Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp người phương Tây

[MINH HUỆ 30-04-2024] Khi Minh Huệ đăng thông tri kêu gọi gửi bài chia sẻ kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, tôi cho rằng mình không có gì để chia sẻ và có lẽ tu luyện chưa đủ tốt để có thể kể ra một câu chuyện tu luyện truyền cảm hứng. Sau này tôi nhận ra sự do dự này là chấp trước vào danh: tôi muốn viết ra điều gì đó mà khiến người khác phải ngưỡng mộ!

Có một học viên mới tham gia học Pháp địa phương của chúng tôi. Cậu ấy nói với chúng tôi về lời nhắc nhở sắp hết thời hạn gửi bài chia sẻ.

Cậu ấy làm tôi nhớ đến lời Sư phụ giảng:

“…tu luyện như thuở đầu, thì tất thành.” (“Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm 2014”)

Người học viên này hỏi tôi với ánh mắt tràn ngập sự chân thành: “Chị đã từng làm hạng mục giảng chân tướng nào chưa?” Tôi vô cùng tôn trọng cái tâm thuần tịnh của người học viên này. Cậu ấy hỏi tôi là vì muốn bản thân mình làm việc đó được tốt. Sự háo hức muốn làm tốt ba việc như vậy của cậu ấy khiến tôi nghĩ rằng cho dù bản thân có gì đặc sắc hoặc ấn tượng để kể hay không thì tôi cũng nên viết bài chia sẻ.

Một câu chuyện nhỏ nhặt bình thường

Dưới đây là một câu chuyện nhỏ về việc tu luyện tâm tính.

Vợ chồng tôi cần phải mua một chiếc máy rửa bát và một chiếc tủ lạnh mới. Tôi lên mạng tìm hiểu về những sản phẩm được đánh giá tốt nhất, rồi gửi liên kết (link) sản phẩm qua tin nhắn cho chồng tôi. Anh ấy xem và lớn tiếng quát tôi, tôi bảo anh ấy không được quát như vậy.

Anh ấy nói tôi là một bông tuyết (ý chỉ người người dễ tự ái và thường xem mình là trung tâm của vũ trụ).

Tôi nói mình không phải người như vậy, mà là “dị quốc hoa lan” (ý chỉ người tinh tế và khác biệt).

Bạn thấy đấy, tôi không nổi trận lôi đình và vẫn giữ được sự hài hước của mình, nhưng trong tâm tôi quả thực hơi xao động một chút.

Giống như Sư phụ đã giảng trong bài thơ “Thiểu biện” trong Hồng Ngâm 3:

“Như ngộ cường biện vật tranh ngôn
Hướng nội trảo nhân thị tu luyện
Việt tưởng giải thích tâm việt trong
Thản đãng vô chấp xuất minh kiến” (Thiểu biện, Hồng Ngâm III)

Tạm dịch:

“Gặp thời xảo biện hãy lặng im
Tu luyện ắt phải hướng nội tìm
Càng giải thích nhiều tâm càng nặng
Cởi chấp mở lòng sáng trong tim” (Thiểu biện, Hồng Ngâm III)

Ngay sau khi chúng tôi nói chuyện, bài thơ này đã lập tức hiện ra trong đầu tôi. Tôi đã học thuộc Hồng Ngâmvì thấy rằng những bài thơ ngắn thì dễ học thuộc hơn so với những đoạn Pháp dài trong Chuyển Pháp Luân. Việc học thuộc thường giúp tôi suy xét vấn đề từ góc độ của người tu luyện.

Khi hướng nội, tôi nhìn ra tâm chấp trước của mình là muốn trở thành chuyên gia thiết bị nhà bếp. Tôi muốn chọn thứ mình thích mà không cần bàn bạc với chồng và tin nhắn mà tôi gửi cho anh ấy đã gợi ý rõ lựa chọn của tôi. Tôi còn đoán là anh ấy sẽ không đồng ý với lựa chọn của tôi, hoặc gây trở ngại cho việc tôi làm điều tôi muốn. Suy nghĩ này không thấu đáo chút nào mà còn thiếu sự khiêm nhường – một mỹ đức căn bản. Vì nó là một suy nghĩ bất chính nên khó trách chồng tôi lại khó chịu mà nổi cáu.

Nói tóm lại là, khi nhìn thấy chấp trước đó thì tôi đã loại bỏ nó đi. Suy nghĩ đó là không tôn trọng người khác, là suy bụng ta ra bụng người, nếu là tôi thì tôi cũng không thích nếu như chồng suy nghĩ tiêu cực về tôi như vậy. Cho nên, tôi tự nhủ phải cố gắng suy xét sự việc dưới góc độ của anh ấy. Trong gia đình, tôi là người tu luyện và có trách nhiệm phải suy nghĩ và cư xử như người tu luyện. Trường năng lượng của tôi có ảnh hưởng đến anh ấy.

Sư phụ giảng:

“Tâm của đệ tử Đại Pháp nếu bất ổn, sẽ khiến hoàn cảnh chung quanh chư vị phát sinh biến hoá. Khi chư vị hoảng sợ, chư vị phát hiện chúng sinh đều không đúng như bình thường nữa. Khi chư vị biến đổi thần tình trở thành tươi tỉnh thảnh thơi, tấm lòng rộng mở, lạc quan, thì chư vị phát hiện rằng hoàn cảnh chung quanh cũng khác rồi. Trong khi giảng chân tướng, khi chứng thực Pháp, khi chư vị làm các việc mà phát sinh khó khăn, [hãy] điều chỉnh điều chỉnh bản thân, dùng chính niệm suy xét vấn đề, có thể sẽ rất hiệu dụng.” (Trích “Giảng Pháp tại Washington D.C năm 2009”, Giảng Pháp tại các nơi IX)

Đôi khi, tôi hình dung rằng việc loại bỏ tâm chấp trước hẳn phải là một quá trình thống khổ gian nan, trong đó bạn phải cưỡng chế bản thân mình thay đổi. Thực ra, không phải lúc nào cũng như thế. Đôi khi, chỉ cần bạn ý thức được vấn đề của mình và nghĩ: “Mình không muốn nó”, thì sẽ liền thông qua khảo nghiệm.

Điều thú vị là: chỉ vài phút sau khi tôi hướng nội xong và đang tìm hiểu các thiết bị gia dụng khác thì chồng tôi đã gọi điện lại cho tôi và nói: “Em ưng loại tủ lạnh và máy rửa bát nào thì cứ mua nhé.”

(Bài viết được chọn lọc để kỷ niệm ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới trên Minghui.org)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/30/475693.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/4/216873.html

Đăng ngày 07-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share