Bài viết do đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục kể lại, đồng tu chỉnh lý

[MINH HUỆ 30-07-2024] Chúng ta đều hiểu tính nghiêm túc của việc tu khứ tâm tật đố. Thế nhưng đôi khi tâm tật đố rất giảo hoạt, không dễ nhận ra, nó có thể bị ẩn giấu sau những chấp trước khác. Nếu một sự việc để chúng ta nhìn thấy hoặc khiến chúng ta động tâm, sau khi hướng nội, rất nhanh chúng ta sẽ phát hiện ra rằng: Ồ, đó là để loại bỏ tâm nào, tâm nào đó của mình đây! Vậy là chúng ta bắt đầu thanh trừ nó. Cái chấp trước thấy được rõ ràng đó lại rất có thể trở thành tấm lá chắn cho tâm tật đố kia, nếu tỉ mỉ đào sâu hơn nữa thì thấy phía sau đó có thể vẫn còn ẩn giấu tâm tật đố.

Gần đây, tôi đã đọc một số bài chia sẻ của đồng tu về việc làm thế nào để phát hiện và tu bỏ tâm oán hận và tâm tật đố. Trước đây, tôi không cảm thấy bản thân rõ ràng là có hai chủng chấp trước này. Khi tĩnh tâm lại, hướng nội tìm xem trong khi đối đãi với những sự việc phát sinh trước đây bản thân còn có tâm chấp trước nào không thì thấy đúng là không tìm thì không biết, hễ tìm liền giật mình, những tâm chấp trước đó, tôi không những có, mà còn có không ít! Có tâm còn bị che giấu hai mươi mấy năm!

Hôm nay, tôi chủ yếu muốn chia sẻ cùng đồng tu quá trình tìm ra tâm tật đố bị ẩn giấu đằng sau các tâm chấp trước khác, hy vọng có thể khởi tác dụng cảnh tỉnh cho các đồng tu.

Tâm tật đố ẩn sau tình thân quyến

Lúc em trai tôi ra ở riêng, bố mẹ tôi đã cho vợ chồng cậu ấy rất nhiều tài sản, gồm cả máy móc, ruộng vườn, và bò sữa, chỉ giữ lại một phần ruộng cho mình. Theo phong tục địa phương, gia sản sẽ được trao lại cho con trai. Em trai tôi ra ở riêng đã nhiều năm, cuộc sống cũng được coi là sung túc, vậy mà lần nào mẹ tôi cũng vẫn cho cậu ấy hàng chục ngàn Nhân dân tệ, trong khi bản thân lại sống rất tiết kiệm.

Mẹ tôi như vậy, tôi và em gái đều không bằng lòng. Tôi hỏi riêng bố tôi: “Bố cho vợ chồng cậu ấy tiền, đến khi bố mẹ già ốm đổ bệnh, rồi xem bố mẹ lấy gì mà chữa bệnh. Bố cho cậu ấy tiền thì chính là tiền của cậu ấy rồi, vợ cậu ấy lòng dạ lại hẹp hòi như vậy, đến lúc đó có thể lấy ra ít tiền cho bố đi chữa bệnh sao? Bố phải cẩn thận một chút chứ!”

Gia đình em gái và gia đình em trai tôi vẫn luôn bất hòa, tôi đứng ngoài mà nhìn thì thấy rõ ràng là bố mẹ tôi thiên vị em trai. Tôi nói với bố: “Bố đừng đem tiền cho em trai hết cả, bố mẹ cũng nên giúp em gái út, gia đình em gái hiện đang khó khăn, đừng để em ấy phải vay mượn tiền để làm ăn. Con dâu đối xử cay nghiệt với bố mẹ như vậy. Con thì ở xa. Khi về già, không biết bố mẹ sẽ trông cậy vào ai được đây?”

Nhìn bề mặt thì tôi chấp trước vào tình, sợ bố mẹ già không có tiền chữa bệnh, sợ bố mẹ khổ, bị coi thường; thương cho em gái cả gia đình phải sống vất vả, một thân một mình. Khi hướng nội sâu hơn, tôi nhận ra rằng ẩn nấp đằng sau đó là tâm tật đố đối với vợ chồng em trai.

Tôi thấy vợ chồng em trai coi trọng lợi ích, vô ơn, nhưng bố mẹ tôi lại cam tâm tình nguyện không ngừng cho vợ chồng em trai tiền tài và giúp đỡ họ. Em gái và tôi thì chu đáo, hiếu thuận, nhưng bố mẹ lại chưa bao giờ cho chúng tôi bất cứ thứ gì. Tôi chẳng hề thiếu tiền, cũng không cần tiền của bố mẹ, hơn nữa vào các dịp lễ tết, sinh nhật tôi còn biếu tiền cho bố mẹ, để bố mẹ mua đồ ăn ngon, nhưng bố mẹ tôi cứ tiếc rẻ, không dám tiêu nhiều, phần lớn đều để tích góp. Gia đình em trai thì lại rất ít khi bỏ tiền hiếu kính bố mẹ, vì thế tôi không vừa lòng, nhưng cũng không can thiệp. Nhưng khi bố mẹ tôi cho gia đình em trai tiền, trong tâm tôi buồn bực, đó chẳng khác gì là lấy tiền của tôi mà cho em trai sao!

Khi gia đình em gái đang gặp khó khăn, phải làm đám cưới cho con trai, rồi mua nhà cũng nợ nần nên bên ngoài không ít. Em gái, em rể giỏi giang, luôn muốn vươn lên, muốn làm ăn kinh doanh nhưng lại không có vốn nên phải đi vay. Bố mẹ tôi đã không chủ động cho em gái vay tiền, mà hở ra một chút là lại cho em trai tiền. Tôi thấy bố mẹ tôi cư xử quá thiên vị, không hợp lý chút nào. Trên bề mặt, tôi bất bình thay cho em gái, nhưng thực ra là nội tâm bản thân thấy không công bằng, chính là tâm tật đố.

Tâm tật đố ẩn sau tâm oán hận

Cả tôi và em gái khi còn nhỏ đều bị bệnh tim. Trước khi hai chị em lập gia đình, bố tôi đưa em gái đến một bệnh viện lớn chữa và đã khỏi bệnh, nhưng lại không để ý đến tôi. Lúc đó, tôi rất sợ bố nên cũng không dám lên tiếng. Sau này, mỗi khi nhớ đến việc đó, tôi lại oán hận bố. Tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là vì muốn khỏi bệnh tim. Sau này ngẫm lại, tôi nghĩ việc đó có lẽ đều là an bài. Sau khi tu luyện và đọc các bài giảng, tôi nhận ra đó là tâm oán hận, là tâm cần phải tu bỏ nên trong tâm cũng cân bằng trở lại.

Lần này hướng nội, tôi mới phát hiện ra trong sự việc này, ẩn nấp sau đó còn có tâm tật đố đối với em gái. Đương nhiên, em gái khỏi bệnh tôi rất vui, nhưng lại cảm thấy bố đối xử bất công với mình. Một đồng tu đã khuyên tôi dùng phương pháp giả định để suy xét vấn đề:

1. Nếu như em gái không bị bệnh tim, chỉ một mình tôi mắc bệnh, khi đó vì gia cảnh khó khăn nên bố không đưa tôi đi chữa bệnh. Nếu nghĩ như thế, tôi sẽ không oán hận bố.

2. Nếu cả em gái và tôi đều bị bệnh tim, bố không chữa bệnh cho ai cả thì tôi cũng sẽ không oán hận bố.

Có thể thấy, tâm oán hận của tôi là nhằm vào hai hành vi đồng thời xảy ra: bố chữa bệnh cho em gái, bố không chữa bệnh cho tôi. Phân tích ra thì thấy, tôi oán hận “bố không chữa bệnh cho tôi” thì chỉ là đơn thuần là tâm oán hận, còn tôi oán hận “bố chữa bệnh cho em gái” thì kỳ thực đó chính là tâm tật đố đối với em gái.

Tâm tật đố ẩn sau tư lợi

Trước đây khi chồng tôi còn sống, bố chồng đã chi trả vài ngàn nhân dân tệ để chữa bệnh cho anh. Sau khi chồng tôi mất, tôi tặng lại ngôi nhà của chúng tôi cho bố chồng để trả ơn ông, còn tôi và con nhỏ về sống ở nhà mẹ đẻ. Chồng tôi và tôi có 13 mẫu đất nông nghiệp. Trong đó 10 mẫu là quà cưới bố chồng tặng cho hai vợ chồng tôi. Sau khi chồng tôi mất, ông lấy lại 10 mẫu này, còn 3 mẫu đất còn lại cách xa nơi tôi sống, nên bố chồng tôi canh tác trên 3 mẫu đó, và mỗi năm khi chúng tôi về thăm ông vào dịp năm mới, ông đưa cho hai mẹ con tôi 200 Nhân dân tệ tiền thuê đất. Sau đó giá đất tăng, nhưng ông vẫn chỉ đưa chúng tôi 200 Nhân dân tệ. Lúc đó, tôi gặp khó khăn về tài chính. Tôi rất ấm ức và oán hận bố chồng. Tôi không hỏi ông về việc thuê đất, và nghĩ sẽ lấy lại mảnh đất đó khi bố mẹ chồng tôi qua đời. Trước khi bố chồng tôi mất, ông thừa kế toàn bộ 13 mẫu đất, gồm cả 3 mẫu của tôi, cho người con gái thứ hai của ông, là em chồng tôi.

Gia đình em chồng tôi khá giàu có, nhưng lại được cả miếng đất của tôi mà cũng vờ như không hay biết, ngay cả một câu nói cũng không có. Tôi giận dữ nói với con trai: “Con hãy gọi điện cho cô ấy đòi lại 3 mẫu đất của chúng ta”. Con trai tôi nghĩ một lát rồi nói: “Thôi mẹ quên việc đó đi. Đòi thì lại cãi nhau om sòm lên. Trước đây mẹ con mình nghèo như vậy, không có 3 mẫu đất đó vẫn cố sống được. Hiện tại, con đã có công việc, có thể kiếm được tiền rồi, không sao cả, bất thất bất đắc, hãy xem nhẹ nó đi mẹ ạ.”

Nghe con nói như vậy, tôi liền nhớ đến Pháp của Sư phụ nên tôi cũng không nói về việc này nữa. Kỳ thực, khi đó tôi cũng chưa hoàn toàn buông bỏ được tâm lợi ích, một phần là vì xuất phát từ tâm lo lắng, tâm thể diện, không muốn mâu thuẫn với người khác, sợ gây ra phiền toái không cần thiết.

Về sau, khi giá đất không ngừng tăng, tôi lại bị động tâm. Tôi nghĩ: trước đây, ba mẫu đất trị giá vài trăm tệ, hiện giờ có thể cho thuê ba ngàn tệ mỗi năm. Từng ấy năm rồi, thu nhập từ mảnh đất này cũng phải đến 20 ngàn tệ. Mảnh đất đó vốn là của tôi, sao em chồng tôi lại lấy nó? Tôi lại nói chuyện với con trai về việc đất cát này, cháu nói: “Mẹ hãy quên nó đi, cứ để tùy kỳ tự nhiên đi mẹ. Cái gì là của mẹ thì mẹ sẽ không mất. Cứ coi như là cô ấy lấy thứ thuộc về mẹ thì cô ấy cũng phải đổi bằng đức, đều là giao hoán bình đẳng mẹ ạ, vô cùng công bằng.”

Thông qua học Pháp, tôi ngộ ra rằng đó là cơ hội để tôi tu bỏ tâm cầu lợi và tâm oán hận. Cuối cùng, tôi đã có thể tu bỏ tâm hoán hận và tâm cầu lợi đối với vấn đề đất đai đã đeo bám tôi suốt 20 năm qua. Tôi minh bạch được rằng tất cả lợi ích vật chất trong nhân thế bất quá chỉ là mây khói thoảng qua, bất kể là ai cũng đều là khách qua đường, tôi đến thế gian là vì để cứu độ chúng sinh, chân nguyện của tôi là trợ Sư chính Pháp, phản bổn quy chân. Hết thảy thị phi đều là để giúp tôi thành tựu, trải đường cho tôi trở về.

Gần đây, con trai nói với tôi: “Khi cô lấy ba mẫu đất đó, trong tâm mẹ cảm thấy bất công. Trên bề mặt, đó là chấp trước vào lợi ích cá nhân, nhưng kỳ thực đằng sau đó là tâm tật đố. Mẹ hướng nội xem có đúng như vậy không?”

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó, suy xét thật kỹ thì quả đúng là tâm tật đố. Nếu gia đình em chồng tôi nghèo khó, thì dù mảnh đất đó được cho cô ấy một cách không minh bạch như thế, có lẽ tôi cũng không cảm thấy khó chịu. Nếu như một người xa lạ nghèo khó cần tiền, tôi vẫn có thể vô tư giúp đỡ. Nhưng đằng này, cô ấy vốn rất sung túc, lại được thêm cả tài sản vốn thuộc về tôi, nên tôi động tâm. Thậm chí tôi còn nghĩ thà là mảnh đất đó bị nhà nước thu hồi, chứ cũng không muốn để em chồng được mảnh đất đó. Tôi như vậy chẳng phải thành “kẻ ác” rồi sao?

Thông qua học Pháp và chia sẻ với các đồng tu, tôi ngộ được rằng: với người nghèo khó, tôi không tật đố, mà còn có thể từ bi, thương cảm cho họ, đó là ở cảnh giới của bậc thiện. Còn em chồng giàu có nên tôi tật đố, đó vẫn là ở cảnh giới của kẻ ác, cho nên căn bản không xuất được tâm từ bi vốn có ở cảnh giới của bậc thiện. Từ bi chân chính sẽ không vì đối phương là ai mà có sự phân biệt.

Tôi cần tu bỏ tâm tật đố đối với tất cả mọi người. Chúng ta sẽ không thể xuất được tâm từ bi khi vẫn còn tâm tật đố. Tật đố với người này, trong khi đối xử tốt với người kia, đó là ngụy thiện. Không có tâm tật đố, nội tâm mới thong dong, khi đó mới lại thấy thế nhân kỳ thực cũng rất đáng thương, trong vô tri mà tạo nghiệp, đem đức để hoán đổi lấy tiền, trăm năm lâm chung lại chẳng mang đi được, đời sau thiếu đức rồi không biết sẽ lâm vào tình cảnh nào.

Tâm tật đố ngăn cản chúng ta đề cao cảnh giới, tu thành viên mãn. Chúng ta cần hướng nội tìm, gặp chuyện cần nghiêm túc phân tích, suy xét để đào sâu ra được tâm tật đố ẩn sau những chấp trước khác, để nó lộ diện, không còn chỗ ẩn nấp, triệt để thanh trừ tâm tật đố này.

Con xin cảm tạ Sư tôn từ bi đã điểm ngộ! Cảm ơn sự phó xuất vô tư của các đồng tu!

Trên đây là chút thể ngộ cá nhân, có chỗ nào không phù hợp mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/30/480196.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/30/219740.html

Đăng ngày 15-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share