Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 28-05-2024] Bà Trương Lập Xuân ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, đã tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1999 theo lời giới thiệu của một người họ hàng. Chồng bà và những người khác trong gia đình đã vô cùng kinh ngạc khi môn tu luyện tinh thần cổ xưa này đã nhanh chóng biến đổi người phụ nữ nóng tính này thành một người điềm tĩnh và chu đáo.
Chỉ hai tháng sau khi bà Trương bắt đầu tập Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch toàn quốc và phát sóng những thông tin tuyên truyền thù hận vu khống Pháp Luân Công suốt ngày đêm.
Để lên tiếng cho Pháp Luân Công, bà Trương đã đến Bắc Kinh vào mùa hè năm 2000 và giương cao biểu ngữ tại Quảng trường Thiên An Môn. Ngay khi bà hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, một nhóm công an đã bao vây bà và đánh đập bà. Bà vẫn tiếp tục hô lên. Hai công an giữ chặt tay bà trong khi một công an khác đấm vào mặt bà. Miệng bà lập tức sưng tấy. Công an lôi bà vào xe rồi đưa bà đến Đồn công an Quảng trường Thiên An Môn. Họ ra lệnh cho bà quỳ xuống và yêu cầu bà khai bà đến từ đâu. Bà từ chối tuân thủ hoặc trả lời các câu hỏi của họ.
Sau đó, bà bị đưa đến một trại tạm giam không rõ danh tính, nơi giam giữ nhiều học viên Pháp Luân Công khác. Bà và ba học viên khác, bao gồm hai phụ nữ và một nam giới, đã bị chuyển đến Trại giam quận Đông Thành vào tối hôm đó.
Các lính canh thẩm vấn bà Trương hàng ngày. Một lính canh đổ lỗi cho bà đã bỏ rơi gia đình và đứa con của mình. Họ nói rằng ngay khi bà tiết lộ tên của mình, họ sẽ thả bà. Bà Trương tranh luận rằng vì chính quyền giam giữ bà ở đó nên bà không thể trở về nhà để chăm sóc gia đình. “Ngay cả khi tôi nói với các anh tôi đến từ đâu, các anh có mở cửa và thả tôi ra không?” Họ nói: “Chúng tôi tuyệt đối không thể làm như vậy.” “Vậy thì các anh nên ngừng thẩm vấn tôi đi”, bà Trương nói.
Trong thời gian bị giam, bà Trương đã chứng kiến cảnh bức hại nhiều học viên khác. Bà nhớ lại rằng một nữ học viên từ tỉnh Hồ Nam đã bị giam trong một căn phòng tối và bị sốc điện bằng dùi cui điện suốt đêm. Học viên đó không chịu được đau đớn và đập đầu vào tường. Chỉ khi đó lính canh mới dừng lại.
Một học viên khác tên là Trần Kiến Lợi (không rõ giới tính) đã bị bắt vào đêm giao thừa năm 2000 và bị giam giữ ở đó hơn sáu tháng.
Bà Trương Tiểu Kiệt ở Bắc Kinh cũng bị giam giữ ở đó. Vì bà cố ngăn lính canh đánh đập các học viên khác, lính canh Trình Mai đã đưa bà đến phòng thẩm vấn và đâm kim điện vào người bà, sử dụng điện áp cao nhất để sốc điện bà. Sau phiên tra tấn, bà không thể nhấc chân lên hoặc tự đi lại. Ngay cả khi bà bị kết án trại lao động một tháng sau đó, bà vẫn đi lại không vững. Lính canh Trình còn giả vờ chăm sóc và hỏi tại sao bà vẫn chưa hồi phục.
Sau ba tháng bị giam giữ, bà Trương Lệ Xuân đã tiết lộ tên và địa chỉ của mình cho lính canh. Sáng hôm sau, bà và một học viên nam từ thành phố Đức Huệ, cũng thuộc tỉnh Cát Lâm, bị đưa đến phòng liên lạc tỉnh Cát Lâm ở Bắc Kinh. Họ chỉ được cho ăn tối đa hai bữa mỗi ngày. Ba ngày sau, nam học viên bị cảnh sát địa phương bắt đi. Một học viên nữ bị đưa đến và cơ thể bà đầy những vết phồng rộp vì điện giật.
Mười ngày sau, công an Chu Hiền Quốc và hai người thuộc Đội An ninh Nội địa đã bắt bà Trương đi. Công an còng tay bà. Sau chuyến tàu đêm, họ đến Du Thụ và đưa bà Trương đến một trại tạm giam địa phương.
Vài ngày sau, công an đưa chồng, con gái chín tuổi, mẹ và mẹ chồng ngoài 70 tuổi của bà Trương đến trại giam để gặp bà. Con gái bà nhìn bà với đôi mắt ngấn lệ. Chồng bà cũng cố gắng thuyết phục bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà vẫn kiên định với đức tin của mình và từ chối khuất phục trước sự chuyên chế của chế độ cộng sản. Hai tuần sau, bà bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử để thụ án một năm.
Lính canh Tôn Giai và Kim Lệ Hoa ra lệnh cho bà Trương từ bỏ Pháp Luân Công và họ đánh bà để cố gắng bắt bà khuất phục. Sau một buổi đánh đập vào một ngày nọ, họ đe dọa sẽ sốc điện bà bằng dùi cui điện. Vài ngày sau, lính canh sắp xếp một nhóm cựu học viên đến làm việc với bà Trương. Từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, họ không ngừng đọc sách nói xấu Pháp Luân Công cho bà nghe. Ngay cả những tù nhân bình thường trong phòng giam cũng trở nên khó chịu và họ vỗ tay cổ vũ bà Trương khi bà giật lấy sách và xé chúng. Vì bà vẫn từ chối từ bỏ Pháp Luân Công sau hơn 20 ngày bị tẩy não, nên lính canh đe dọa sẽ kéo dài thời hạn tù của bà.
Ngoài việc tẩy não, lính canh còn sắp xếp hai tù nhân theo dõi bà Trương suốt ngày đêm. Họ theo bà đến bất cứ nơi nào bà đến, kể cả khi bà sử dụng nhà vệ sinh, ăn uống hoặc ngủ nghỉ. Bà không được phép nói chuyện với bất kỳ ai hoặc thậm chí nhìn họ.
Cảm thấy chán nản và nhớ con gái, bà Trương bắt đầu bị đau răng nặng , khiến bà vô cùng khó khăn khi cố gắng ăn. Tệ hơn nữa, lính canh chỉ cho bà vài phút để ăn mỗi bữa và bà không bao giờ có thể ăn hết thức ăn đúng giờ.
Sau đó, lính canh bắt bà phải lao động chân tay không công, từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối không nghỉ.
Sự bức hại đối với bà Trương khiến gia đình bà vô cùng đau khổ. Mẹ chồng bà khóc mỗi ngày. Chồng bà cũng rất buồn bã.
Vào ngày dự kiến thả bà, gia đình bà đã đến trại lao động rất sớm vào buổi sáng để đón bà. Nhưng trại lao động từ chối thả bà ngay lập tức và khăng khăng yêu cầu các nhân viên Phòng 610 địa phương đến đón bà. Chồng và bố chồng bà Trương đã cầu xin công an và trại lao động để cuối cùng đã thả bà vào đầu giờ chiều.
Vài ngày sau, bà Trương trở lại làm việc. Tuy nhiên, công an và người ở ủy ban khu dân cư vẫn tiếp tục quay lại quấy rối bà, điều này luôn khiến gia đình bà kinh hãi, đặc biệt là mẹ chồng bà, người đang sống cùng họ.
Ngay cả sau khi được thả, cơn đau răng của bà Trương vẫn tiếp diễn và khiến bà rất đau đớn khi ăn. Trong bảy năm tiếp theo, bà phải nhổ từng chiếc răng một. Đến năm 2011, khi bà vẫn còn khá trẻ, đã không còn chiếc răng nào nữa.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/28/478098.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/18/218665.html
Đăng ngày 28-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.