Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-08-2024] Ngày 7 tháng 8 năm 2024, một người đàn ông 71 tuổi ở thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, bị bắt lại vào Trại tạm giam Thành phố Duy Phường, để thụ bản án 3,5 năm tù mà ông bị kết án vào năm 2022 vì đức tin vào Pháp Luân Công, môn tu luyện bị chế độ Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Khổ nạn của ông Chu Thiên Phú bắt nguồn từ vụ bắt giữ trước đó vào ngày 5 tháng 4 năm 2022, cùng với một học viên khác, ông Mã Lợi Xuân, vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát bắt giữ đến từ Đồn Công an Nam Lưu đã lục soát nhà của cả hai ông, và đánh em trai ông Chu, người ở chung nhà với ông, khiến ông ấy bị thâm tím quanh mắt và mặt.

Ông Chu Thiên Phú và ông Mã bị giữ tại đồn công an, với tay bị còng ra sau lưng cả đêm. Họ được tại ngoại vào chiều hôm sau (Ông Mã bị bắt lại vào ngày 20 tháng 4 năm 2023, và bị kết án 3 năm tù vào ngày 18 tháng 7 năm 2023. Hiện ông đang thụ án tại Nhà tù Tỉnh Sơn Đông).

b4f2c44a2de5748f69e7ec88bb3826f7.jpg

Minh họa tra tấn: Còng tay ra sau lưng

Ngày 10 tháng 4 năm 2022, hai cảnh sát đột nhập vào nhà ông Chu, và bắt ông ký vào hồ sơ vụ án. Trong 2 ngày sau đó, cảnh sát trở lại 2 lần để sách nhiễu ông, và trong lần thứ hai thì đột nhập nhà ông qua hàng rào của hàng xóm. Ông Chu bị bắt lại vào ngày 13 tháng 4 năm 2022, và bị giữ tại đồn công an đến tận 7 giờ tối.

Để tránh bị bức hại thêm, ông Chu phải sống xa nhà để tránh cảnh sát, và bị bắt ở nhà em gái vào ngày 6 tháng 12 năm 2022, rồi bị đưa đến Trại Tẩy não Quận Phường Tử.

Tối ngày 8 tháng 12, cảnh sát Lưu Quang Dũng đến buồng giam của ông Chu ở trại tẩy não. Anh ta lăng mạ ông, cha mẹ ông, và nhà sáng lập Pháp Luân Công, trong khi vẫn bắt ông bất động trên một chiếc ghế kim loại. Lưu cũng đe dọa bắn chết ông Chu nếu ông dám rời khỏi trại tẩy não.

Ngày 9 tháng 12 năm 2022, cảnh sát đệ trình vụ việc của ông Chu lên Viện Kiểm sát quận Phường Tử. Ngày 23 tháng 12, Tưởng Hiểu Huy, giám đốc trại tẩy não, thông báo với ông Chu rằng ông bị xếp lịch xét xử vào ngày hôm đó. Tưởng mở một cuộc gặp trực tuyến bằng điện thoại, và kết nối ông Chu tới Tòa án Quận Phường Tử. Sau 20 phút xét xử, một thẩm phán thông báo ông Chu bị kết án 3,5 năm tù. Tưởng lừa ông Chu ký vào bản án, và không đưa cho ông bản sao nào. Ông Chu được về nhà ngay sau đó vì một đợt bùng phát dịch COVID-19.

Ngày 7 tháng 8 năm 2024, cảnh sát từ Công an Quận Phường Tử bắt ông Chu trở lại, và giam ông ở trại tạm giam Thành phố Duy Phường.

Bức hại trong quá khứ

Ông Chu từng bị thấp khớp nghiêm trọng và đau lưng. Khi mới chỉ hơn 40 tuổi, ông đã không thể làm việc nặng được nữa. Ông thử các loại thảo dược, châm cứu và một số môn khí công khác nhau, nhưng đều không hiệu quả. Một tháng sau khi tập Pháp Luân Công vào năm 1995, ông đã bình phục. Ông cũng thay đổi tính khí nóng nảy và trở thành một người tốt hơn. Cảm kích trước điều này, vợ ông, bà Trương Hy Mỹ, cũng bước vào tu luyện và cải thiện sức khỏe của mình.

Vì không từ bỏ Pháp Luân Công sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Chu bị kết án 5 năm tù vào năm 2002, và bà Trương bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức vào năm 2007. Bà bị mê sảng do bị tra tấn liên tục. Em trai ông Chu, cũng là học viên Pháp Luân Công, cũng bị bắt và đưa tới một trại lao động cưỡng bức.

Bắt và giam giữ trước đó

Ngày 30 tháng 12 năm 1999, trong khi đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, ông Chu bị cảnh sát của Đồn Công an Xa Lưu bắt lần đầu tiên. Cảnh sát trưởng Vu Nãi Khổng và giáo đạo viên Vương Hữu Tường đánh ông bằng một cây chổi. Họ lột hết quần áo của ông và bỏ ông ngoài sân giữa trời giá lạnh. Sáng hôm sau, họ còng tay ông vào một cây cột bên ngoài đồn công an để làm nhục ông. Ông bị bỏ đói suốt cả ngày, và bị chuyển đến trại tạm giam Quận Phường Tử vào tối hôm đó. Ông bị giam ở đó trong 15 ngày.

Tháng 3 năm 2000, bà Trương cũng đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị bắt giam tại Văn phòng Liên lạc của thành phố Duy Phường tại Bắc Kinh. Bà tuyệt thực trong 3 ngày. Sau khi bà bị đưa trở về Duy Phường, cảnh sát của Đồn Công an Xa Lưu đánh bà bằng gậy cao su cho đến suýt chết. Ngày hôm sau, bà bị chuyển đến trại tạm giam Quận Phường Tử. 15 ngày sau, bà bị chuyển đến chính quyền thị trấn Xa Lưu, nơi bà bị giam thêm 15 ngày nữa.

Từ đó, cảnh sát thường xuyên bắt giữ hai vợ chồng vào các ngày nghỉ lễ hay kỷ niệm lớn liên quan đến Pháp Luân Công, và giam họ từ 2 tuần cho tới 2 tháng mỗi lần.

Ngày 25 tháng 9 năm 2000, để ngăn các học viên địa phương đến Bắc Kinh thỉnh nguyện vào ngày 1 tháng 10, ngày Đảng Cộng sản chính thức nắm quyền lực ở Trung Quốc, chính quyền thị trấn Xa Lưu bắt giữ tất cả các học viên địa phương, gồm cả ông Chu và bà Trương, và yêu cầu họ viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công. Hai vợ chồng họ cũng bị tống tiền 6.000 Nhân dân tệ.

Vào mùa thu năm 2001, ngay sau khi em trai ông Chu trở về nhà chung của họ vào khoảng 1 giờ sáng sau ca làm đêm, có người đập cửa. Khi họ không mở cửa, người đó trèo qua hàng rào nhà hàng xóm và đột nhập vào sân nhà họ, rồi đập vỡ cửa và cửa sổ. Ông Chu thương lượng với người đó, và anh ta đồng ý giải quyết vấn đề vào buổi sáng.

Trời vừa sáng, hơn 40 cảnh sát từ Đồn Công an Mục Thôn và chính quyền thị trấn Mục Thôn bắt giữ anh em ông Chu và đưa họ tới chính quyền thị trấn Mục Thôn. Đêm đó, cảnh sát, với gậy cao su trên tay, lôi anh em họ vào hai phòng riêng biệt, và đánh họ cho đến khi không còn sức để đánh. Cả hai anh em bị chấn thương nặng và không thể cử động. Ông Chu Thiên Phú được thả sau 7 ngày giam giữ. Em trai ông bị giam hơn 10 ngày, và bị tống tiền 1.500 Nhân dân tệ.

Bản án tù 5 năm của người chồng

Ông Chu và bà Trương bị tố giác vì treo áp phích Pháp Luân Công, và bị Đồn Công an Xa Lưu và Bí thư thôn Trương Quan bắt giữ. Ông Chu bị tra tấn tàn bạo trong trại tạm giam, sau đó bị kết án 5 năm tù ở Nhà tù Duy Bắc mà không qua xét xử.

Mặc dù được thả nhưng bà Trương vẫn phải sống phiêu dạt để tránh cảnh sát. Cùng với việc ông Chu đang bị giam, hai con nhỏ của họ trở thành không nơi nương tựa. Chúng phải đi làm khi chưa đến 18 tuổi. Con gái 15 tuổi của họ phải di chuyển thường xuyên trong nhiều năm.

Vì không từ bỏ Pháp Luân Công, ông Chu bị chuyển sang Trại Tẩy não Duy Bắc 2 lần. Linh canh ép ông xem các video phỉ báng Pháp Luân Công mỗi ngày. Ông cũng bị ép viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công và điểm chỉ lên đó.

Ông Chu cũng phải chứng kiến cái chết của anh Lý Quang, 28 tuổi, cư dân thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, vì bị sốc điện khắp thân thể và lạm dụng tình dục nhiều ngày.

Một lần ông Chu nhớ lại: “Suốt 5 năm đó, mỗi ngày dài như một năm. Trừ việc được thở, tôi không còn tự do nào nữa. Tôi lo lắng mỗi ngày, không biết khi nào mình sẽ bị tra tấn đến chết”.

Vợ và em trai bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức

Ngày 28 tháng 3 năm 2007, không lâu sau khi ông Chu được thả, nhân viên của Ủy ban thôn Thái Viên lục soát nhà ông. Khi tìm thấy các tài liệu Pháp Luân Công, họ gọi cho Đồn Công an Mục Thôn để cử cảnh sát tới bắt giữ ông Chu, bà Trương và em trai ông Chu, Chu Thiên Trung.

Ông Chu Thiên Phú được thả trong ngày. Bà Trương và ông Chu Thiên Trung bị tạm giam hình sự tại trại tạm giam Thành phố Duy Phường, sau đó đều bị kết án 1,5 năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn. Bà Trương bị tra tấn dã man trong trại và rơi vào trạng thái mê sảng.

Báo cáo liên quan:

Tỉnh Sơn Đông: Người đàn ông bị kết án 3 năm rưỡi sau một phiên xét xử từ xa qua điện thoại kéo dài 20 phút

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/15/480868.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/19/219575.html

Đăng ngày 29-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share