Bài viết của đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở hải ngoại

[MINH HUỆ 10-04-2024]

Kính chào Sư phụ!

Xin chào các đồng tu!

Tôi là sinh viên năm nhất khoa vũ đạo tại Cơ sở Middletown của Đại học Phi Thiên. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với mọi người về những trải nghiệm trong nhận thức và cách khắc phục một số chấp trước căn bản của tôi.

Tiêu trừ tâm kiêu ngạo

Có lẽ chấp trước lớn nhất mà tôi nhận ra được trong năm nay là tôi nghĩ mình giỏi hơn người khác. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân có vấn đề này, vì tôi luôn tìm cách tỏ ra khiêm tốn và khiến bản thân trông có vẻ tự chủ. Cho đến khi tôi tham gia Cuộc thi múa của Tân Đường Nhân năm nay, cuối cùng tôi mới nhận ra đây là một vấn đề nghiêm túc cần phải giải quyết. Từ khi còn nhỏ, tôi luôn hành động theo cách khiến mình “nổi bật”. Tôi luôn là tuýp người “xuất sắc”, đặc biệt là trong hành động của mình. Vì tôi muốn được công nhận, nên tôi luôn tuân thủ quy tắc và cố gắng trở thành một “đứa trẻ ngoan”. Tôi sẽ cảm thấy tự hào mỗi khi nhận được bất kỳ hình thức khen ngợi nào. Khi tôi thấy người khác làm tốt hơn mình, tôi sẽ tật đố và tức giận. Từ đó tôi hình thành một quan niệm, ấy là tôi luôn muốn được coi trọng.

Khi tôi bắt đầu đến Cơ sở Middletown học vũ đạo, tính cạnh tranh và kiêu ngạo của tôi càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ban đầu chỉ là động cơ thuần túy muốn tiến bộ, dần dần trở thành nguyện vọng muốn duy trì dẫn đầu. Thay vì luyện tập cùng các vũ công khác và giúp đỡ họ, tôi lại chỉ trích người khác và chỉ tập trung vào bản thân. Nhìn lại, động lực trong hầu hết mọi việc tôi làm là để hiển thị bản thân, và tạo cho mọi người cảm giác rằng tôi giỏi hơn người khác.

Sư phụ giảng:

“Làm người tu luyện, thì hết thảy những khổ não gặp ở người thường đều là vượt quan; hết thảy tán dương gặp phải đều là khảo nghiệm.” (Người tu tự ở trong ấy, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Người tu luyện chỉ nên chú trọng đề cao tâm tính, phản bổn quy chân, làm tốt những việc bản thân nên làm. Tôi không nên chấp trước vào việc hiển thị bản thân và cường điệu thành tích của mình. Cho dù những gì tôi làm là tốt hay không tốt, tôi cũng không nên bị dẫn động và quên bản thân là một người tu luyện. Mỗi khi tôi đọc các bài viết hoặc bài phỏng vấn về trải nghiệm của các nghệ sĩ múa Shen Yun, họ luôn nhắc đến chủ đề phối hợp nhóm và sự vô tư. Để bảo đảm diễn xuất thành công và có thể cứu độ chúng sinh, mỗi nghệ sĩ đều cần giúp đỡ lẫn nhau, không ai ích kỷ cả. Tôi đặc biệt nhớ một bài viết nói rằng, người biểu diễn – vũ công chính thực sự rất khiêm tốn. Có khiêm tốn, con người sẽ có động lực để tiếp tục tiến bộ, đồng thời cũng hiểu được đạo trung dung giữa kiêu ngạo và rụt rè.

Sư phụ giảng:

“Có vị về phương diện này có năng lực mạnh hơn một chút, có vị về phương diện kia mạnh hơn một chút, chư vị không được vì thế mà suy nghĩ hoang tưởng, chư vị nói ‘tôi có bản sự lớn thế này, thế này thế kia’, đó là Pháp trao cho chư vị! Chư vị không đạt tới thì vẫn không được đâu. [Là] Chính Pháp cần [và] khiến cho trí huệ của chư vị đạt tới bước đó, vì thế chư vị không được cảm thấy bản thân mình có bản sự gì.” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Tất cả thành quả đạt được trong những phương diện như tu luyện, vũ đạo, học hành, v.v., đều là do Sư phụ ban cho tôi. Mặc dù tôi đã phó xuất rất nhiều để đề cao trong những năm qua, nhưng kỳ thực chính Sư phụ đã ban cho tôi tất cả những gì tôi có hiện nay. Mọi người xung quanh tôi cũng không ngừng nỗ lực đề cao và đạt được mục tiêu giống tôi. Tôi có thể kiêu ngạo về điều gì đây?

Khi tôi bắt đầu nghĩ như vậy, việc bảo trì tâm thái bình tĩnh trên lớp vũ đạo trở nên dễ dàng hơn, cũng có thể tập trung chú ý trong những lớp học khác. Điều này cũng giúp tôi bảo trì sự tập trung khi học Pháp, luyện công và phát chính niệm, vì tôi không còn mãi nghĩ đến thành tựu của bản thân nữa. Tôi có thể ít quan tâm hơn đến những gì người khác nghĩ về mình, hơn nữa có thể đơn thuần giúp đỡ người khác. Tôi cũng nhận thấy vũ đạo của mình còn thiếu sót ở nhiều mặt. Trạng thái kiêu ngạo trước đây đã đánh lừa tôi, khiến tôi nhìn thấy con người hoàn hảo của mình trong gương.

Sau trải nghiệm lần này, mỗi khi tôi nhìn thấy mình đang múa (trong gương), tôi ý thức rằng mình vẫn còn rất nhiều điều cần cải thiện. Tôi vẫn đang vật lộn với vấn đề này, nhưng bây giờ tôi biết rằng dù tôi có làm gì thì cũng không được có bất kỳ động cơ bất thuần nào đằng sau đó. Khi cần thiết, tôi có thể lùi một bước; và thuần túy chỉ vì sự đề cao mà đề cao. Chỉ khi tâm tôi ở trạng thái này, tôi mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.

Bảo trì tinh tấn sau khi vào đại học

Năm 2023, tôi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Miền Bắc, đã quen với phương thức sinh hoạt và môi trường ở đây, tôi đã sống với những thói quen và thời khóa biểu giống nhau hàng ngày trong suốt 5 năm. Thông thường bao gồm thời gian cố định mỗi ngày như luyện công, học Pháp và chia sẻ với mọi người. Trong thời gian ở Học viện Nghệ thuật Miền Bắc, tôi cảm thấy bản thân ngày càng tinh tấn hơn, ngày càng nghiêm túc đối đãi với tu luyện của bản thân.

Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu vào đại học, mọi thứ đột nhiên dường như xuống dốc. Việc thức dậy luyện công mỗi sáng ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì tôi cảm thấy mình cần ngủ. Tôi thường tự nhủ: “Mình sẽ luyện công sau trong ngày”, và thực tế là tôi sẽ đợi đến tối hoặc thậm chí bỏ qua ngày hôm đó. Hơn nữa tôi rất bận rộn với các khóa học, rất khó có thời gian để học Pháp, dù có thời gian vẫn rất khó tập trung chú ý và nhập tâm học Pháp. Nói chung tôi cảm thấy bản thân ngày càng lười, bắt đầu coi tu luyện là hình thức.

Tôi tự hỏi bản thân: Vì sao trạng thái tu luyện của mình đột nhiên khác biệt như vậy? Vì sao cảm thấy không còn tinh tấn như thời trung học phổ thông? Ngay giây phút đó, tôi đã minh bạch. Trong một thời gian dài, tôi đảm nhiệm vai trò người phụ trách Câu lạc bộ Đại Pháp ở trường trung học, tôi không chỉ có nghĩa vụ tham gia học Pháp luyện công tập thể, mà còn có nghĩa vụ không ngừng đề cao bản thân. Rất nhiều bạn bè của tôi và bạn học trong lớp nghệ thuật cũng coi trọng tu luyện. Tôi lấy mục tiêu lên Đại học Phi Thiên là động lực để tinh tấn. Nói chung, mọi hoàn cảnh sinh sống của tôi đều là môi trường để đề cao và tu luyện tinh tấn, luôn có sự khác biệt rõ ràng trong hành vi của người tinh tấn và người không tinh tấn. Thời điểm đó chỉ là nhân tố bên ngoài thúc đẩy tôi tu luyện tinh tấn. Tuy nhiên, cuộc sống đại học chính là phải học cách tự đưa ra quyết định và kiểm soát bản thân. Bây giờ tôi không có sự thúc đẩy của những nhân tố này nữa, vậy nên đã buông lơi bản thân. Có thể nói, tôi chưa bao giờ thực sự dụng tâm tu luyện.

Ngay cả khi nhận ra vấn đề này, tôi vẫn viện những lý do như lịch trình bận rộn, huấn luyện vũ đạo, hoạt động tình nguyện, v.v., để bào chữa cho trạng thái không cải thiện của mình. Vì sợ bị người khác đánh giá, tôi đã che giấu vấn đề này.

Ngay học kỳ đầu, bạn cùng phòng thường nói với tôi rằng, số lần luyện công của tôi không đủ, và khích lệ tôi thức dậy sớm luyện công ít nhất một giờ. Ban đầu tôi rất bối rối, vì bạn cùng phòng hầu như không biết lịch trình sắp xếp của tôi, hơn nữa tôi cho rằng bạn ấy không có quyền bảo tôi nên làm thế nào. Nhưng tôi nhanh chóng thay đổi thái độ, nhận ra đây là điểm hóa của Sư phụ, để tôi bỏ đi tâm lười biếng. Thực chất đây không chỉ là nhắc nhở tôi luyện công, mà còn nhắc nhở tôi phải thực tu ở mọi phương diện trong tu luyện.

Tôi cố gắng quay lại trạng thái tinh tấn trước đây, yêu cầu bản thân ít nhất phải học Pháp, luyện công và phát chính niệm mỗi ngày. Nhưng tôi vẫn phát hiện rằng trạng thái của bản thân lúc tốt lúc xấu. Trong kỳ nghỉ đông, tôi hướng nội tìm bản thân, cố gắng tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Một hôm, tôi đọc đến một câu trong sách “Chuyển Pháp Luân” khiến tôi ấn tượng sâu sắc.

Sư phụ giảng:

“Bởi vì chư vị dập đầu xong, bái sư xong, ra khỏi cửa lại quay lại là chư vị khi xưa, nơi người thường muốn làm gì liền làm nấy, chỉ vì danh lợi của mình mà tranh mà đấu, thì hỏi [dập đầu bái sư] có tác dụng gì?” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận thấy biểu hiện của mình rất giống với những gì Sư phụ giảng. Tôi có thể học Pháp, và đọc cùng mọi người, sau khi rời đi liền không nhớ vừa đọc những gì. Đây là vì tôi coi việc học Pháp như hình thức, chỉ đọc Pháp chứ không thực sự học thấu Pháp. Tôi lý giải rằng, do tôi lý giải Pháp không sâu, cựu thế lực đã lợi dụng điều này như một cái cớ khiến tôi lười biếng và luôn nghĩ đến những điều không cần thiết.

Đọc Pháp là một chuyện, nhưng thực sự lý giải, tiếp nhận và áp dụng tất cả những gì đã đọc vào cuộc sống lại là chuyện khác. Cũng có sự khác biệt khi luyện công theo nhạc và luyện công với sự tập trung và chính niệm.

Sau kỳ nghỉ và trở lại trường, tôi tự nhủ: “Tất cả nội dung mình đọc khi học Pháp, cho dù là chủ đề nào, đều là Pháp của Sư phụ và chắc chắn sẽ hữu ích với mình. Từ giờ trở đi, mình phải hiểu chính xác những gì mình đọc và minh bạch rõ ràng từng câu chữ.” Trong những tháng sau đó, thái độ mới này cho thấy rất hiệu quả.

Ví dụ, có rất nhiều chương trong “Chuyển Pháp Luân” mà trước đây tôi không hiểu lắm, đặc biệt là Bài giảng thứ năm và Bài giảng thứ tám, vì tôi không biết điều này có liên quan gì đến cá nhân người tu luyện, do đó đầu não tôi thường trống rỗng khi đọc những chương này. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ xuân, tôi có thể đọc hai bài giảng trong “Chuyển Pháp Luân” với nhóm mỗi ngày. Tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để giải quyết vấn đề này, và thực sự quả đúng như vậy. Khi đọc đến những chương này, tôi không còn cảm thấy mơ hồ nữa, và có thể lý giải được tất cả những điều đó có liên quan đến tu luyện của tôi như thế nào. Thông qua thực sự học Pháp, tôi càng tín Sư tín Pháp hơn, vì tôi đã hiểu rõ hơn về sứ mệnh của mình và ý nghĩa của việc trở thành một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp. Đệ tử cảm tạ Sư phụ đã ban cho đệ tử cơ hội trở nên tinh tấn hơn nữa.

Kết luận

Theo hiểu biết của tôi, đại học là giai đoạn chuyển tiếp từ thành niên sang người lớn, là giai đoạn khám phá con người thật của mình và làm mới lại con người cũ của mình. Riêng năm nay, tôi cảm thấy những trải nghiệm này giúp tôi trở nên tinh tấn hơn trước, thực sự là một bước tiến lớn trên con đường tu luyện của tôi. Bây giờ tôi đang học đại học, tôi tin chắc rằng đây là lúc tôi phải củng cố hơn nữa niềm tin của mình vào Đại Pháp. Tôi rất biết ơn Sư phụ đã ban cho tôi cơ hội được học ở Cơ sở Middletown của Đại học Phi Thiên, trên con đường tu luyện của mình, tôi (tin rằng) sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ từ các bạn đồng tu nơi đây.

Trên đây là lý giải hữu hạn của tôi, nếu có chỗ nào không phù hợp với Đại Pháp, mong được từ bi chỉ chính.

Cảm tạ Sư phụ!

Cảm ơn đồng tu!

(Bài phát biểu tại Hội chia sẻ tâm đắc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 2024 ở Cơ sở Middletown của Đại học Phi Thiên)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2024/4/10/消除傲慢之心-保持精進-475046.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/12/216558.html

Đăng ngày 25-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share