Bài viết của các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Chicago

[MINH HUỆ 17-09-2024] Chiều ngày 14 tháng 9 năm 2024, các học viên từ miền Trung Tây Hoa Kỳ đã tổ chức mít-tinh trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago. Họ kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại kéo dài suốt 25 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công). Trước đó trong ngày, các học viên đã tổ chức diễu hành ở Khu phố Tàu.

Các học viên từ Illinois, Kansas, Missouri, Indiana và Ohio đã phát biểu tại buổi mít-tinh, đồng thời đọc thư ủng hộ do nhiều quan chức ban hành nhân dịp kỷ niệm 25 năm phản bức hại của các học viên. Khung cảnh ôn hòa nơi các học viên mít-tinh và trình diễn các bài công pháp cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều du khách và người dân địa phương.

4e53e9edf42b84d8a36117708e11a949.jpg

Các học viên tổ chức mít-tinh và trình diễn các bài công pháp trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago hôm 14 tháng 9

7d63d1cc17b6a73f020810b4a4e24c4f.jpg

Các học viên phát biểu trong buổi mít-tinh

Trong cuộc bức hại suốt 25 năm qua, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ, kết án, tra tấn và thậm chí bị giết hại một cách phi pháp. Theo Tòa án Trung Quốc, hàng trăm nghìn nạn nhân, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, đã bị giết hại trong nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ.

Trong bài phát biểu của mình, bà Vương, một học viên đến từ Ohio, cho biết trong suốt 25 năm qua, với việc ôn hòa phản bức hại, các học viên Pháp Luân Công càng ngày càng được công chúng tôn trọng và ủng hộ.

Bà Vương cho biết: “Với sự nỗ lực bền bỉ của các học viên Pháp Luân Công nhằm làm sáng tỏ sự thật, ngày càng có nhiều người bắt đầu nhận rõ được bản chất tà ác của ĐCSTQ và có thể phân biệt rõ Trung Cộng và Trung Quốc. Tính đến hôm nay, đã có 430 triệu người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Từ việc người dân khắp thế giới ký bản kiến ​​nghị phản đối cuộc bức hại cho đến việc chính phủ các quốc gia lên án cuộc bức hại nhân quyền của ĐCSTQ, tiếng nói chính nghĩa trên toàn thế giới đang không ngừng vang lên!”

c0e28715134bfef9578322d386c5ff52.jpg

Bà Vương đến từ Ohio phát biểu tại buổi mít-tinh

“Sự hiện diện của chúng ta là sự chấn nhiếp đối với ĐCSTQ!”

Anh Từ lái xe từ Indiana đến để tham gia các hoạt động. Anh cho biết mặc dù chuyến đi khá dài nhưng anh vô cùng trân quý cơ hội này. Anh nói: “Tuy Chicago hơi xa, nhưng hàng năm đều có một cơ hội như thế này để nâng cao nhận thức. Tôi chỉ nghĩ cơ hội này quả thực rất khó có được!”.

Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, hàng năm, các học viên đều tổ chức mít-tinh trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago. Anh Từ cho biết ngay từ khi còn nhỏ, anh đã cùng cha mẹ đến lãnh sự quán để tham gia hoạt động.

Anh Từ chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi nghĩ mình ở đây để phản đối cuộc bức hại. Nhưng hiện giờ, bất kể là tôi tọa thiền ở đó hay đứng đây giương biểu ngữ thì sự hiện diện của chúng tôi đều là sự chấn nhiếp đối với ĐCSTQ”.

Trong suốt thời thơ ấu ở Trung Quốc, anh Từ đã chứng kiến ​​cảnh cha mẹ mình bị ĐCSTQ bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh cho biết: “Tôi thường kể với các đồng nghiệp và những người tôi biết về những gì bản thân đã trải qua. ĐCSTQ đã làm rất nhiều, rất nhiều điều xấu, gồm cả việc phá hủy văn hóa truyền thống Trung Hoa và chà đạp nhân quyền. Tôi chỉ muốn nhắc nhở họ hãy trân quý cuộc sống ở Mỹ. Hiện tại, họ đều đã minh bạch rõ được Trung Cộng không phải là Trung Quốc!”

6ec1e5278f91d4468a84276e50e305bb.jpg

Anh Từ (bên phải) giương biểu ngữ trong buổi mít-tinh

Hằng Hằng, một học viên trẻ, đến từ Indiana. Anh mới từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ để học. Khi còn nhỏ, anh đã phải chịu những biến cố gia đình vì cuộc bức hại. Anh chia sẻ: “Khi tôi năm tuổi, cha tôi bị ĐCSTQ giam giữ phi pháp vì tu luyện Pháp Luân Công. Năm tôi lên sáu, mẹ tôi cũng bị bỏ tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, bà tôi đưa tôi đến một tỉnh phía Nam khác. Tuy còn nhỏ nhưng nhiều việc tôi đã phải tự xoay sở”.

Tuy từ nhỏ đã phải sống trong một hoàn cảnh rất bất ổn nhưng trong tâm anh luôn khắc ghi Pháp Luân Đại Pháp và tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của môn tu luyện, bởi Pháp Luân Đại Pháp dạy mọi người “hướng nội tìm ở chính mình” và “làm người tốt”. Hằng Hằng chia sẻ: “Ví như, một lần, tôi thấy một người mẹ đang bế con và loay hoay không biết xoay sở ra sao để làm một việc khác. Ngay lúc đó, tôi không ý thức được rằng mình nên giúp cô ấy, nhưng một người khác ở gần đó đã giúp cô ấy. Khi đó, tôi lập tức nhận ra. Tôi nghĩ: ‘Đại Pháp dạy tôi trở thành một người tốt. Tại sao tôi lại không làm được? Sau đó, tôi bắt đầu suy ngẫm về việc làm thế nào để bản thân trở thành một người tốt hơn.” Anh cho biết nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, anh đã biết hướng nội và tự yêu cầu bản thân, đồng thời cũng loại bỏ được chứng nghiện game. Nhờ tu luyện mà khả năng tập trung của anh trở nên tốt hơn và điểm số cũng rất tốt.

Hằng Hằng cho biết mặc dù mẹ anh liên tục bị bức hại trong suốt hơn 20 năm qua, nhưng bà vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Hiện tại, anh đã đến Hoa Kỳ, nơi có quyền tự do tín ngưỡng, và anh hy vọng có nhiều cơ hội hơn để giảng chân tướng cho những người Trung Quốc đã bị che mắt bởi tuyên truyền và sự dối trá của ĐCSTQ, để mọi người đều hiểu được rằng “Pháp Luân Đại Pháp là tốt”.

Mọi người ủng hộ các học viên

Anh Jeremy Daniels và anh Jamal Stedge đến từ Houston, Texas và Milwaukee, Wisconsin. Họ kinh hoàng khi biết các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ trong suốt 25 năm qua. Họ lập tức bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với các học viên. Anh Daniels cho biết: “Những gì [các học viên Pháp Luân Công] đang làm thật tuyệt vời. Tôi vô cùng khâm phục họ!”

2e58d0a60d0d5b93eb660ea4836df6e6.jpg

Anh Jeremy Daniels và anh Jamal Stedge ủng hộ nỗ lực của các học viên

Anh Sydney Rothman, cư dân Chicago, cho biết các học viên Pháp Luân Công đã thể hiện nỗ lực đáng khâm phục trong việc thiền định và ôn hòa phản bức hại. Cô chân thành bày tỏ sự ủng hộ của mình. Cô đã không chỉ lập tức ký bản kiến ​​nghị mà còn cho biết cô thực sự ủng hộ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và muốn được trợ giúp nhiều hơn nữa.

b3207b82608103281c14127bc9f124c2.jpg

Cô Sydney Rothman cho biết cô thực sự ủng hộ Pháp Luân Đại Pháp và muốn trợ giúp nhiều hơn nữa

Anh Leonardo Delima, một du khách đến từ Brazil, cho biết anh quan tâm đến thiền định, âm nhạc và các phương pháp tập luyện ôn hòa. Anh nói: “[Pháp Luân Công] là một công pháp tuyệt vời. Các động tác trông rất đẹp mắt. Tôi thực sự thích môn tu luyện. Nhất định tôi sẽ tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp.”

5c4d6169e90441b8de7d39896f5f13f1.jpg

Anh Leonardo Delima đến từ Brazil muốn học các bài công pháp

Anh McLtale Badie chăm chú đọc thông tin trên bảng trưng bày và lập tức ký bản kiến ​​nghị. Anh cho biết: “Cho dù đó là tĩnh tọa hay là buổi mít-tinh ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công, tôi đều đánh giá cao họ! Điều này thực sự tuyệt vời!”

138a7be0786de5f3ba73369eb443f428.jpg

Anh McLtale Badie đánh giá cao các bài công pháp của Pháp Luân Công cũng như buổi mít-tinh ôn hòa của các học viên

Anh Katie Johnson và cô Jaime Mongragan cho biết họ bị thu hút bởi nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Họ nói rằng thế giới cần nhiều hơn nữa nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn này, điều đó sẽ giúp cải thiện cuộc sống của mọi người.

a2a92546efd2098e27ae4fbc11c92cf1.jpg

Anh Katie Johnson và cô Jaime Mongragan ca ngợi nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/17/482812.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/22/220969.html

Đăng ngày 24-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share