Bài của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-03-2024] Một cư dân 58 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt cách đây 8 tháng vì đức tin vào Pháp Luân Công, pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Ngày 31 tháng 7 năm 2023, ông Triệu Đức Hoa bị bắt, và hiện đang bị giam tại Trại tạm giam Quận Song Thành ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Chi tiết về việc bắt giữ và tạm giam của ông vẫn đang được điều tra.
Ông Triệu không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Mẹ của ông, bà Vương Anh, và vợ ông, bà Lưu Phượng Kiệt, đều bị bắt vì đức tin của họ. Vợ ông qua đời năm 2001 ở tuổi 38. Mẹ ông qua đời 4 năm sau đó.
Vụ bắt giữ mới nhất của ông Triệu đã giáng một đòn nặng nề vào hai cô con gái của ông, khoảng 26 và 33 tuổi, những người lớn lên chứng kiến việc bức hại của cha mẹ và bà ngoại mình.
Vợ quá cố của ông Triệu, bà Lưu Phượng Kiệt
Mẹ quá cố của ông Triệu, bà Vương Anh
Ông Triệu và hai con gái
Tu luyện Pháp Luân Công
Ông Triệu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, và là con cả trong gia đình có 4 người con. Ông nghỉ học sau khi học hết lớp 9, và bắt đầu làm nông để giúp đỡ bố mẹ. Sau khi lớn lên, ông kết hôn với bà Lưu, cũng giống như ông, là người nóng tính và bướng bỉnh. Bà ấy suốt ngày cãi vã với mẹ chồng. Gia đình họ có rất nhiều xung đột và bất hòa, đôi khi dẫn đến những cuộc ẩu đả.
Số phận của gia đình thay đổi vào ngày 17 tháng 1 năm 1999, khi ông Triệu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bỏ thuốc lá chỉ sau 3 ngày. Vợ và mẹ của ông rất ngưỡng mộ Pháp Luân Công và đã cùng ông tu luyện. Cả hai người phụ nữ đều học cách quan tâm đến người khác nhiều hơn, và không còn cãi vã với nhau nữa. Bà Vương cũng đã khỏi bệnh viêm khí quản, khí thũng và bệnh sa dạ dày giai đoạn cuối.
Ba lần bị bắt trước đây của ông Triệu
Trước lần bức hại gần đây nhất, ông Triệu từng bị bắt 3 lần.
Lần bắt giữ đầu tiên
Ngày 31 tháng 12 năm 2000, ông Triệu, vợ và mẹ ông cùng với 2 con gái nhỏ của họ (lúc đó mới 2 và 9 tuổi) đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Họ đều bị bắt.
Cảnh sát Bắc Kinh dùng thuốc lá dí vào người ông Triệu, và bắt ông phải đứng ngoài trời giá lạnh hơn 5 tiếng đồng hồ. Khi ông kêu gọi họ ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công, họ đã đổ nước sôi vào quần ông để đáp trả. Họ đánh ông thậm tệ đến nỗi đầu ông sưng tấy đến mức biến dạng.
Ngày hôm sau, gia đình 5 người bị đưa trở lại tỉnh Hắc Long Giang. 2 cô con gái được họ hàng đón về, còn 3 người lớn bị giam tại trại tạm giam Số 2 Quận Song Thành, và phải ở lại đó trong dịp Tết Cổ truyền (ngày 24 tháng 1 năm 2001).
2 tháng sau, ông Triệu bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Thị trấn Tân Hưng. (Tình cảnh của vợ và mẹ ông sẽ được trình bày trong phần tiếp theo “Vợ và mẹ qua đời cách nhau chưa đầy 4 năm”). Vào ngày đầu tiên đến đó, trưởng đồn Khổng Khánh Mãn của Đồn Công an Thị trấn Tân Hưng đã chỉ đạo các cảnh sát Trương Vân Long, Vu Chấn Ba, Bạch Xuân Vũ, Quách Vệ Đông và Bạch Ngọc Kiều, cũng như hai tên côn đồ được thuê để bức hại các học viên Pháp Luân Công, để tra tấn ông. Họ đánh đập ông Triệu một cách dã man, khiến tay chân ông sưng tấy. Bàn chân của ông sưng đến mức không thể đi giày. Sau đó, họ còng tay ông vào một ống sưởi để làm ông bị bỏng.
Cảnh sát quay lại vào sáng hôm sau. Họ lột trần ông Triệu, và đánh ông cho đến khi ông gần chết. Sau khi ông hồi phục được một chút, họ lại tiếp tục tra tấn. Cảnh sát Bạch Ngọc Kiều đốt ngực ông bằng một ngọn nến đang cháy. Một cảnh sát khác dùng kim đâm vào ngón tay của ông Triệu, gây chảy máu và đau đớn tột cùng. Họ buộc ông phải giẫm lên bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, và còn dùng ống nhựa cứng đánh ông cho đến khi ông không thể cử động được. Sau đó, họ còng tay ông vào giường.
Vào ngày thứ 4, cảnh sát Bạch Xuân Vũ lại lột trần ông Triệu. Khi thấy trên người ông có nhiều vết bầm tím, Bạch quyết định không đánh ông nữa.
Vài ngày sau, cảnh sát Trương ra lệnh cho ông Triệu viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi ông từ chối tuân thủ, Trương đã để mở cửa sổ để ông chịu cái lạnh thấu xương.
Sau đó, cảnh sát trưởng Khổng tịch thu 300 Nhân dân tệ tiền mặt mà ông Triệu mang theo, nhưng về sau ông Triệu đã lấy lại được 50 Nhân dân tệ.
Ông Triệu bị đưa trở lại trại tạm giam Số 2 Quận Song Thành, nơi ông bị giam trong một phòng ẩm ướt không có ánh sáng mặt trời. Ông bị ghẻ và rất ngứa. 6 tuần sau, ông bị đưa trở lại Trung tâm Tẩy não Thị trấn Tân Hưng.
Giữa tháng 5 năm 2001, cuối cùng ông Triệu được trả tự do. Ông phải nộp phạt 4.000 Nhân dân tệ trước khi được phép rời đi.
Vụ bắt giữ thứ hai
Ngày 1 tháng 3 năm 2002, ông Triệu lại bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam Số 2 Quận Song Thành. Ông phải ở trong một phòng giam chỉ rộng 10 mét vuông với 46 tù nhân khác. Ông bị tra tấn vào ban ngày, và rất khó ngủ vào ban đêm trong điều kiện khủng khiếp như vậy. Ông được trả tự do vào ngày 10 tháng 7 năm 2002.
Vụ bắt giữ thứ ba
Đầu năm 2014, cảnh sát thành phố Cáp Nhĩ Tân kiểm tra các thành phố và quận trực thuộc, và phát hiện nhiều thông điệp Pháp Luân Công được dán trên các bức tường công cộng ở thôn Mẫn Gia Truân, quận Song Thành. Ông Triệu được xác định là “nghi phạm”, và bị bắt vào ngày 25 tháng 4 năm 2014.
Cảnh sát Vương Ngọc Bưu từ Phòng An ninh Nội địa Quận Song Thành, phó trưởng đồn Xa Chiếu Đông từ Đồn Công an Thị trấn Tân Hưng, và chủ tịch Ái Quốc Lương của thôn Mẫn Gia Truân đã đột kích vào nhà ông Triệu. Họ tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin của ông, cũng như 500 Nhân dân tệ tiền mặt.
Ông Triệu bị giam 15 ngày tại trại tạm giam Quận Song Thành. Các con gái của ông bị buộc phải trả 400 Nhân dân tệ tiền ăn uống cho ông trước khi ông được thả.
Vợ và mẹ qua đời cách nhau chưa đầy 4 năm
Sau khi bị bắt cùng với ông Triệu tại Bắc Kinh vào ngày 30 tháng 12 năm 2000, vợ và mẹ ông cũng bị đưa đến trại tạm giam Số 2 Quận Song Thành vào ngày hôm sau. Một tháng sau đó, họ bị chuyển đến Trung tâm Tẩy não Thị trấn Tân Hưng. Khoảng 7 hoặc 8 cảnh sát từ Đồn Công an Thị trấn Tân Hưng đã đến trung tâm tẩy não để tra tấn vợ ông Triệu. Họ đánh đập bà Lưu một cách dã man, và ra lệnh cho bà dẫm lên ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Tuy nhiên bà đã từ chối tuân thủ.
Khoảng cuối tháng 2 năm 2001, sau 50 ngày bị giam tại trung tâm tẩy não, cả bà Lưu và bà Vương đều được thả. Mỗi người còn bị buộc phải nộp phạt 4.000 Nhân dân tệ.
Khi trở về nhà, hai người phụ nữ bàng hoàng khi biết chính quyền địa phương đã tịch thu 2/3 diện tích đất nông nghiệp của gia đình và cho những người dân khác thuê. Sau đó, họ biết rằng chính quyền đã đưa khoản tiền cho thuê 4.000 Nhân dân tệ cho Phòng 610, để trả tiền phạt vì đã để các học viên Pháp Luân Công địa phương khiếu nại ở Bắc Kinh.
Bà Lưu vất vả nuôi 2 con gái và mẹ chồng. Bà bắt đầu phải bán rau để kiếm sống. Ngày 12 tháng 8 năm 2001, trong khi bà đi bán rau thì bị ô tô va phải. Bà đã qua đời không lâu sau đó. Lúc đó, 2 con gái của bà mới 3 và 10 tuổi. Mẹ chồng bà, người cũng bị thương nặng trong thời gian bị giam giữ năm 2001, đã không thể bình phục hoàn toàn và qua đời vào ngày 9 tháng 1 năm 2005.
Chính quyền địa phương vẫn thường xuyên sách nhiễu ông Triệu sau cái chết của vợ và mẹ ông. Nhiều lần ông phải sống xa nhà cùng 2 con gái để tránh bị bắt giữ.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/3/23/474483.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/3/25/216332.html
Đăng ngày 04-04-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.