Theo phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc đại lục
[MINH HUỆ 12-02-2012] Nằm trên đường Học Hải ở quận Đại Cảng, Nhà tù Cảng Bắc (hiện có tên là Nhà tù Tân Hải) đã tra tấn hơn 100 học viên Pháp Luân Công. Với sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các cai ngục đã bức hại học viên bằng nhiều cách khác nhau, trực tiếp hay thông qua lôi kéo các tù nhân. Cai ngục Trương Sĩ Lâm là thủ phạm chính trong việc giết hại học viên Lý Hy Vọng.
Một học viên khác, anh Chu Hướng Dương, là một kỹ sư ở Học viện Thiết kế và thăm dò số 3 thuộc Cục đường sắt Thiên Tân. Bị kết án phi pháp chín năm tù, anh bị giam tại Nhà tù Cảng Bắc, nơi anh bị tra tấn tàn khốc. Những tra tấn mà anh đã trải qua bao gồm bị sốc điện bằng dùi cui điện trong cả đêm, khiến cho anh bị bỏng nghiêm trọng và bị sẹo ở hai tay, chân và đằng sau tai; bị cấm ngủ liên tục trong 30 ngày đêm, và bị tra tấn theo tư thế mỏ neo trong thời gian kéo dài, với thời gian lâu nhất là bốn tháng.
Học viên Phàn Kiến Minh, người đã bị cai ngục Trương Sĩ Lâm trực tiếp tra tấn, kể cả tra tấn bằng tư thế mỏ neo, gần đây mới được thả khỏi Nhà tù Cảng Bắc, nơi ông đã bị tra tấn trong chín năm. Dưới đây là đơn kháng cáo của ông gửi đến Tòa án:
Gửi đến những người có liên quan ở Phòng tư pháp:
Tên tôi là Phàn Kiếm Minh, tôi sống ở quận Vũ Thanh, Thiên Tân. Vì duy hộ quyền tự do tín ngưỡng của mình, tôi đã bị giam cầm ở Nhà tù Cảng Bắc trong chín năm. Trong nhiều tháng qua, những thông tin về nhà tù đã khiến tôi nhớ lại những tra tấn mà tôi đã trải qua. Học viên Pháp Luân Công, ông Lý Hy Vọng đã bị tra tấn đến chết do bị còng theo kiểu tư thế mỏ neo trong mười ngày (tôi cũng từng là nạn nhân của kiểu tra tấn này). Gia đình anh Chu Hướng Dương đã cố gắng kháng cáo lên tòa án địa phương về những đòn tra tấn mà anh phải chịu đựng ở nhà tù, nhưng họ không chỉ từ chối điều tra, mà còn thông đồng với nhà tù ngăn cản luật sư đến gặp anh Chu. Vợ anh Chu là cô Lý San San, người từng được vinh dự nhận giải thưởng “Người con gái xuất sắc của Đường Sơn” (một giải thưởng cấp chính phủ cho những phụ nữ xuất chúng), đã bị kết án hai năm lao động cưỡng bức chỉ vì cô đi kháng cáo cho chồng mình.
Tôi đã ký vào đơn kháng cáo cùng với chín học viên Pháp Luân Công khác, những người đã phải chịu đòn tra tấn như vậy ở Nhà tù Cảng Bắc. Những miêu tả của tôi về cuộc bức hại và thái độ của cai ngục Trương Sỹ Lâm là sự thật. Tuy nhiên, chúng tôi đã không nhận được tin gì từ kiểm sát viên tới những người mà chúng tôi nộp đơn kháng cáo thông qua luật sư của chúng tôi vào hai tháng trước.
Cai ngục Trương Sỹ Lâm đã phạm nhiều tội ác nghiêm trọng, nhưng lại không có hành động pháp lý nào được thực hiện để ngăn chặn hay trừng phạt ông ta. Có thông tin rằng ông ta đã được bổ nhiệm một công việc mới, khiến chúng tôi lo ngại rằng nhà tù đang âm mưu bảo vệ ông ta, một nghi can giết người.
Thông tin mới nhất về anh Chu Hướng Dương là anh đang ở trong cơn nguy kịch và viên chức ở nhà tù phải đưa anh đi nhập viện để điều trị trong 15 ngày. Tuy nhiên, họ vẫn không thả anh Chu để điều trị. Tôi thấy cần phải nói ra một lần nữa và làm những gì có thể để vạch trần những kiểu tra tấn tại Nhà tù Cảng Bắc, và để ngăn chặn những hành vi tội ác tại đó.
Sau đây là chi tiết về nhiều kiểu tra tấn mà tôi đã trải qua ở Nhà tù Cảng Bắc. Cai ngục Trương Sỹ Lâm là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Những kiểu tra tấn hàng ngày bao gồm buộc phải đứng trong thời gian kéo dài, cấm dùng nhà vệ sinh, và buộc phải ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài mà không được cử động.
Những quyền con người cơ bản của học viên Pháp Luân Công đã bị tước đi nhằm khiến họ đau khổ, với hy vọng bắt ép học viên phải từ bỏ niềm tin tinh thần của họ. Lấy ví dụ, đi vệ sinh hàng ngày cũng bị hạn chế, và thời gian để đi vệ sinh cũng bị giới hạn – một phút rưỡi cho đi tiểu và ba phút cho đi đại tiện. Cai ngục sẽ bắt các nạn nhân phải rời khỏi nhà vệ sinh khi thời gian kết thúc. Mục đích là làm giảm ý chí của học viên.
Tôi cũng trải qua một loại tra tấn điển hình ở Nhà tù Cảng Bắc, tư thế mỏ neo, vốn đã gây ra cái chết của ông Lý Hy Vọng, đây cũng là việc khiến gia đình anh Chu kiện nhà tù.
Trong lần gia đình đến thăm tôi vào năm 2005, tôi đã nói về việc trở thành người tốt bằng cách tuân theo các nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn”. Cai ngục Cao Bội Chí đã nghe trộm tôi và ngay lập tức dừng cuộc nói chuyện của tôi lại vì tôi đã nói về Pháp Luân Công. Trương Sỹ Lâm cũng hét lên với tôi “Phàn Kiếm Minh, ông thật thái quá!” Thực ra, thái độ phi lý của họ mới là thái quá. Tôi bị sáu tù nhân lôi đi, những người được cai ngục ra lệnh đưa tôi vào một phòng biệt giam nhỏ.
Phòng biệt giam chỉ rộng vài mét vuông, tường và sàn thì được bọc bằng xốp và cao su. Có một cái vòng sắt lớn ở giữa sàn, được gọi là mỏ neo. Hai tay và chân tôi bị còng vào cái vòng đó trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, và khiến tôi không thể ngồi, đứng, hay nằm xuống. Tôi cũng không biết tôi đã chịu đựng điều đó trong bao lâu. Mỗi phút trôi qua giống như cả một đời và những đau đớn gây ra bởi tư thế này chỉ khiến cho nạn nhân muốn chết. Những thủ phạm là tù nhân đã kéo hai chân tôi về phía trước để gia tăng đau đớn, trong lúc lăng mạ tôi. Đội trưởng đội tù nhân, Tôn Hồng Cương đã nói với tôi “Đội trưởng Trương Sỹ Lâm nói rằng chúng tôi không phải lo khi ông không từ bỏ niềm tin của ông. Nếu ông không chuyển hóa trong năm đầu, chúng tôi sẽ tra tấn ông trong năm tiếp theo, và sau đó là năm thứ ba. Chúng tôi có nhiều thời gian để đối phó với ông.” Họ không ngừng tra tấn tôi đến nửa đêm, và sau đó tôi bị đánh thức lúc 5 giờ sáng và bị đưa về sàn mỏ neo. Điều đó đã kéo dài từ 10 đến 14 ngày.
Tôi đã tuyệt thực để phản đối tra tấn, nhưng đã bị bức thực dã man và bị đe dọa. “Nếu ông không hợp tác với chúng tôi, chúng tôi sẽ mổ phanh bụng theo cách không làm ông chết mà chỉ làm đau đớn thôi.”
Còn có nhiều trường hợp tra tấn ở Nhà tù Cảng Bắc. Tôi hy vọng Phòng tư pháp có thể duy hộ công lý và điều tra những tội ác của Trương Sỹ Lâm, Lý Quốc Vũ, và nhiều cai ngục khác.
Đương đơn:
Phàn Kiến Minh
_____________________________
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/2/12/酷刑受害人要求追查天津市港北监狱不法警察-252967.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/2/27/131783.html
Đăng ngày 26-3-2012; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.