Bài viết của một đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 30-04-2024] [Chú thích của Ban Biên tập: Con người hiện nay đều cho rằng làm người tốt là ngốc, kỳ thực không phải vậy. Có lẽ một thời nào đó từ xa xưa, chính mình cũng đã hãm hại, lừa gạt, cướp đoạt, dụ dỗ người gian dâm, nên mới gặp phải cảnh này, còn muốn oan oan tương báo đến bao giờ nữa? Chỉ có làm người tốt mới có thể đi được xa. Nhất là trong kiếp nạn, những người đạo đức cao thượng mới là người mà Thần muốn bảo hộ.]

Kính chào Sư phụ tôn kính!
Kính chào các đồng tu!

Tôi là một học viên Pháp Luân Công trẻ tuổi, hiện đang học năm thứ ba tại một trường đại học khoa học và công nghệ. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng mẹ tôi vào năm 2018. Nhân dịp Minh Huệ có Lời kêu gọi gửi bài kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm 2024, tôi xin chia sẻ với mọi người một số điều mỹ hảo mà tôi đã trải qua từ khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tâm linh và thân thể thăng hoa

Từ nhỏ, tôi đã thích đọc sách và đã đọc nhiều câu chuyện về sự thiện lương và những tấm gương đạo đức cao đẹp. Những gì tôi học được từ những câu chuyện đó luôn thôi thúc tôi trở thành một người có chuẩn mực đạo đức cao thượng, được mọi người tôn trọng. Thế nhưng, khi lớn lên, tôi nhận ra trong hoàn cảnh xã hội khốc liệt ngày nay, thật khó để duy trì tiêu chuẩn đạo đức của mình. Con người ngày nay vì lợi ích cá nhân mà tranh đấu, lừa dối nhau. Tôi thấy làm người tốt thật khó. Một số người nói rằng, quá thiện lương chỉ mang đến bất lợi cho tôi, và rằng tôi càng phải sáng suốt để bảo vệ lợi ích cá nhân. Tôi không muốn đánh mất bản tính thiện lương của mình, nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Tôi cảm thấy mình thật mềm yếu, bất lực.

Năm 2018, mẹ tôi và tôi may mắn gặp được Pháp Luân Đại Pháp và bước vào tu luyện. Với lực lượng to lớn của Đại Pháp, tâm linh và thân thể chúng tôi đã có những biến hóa rất lớn. Pháp của Sư phụ giúp tôi lý giải vì sao chúng ta cần phải làm người tốt, thế nào mới là người tốt chân chính. Tôi cảm thấy như đã tìm thấy ngọn hải đăng soi sáng hành trình cuộc đời mình. Khi tuân theo Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn và đề cao tâm tính, tôi thực sự cảm thấy nội tâm bình yên, vui sướng. Cùng với tâm tính được đề cao, sức khỏe của tôi cũng tốt lên. Tôi không còn phải chịu đựng bệnh viêm đường hô hấp và những căn bệnh khác khiến tôi khổ sở và điều trị tốn kém nữa. Cùng với tiêu chuẩn đạo đức của tôi được đề cao, Sư phụ Đại Pháp đã khai mở trí huệ cho tôi, giúp tôi nhìn thấu tỏ và đối đãi bằng tâm thái bình hòa với những sự việc xảy ra trong cuộc sống.

Sư phụ và Đại Pháp dẫn dắt tôi từng bước trở thành một người tốt chân chính

Trong quá trình học Pháp và tu tâm, các Pháp lý của Đại Pháp đã giúp tôi lý giải thế nào là người tốt chân chính. Từ nhỏ, tôi đã được khen là đứa trẻ có hành vi đoan chính, chăm chỉ, học giỏi; tôi biết nỗ lực ra sao để làm đứa con ngoan, để làm hài lòng người lớn. Lớn lên, tôi luôn muốn thiện đãi và giúp đỡ mọi người để họ được vui. Tôi từng tự xem mình là một người tốt toàn diện, lại còn tự hào về điều đó. Ngay cả sau mấy năm tu luyện, tôi vẫn còn có ý nghĩ như vậy.

Sư phụ dạy:

“Tôi còn muốn bảo chư vị, bản tính thực chất từ trước của chư vị được kiến lập trên cơ sở vị ngã vị tư, từ nay trở đi chư vị làm các việc thì trước hết phải nghĩ đến người khác, tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã.” (Phật tính vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Sư phụ yêu cầu chúng ta làm gì cũng phải nghĩ cho người khác trước, còn phải đạt đến cảnh giới “vô tư vô ngã”. Điều này khiến tôi nhận ra rằng khi làm các việc, tôi vẫn cứ giữ tâm tự tư rất mạnh, hầu như không bao giờ nghĩ đến lợi ích của người khác. Sau này, tôi mới để ý đến việc yêu cầu bản thân làm gì cũng phải nghĩ đến người khác trước. Khi làm được vậy, tôi thấy tâm thái của mình tốt lên, việc làm cũng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, tôi cảm giác những thay đổi đó chỉ là bề mặt, còn trong thâm tâm vẫn có chút gì đó mà tôi chưa động đến được. Những thứ ẩn sâu này biểu hiện bề ngoài là tâm thái thờ ơ, sợ khó: Tôi không chủ động nghĩ cho người khác, chỉ đến khi gặp việc cần giải quyết thì mới suy xét cho họ. Ví dụ, mặc dù biết bạn bè, người thân là người có duyên phận quan trọng với tôi, hơn nữa, mỗi sinh mệnh đều cần phải liễu giải chân tướng Đại Pháp, nhưng tôi thường không để ý đến việc liên lạc với họ, rất ít khi hỏi han, thăm nom, vì thế mà nhiều mối quan hệ đã dần dần trở nên xa cách.

Tôi cũng từng nhiều lần cảm thấy ân hận, cũng cố gắng hướng nội tìm chấp trước đằng sau đó. Tôi thấy đó là tâm an dật, tâm sợ ma nạn, và tâm thái trì hoãn. Mặc dù lâu nay tôi vẫn nhận thấy những chấp trước này, cũng phát chính niệm thanh trừ chúng, nhưng vẫn có cảm giác trạng thái tu luyện của mình lúc lên lúc xuống, dường như chưa có cải biến về căn bản.

Giữa năm 2023, tôi may mắn được tham gia một nhóm học Pháp ở địa phương, ở đó, mọi người học Pháp cùng nhau, còn giúp nhau tìm ra vấn đề của mình dựa trên Pháp. Trong quá trình học Pháp và chia sẻ với các đồng tu, một hôm, tôi chợt nhận ra những chấp trước thâm căn cố đế, còn quen để chúng khống chế mà không tự biết như: truy cầu hạnh phúc của người thường và tâm sợ khổ. Đối với tôi, bị cô lập, bị người ta ghét bỏ và không được thừa nhận là điều cực kỳ đau khổ. Vì thế, tôi ra sức làm mọi thứ có thể để tạo ấn tượng tốt về mình trong mắt người khác. Bởi vậy, những gì tôi làm khi đối xử tốt với người khác đều không xuất phát từ tâm chân thành và sự quan tâm thực sự, mà là để đạt được mục tiêu ích kỷ của tôi là khiến người khác quý mến và né tránh nỗi đau bị cự tuyệt. Đó là lý do vì sao tôi luôn ở thế bị động trong việc nghĩ cho người khác.

Mặc dù cuối cùng tôi đã nhìn ra chấp trước này, nhưng trừ bỏ nó lại không hề dễ. Tôi đã cố gắng chủ động quan sát và nghĩ cho người khác, nhưng có những lúc tôi vẫn rất miễn cưỡng; khi những việc tôi làm thực sự mang lại điều tốt cho người khác nhưng có thể chọc giận họ thì tôi lại không dám đối diện.

Một hôm, một đồng tu trong nhóm học Pháp chia sẻ: “Có khi chúng ta làm gì đó hoàn toàn là vì người khác, nhưng thực tế lại không phải vậy. Chẳng hạn, khi có người gặp khó khăn, bạn toàn tâm toàn ý giúp họ mà không mong được đáp lại gì, nhưng họ lại vong ân phụ nghĩa, phản bội bạn, thì bạn có động tâm không? Nếu bạn động tâm thì rõ ràng là bạn chưa hoàn toàn làm vì họ đâu. Bởi nếu đúng là bạn chỉ đơn thuần muốn tốt cho họ, vậy thì chỉ cần việc bạn làm thực sự mang lại kết quả đó, cho dù họ có đối xử với bạn như thế nào đi nữa thì bạn vẫn thấy vui vẻ, mãn nguyện, đúng không? Bởi vậy, nếu không hoàn toàn vì người khác, thì chắc chắn vẫn tồn tại mục đích tự tư. Đây đều là chấp trước xấu.”

Tôi tự hỏi: “Khi làm gì, tôi có hoàn toàn vì người khác không?” Câu trả lời là “Không”, vì tôi vẫn mong người khác sẽ đối xử tốt với mình. Đây là tự ngã, là tâm bảo vệ bản thân, tâm truy cầu cảm giác dễ chịu, thoải mái khi được người khác thiện đãi mình. Khi nhận ra chấp trước tự tư, xấu xa này, tôi vẫn không sao trừ bỏ được chúng. Đồng tu nói, đó là bởi tôi vẫn chưa có “lý do chính đáng” để trừ bỏ chúng, ý tứ là tôi vẫn chưa nhận thấy những chấp trước đó đã khống chế và lợi dụng tôi như thế nào để làm tổn thương người khác, cho nên tôi không có đủ động lực để dứt bỏ những chấp trước có thể mang lại chỗ tốt cho tôi.

Tôi nghĩ: “Mình không mong có được của cải vật chất từ người khác, cũng không cần họ đền đáp cho tôi bất cứ thứ gì. Tôi chỉ hy vọng họ sẽ mỉm cười với tôi. Suy cho cùng, tôi không hề có được gì của họ, vậy tôi lợi dụng họ ở chỗ nào đây?”

Sư phụ giảng:

“Vì để cứu vãn thiên vũ, Sáng Thế Chủ bảo chúng Thần, chúng Chủ hạ thế xuống hoàn cảnh này làm người, chịu khổ, đề cao, tiêu tội, trùng tântái tạo lại tự mình, từ đó quay về thiên đường. (Là vì khi Sáng Thế Chủ cứu người thì cũng đồng thời trùng tân tạo vũ trụ) thiên vũ mới là tuyệt đối thuần tịnh và tốt đẹp; trong hoàn cảnh gian khổ người có thể bảo trì thiện niệm; đối mặt với xung kích của quan niệm hiện đại, người có thể kiên trì quan niệm truyền thống; trong xung kích của vô thần luận, tiến hóa luận, vẫn còn có thể tín Thần; người như thế chính là đạt được mục đích được cứu trở về thiên quốc. Hết thảy loạn tượng đều là Thần an bài vào cuối cùng, mục đích là khảo nghiệm chúng sinh có thể được cứu độ chăng, đồng thời khổ cũng có thể tiêu tội nghiệp trong quá trình này; hết thảy đều vì để cứu người trở về thế giới thiên quốc.” (Vì sao có nhân loại)

Nhờ học Pháp, tôi đã nhận ra hầu hết mọi người trên thế giới này đều là sinh mệnh cao cấp từ thiên giới tới đây để chờ đợi Đại Pháp cứu độ họ. Chỉ có bảo trì ​​​tiêu chuẩn đạo đức, bảo trì thiện lương, thì mới có thể được cứu độ. Tôi chợt nhận ra rằng mình vẫn luôn mong được người khác quý mến, thực ra chính là đang làm tổn thương nghiêm trọng người khác. Vì sao nói như vậy? Vì muốn được người khác quý mến, mà tôi lúc nào cũng ra sức làm điều họ muốn, nói điều họ thích nghe, không động chạm đến việc họ né tránh, cho dù đó là việc tốt có thể giúp họ đề cao đạo đức (như nói về Thần Phật, thiện ác hữu báo, nhân quả, v.v.). Như thế, tôi càng dung dưỡng chấp trước và quan niệm bất chính của họ, càng không thể thức tỉnh sự thiện lương và Phật tính trong nội tâm họ, càng khiến chuẩn mực đạo đức của họ cách tiêu chuẩn của vũ trụ ngày càng xa, thậm chí dần dần đi đến bờ hủy diệt. Đó là bởi tôi chỉ quan tâm đến sự an toàn và hạnh phúc của bản thân, còn khi đạo đức của người khác đã trượt xuống chỗ nguy hiểm, tôi lại hoàn toàn không động đến. Tôi chưa giúp họ đề cao đạo đức trở lại, khiến họ có cơ hội được đắc cứu vào thời mạt pháp này. Tôi chưa đạt đến kỳ vọng của Sư phụ, cũng chưa làm được điều mà chân ngã của thế nhân mong đợi.

Tôi chấn động khi nhận ra tôi từng cho rằng những thứ vô hại lại làm tổn thương người khác nghiêm trọng. Giờ thì tôi đã có động lực để trừ bỏ những chấp trước đó, không để chúng khống chế tôi và làm tổn thương người khác nữa. Cho dù mỗi lần bị người khác phản đối hoặc xúc phạm, khiến tôi bị tổn thương, nhưng tôi vẫn phải trừ bỏ thứ tâm sợ khổ này thì mới thực sự là chân tâm thực ý nghĩ cho người khác, mới có thể dần dần làm được mỉm cười trước sự phản đối và xúc phạm của người khác, từ bi với người khác, bất động tâm.

Khi tôi có được nhận thức này trong giai đoạn tu luyện hiện tại, Sư phụ đã tăng cường chính niệm cho tôi, tôi thể hội được cái tâm sợ khi đối diện với người khác trước khi đã giảm đi. Giờ đây, khi gặp tình huống này, tôi không bị tâm sợ khống chế mạnh mẽ như trước đây nữa, mà có thể dần dần kiểm soát hành vi của bản thân rồi.

Lời kết

Ánh sáng của Chân-Thiện-Nhẫn đã soi sáng tâm linh tôi. Sư phụ và Đại Pháp đưa tôi từ một đứa trẻ tự tư tự lợi, chỉ nghĩ đến bản thân, từng bước trở thành một người thực sự biết quan tâm và nghĩ cho người khác. Trên đây là lý giải của tôi ở tầng thứ hiện tại. Có gì không phù hợp với Pháp, mong được chỉ ra và chỉnh sửa.

Pháp Luân Đại Pháp thực sự đã giúp hàng trăm triệu người trên thế giới được thụ ích cả về tâm lẫn thân, có thân thể khỏe mạnh, đạo đức thăng hoa, trở thành người tốt có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Tại đây, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Sư phụ Lý Hồng Chí, cảm tạ Ngài đã từ bi hồng đại khi truyền Pháp Luân Đại Pháp vĩ đại cho toàn thế giới! Tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người liễu giải được sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và có một tương lai tốt đẹp.

Hợp thập!

(Bài viết chọn lọc để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5 trên Minh Huệ)

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/30/475776.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/5/216895.html

Đăng ngày 08-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share