Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-02-2024] Trong các bài giảng của Sư phụ, Ngài đã đề cập đến tâm tật đố và nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng nếu điều này không được loại bỏ. Sinh ra và lớn lên trong văn hóa Đảng (Đảng Cộng sản Trung Quốc), những người ở Trung Quốc đều có phần nào tính đố kỵ, nhưng tính đố kỵ ở tôi đặc biệt mạnh mẽ.
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi mới nhận ra tâm tật đố ở mình. Dù đã cố gắng hết sức để trừ bỏ chấp trước xấu xa này, nhưng tôi vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn nó được. Hễ tôi không chú ý là nó hiển lộ và sau đó tôi lại hối hận về lời nói và hành động của mình. Tôi thường bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn này và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đề cao trong tu luyện của tôi.
Tôi sinh ra ở nông thôn và bố mẹ tôi thuộc diện trọng nam khinh nữ. Bởi tôi là con gái nên bố mẹ thường ít quan tâm đến tôi. Tôi khá thông minh và thường cố gắng thể hiện vượt hơn người khác để được bố mẹ khen ngợi. Hồi còn đi học, cha tôi nhắc tôi phải học hành chăm chỉ ở trường vì vào được đại học là cách duy nhất để những người ở nông thôn có thể chuyển lên thành phố.
Tôi học tập chăm chỉ và điểm số của tôi thuộc nhóm cao nhất ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Khi tôi học cấp ba, các bạn cùng lớp thường hỏi bài hoặc muốn mượn vở của tôi. Tôi miễn cưỡng giúp họ bởi tôi lo rằng việc đó có thể khiến các bạn học giỏi hơn tôi. Do vậy, những mầm mống của sự đố kỵ, oán giận, hẹp hòi và ích kỷ đã gieo vào lòng tôi.
Tôi nghĩ con gái tôi rất xuất sắc và cháu nên tìm được một người chồng tốt. Tuy nhiên, kết quả không như tôi mong đợi và điều đó làm tôi rất buồn. Tôi không tài nào ngủ được và khóc khi nhìn thấy con gái tôi đau khổ. Tôi có cái tình mạnh mẽ với con gái và không thể ước thúc bản thân như một học viên khi điều không tốt xảy đến với cháu. Khi tôi nhìn thấy con cái của họ hàng tôi có cuộc sống tốt hơn, tôi cảm thấy thật bất công và luôn đo lường mọi thứ bằng quan niệm người thường.
Cảm giác bất bình là biểu hiện của sự ghen tị. Tôi tiếp tục hướng nội và bài trừ những suy nghĩ bất hảo này. Kỳ thực, mối quan hệ giữa con người với nhau là do nhân duyên và nghiệp lực luân báo, tôi nên sử dụng chúng để đề cao trong tu luyện. Đường đời của mỗi người được an bài dựa trên nghiệp lực chứ không phải năng lực của họ. Mọi thứ mà một học viên gặp phải đều có lý do và chúng ta nên nhìn mọi việc từ góc độ của Pháp.
Tâm tật đố của tôi biểu hiện ở nhiều phương diện, như khi người khác nhận được số tiền thưởng lớn hơn, tôi cảm thấy điều đó thật không công bằng; việc lương của chồng tôi thấp hơn tôi cũng khiến tôi bức xúc; anh ấy thường uống rượu và khi say, anh ấy hay nói những điều vô nghĩa, nếu thấy anh ấy nói chuyện với người phụ nữ khác mà không đúng mực, tôi liền tức giận, nghi ngờ và gây gổ với anh.
Sau khi nghỉ hưu, tôi muốn học các kỹ năng về tin học nên đã đến gặp một học viên địa phương để được giúp đỡ. Nhưng anh ấy đã đưa ra những nhận xét khó nghe, miễn cưỡng dạy tôi và tôi cảm thấy thật khó tiếp thu. Sau đó, tôi nhớ lại rằng khi còn đi học, tôi cũng rất ngại giúp đỡ các bạn cùng lớp khi họ hỏi tôi. Đây là cơ hội để tôi đề cao và tôi đã có thể tiếp thu được.
Đối với những học viên chưa tu luyện bản thân, tôi thường giúp đỡ và chia sẻ với họ những nhận thức của mình về Pháp để đề cao chỉnh thể. Sư phụ coi sóc tất cả các học viên và an bài con đường tu luyện cho họ. Tôi chỉ có thể nhìn vào bản thân và tu luyện thật tốt. Khi thấy những thiếu sót ở các học viên khác, cũng có thể thiện ý chỉ ra để chúng ta cùng nhau đề cao.
Thực ra, người tu luyện giống như một tấm gương, khi nhìn thấy thiếu sót ở người khác, bạn nên nhìn lại bản thân xem mình có chấp trước như vậy hay không.
Tôi đã phát chính niệm nhiều lần để trừ bỏ tâm tật đố. Sư phụ thấy tôi thực sự muốn tu bỏ cái tâm này nên Ngài đã giúp tôi và cho tôi thấy những biểu hiện khác nhau của nó. Một lần, khi đang đả tọa, tôi thấy một người phụ nữ có thân thể màu cam và nửa thân trong suốt. Tôi biết thân thể cô ấy chuyển sang màu này là do tật đố. Còn có một lần khác, trong giấc mơ, tôi thấy tâm tật đố giống như một cái cây to, xanh tươi, cao hơn tôi rất nhiều. Nó có cành lá và còn có gai, bộ rễ màu trắng, dài và xù xì. Tôi đào cái cây đó lên, nhổ tận gốc rễ rồi dùng xe chở nó đi tiêu hủy.
Tâm tật đố có liên quan đến nhiều chấp trước khác. Chẳng hạn như bất đồng quan điểm sẽ gây ra tật đố. Nếu một người sống nội tâm và chấp trước vào tình thân quyến cũng có thể dẫn đến tật đố. Rồi những tâm như lợi ích, tranh đấu, sắc dục, đa nghi, an dật, không muốn chịu thiệt, coi mình là trung tâm đều có thể khiến chúng ta trở nên đố kỵ. Mặt khác, nếu chúng ta không tống khứ tâm tật đố, nó có thể gia cường những chấp trước khác, tất cả bổ trợ cho nhau và nguyên nhân sâu xa là đều là tự tư.
Tật đố là con dao hai lưỡi, nó làm tổn thương người khác và cả chính mình. Vì tật đố, cựu thế lực đã lấy cớ khảo nghiệm các đệ tử Đại Pháp mà an bài cuộc bức hại này, can nhiễu việc Chính Pháp của Sư tôn, hủy diệt chúng sinh cũng như hủy diệt chính chúng. Cũng vì tật đố, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc bức hại và do đó đã chọn con đường bị tiêu hủy.
Nếu đệ tử Đại Pháp không tu khứ tâm tật đố thì sẽ không thể tu thành. Chúng ta nhất định phải tu luyện bản thân và phóng hạ tâm tật đố. Người khác có điều gì vui, chúng ta nên mừng cho họ, biết nghĩ cho người khác, tu đi tự tư, và trở thành một sinh mệnh vị tha.
Trên đây là một số thể ngộ của tôi ở tầng thứ hiện tại. Nếu có điều gì không phù hợp mong các đồng tu chỉ chính!
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/25/473564.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/4/15/216595.html
Đăng ngày 23-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.