Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-05-2024] Hai vợ chồng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đều bị kết án tù sau vụ bắt giữ mới nhất vào năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Bà Trương Á Như, 58 tuổi, bị kết án 2,5 năm tù, hiện đang thụ án tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang (nằm ở Cáp Nhĩ Tân). Chồng của bà, ông Lưu Hồng Vận, 61 tuổi, bị kết án 5 năm tù, và vẫn bị giam tại Trại tạm giam Quận A Thành. Một người trong cuộc cho biết ông bị từ chối nhập tù do không đủ điều kiện sức khỏe, hậu quả của việc tuyệt thực để phản đối việc giam giữ trái pháp luật.

Cả bà Trương và ông Lưu đều cho biết Pháp Luân Công giúp họ phục hồi sức khỏe. Ông Lưu đã khỏi bệnh viêm màng phổi, bệnh dạ dày và viêm khớp. Bà Trương bị đau lưng sau khi sinh con trai, và phải nằm hàng giờ mỗi khi bị đau. Bà cũng bị đau nửa đầu và tê cứng vào mỗi mùa đông. Mọi bệnh tật của bà đều biến mất sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công.

Nhờ trải nghiệm tích cực với Pháp Luân Công, họ không bao giờ dao động đức tin của mình sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Vì vậy, họ trở thành mục tiêu bị nhắm đến, và liên tục bị bắt giữ. Năm 2000, ông Lưu bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức, sau đó bị kết án 4 năm tù vào năm 2002. Bà Trương bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vào năm 2002. Con trai của họ mới 11 tuổi khi cha mẹ cậu bị bắt vào năm 2002. Cậu bé phải bỏ học và chịu đựng sự bắt nạt, sỉ nhục. Cậu sống một mình trước khi mẹ được trả tự do vào năm 2005. Bà Trương trở về nhà, nhìn thấy con trai mình sống thu mình và nhếch nhác, và chuột chạy quanh nhà của họ.

Bản án mới nhất của vợ chồng bà Trương bắt nguồn từ vụ bắt giữ con trai của họ vào ngày 11 tháng 7 năm 2022, khi anh đang làm việc tại một chợ thép địa phương. Cảnh sát đột nhập vào ngôi nhà mà anh ở chung với bố mẹ. Bà Trương và ông Lưu không ở nhà vào thời điểm đó, và cảnh sát tịch thu sách Pháp Luân Công, điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính xách tay và chân dung của nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Con trai của họ được thả vào chiều cùng ngày, nhưng hai vợ chồng buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt. Cảnh sát từ Đội An ninh Nội địa Quận A Thành theo dõi cả 2 vợ chồng, và bắt giữ họ vào ngày 4 tháng 7 năm 2023. Họ đưa bà Trương đến trại tạm giam Số 2 Thành phố Cáp Nhĩ Tân và ông Lưu đến trại tạm giam Quận A Thành.

Ông Lưu được tại ngoại 5 ngày sau, sau khi ông tuyệt thực để phản đối. Ngày 22 tháng 8 năm 2023, cảnh sát lại bắt giữ ông, và ông lại tuyệt thực. Ngày 30 tháng 8, ông bị bệnh nặng, và được đưa đến Bệnh viện Quận A Thành để hồi sức cấp cứu. Ngày 9 tháng 9 năm 2023, cảnh sát đã đệ trình vụ việc của ông lên Viện Kiểm sát Quận A Thành, và cũng khởi tố bà Trương. Hiện chưa rõ thời điểm họ bị xét xử và kết án. Những bản án oan sai gần đây nhất của họ gợi lên ký ức của con trai họ về những bức hại trong quá khứ.

Ông Lưu bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức vào năm 2000 và 4 năm tù vào năm 2002

Ngày 2 tháng 2 năm 2000, 3 ngày trước Tết Cổ truyền, bà Trương và ông Lưu bị bắt. Cả 2 đều bị giam tại trại tạm giam Số 2 Quận A Thành trong 2 tháng. Lính canh tống tiền gia đình cặp vợ chồng này 2.000 Nhân dân tệ trước khi thả họ.

Tháng 11 năm 2000, ông Lưu đi tàu đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông bị bắt trên tàu, sau khi một nhân viên an ninh tìm thấy một biểu ngữ Pháp Luân Công trên người ông. Chuyến tàu dừng ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, và ông bị đưa đến đồn công an địa phương. 2 ngày sau, cảnh sát Chu Hiệu Chương từ Đồn Công an Thắng Lợi ở quận A Thành, thành phố Cáp Nhĩ Tân, đón ông và đánh đập ông rất dã man. Chu tống tiền gia đình 1.000 Nhân dân tệ và 6 bao thuốc lá trước khi thả ông.

Khoảng tháng 3 năm 2001, ông Lưu bị bắt và bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Cảnh sát Mã Vân Phong từ Đồn Công an Thắng Lợi đánh ông bằng gậy bi-a. Sau đó ông bị chuyển đến trại tạm giam Số 2 Quận A Thành, nơi ông bị đánh đập liên tục. Khoảng tháng 9 năm 2001, ông bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức, và bị chuyển đến Trại Lao động Trường Lâm Tử.

Lính canh trại lao động và các tù nhân dùng dùi cui cao su đen đánh vào đầu ông Lưu, và sốc điện ông bằng dùi cui điện. Ông tuyệt thực để phản đối, và bị bức thực. Ông được trả tự do vào tháng 3 năm 2001.

Ngày 20 tháng 5 năm 2002, ông Lưu nói chuyện với một người lạ về Pháp Luân Công, và người này nhờ ông hướng dẫn Pháp Luân Công. Khi mời người đàn ông này đến nhà, ông ta gọi cảnh sát. Sau đó, ông Lưu được biết người đàn ông đó chính là cảnh sát trưởng Triệu Hồng Quang của Công an Quận A Thành. Hơn 10 cảnh sát nhanh chóng đến để bắt vợ chồng ông Lưu.

Cảnh sát đánh ngã ông Lưu và giẫm lên lưng ông. Họ tóm lấy tay ông để lăn vân tay của ông vào một số giấy tờ không rõ nội dung.

Sau khi hai vợ chồng bị đưa đến trại tạm giam Số 1 Quận A Thành, cậu con trai 11 tuổi của họ lúc đó bị bỏ ở nhà một mình, phải tự lo liệu cuộc sống.

Một bác sỹ của trại tạm giam họ Trương trói ông Lưu vào giường trong tư thế đại bàng sải cánh và chỉ được mặc quần lót. Sau đó, Trương và một số tù nhân đánh ông bằng dây xích kim loại. Ông không được phép đứng dậy để đi vệ sinh. Kết quả ông phải tiểu tiện ra quần của mình. Đến tối, Trương kéo ông ra khỏi giường và còng tay ông vào cửa sổ. Ông Lưu bị tra tấn như vậy trong 7 ngày liền. Sau đó, ông bị treo lên hoặc bị xích vào một chiếc vòng trên sàn. Ông không có được một giấc ngủ ngon trong suốt hơn 3 tháng bị giam tại trại tạm giam Số 1 Quận A Thành. Cơ thể ông bị mưng mủ.

fa31c48a1054589c1daeba527685ed16.jpg

Trói trên giường trong tư thế đại bàng sải cánh

dfd008c31a608b0b91ac826dac69141a.jpg

Minh họa tra tấn: Xích vào sàn

Tòa án Quận A Thành kết án ông Lưu 4 năm tù, và chuyển ông đến một nhà tù mới xây, nơi ông bị đánh vào đầu bằng dùi cui cao su. Một tuần sau, ông bị chuyển đến Nhà tù Hô Lan.

Lính canh tra tấn ông Lưu bằng nhiều cách khác nhau. Có lần, ông bị treo lên với 2 chân lơ lửng khỏi mặt đất trong hơn 2 giờ. Ông cũng bị biệt giam và buộc phải uống nước từ bồn cầu. Khi ông từ chối hiến máu cho nhà tù để bán kiếm lời, lính canh đánh ông và lại treo ông lên. Vào ban đêm, ông không được phép ngủ.

0e303177bd1d5364534791b892726362.jpg

Minh họa tra tấn: Treo lên

Ông Lưu được thả vào ngày 20 tháng 5 năm 2006.

Bà Trương bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vào năm 2002

Tháng 5 năm 2000, trong khi ông Lưu vẫn đang bị giam tại trung tâm tẩy não, cảnh sát Mã đột nhập vào nhà bà Trương. Bà từ chối đi cùng, nên ông ta túm tóc và đấm đá bà. Cậu con trai 10 tuổi của bà lúc đó vô cùng sợ hãi và khóc: “Đừng đánh mẹ cháu! Đừng đánh mẹ cháu!”

Bà Trương bị giam tại trại tạm giam Số 2 Quận A Thành trong hơn 20 ngày, trước khi bị chuyển đến cùng một trung tâm tẩy não nơi ông Lưu bị giam giữ. Nhân viên ở đó bắt bà xem các video bôi nhọ Pháp Luân Công mỗi ngày. Để làm suy yếu ý chí của bà, họ thậm chí còn đưa con trai bà vào. Quần áo của cậu bé bị xé rách, khuôn mặt bẩn thỉu và mái tóc bù xù. Cậu không thể nói được gì, và khóc không ngừng. Trái tim bà Trương rỉ máu khi nhìn thấy con trai mình như vậy. Sau đó họ tống tiền bà 2.000 Nhân dân tệ và thả bà ra. Cùng thời gian đó, ông Lưu phải chịu án 1 năm lao động cưỡng bức.

Tháng 1 năm 2001, ngay trước Tết Cổ truyền, một số cảnh sát từ Đồn Công an Thắng Lợi đột nhập vào nhà bà Trương và bắt giữ bà. Họ thậm chí còn không cho phép bà kịp đi giày. Họ giam bà tại trại tạm giam Số 2 Quận A Thành trong gần 3 tháng. Không lâu sau khi bà được thả, cảnh sát Mã và một vài người khác đột nhập vào nhà bà và bắt bà đến Đồn Công an Thắng Lợi. Mã dùng ống nhựa PVC đánh vào ngực và lưng bà.

Mã đưa bà Trương đến trại tạm giam Số 2 Quận A Thành. Ngực bà đau đến mức bà cần được giúp đỡ để lật người lại. Bà cũng nôn ra bất cứ thứ gì đã ăn. Lính canh đưa bà đến bệnh viện, và phát hiện bà có dịch tích tụ ở ngực. Họ không tìm cách chữa trị cho bà, thay vào đó lại đưa bà trở lại phòng giam ẩm ướt của trại giam. Bà bị ghẻ khắp cơ thể. Cánh tay của bà bị mưng mủ, rỉ máu và mủ. Không ai dám chạm vào bà vì sợ bị lây nhiễm. Thay vì thả bà, lính canh lại chuyển bà đến trại tạm giam Số 1 Quận A Thành, nơi từ chối tiếp nhận bà. Chỉ sau đó bà mới được thả.

Ngày 20 tháng 5 năm 2002, bà Trương và chồng bị bắt, và bị đưa đến trại tạm giam Số 1 Quận A Thành. Giám đốc Tống còng tay bà ra sau lưng, còng vào lan can trong 7 ngày. Một học viên khác, bà Thường Lệ Bình, thúc giục Tống ngừng tra tấn bà Trương, và phải chịu hình thức tra tấn tương tự trong 9 ngày. Tống còn cố tình siết còng tay bà Thường khiến bà càng thêm đau đớn.

Một giám đốc khác, La Vĩnh Duy, đe dọa trói bà Trương trên giường trong tư thế đại bàng sải cánh giống như chồng bà khi bà nói định tuyệt thực.

Sau đó, bà Trương bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức, và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia. Ngay khi bà bị đưa vào, lính canh trại lao động yêu cầu bà ngồi xổm xuống. Khi bà từ chối tuân thủ, khoảng 5 lính canh vây quanh bà. Lính canh Diêu Phúc Xương túm tóc và đá bà. Hắn ta đưa bà đến phòng tra tấn, nơi bà nhìn thấy đủ loại dụng cụ tra tấn. Diêu trói bà trên một chiếc ghế kim loại và sốc điện bà bằng dùi cui điện. Một học viên khác, bà Vương Mỹ Quyên, cũng bị sốc điện và mặt bà bị bỏng nặng.

37431cd45a95a35c9bda516944277701.jpg

Minh họa tra tấn: Ghế kim loại

Bà Trương từ chối viết tuyên bố từ bỏ đức tin, và bị bắt ngồi xổm nhiều giờ mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp. Khi vẫn tiếp tục từ chối, bà bị treo lên. Một hôm, một lính canh thấy bà Trương có một tờ giấy có thông điệp về Pháp Luân Công, và đánh đập bà dã man. 6 tháng sau, họ bắt bà lao động khổ sai và không cho bà ngủ khi không hoàn thành chỉ tiêu.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/11/476638.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/14/217544.html

Đăng ngày 27-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share