc hề khả dĩ thiện thủ” (Phúc ư, đó là dùng thiện để có được phúc). Trong văn hóa truyền thống, mọi người kính Trời, kính Thần, an phận tri mệnh, tích đức hành thiện. Nho gia, Phật và và Đạo gia đều răn dạy mọi người: Tín Thần kính Trời, hướng thiện, trân quý phúc, tri ân báo đáp, thì mới có được hạnh phúc chân chính, thì mới được Thượng Thiên bảo hộ. Văn hóa truyền thống Trung Hoa được gọi là “Văn hóa Thần truyền”, quan niệm Thiên – nhân hợp nhất đã thể hiện sâu sắc mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và xã hội, và giữa con người với con người. Mọi người đều tin vào chân lý thiện ác hữu báo: Người tích thiện thì Trời giáng cát tường, tích bất thiện thì Trời giáng tai ương. Do đó mọi người không ngừng tu dưỡng quy chính bản thân, trở về với chính niệm, lấy thiện làm gốc, lấy đức là cao quý nhất.

5. “Phản bổn quy chân” trong chữ Hán

Trong văn hóa truyền thống “Thiên – nhân hợp nhất”, có quá trình tịnh hóa “Tham thiên địa chi tạo hóa” (nghiên cứu sự tạo hóa của trời đất), và “hợp đức” với trời đất, thông qua tu luyện, học tập, có thể đạt được cảnh giới phản bổn quy chân, giác ngộ chân tướng vũ trụ.

Chúng ta hãy cùng xem “Thuyết văn giải tử” giải thích về chữ Chân (真): “Chân là Tiên nhân biến hình mà thăng lên trời”. Chữ Giáp cốt là chữ Nhân trên chữ Đỉnh (cái vạc lớn), biểu thị ý nghĩa Đạo gia “an đỉnh thiết lư” tu luyện để phản bổn quy nguyên, mà tu thành đắc Đạo phi thăng, tức tu thành “chân nhân”. Nghiên cứu khởi nguồn của chữ Chân (真) giúp chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa Trung Hoa và văn hóa tu luyện.

Chữ Chân trong Giáp cốt văn là, phía trên là hình người phi thăng, phía dưới là cái đỉnh.

Vậy “Chân nhân” là khái niệm như thế nào? Tại sao sau khi tu luyện đắc Đạo lại gọi là Chân nhân?

Chiểu theo cách nói của giới tu luyện, sinh mệnh thực sự của con người là nguyên thần, người ta thường gọi là linh hồn. Nguyên thần của con người là sinh ra ở không gian cao tầng, sau này vì không phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn của không gian đó nữa, nên dần dần rơi xuống đến tầng không gian nhân loại này, sau khi đầu thai được thân thể người, trở thành người sống trên thế gian.

Nhục thể trong không gian nhân loại, chẳng qua chỉ là một tải thể của linh hồn tồn tại bình thường trong không gian này, đợi đến khi hết dương thọ, vứt bỏ nhục thể, linh hồn trở về nơi khác. Người tu luyện nếu tu luyện thành công, thì trở về thượng giới, hoặc gọi là thiên quốc, hoặc gọi là thiên đàng. Người thường không tu luyện, thông thường sẽ tiến nhập lục đạo luân hồi, người làm nhiều việc ác thì sẽ đọa địa ngục.

Tu luyện trở về là sinh mệnh bản ngã, Đạo gia gọi đó là “Chân nhân”. Có thể thấy, chữ “Chân” này biểu thị ý nghĩa như “bản nguyên, bản chất”, do đó sau này chữ Chân được mở rộng hàm nghĩa là “bản nguyên, bản chất”, như “Trang Tử – Thu thủy” có viết: “Cẩn thủ nhi vật thất, thị vị phản kỳ chân” (Cẩn thận giữ gìn, chớ để mất, thì đó gọi là trở lại cái Chân của mình), và câu mà người ta thường nói như “phản phác quy chân”, và câu mà giới tu luyện thường nói là “phản bổn quy chân” v.v.

Trong quá trình tu luyện, tu trì, sự nâng cao tiêu chuẩn đạo đức là căn bản của sự thăng hoa cảnh giới.

Trong “Thuyết văn giải tự” có viết: “Đức, thăng dã” (đức là thăng lên). Trong chữ Giáp cốt, chữ Đức là một con mắt người ở giữa đường, một đường thẳng hướng lên, biểu thị con người cần phải tuân theo thẳng (chính trực) mà đi, thì mới là chính đạo. Trong chữ Kim văn, bên dưới chữ Mục (mắt) có thêm chữ Tâm, biểu thị không chỉ mắt nhìn phải chính, mà còn phải tâm chính, và trong hành động trước sau như một, thì người như thế này có thể gọi là người có đức.

“Đức” được coi là đặc tính bản chất trong vũ trụ, phù hợp với đạo pháp của vạn vật.

  • Đức giả đạo chi xá, vật đắc dĩ sinh (Đức là nơi cư ngụ của Đạo, vạn vật đắc được đức mà sinh trưởng. (“Quản Tử – Tâm thuật thượng”).
  • Khổng đức chi dung, duy đạo thị tùng (Hình thái của đức lớn là chuyển dịch theo Đạo) (“Lão Tử – chương thứ 21”)
  • Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn đạo nhi quý đức. (Đạo sinh ra vạn vật, đức nuôi dưỡng vạn vật, vạn vật hiển hiện các loại hình dạng hình thái, môi trường khiến vạn vật sinh trưởng. Do đó vạn vật không cái gì là không tôn kính đạo và coi trọng đức. (“Lão Tử – chương thứ 51”)
  • Duy đức động thiên, vô viễn phất giới. (Chỉ có đức mới cảm động được Trời, không nơi xa xôi nào mà không tới được). (“Thư – Đại Vũ mô”)
  • Đức vô thường sư, chủ thiện vi sư; thiện vô thường chủ, hiệp ư khắc nhất. (Tu dưỡng đức hạnh không có khuôn mẫu cố định, chỉ chú trọng vào lấy hành thiện làm khuôn mẫu, làm thầy. Hành thiện không có phép tắc bất biến, chỉ cần luôn bảo trì được cái tâm thuần chính. (“Thư – Hàm hữu nhất đức”)

Trung Quốc cổ đại có cách nói “tích đức”, “thủ đức”, “tổn đức”, “thất đức”. Hành xử thuận theo Đạo, là có thể thủ đức, và tích đức. Hành xử trái ngược với Đạo, thì là thất đức và tổn đức. Việc du dưỡng đạo đức, đều là mệnh đề trung tâm trong văn hóa phương Đông và phương Tây.

  • Tri thức chân chính là đạo đức. (Socrates)
  • Con đường đức hạnh là rất hẹp, con đường ác hạnh là thênh thang. (Cervantesz)
  • Cái đẹp là biểu hiện của thiện về đạo đức. (Kant)
  • Chân thực bao gồm đạo đức, vĩ đại bao gồm cái đẹp. (Hugo)
  • Đạo đức và tài nghệ là vượt xa tài sản giàu sang, con cháu sa đọa có thể hủy hoại gia đình hiển quý, tiêu tán tài sản khổng lồ, nhưng đạo đức và tài nghệ thì có thể khiến một người bình thường trở thành Thần bất hủ. (Shakespeare)

Trong “Thuyết văn giải tự”, chỉ có chữ “Đức” là giải thích là “thăng lên”, còn các cái khác đều là lượng từ như 1 thăng, vài thăng. Có thể thấy, người xưa cho rằng, sự nâng cao thực sự của cảnh giới con người, thì quan trọng nhất là đức hạnh và tâm tính, đây là Đạo căn bản phản bổn quy chân.

(Hết)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/22/从《说文解字》看汉字的渊源(3)-480633.html

Đăng ngày 06-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share