Bài viết của Chung Duyên
[MINH HUỆ 10-02-2012] Trong vài tuần gần đây, có thông tin là hai viên chức cấp cao của ĐCSTQ, Vương Lập Quân và Bạc Hy Lai, đã có mâu thuẫn với nhau. Cuộc đấu đá quyền lực giữa họ hiện là một trong những đề tài được bàn tán nhiều nhất của người dân Trung Quốc. Khi những dữ kiện về việc tham nhũng được tiết lộ, có vẻ như rốt cuộc họ sẽ phải đối mặt với công lý.
Bất kể kết quả là thế nào, có một điều chắc chắn là: Cả hai người này đã rất tích cực và xông xáo tham gia đàn áp Pháp Luân Công. Trong hơn mười năm qua, ở những nơi họ làm việc, thì cuộc đàn áp Pháp Luân Công được tăng cường và khốc liệt hơn. Vương và Bạc được đưa tin là đã bố trí các cuộc bắt giữ hàng loạt và chịu trách nhiệm về việc tẩy não, tra tấn, và bỏ tù nhiều người.
Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân đều là những đạo diễn đằng sau cuộc tẩy não trên diện rộng các học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh.
Theo các báo cáo của website Minh Huệ (phiên bản Hán/Anh ngữ), Bạc Hy Lai đã bỏ 17 tỷ nhân dân tệ để lắp đặt 500.000 camera sau khi ông ta đến nhận công tác ở Trùng Khánh vào năm 2007. Năm 2009, Bạc Hy Lai chỉ định Vương Lập Quân làm trưởng phòng công an thành phố Trùng Khánh. Các báo cáo về việc bắt giữ, tra tấn và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh đã gia tăng.
Theo các báo cáo của Minh Huệ (Hán Ngữ), ông Bạc tuyên bố sẽ đẩy mạnh nỗ lực khiến các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Ông ta đã thu ngắn kế hoạch ba năm từ 2010 đến 2012 xuống thành hai năm để có kết quả thuận lợi và có lợi về chính trị. Trong thời gian Bạc Hy Lai tại chức ở Trùng Khánh, có gần 20 học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết.
Trong năm 2011, hơn 360 học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh phải đối mặt với nhiều mức độ bức hại khác nhau. 227 người trong số đó đã bị bắt ,22 người bị kết án lao động cưỡng bức, và hơn 70 người bị sách nhiễu hay bị công an hoặc viên chức ở chính quyền địa phương đe dọa. Công an đã lục soát hầu hết nhà của học viên. Ở một số quận huyện, mỗi học viên Pháp Luân Công đều trở thành nạn nhân.
Cùng với công an địa phương, nhiều người đã được thuê để giám sát các học viên suốt ngày đêm. Năm 2009, có 188 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, giam cầm, hay bị lục soát nhà. Sáu người bị tra tấn đến chết, 18 người bị bắt giam, 76 người bị giam cầm tại các trại lao động cưỡng bức, và năm người bị đưa đến các bệnh viện tâm thần.
Lấy ví dụ, ông Thang Nghị, một kỹ sư đường sắt cấp cao sống tại thị trấn An Cư, xã Đồng Lương, thành phố Trùng Khánh, phải đối mặt với việc giam cầm trong thời gian dài vì niềm tin của ông vào Pháp Luân Công, theo như website Minh Huệ đưa tin. Ông bị tra tấn bằng nhiều cách thức dã man. Tháng 04 năm 2009, ông Thang đã bị liệt từ vùng thắt lưng trở xuống, không kiểm soát được việc tiểu tiện, nửa người dưới của ông đã bị lở loét. Ông qua đời ở tuổi 46 vào ngày 22 tháng 09 năm 2009, do kết quả của việc bị tra tấn.
Ông Lưu Quang Đệ, một kỹ sư cấp cao ở tuổi 60, là một nạn nhân khác trong cuộc đàn áp ở Trùng Khánh. Ông đã bị bắt trong Kỳ Thế Vận Hội 2008 và bị kết án một năm tại Trại lao động cưỡng bức Tây Sơn Bình. Ông bị tra tấn dã man và bị bức thực bằng nhiều loại thuốc không rõ tên. Ông bị ốm rất nặng và qua đời vào ngày 25 tháng 09 năm 2010, kết quả của việc bị tra tấn trong thời gian ông bị giam ở trại.
Bạc Hy Lai đang đối mặt với những vụ kiện cáo buộc ông ta về tội ác diệt chủng và tra tấn ở nhiều nước.
Với vai trò của ông ta trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, Bạc Hy Lai đang đối mặt với nhiều vụ kiện cả về dân sự và hình sự ở 12 nước. Một tòa án Australia đã phán quyết ông ta có tội trong một phiên xử mà ông Bạc từ chối tham dự. Tháng 11 năm 2009, một tòa án Tây Ban Nha đã khởi tố Bạc Hy Lai với tội danh tra tấn và diệt chủng.
Năm 2004, Cảnh sát kỵ binh hoàng gia Canada đã thêm 45 viên chức chính quyền Trung Quốc vào danh sách giám sát vì liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Viên chức chính quyền Trung Quốc có thể đối mặt với việc bị từ chối nhập cảnh vào Canada, trả về nước, hay bị kiện. Bạc Hy Lai cũng có tên trong danh sách này. Có thông tin rằng Bạc Hy Lai dự định tháp tùng ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Mỹ và Canada của ông ta vào năm 2005, nhưng ông Bạc đã không tham gia chuyến đi vì cá nhân ông ta đã bị khởi tố trong chuyến đi của ông ta một năm trước đó.
Theo các báo cáo của website Minh Huệ, Bạc Hy Lai đã chỉ đạo bắt giữ, giam cầm và tra tấn các học viên có hệ thống, trong lúc ông ta là Chủ tịch thành phố Đại Liên. Kết quả là, Đại Liên trở thành một trong những thành phố mà cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công diễn ra tàn khốc nhất. Trại lao động cưỡng bức Đại Liên, là nơi khét tiếng về tra tấn và ngược đãi tình dục các học viên Pháp Luân Công, được các viên chức ĐCSTQ tán dương là một trong những “tập thể tiên tiến” nhất về “đạt được thành tích trong việc cải tạo chuyển hóa”. Phòng công an Đại Liên được trao tặng bằng khen cấp một vì đạt thành tích trong việc đàn áp Pháp Luân Công.
Theo như Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công, trong lúc Bạc Hy Lai đang nhậm chức ở tỉnh Liêu Ninh, một trong những đợt đàn áp Pháp Luân Công dã man nhất đã diễn ra tại đây. Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia và Trại lao động cưỡng bức Đại Liên là những nơi nổi tiếng trong việc sáng kiến ra những cách thức tra tấn và áp dụng lên những học viên bị giam cầm.
Cựu nghị sỹ Canada và bộ trưởng bộ ngoại giao Canada (về Châu Á – Thái Bình Dương) David Kilgour đã trích dẫn một bằng chứng trong báo cáo của ông về việc thu lấy nội tạng sống của ĐCSTQ vào ngày 24 tháng 05 năm 2007: “Vợ của một bác sỹ phẫu thuật đã tiết lộ về việc thu lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công sau khi chồng bà thú nhận đã mổ lấy giác mạc từ 2.000 học viên Pháp Luân Công ở một bệnh viện thuộc tỉnh Liêu Ninh trong lúc Bạc Hy Lai là Chủ tịch tỉnh.” Vương Lập Quân trực tiếp chịu trách nhiệm về hành động mổ lấy nội tạng của các học viên Pháp Luân Công
Theo một nhân chứng, trong lúc Vương Lập Quân là trưởng phòng công an Cẩm Châu, ông ta đã đạo diễn và bố trí các cuộc bắt giữ trên diện rộng các học viên Pháp Luân Công.
Ví dụ, sáng sớm ngày 25 tháng 02 năm 2008, công an ở Cổ Tháp, Lăng Hòa và Thái Hòa đã đồng thời bắt giữ gần 30 học viên. Họ lục soát nhà học viên và tịch thu tài sản cá nhân của học viên, cùng với số tiền hơn 100.000 nhân dân tệ. Lục Hạo, một công an ở Phòng công an Thái Hòa, đã chất vấn bà Lưu Phượng Mai, ông Khúc Thành Nghiệp, và ông Hoàng Thành một cách tàn nhẫn. Ông Hoàng sau đó bị tra tấn đến chết tại nhà tù Bàn Cẩm ở tuổi 56.
Những chứng cứ chỉ ra rằng Vương Lập Quân cũng tham gia vào việc mổ lấy nội tạng. Vào năm 2002, một nhân chứng, người đã làm việc cho bộ máy công an ở tỉnh Liêu Ninh lúc đó, đã tham gia các cuộc bắt giữ phi pháp và tra tấn các học viên Pháp Luân Công (xin xem tham khảo [1]). Nhân chứng là một công an bảo vệ có vũ trang lúc đó và đã chứng kiến hai bác sỹ phẫu thuật của quân đội đã mổ lấy nội tạng từ một học viên Pháp Luân Công nữ còn sống. Ngày 09 tháng 04 năm 2002, Phòng công an tỉnh Liêu Ninh đã cử hai bác sỹ phẫu thuật của quân đội, một người từ Bệnh viện đa khoa quân y Thẩm Dương, thuộc Quân giải phóng nhân dân và một người khác tốt nghiệp Đại học quân y số 2. Họ chuyển một học viên đến Bệnh viện đa khoa quân y Thẩm Dương. Trong lúc nữ học viên đó hoàn toàn tỉnh táo, không cần dùng bất kỳ phương thức gây mê nào, họ đã mổ lấy tim, thận, và các nội tạng khác. Việc cướp mổ nội tạng là do Vương Lập Quân, trưởng phòng công an Cẩm Châu định đoạt.
Nhân chứng nói rằng ông đã nghe Vương Lập Quân nói chúng ta “phải nhổ rễ tất cả [các học viên Pháp Luân Công]” (xin xem tham khảo [1]). Trước đó nhân chứng cũng từng bắt và tra tấn các học viên Pháp Luân Công trước khi ông thực hiện các báo cáo. Nhiều cơ quan ở tỉnh Liêu Ninh đã bức hại dã man các học viên Pháp Luân Công. Theo website Minh Huệ, đã có 406 trường hợp các học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã chết ở tỉnh Liêu Ninh.
Trong một bài báo có tựa đề “Một nghiên cứu thực nghiệm về các cơ quan nội tạng sau khi bị tiêm thuốc.” Vương Lập Quân được liệt kê là một đồng tác giả dù ông ta không có kiến thức về y khoa. Phải chăng ông ta có tên vì là người cung cấp những cơ thể người cho việc nghiên cứu?
Ở Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh, ít nhất 500 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt. 71 người bị tra tấn đến chết, và hơn 30 người bị tàn tật, theo báo cáo của website Minh Huệ.
Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo
Theo một báo cáo sức khỏe ngẫu nhiên từ Phòng công an Trung Quốc, hơn 70% người trong lực lượng công an đã không có đủ sức khỏe, 30% công an bị bệnh tim, 40% công an bị huyết áp cao, 30% công an bị bệnh dạ dày, 20% thì bị viêm khớp và 16% bị bệnh viêm gan. 80% những người được khảo sát nói rằng họ muốn thôi việc.
Gần đây, sau khi Vương Lập Quân đến thăm Đại học quân y số 3 ở Trùng Khánh, một blogger người Trung Quốc (chưa rõ nguồn thông tin) đã đăng một số phát hiện. Người này viết rằng Vương Lập Quân chỉ ngủ 2 đến 3 tiếng mỗi ngày và sợ đến nỗi phải để đèn ngay cả khi ngủ. Ngoài ra Vương sau đó đã trở nên kích động và có những ý nghĩ tự sát.
Vài người đã bình luận trên mạng “Vương Lập Quân đã giết quá nhiều người và làm quá nhiều chuyện xấu. Giờ thì ông ta đang chịu quả báo.”
Tham khảo:
[1] Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công công bố báo cáo trường hợp về cuộc đàm thoại với nhân chứng mổ cắp tạng (https://vn.minghui.org/news/12886-woipfg-cong-bo-bao-cao-truong-hop-ve-cuoc-dam-thoai-voi-nhan-chung-mo-cap-tang.html )
_______________________
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/2/10/王立军、薄熙来同为群体灭绝罪犯-252920.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/2/23/131651.html
Đăng ngày 14-3-2012; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.