Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Nội Mông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-06-2024] Hơn 20 học viên Pháp Luân Công vẫn bị giam tại Nhà tù Nữ Số 1 Nội Mông. Họ chủ yếu đến từ các thành phố Xích Phong, Hô Hòa Hạo Đặc, Ô Lan Hạo Đặc, Thông Liêu và Hô Luân Bối Nhĩ trong khu tự trị.
Trong nỗ lực “chuyển hóa” các học viên, tháng 8 năm 2023, nhà tù sáp nhập đội nghiêm quản, chuyên giam giữ các học viên kiên định, với khu nhập ngục. Kiều Tử Nguyệt được bổ nhiệm làm người đứng đầu “khu nhập ngục”. Đội phó là Lý Trại (nữ). Đội trưởng Khang Kiến Vĩ (nam) vẫn là người đứng đầu phụ trách “chuyển hóa” các học viên. Tiêu Mai, cựu trưởng nhóm nghiêm quản, nghỉ hưu sau khi tái cơ cấu.
Hiện nay, tất cả học viên mới vào tù phải ở lại khu nhập ngục ít nhất 2 tháng trước khi được phân vào các khu khác. Trong mỗi phòng giam của khu này có khoảng 12 người, trong đó có 1 hoặc 2 học viên Pháp Luân Công. Mỗi học viên bị 1 đến 3 tù nhân bám theo mọi nơi, và trong suốt ngày đêm. Các học viên bị bắt ngồi bất động trên ghế nhỏ khoảng 10 tiếng mỗi ngày. Họ được xếp thời gian cố định cho việc ăn, đánh răng, sử dụng nhà vệ sinh và các nhu cầu hàng ngày khác. Mọi người cũng phải ra tiền sảnh đọc thuộc lòng nội quy trại giam hai lần mỗi ngày (một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi trưa). Trước bữa trưa và bữa tối, tất cả tù nhân phải hát các bài hát ủng hộ ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc).
Hai chiến dịch “chuyển hóa” tăng cường mỗi năm
Mỗi năm có 2 chiến dịch tăng cường nhằm “chuyển hóa” các học viên, vào khoảng tháng 5 và tháng 10. Cả hai chiến dịch đều được chỉ đạo bởi Trương từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Nội Mông (PLAC) và cựu cai ngục Lưu Cương (hiện đang điều hành văn phòng riêng cung cấp dịch vụ “tư vấn tâm lý”, nhưng vẫn làm việc cho chính quyền). Tham gia cùng Trương và Lưu còn có hàng chục nhân viên từ các chi nhánh công an và Phòng 610 khác nhau.
Mục tiêu của những chiến dịch này là “chuyển hóa” 100%, nghĩa là tất cả học viên bị giam giữ ở đó đều từ bỏ đức tin.
Theo một người trong cuộc, tháng 10 năm 2023, PLAC Nội Mông bỏ ra nửa triệu nhân dân tệ để Trương, Lưu cùng nhóm của họ ở lại nhà tù trong 2 tháng. Họ cũng thuê các cựu học viên từ bỏ Pháp Luân Công dưới áp lực, gồm Thượng Huệ Anh, Quách Tuấn Tú, Trương Thúy Mẫn, Từ Khuyên, một phụ nữ họ Hồ và hai người đàn ông họ Hà và Lý. Mỗi người được trả 300 nhân dân tệ mỗi ngày cộng với tiền ăn ở. Nhà tù gọi họ là “cộng tác viên”, và họ cũng đến các nhà tù khác để “làm việc” với các học viên bị giam giữ.
Chiến thuật chính của những “cộng tác viên” là làm những học viên kiên định nhầm lẫn, và khiến họ nghi ngờ Pháp Luân Công và nhà sáng lập. Để đạt được mục đích đó, họ lấy những lời giảng của nhà sáng lập Pháp Luân Công tách khỏi bối cảnh, hoặc coi bài viết của những người khác là lời giảng của nhà sáng lập Pháp Luân Công.
Một số học viên thực sự nhầm lẫn, và bắt đầu tin vào những gì họ nói về việc từ bỏ Pháp Luân Công, coi đó là con đường đúng đắn.
Ngoài những người này, các tù nhân khác cũng tham gia vào việc “tẩy não” các học viên kiên định. Hàng đêm, các trưởng phòng giam gây áp lực buộc các học viên viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công nếu họ không làm sau khi được các “cộng tác viên” “giúp đỡ” ban ngày. Khi các học viên vẫn kiên định, trưởng phòng giam trừng phạt họ bằng cách bắt đứng suốt đêm và cấm đánh răng hay tắm rửa. Đôi khi, họ còn trừng phạt cả những người khác trong phòng giam, nhằm khiến mọi người ghét bỏ các học viên.
Các trưởng phòng giam cũng bắt những tù nhân khác đặt ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công trên sàn nhà hoặc trong phòng vệ sinh. Các “cộng tác viên” khen ngợi họ “làm rất tốt việc giúp đỡ các học viên từ bỏ chấp trước của họ”.
Nếu các học viên vẫn kiên định, họ bị tra tấn. Bà Vương Tú Phương ở thành phố Xích Phong từng bị kéo lê trên sàn, sau đó bị bắt đứng trong nhiều giờ. Các tù nhân còn tát vào mặt bà, khiến bà bị bầm tím nặng. Kẻ lừa đảo Chu Tuấn Anh (đã mãn hạn sau 14 năm tù) thậm chí còn nhét một miếng giẻ lau nhà vệ sinh bẩn vào miệng bà Vương. Các tù nhân Mạnh Phàm Tú và Trương Tinh cũng đánh đập bà vào những lúc khác nhau.
Hành vi lừa dối của đội trưởng Khang
Đội trưởng Khang thỉnh thoảng tập hợp các học viên kiên định vào một căn phòng để tổ chức “các buổi học”, trong đó ông ta phỉ báng Pháp Luân Công. Ông ta chửi mắng bất cứ ai cãi lời ông ta. Ông ta cũng cấm học viên từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công được gọi điện hoặc thăm thân, mặc dù theo quy định của nhà tù, mỗi tháng tù nhân được quyền thăm thân và gọi điện thoại cho người thân một lần.
Mỗi tháng, mỗi tù nhân người thường phải viết 2 báo cáo tư tưởng, và được phép chi 300 nhân dân tệ cho nhu yếu phẩm. Nhưng Khang yêu cầu các học viên viết 4 báo cáo tư tưởng mỗi tháng, và cũng giới hạn chi tiêu 100 nhân dân tệ mỗi tháng (số tiền này chỉ được dùng để mua đồ vệ sinh cá nhân, không phải thực phẩm).
Sau 2 tháng, nếu học viên trong khu nhập ngục vẫn kiên định đức tin thì đều phải ở lại đó (thay vì được phân vào khu khác). Nếu học viên nào bị nhầm lẫn và viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, Khang lập tức cho họ gặp gia đình hoặc gọi điện thoại. Ông ta cũng tăng giới hạn chi tiêu hàng tháng của họ. Điều đó đã lừa rất nhiều người, bao gồm cả những “cộng tác viên”. Họ nghĩ Khang tử tế, trong khi thực tế ông ta không được phép áp đặt các hạn chế đối với quyền hợp pháp của các học viên trong việc liên lạc với gia đình và mua nhu yếu phẩm.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/2/478296.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/5/218478.html
Đăng ngày 13-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.