Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-09-2024] Ngày 1 tháng 5 năm 2002, anh Khổng Tường Trụ ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt giữ vì chèn sóng truyền hình để phát video phơi bày tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh bị kết án 8 năm tù và chịu đựng sự tra tấn không ngừng tại Nhà tù Mẫu Đan Giang. Ngày 18 tháng 4 năm 2007, anh được trả tự do và hai tháng sau anh đã qua đời vào ngày 23 tháng 6, hưởng dương 39 tuổi.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, chính quyền đã lan truyền những tuyên truyền vu khống các học viên tu luyện pháp môn an hòa cả tâm lẫn thân này. Không có kênh pháp lý để kháng cáo, học viên ở Trùng Khánh đã lần đầu chèn sóng truyền hình địa phương của họ và phát video phơi bày cuộc bức hại vào năm 2001. Hành động dũng cảm của họ đã truyền cảm hứng cho các học viên khác trên khắp đất nước. Từ năm 2001 tới năm 2005, có ít nhất 129 học viên đã bị bắt giữ vì chèn sóng truyền hình ở Trung Quốc. Hơn 85% trong số họ bị kết án tù từ 3 tới 20 năm, trung bình là 12,5 năm.

ba6dd355bf10faec553d06f9b9bd7bc8.jpg

Anh Khổng Tường Trụ

Vào cuối tháng 4 năm 2002, anh Khổng đã chèn tín hiệu sóng truyền hình vào khoảng thời gian phát tin tức thời sự buổi tối. Trong khoảng 20 phút, anh đã phát video phơi bày vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn và giải thích lợi ích mà Pháp Luân Công mang lại cho xã hội với việc giúp mọi người giữ gìn sức khỏe và nâng cao đạo đức.

Việc chèn sóng diễn ra tại đường Đông Bình và đường Ngũ Mã ở quận Tiêm Sơn. Những người nhận được tín hiệu từ Đài Truyền hình Song Áp Sơn đã xem video.

Theo cha của anh Khổng, sau khi anh thành công hoàn thành việc chèn sóng lần đầu, anh đã quay lại địa điểm đó để lấy lại thiết bị của mình vào tối ngày 1 tháng 5 năm 2002 và dự định làm việc tương tự ở những nơi khác. Thật không may, cảnh sát đã cắm chốt ở đó và bắt giữ anh. Anh bị đưa tới Đồn Công an Quận Tiêm Sơn, tại đây cảnh sát trưởng Lăng Thanh Phạm cùng các cảnh sát Lăng Đại Uy, Lý Hồng Ba, Đỗ Chiêm Nhất và Lưu Vĩ Quốc đã tra tấn anh dã man. Thậm chí họ còn sử dụng vật kim loại sắc nhọn để chọc một lỗ trên bụng anh. Lỗ thủng rất lớn khiến ruột của anh lòi ra ngoài. Nhưng bất kể cảnh sát tra tấn anh thế nào, anh vẫn không tiết lộ thông tin về các học viên đã giúp anh chèn sóng.

Ngày hôm sau, cảnh sát thông báo cho gia đình anh Khổng rằng anh đã được đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Khi gia đình tới nơi thì anh đang được phẫu thuật. Cơ thể anh đầy những vết bầm tím. Toàn bộ lưng của anh đầy những vết bỏng do sốc điện. Thịt ở cổ anh bong ra khỏi xương. Về lỗ thủng trên bụng, cảnh sát tuyên bố rằng anh tự dùng dùi để đâm mình.

Trong một giai đoạn thời gian, anh Khổng còn bị rối loạn tâm thần và không thể nói rõ ràng. Gia đình nghi ngờ cảnh sát đã chuốc thuốc anh.

Sau ca phẫu thuật, cảnh sát đã còng tay anh Khổng lại. Họ không cho anh mặc gì ngoại trừ một chiếc quần lót. Sau ca phẫu thuật được 6 ngày (trước khi cắt chỉ), cảnh sát đã cùm anh lại và buộc cùm vào cuối giường để anh không thể trở mình. Cảnh sát đã chuyển anh tới trại tạm giam sau khi ý tá cắt chỉ cho anh một ngày.

Anh Khổng bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Tiêm Sơn vào ngày 3 tháng 9 năm 2002. Anh cho thấy những vét sẹo của ca phẫu thuật để chứng minh rằng cảnh sát đã tra tấn anh. Thẩm phán kết án anh 8 năm tù.

Tháng 6 năm 2006, sau gần bốn năm tại Nhà tù Mẫu Đan Giang, anh đã bị viêm màng não do lao. Anh vẫn trong trạng thái hôn mê và tình trạng nguy kịch. Mặc dù nhà tù đã đưa anh tới bệnh viện nhưng tình trạng của anh vẫn tiếp tục xấu đi. Vào tháng 7 năm 2006, anh đã không thể cử động từ phần thắt lưng trở xuống. Anh còn bị đi tiểu không tự chủ và vẫn bị rối loạn tâm thần.

Gia đình đã nộp đơn yêu cầu tạm tha y tế cho anh, nhưng đến ngày 17 tháng 4 năm 2007 (sau đó 10 tháng) họ mới trả tự do cho anh sau khi tống tiền gia đình anh 5.000 Nhân dân tệ. Khi đó, anh đã rất gầy gò, bất tỉnh và cực kỳ yếu. Hai tháng sau, anh đã qua đời vào ngày 23 tháng 6 năm 2007.

Bài liên quan:

Chèn sóng truyền hình nhà nước tại Trung Quốc: Góc nhìn lịch sử về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công đối với cuộc bức hại tại Trung Quốc

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/28/483381.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/29/221055.html

Đăng ngày 08-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share