Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Toronto, Canada
[MINH HUỆ 22-04-2024] Ngày 20 tháng 4, các học viên Pháp Luân Công tại Toronto, Canada đã hội tụ tại Công viên Queen trước tòa nhà Lập pháp Ontario để kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên ở Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1999. Mặc dù tuyết rơi bất ngờ và mưa đá nặng hạt, nhiều người vẫn đến tham dự sự kiện, trong đó có một số là chuyên gia nhân quyền và lãnh đạo cộng đồng. Họ cảm kích trước dũng khí của các học viên và hy vọng cuộc bức hại suốt 25 năm qua sẽ chấm dứt.
40 học viên đã bị bắt ở thành phố Thiên Tân gần đó, và hơn 10.000 học viên đã tập trung tại Văn phòng Kháng cáo Trung ương ở Bắc Kinh để yêu cầu trả tự do cho những đồng tu bị giam giữ. Mặc dù Thủ tướng lúc bấy giờ đã giải quyết vấn đề ổn thỏa ngay trong ngày, nhưng ba tháng sau, ĐCSTQ đã phát động cuộc đàn áp trên toàn quốc, và thảm kịch này vẫn tiếp diễn.
Cuộc mít-tinh quy mô lớn diễn ra tại Công viên Queen trước tòa nhà Lập pháp Ontario để kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Đại Pháp Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm 1999, ngày 20 tháng 4
Cuộc bức hại không có cơ sở pháp lý
Mục sư Stainton, Chủ tịch Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan tại Canada, tham dự cuộc mít-tinh
Mục sư Stainton, Chủ tịch Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan tại Canada, cho rằng ngày 25 tháng 4 thực sự là một ngày đáng nhớ cho tất cả những ai quan tâm đến nhân quyền ở Trung Quốc và tương lai của đất nước này. Sau vụ thảm sát trên Thiên An Môn vào năm 1989, nhiều người dân Trung Quốc đã bị quyền lực khuất phục, trở nên im lặng và chỉ tập trung vào lợi ích vật chất. Trong bối cảnh này, các học viên Pháp Luân Công đã kháng nghị lên chính phủ theo cách ôn hòa và hợp lý về các quyền hợp pháp của mình và giải thích rằng cuộc bức hại là vô căn cứ.
Ông Stainton phát biểu: “Chính phủ, giới truyền thông, và các tổ chức nhân quyền của chúng ta nên ghi nhớ ngày 25 tháng 4, bởi vì ngày hôm đó đã thay đổi mọi phương diện của đất nước và khởi đầu cho một kỷ nguyên mới ở Trung Quốc.”
Là một mục sư, ông Stainton chỉ ra rằng: “Dưới thời Đế quốc La Mã, những người theo đạo Cơ đốc cũng bị bức hại giống như các học viên Pháp Luân Công ngày nay. Tuy nhiên, cuối cùng những người theo đạo Cơ đốc đã giành chiến thắng nhờ vào đức tin của họ. Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và nước ngoài đang thực hành đức tin vào Chân-Thiện-Nhẫn, vốn là nền tảng tinh thần của tất cả các nền văn minh,” ông tiếp tục, “Đức tin này không vi phạm luật pháp, đạo đức hay bất kính đối với Thần. Tôi kêu gọi người dân Canada lưu tâm tìm hiểu về cuộc bức hại và sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công.”
Gửi lời chào tới những học viên Pháp Luân Công ôn hòa
Ông Dean Baxendale, Giám đốc điều hành của công ty xuất bản đa quốc gia Optimum Publishing International
Ông Dean Baxendale là Giám đốc điều hành của Optimum Publishing International. Trong bài phát biểu của mình, đầu tiên ông muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với hàng nghìn học viên đã dũng cảm tham gia cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999 để bảo vệ tín ngưỡng, văn hóa và nhân phẩm của mình.
Ông lưu ý rằng cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo đã được ghi rõ trong Hiến pháp Trung Quốc. Song, ĐCSTQ vẫn chọn cách phớt lờ sự thật và tiếp tục phớt lờ bắt kỳ biểu đạt nào về quyền tự do ngôn luận hoặc tôn giáo của chúng ta. Từ sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999, ĐCSTQ đã đàn áp và cố gắng trừ bỏ tất cả học viên Pháp Luân Công. Tinh thần và sự kiên trì của các học viên đáng ngưỡng mộ đến mức họ xứng đáng được mọi người dân Canada chào đón và ủng hộ. Là người làm việc trong ngành công nghiệp xuất bản, ông khâm phục các học viên Pháp Luân Công và sẽ ủng hộ họ.
Ông Baxendale cũng lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Bản thân hệ thống cấy ghép tạng tàn ác do ĐCSTQ lập nên đã là một tội ác và cần bị mọi chính phủ lên án. Ông không hiểu tại sao một số người vẫn tiếp tục ủng hộ và nghe theo ĐCSTQ.
Cuối bài phát biểu, ông kêu gọi nhiều người hơn nữa hãy đứng lên và chung tay cùng các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Đài Loan, Hồng Kông, cũng như người Tây Tạng để tiếng nói của họ được lắng nghe. Ông cho hay điều quan trọng vẫn là kêu gọi các quan chức Canada ở mọi cấp độ chấm dứt sự bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Canada trong cuộc đàn áp xuyên quốc gia này.
“Quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi”
Cô Du Du, học viên Pháp Luân Công.
Học viên Pháp Luân Công trẻ Du Du nói về trải nghiệm của cô tại buổi mít-tinh. Ngày 24 tháng 4 năm 1999, cha mẹ cô nghe tin Pháp Luân Công bị vu khống và các học viên ở Thiên Tân bị bắt. Họ liền quyết định kháng cáo lên chính phủ vào ngày hôm sau. Mặc dù khi đó Du Du mới chỉ ở tuổi thiếu niên, nhưng cô cảm thấy lo lắng bởi cô nhớ đến Vụ thảm sát ở Thiên An Môn 10 năm trước và ký ức bị ngược đãi của ông nội trong Cách mạng Văn hóa.
Bất chấp áp lực và sợ hãi, mẹ cô vẫn chọn lên tiếng thay cho các học viên. Mẹ cô từng bị các vấn đề về dạ dày và viêm khớp hành hạ, nhưng bà đã bình phục sau khi bắt đầu luyện các bài công pháp của Đại Pháp. Cha cô từng bị chứng chóng mặt trước đó và ông cũng đã khỏi bệnh. “Pháp Luân Công là tốt! Chỉ nhờ người truyền người, tâm truyền tâm, mà lan rộng ra khắp cả nước”, cô Du Du cho biết.
Các học viên tham gia cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 năm 1999 đều biết họ có thể phải đối mặt với sự đàn áp bạo lực, nhưng họ vẫn lặng lẽ đứng trên vỉa hè. Họ làm thế “bởi họ biết rằng không có gì sai khi sống theo Chân-Thiện-Nhẫn.“ Ở mức độ cá nhân, Pháp Luân Công đã giúp cô Du Du đề cao tâm tính và nhân cách của mình. Cô cho biết thêm: “Tu luyện Pháp Luân Công là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi”.
Từ năm 1999, cộng đồng những người tu luyện Pháp Luân Công đã bắt đầu ghi lại và báo cáo về cuộc bức hại tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên. Tuy nhiên, 25 năm đã trôi qua mà cộng đồng quốc tế vẫn chưa có hành động thiết thực nào để ngăn chặn tội ác của ĐCSTQ. Mặc dù cuộc bức hại xảy ra ở Trung Quốc nhưng nó không còn xa chúng ta nữa. “Nếu chúng ta không bảo vệ tự do và dân chủ, chúng ta cũng sẽ để mất chúng khi chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào thế giới tự do. Chúng ta hãy sát cánh cùng nhau để bảo vệ các quyền cơ bản của con người và tự do của nhân loại”, cô tiếp tục. “Chúng ta phải yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt bức hại Pháp Luân Công.”
Lòng biết ơn sâu sắc
Anh José cho biết cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999 quan trọng với thế giới
Anh José là một học viên Pháp Luân Công người Argentina đã đến Canada bốn năm trước. Trong bài phát biểu tại cuộc mít-tinh, đầu tiên anh bày tỏ lòng biết ơn tới Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Công. “Pháp môn này đã dạy tôi cách trở thành một bác sỹ tốt hơn, một người chồng tốt hơn, một người tốt hơn và khiến tâm tôi bình yên hơn. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn Sư phụ Lý”, anh nói.
Trong cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999, khoảng 10.000 người đã tập trung ở đó một cách lặng lẽ bởi đức tin của họ bị đàn áp. Trước khi rời đi, họ dọn sạch khu vực xung quanh mà không gây cản trở giao thông hay làm phiền người khác. Điều đó cho thấy phẩm chất của các học viên, những người vô tội và đang nỗ lực trở thành những công dân tốt hơn nhờ tuân theo các bài giảng của Pháp Luân Công.
Cuối bài phát biểu, anh ca ngợi những học viên đã nỗ lực đứng lên chống lại chế độ độc tài một cách ôn hòa với sự thiện lương và lòng dũng cảm. “Cảm ơn tất cả các học viên đã đứng lên vì đức tin của mình vào thời điểm đó. Có thể họ đã không biết rằng, cho đến tận hôm nay, hành động của họ vẫn truyền cảm hứng cho vô số học viên và những người ủng hộ tiếp tục truyền rộng môn tu luyện tốt đẹp này khắp thế giới. Điều đó cho phép người dân từ khắp nơi trên thế giới có cơ hội tìm hiểu Pháp Luân Đại Pháp đồng thời được hưởng lợi ích từ môn tu luyện cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/4/22/475472.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/24/216704.html
Đăng ngày 26-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.