Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
[MINH HUỆ 23-05-2024] Ngày 21 tháng 3 năm 2024, một cư dân ở thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc đã bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông Tuyên Hoài Cát (hay còn gọi là Tuyên Hoài Kiệt) đã từ chối cung cấp thông tin cho cảnh sát và từ chối ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Sau đó, ông đã được trả tự do vào đêm cùng ngày.
Lưu Chiêm Hải, trưởng Đồn Công an thôn Dịch Mã Đồ cùng một cảnh sát họ Quách đã kéo tới nhà ông Tuyên vào khoảng 10 giờ sáng ngày 21 tháng 3, khi đó vợ ông đang ở nhà một mình.
Lưu lục soát khắp căn nhà của hai vợ chồng ông gồm cả tủ đựng đồ ăn trong bếp của họ. Nhiều sách cùng tài liệu Pháp Luân Công của ông bị tịch thu.
Năm cảnh sát đã quay lại nhà ông Tuyên vào giữa trưa, lúc đó ông đã về nhà. Cảnh sát trưởng Lưu yêu cầu ông đi với họ trong khi đó cảnh sát Quách ở bên cạnh ghi hình. Ông Tuyên ngăn Quách lại và lên án cảnh sát vì tùy tiện xâm phạm. Sau đó, Quách đã tắt máy ghi hình.
Cảnh sát đẩy ông Tuyên vào xe cảnh sát và đưa ông tới trụ sở Cảnh sát quận Sùng Lễ. Trong khi đang thẩm vấn ông Tuyên, một cảnh sát đã nói rằng họ bắt giữ ông để nhận thêm điểm thành tích công tác. Ông Tuyên cố gắng giải thích cho cảnh sát rằng ở Trung Quốc không có điều luật hình sự hóa Pháp Luân Công và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lan truyền đủ loại tuyên truyền để bôi nhọ pháp môn.
Ông Tuyên từ chối ký bất kỳ biên bản nào hay điểm chỉ dấu vân tay. Cảnh sát đã trả tự do cho ông vào khoàng 10 giờ đêm.
Vụ bắt giữ và thẩm vấn đã khiến ông Tuyên và gia đình vô cùng áp lực. Bởi trước đây, ông từng hai lần lĩnh án lao động cưỡng bức vì kiên định đức tin và phải chịu đựng sự tra tấn, người thân của ông lo lắng liệu nhà chức trách sẽ giam giữ và tra tấn ông lần nữa hay không. Ông Tuyên còn bị đau dạ dày do áp lực tinh thần.
Hai lần lĩnh án lao động cưỡng bức
Ông Tuyên bị bắt giữ vào năm 2001 và bị kết án ba năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Cao Dương. Ông mạnh mẽ phản bức hại và ngay sau đó được trả tự do.
Cảnh sát kéo tới nhà ông vào nửa đêm ngày 11 tháng 10 năm 2005. Trước khi ông kịp mặc quần áo, cảnh sát đã chùm đầu ông lại, còng tay ông và kéo ông lên xe cảnh sát. Còng tay chặt đến mức khiến cổ tay ông chảy máu.
Ban đầu, cảnh sát đưa ông Tuyên tới một khách sạn vào khoảng 2 giờ sáng và ba giờ đồng hồ sau họ lái xe đưa ông tới Trại Lao động Cưỡng bức Cao Dương. Họ cấu kết với lính canh trại lao động tiếp nhận ông mà không có giấy tờ hợp pháp. Chưa rõ lần này cảnh sát ấn định thời gian lao động cưỡng bức của ông trong bao lâu.
Bởi ông Tuyên nói với các tù nhân về Pháp Luân Công và còn luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, nên lính canh đã đẩy ông xuống đất, đá ông và tát vào mặt ông. Mặt ông sưng tấy và bầm tím. Mặc dù bị đánh đập, ông Tuyên vẫn kiên quyết không từ bỏ Pháp Luân Công.
Ông Tuyên từ chối lao động cưỡng bức để phản đối. Ông bắt đầu tuyệt thực vào ngày thứ 9 sau khi vào trại lao động. Lính canh đưa ông tới bệnh viện để bức thực. Trên đường tới bệnh viện, họ đã ghì ông xuống sàn xe ô tô và đánh đập ông. Răng của ông bị lung lay và mặt ông sưng tấy.
Ông Tuyên từ chối tuân thủ việc bức thực. Ba lính canh và một tù nhân giữ đầu và chân ông xuống đất. Họ cạy miệng và răng của ông ra. Hai nhân viên y tế đã nhét hai ống nhựa (một ông dày và một ống mỏng) vào mũi và miệng của ông. Ông bị bức thực bằng sữa bột trộn nhiều muối. Cơn đau khiến ông gần như nghẹt thở, đôi mắt ông không ngừng ngấn lệ. Sau đó, thị lực của ông bị mờ trong thời gian dài.
Vài tuần sau, lính canh lại đưa ông Tuyên tới bệnh viện bức thực ba ngày một lần. Mỗi lần trên đường quay lại trại lao động, lính canh cố tình lái xe qua những con đường gập ghềnh để tăng thêm sự đau đớn cho ông.
Sau khi tới trại lao động, lính canh đã kéo ông ra khỏi xe ô tô. Khi tù nhân kéo ông trở lại phòng giam, lính canh đã đá ông. Quần áo ông bị rách và bàn chân bị thương nặng.
Sau 41 ngày tuyệt thực, ông Tuyên đã không thể đi lại. Sắc mặt ông tái nhợt và ông thường xuyên ngất xỉu. Không muốn ông chết trong trại lao động, lính canh đã viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, buộc tù nhân nắm tay ông điểm chỉ vào tuyên bố và sau đó gọi điện cho con trai ông đến đón. Khi con trai tới trại lao động, lính canh yêu cầu anh trả 1.000 nhân dân tệ tiền sữa bột và muối, cũng như phải đáp ứng các yêu cầu khác trước khi được gặp cha. Họ yêu cầu được xem một biên bản từ ủy ban thôn và đồn công an địa phương. Con trai ông Tuyên đã chi hàng nghìn nhân dân tệ tiền đi lại, nhưng lại phải trở về một mình.
Khi con trai ông Tuyên liên hệ với đồn công an địa phương về giấy tờ được yêu cầu, cảnh sát từ chối cấp. Hơn 80 người dân thôn đã kiến nghị trả tự do cho ông Tuyên. Ngày 6 tháng 12 năm 2005, khi ông Tuyên đang hấp hối, trại lao động đã trả tự do cho ông mà không yêu cầu giấy tờ.
Các vụ bắt giữ khác
Ông Tuyên bị bắt giữ thêm nhiều lần trong cuộc bức hại đang tiếp diễn.
Ngày 27 tháng 10 năm 2004, ông bị bí thư thôn trình báo vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Ông đã bị giam giữ tại trụ sở Cảnh sát huyện Sùng Lễ trong khoảng thời gian chưa xác định.
Ngày 20 tháng 11 năm 2019, khi ông Tuyên tới thôn Thạch Diêu Tử ở lân cận để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công, quan chức thôn đã trình báo ông lần nữa. Cảnh sát kéo tới nhà ông và tịch thu các sách cùng tài liệu Pháp Luân Công của ông. Họ còn lấy đi 20.000 nhân dân tệ tiền mặt từ nhà ông và khiến gia đình ông rất vất vả đề lấy lại tiền.
Trịnh Kiến Quốc, đội trưởng Đội An ninh Nội địa quận Sùng Lễ đã dẫn theo tám cảnh sát tới nhà ông Tuyên vào ngày 13 tháng 5 năm 2020. Sau khi phát hiện ông không có ở nhà, họ đã lục soát nơi ở của ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng một bức ảnh chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công của ông.
Để tránh bị bắt giữ, ông Tuyên phải sống xa nhà một tháng. Sau khi trở về nhà vài giờ, cảnh sát trưởng Trịnh đã kéo tới và bắt giữ ông vào ngày 17 tháng 6 năm 2020. Họ nhét ông vào cốp xe ô tô và lấy điện thoại di động con dâu mới mua cho ông cùng các tài liệu Pháp Luân Công còn lại của ông.
Ông Tuyên bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Trương Gia Khẩu và được trả tự do vào ngày 3 tháng 7 năm 2020.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/23/477904.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/27/218324.html
Đăng ngày 04-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.