Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở New England

[MINH HUỆ 25-05-2023]

Kính chào Sư phụ! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào cuối năm 2019, khoảng vài tháng trước khi đại dịch bắt đầu. Ngẫm lại mọi chuyện đã qua, dường như tôi chỉ tiến gần đến Pháp Luân Đại Pháp mà chưa thật sự bước vào. Sau đó, tôi mới nhận ra rằng mọi thứ đều được Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) an bài từ khi tôi còn nhỏ.

Bắt đầu hành trình tu luyện

Từ khi còn là một cô bé, tôi nhớ mình đã muốn quy tụ tất cả những người tốt mà tôi biết và đưa họ đến một hòn đảo để xây dựng thế giới riêng. Sau khi tôi bắt đầu tu luyện và hiểu được ý nghĩa sâu sắc hơn của Pháp Luân Đại Pháp, trong khi đọc Pháp, những lời giảng của Sư phụ đã khiến tôi cảm động sâu sắc:

Sư phụ giảng:

“Bản lai của không gian vũ trụ là lương thiện, là mang đầy đủ chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn; con người sinh ra cùng với vũ trụ là đồng tính.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhớ lại những suy nghĩ thời thơ ấu của mình và giờ đây có một cảm giác sâu sắc khi biết được rằng vũ trụ là từ bi.

Từ khi còn là một cô bé, tôi đã muốn tất cả thế giới cùng làm một việc gì đó và xem nó sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ như thế nào. Lần đầu tiên khi học cách phát chính niệm, tôi thực sự có thể cảm nhận được trường năng lượng mạnh mẽ của tất cả các học viên khi họ thanh lý các nhân tố tà ác.

Khi học bài công pháp thứ năm, tôi nhớ những gì Sư phụ đã giảng:

“Khi chúng ta luyện công, chư vị không nghĩ việc tốt, thì cũng không thể nghĩ việc xấu; tốt nhất là đừng nghĩ gì hết.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhớ đến cô bé đó và nó mang lại cho tôi cảm giác ấm áp về sự kết nối với Sư phụ từ khi tôi còn nhỏ.

Khi từ Nga đến Hoa Kỳ vào năm 2007, một trong những địa danh đầu tiên tôi đến thăm là Boston Common. Tôi nhớ rằng ngay khi bước vào đó, tôi đã quyết định ở lại Mỹ. Tôi chưa từng gặp các học viên ở đó. Nhưng sau nhiều năm, tôi nhận ra có lẽ chính trường năng lượng mạnh mẽ mà các học viên phát ra đã thu hút tôi.

Cuối cùng, chúng tôi đã tìm thấy Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2017 tại London khi nhận được một tờ rơi về mổ cướp nội tạng gần Đại sứ quán Trung Quốc. Mặc dù sau đó tôi đã quên đi, nhưng nó lại sống lại một cách sống động khi tôi xem bộ phim Ánh nến bên kia phố. Ngày hôm đó khi tôi nhận được tờ thông tin, chồng tôi, đứa con trai 7 tháng tuổi Adrian, em gái của chồng tôi và tôi đang đi đến Bảo tàng Anh. Ngay trước khi băng qua đường, chúng tôi đi ngang qua một gian hàng màu vàng và các học viên đưa cho chúng tôi một tờ thông tin. Khi biết về mổ cướp nội tạng, tôi đã chia sẻ ngắn gọn với chồng tôi và em gái của anh ấy. Chúng tôi đã không tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp ngày hôm đó. 18 tháng sau, em gái của chồng tôi bắt đầu tu luyện ở Argentina và sau đó hướng dẫn cho chồng tôi. Cuối cùng thì tôi cũng bắt đầu tu luyện vào cuối năm 2019, khi chị dâu nói với tôi rằng môn tu luyện sẽ giúp tôi giải quyết vấn đề sức khỏe mà tôi đang gặp phải như biến chứng sau sinh. Không bác sĩ nào có thể chữa trị căn bệnh này vì không ai tìm ra nguyên nhân. Tôi nhớ rất rõ lời của chị ấy: “Pháp Luân Đại Pháp có thể giúp em.”

Bây giờ khi nói với mọi người về môn tu luyện, tôi biết rằng mặc dù một người có thể không bắt đầu tu luyện ngay, nhưng mỗi lời nói, mỗi tờ rơi chúng ta chia sẻ, mỗi bông hoa sen chúng ta tặng và mỗi bài Công Pháp chúng ta tập bên ngoài, đều là một phần trên con đường tu luyện của người ấy trong tương lai, người mà một ngày nào đó sẽ nhìn lại từng bước đi, từng lời nói, từng đóa hoa sen đã đưa mình đến với Đại Pháp. Và chúng ta không nên xem nhẹ tầm ảnh hưởng chúng.

Buông bỏ chấp trước vào bệnh tật

Mặc dù ban đầu tôi tu luyện vì để chữa bệnh, nhưng sau đó tôi nhanh chóng nhận ra ý nghĩa lớn lao hơn của Pháp Luân Đại Pháp và chấn động sâu sắc. Tuy nhiên, sau gần một năm đọc Pháp và luyện công, tình trạng của tôi vẫn không cải thiện, tôi cứ nghĩ rằng mình đã làm không đúng.

Một ngày nọ, tôi bị sốc khi đột nhiên nhận ra rằng lý do mà bệnh tình của tôi không khỏi là vì tôi thậm chí còn chưa bắt đầu tu luyện! Khi tôi đọc phần “Vấn đề hữu sở cầu,” Sư phụ giảng:

“Có nhiều người ôm giữ tâm hữu cầu đến gia nhập trường tu luyện của chúng tôi. Có người ôm giữ [tâm] cầu công năng, có người muốn nghe ngóng lý luận, có người mong [được] trị bệnh, cũng có người muốn đến để có Pháp Luân; tâm thái nào cũng có.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng trong thâm tâm, tôi đã đo lường “sự thành công” trong tu luyện của mình như thế nào bằng một tiêu chuẩn thấp đến mức chỉ đơn giản là khỏi bệnh và theo cách nghĩ như vậy, tôi đã không thực sự tu luyện. Thay vào đó, tôi chỉ cố gắng chữa bệnh và giữ dáng. Sau đó, tôi hiểu rằng tôi phải lựa chọn hoặc tiếp tục tin vào sự tồn tại của căn bệnh của mình hoặc thực sự tin vào việc tu luyện tâm tính của mình .

Chỉ khi tôi bắt đầu tập trung vào Chân-Thiện-Nhẫn, thực sự đề cao bản thân và ngừng nghĩ về “bệnh tật” của mình, thì tôi mới hoàn toàn bình phục. Thật kỳ diệu, tôi đã hạ sinh một cô con gái bé bỏng. Trong khi, chỉ một năm trước, tất cả các bác sĩ và chuyên gia khám cho tôi ​​đều cho rằng điều này là không thể.

Buông bỏ tâm sợ hãi

Khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi đang giảng dạy tại một trường cao đẳng và phải xin nghỉ phép vì lý do sức khỏe. Đó là tối thứ Sáu. Hầu như tất cả mọi người rời khỏi nhà vào cuối tuần. Tôi tự hỏi tại sao mình không thể trân trọng gia đình hơn công việc. Khi tôi làm một dự án quan trọng và mẹ tôi gọi, tôi không bao giờ ưu tiên cho mẹ.

Trong thâm tâm, tôi luôn ghen tị với những người chân thành coi trọng gia đình hơn công việc, nhưng dù có làm gì thì tôi cũng không thể thay đổi quan niệm sống của mình. Tôi tin rằng không có cách nào làm một người thay đổi và chúng ta đều bị bó buộc bởi tính cách của mình. Điều tôi thực sự không biết là quan niệm của một người thực sự có thể thay đổi nhanh như thế nào khi họ thực sự tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi chính thức rời bỏ công việc giảng dạy toàn thời gian của mình sau một năm bắt đầu tu luyện và ngay ngày hôm sau bệnh của tôi đã khỏi. Kể từ đó, tôi ở nhà chăm sóc hai đứa con và làm việc tại nhà. Mặc dù tôi đã quen với việc làm nhiều và ngủ ít do lịch làm việc và học tập bận rộn trong thời gian học xong, nhưng điều khó khăn nhất đối với tôi bây giờ là cân bằng giữa việc chăm sóc gia đình, công việc, học Pháp, luyện công và giảng chân tướng. Mặc dù tôi vẫn chưa đạt được sự cân bằng hoàn hảo, nhưng trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng này, một số nhận thức trong Pháp đã giúp tôi có những bước đột phá lớn trong quá trình tu luyện của mình.

Đầu tiên là phát hiện ra tâm sợ hãi. Trước khi con gái chúng tôi chào đời, tôi thường thức dậy sớm để luyện bài công pháp thứ năm. Nhờ vậy, tôi đã nhẹ nhàng và tử tế suốt cả ngày, tôi có thể giữ vững tâm tính của mình tốt hơn. Chồng tôi và tôi (và đôi khi là con trai của chúng tôi) đọc các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp với nhóm trên mạng. Chúng tôi đã cố gắng duy trì cùng một thói quen sau khi con gái chào đời, nhưng dù cố gắng đến đâu, tôi vẫn không thể quay lại lịch trình cũ. Trên thực tế, việc theo đuổi cái gọi là tinh tấn, đang phản tác dụng. Tôi khó chịu với con trai mình nếu nó làm ồn và đánh thức em gái khi tôi cố gắng luyện bài công pháp thứ năm vào buổi sáng; hoặc khi con trai đánh thức tôi vào ban đêm để đòi thứ gì đó hoặc chỉ khóc mà không có lý do. Tôi sẽ kiệt sức vào buổi sáng đến nỗi không thể dậy sớm để luyện công. Sau đó tôi sẽ lại khó chịu với cậu bé.

Cuối cùng tôi nhận ra rằng tôi thực sự luyện công vì sợ trượt khảo nghiệm tâm tính vào ban ngày. Tôi nhận ra rằng đây là một cái bẫy cản trở tôi chân tu: Khi có điều gì đó không như ý muốn, hoặc khi tình huống trở nên khó khăn, thay vì giữ vững tâm tính hoặc hướng nội, tôi lại ngay lập tức đổ lỗi cho bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai làm ảnh hưởng việc tôi luyện công vào buổi sáng.

Buổi tối cũng vậy: Nếu tôi không đọc hết được một bài giảng, tôi sẽ luôn coi đó là lý do để không thể hành xử như một người tu luyện. Nhưng tôi càng cố gắng sắp xếp lịch trình của mình để tiếp tục luyện công và học Pháp thì tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Con gái tôi khóc không ngừng ngay khi tôi bắt đầu đọc và con trai tôi thức dậy nhiều hơn vào ban đêm và cư xử ngày càng giống một đứa trẻ. Sau đó tôi nhận ra rằng tôi đang coi việc đọc các bài giảng và luyện các bài công pháp như một cách để tránh xa sự can nhiễu của cựu thế lực trong khi tôi đã không thực sự cố gắng tu luyện chính mình.

Sau khi học Pháp, tôi cảm thấy xấu hổ vì mình đang sử dụng sức mạnh của Đại Pháp chỉ để tránh khổ nạn và sống thoải mái.

Sau khi nhận ra điều này, tôi đã ngừng tìm cách sắp xếp một ngày của mình tốt hơn để tránh khổ nạn. Thay vào đó, tôi chỉ đọc và thực hành bất cứ khi nào có cơ hội. Bất cứ khi nào có thể, tôi đều đọc hoặc luyện công cùng chồng con. Đó thường là thời điểm tôi bình tĩnh và tập trung nhất vì tôi biết rằng mình không trốn tránh bất kỳ trách nhiệm nào hay làm điều đó vì sợ hãi. Do đó, ngay cả khi tôi không đọc hết được một bài giảng hay không luyện công đủ một giờ, thì trạng thái bình tĩnh đã cho phép tôi ngộ Pháp sâu hơn.

Một nhận thức khác về Pháp đã giúp tôi đề cao là nhận thức được rằng khổ nạn không chỉ ra mức độ nghiệp lực của tôi, mà khả năng vượt qua khổ nạn với sự trầm tĩnh, từ bi mới là chỉ báo cho sự tiến bộ trong tu luyện của tôi.

Tôi cố gắng đọc Pháp trên điện thoại hầu như mỗi sáng với chồng tôi, con trai tôi và chị dâu tôi trong khoảng 30 phút trước khi chồng tôi đi làm. Nhiều lần con gái tôi bắt đầu khóc vì có điều gì đó làm phiền con bé hoặc tất cả chúng tôi đều cảm thấy mệt mỏi vì có điều gì đó khó chịu vào ban đêm với những đứa trẻ không được khỏe hoặc con trai tôi đánh thức con gái chúng tôi.

Bất cứ khi nào điều này xảy ra trước đây và chúng tôi không thể tiếp tục học hoặc chúng tôi phải đợi trong khi tôi trấn an con bé, tôi sẽ cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng chồng tôi và chị gái của anh ấy chắc chắn sẽ nghĩ rằng việc con gái tôi khóc là phản ánh trạng thái tu luyện kém của tôi và rằng tôi có rất nhiều nghiệp lực. Nhưng một buổi sáng, tôi rất buồn không chỉ vì một lần nữa chúng tôi không thể đọc chỉ trong nửa giờ, mà còn vì tôi không cho chồng và chị dâu tiếp tục đọc mà không có tôi. Sau đó, tôi bắt đầu hướng nội và đột nhiên nhận ra rằng khổ nạn không biểu thị trạng thái tu luyện của tôi, mà cách tôi xử lý chúng mới thể hiện tôi tu luyện như thế nào.

Thông qua việc học Pháp, tôi hiểu rằng tôi không nên tập trung vào loại khổ nạn nào giáng xuống mình, mà nên tập trung vào cách vượt qua nó.

Và tìm hiểu sâu hơn một chút, tôi thấy đằng sau hành vi của mình là nỗi sợ mất mặt. Tôi nhận ra rằng tôi đã làm hầu hết mọi việc vì sợ hãi: tôi sợ phạm sai lầm, sợ mọi người chỉ trích mình, sợ tu luyện chậm hơn người khác, hoặc sợ không viên mãn. Không phải vì từ bi, mà vì sợ hãi—điều đó không đúng, Khi lần đầu tiên nhìn thế giới mà không sợ hãi, tôi cảm thấy cơ thể mình giống như không khí, mọi thứ trở nên sáng sủa hơn, tôi cảm thấy hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn, tất cả những cảm giác tiêu cực ngay lập tức biến mất.

Làm mẹ là trách nhiệm thiêng liêng

Hiểu được trách nhiệm của mình là một nhận thức sâu hơn về Pháp và là sự thăng hoa trong tu luyện của tôi. Khi tôi bắt đầu học thuộc Pháp, điều đầu tiên tôi chú ý đến là đoạn Sư phụ giảng về trách nhiệm trong bài giảng thứ nhất.

Sư phụ nói:

“Trong toàn bộ quá trình truyền Pháp, truyền công tôi có bổn ý là có trách nhiệm với xã hội, có trách nhiệm với học viên” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nghĩ rằng nhiều khổ nạn mà tôi không thể vượt qua là do tôi thiếu trách nhiệm. Cách vận hành của xã hội ngày nay làm cho chúng ta có cảm giác mình luôn có quyền lựa chọn và nếu có điều gì không ổn, đó là do chúng ta đã không lựa chọn đúng. Vì vậy, bất cứ khi nào tôi gặp quá nhiều khó khăn trong việc chăm sóc con cái, công việc, nhà cửa, bữa ăn, học Pháp và luyện công, tôi đều tức giận. Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi đã lựa chọn sai, rằng tôi nên được giúp đỡ nhiều hơn hoặc tôi nên chia sẻ công việc hiệu quả hơn với chồng, v.v. Nhưng càng nghĩ về từ trách nhiệm, tôi càng nhận ra rằng bất cứ khi nào gặp khó khăn, tôi đã tìm cách trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho ngoại cảnh.

Nhờ học thuộc Pháp, tôi ngộ ra rằng mình phải chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra không phải bằng cách cố gắng ngăn chặn nó, mà bằng cách tu luyện tâm tính của mình trong bất kỳ khổ nạn nào. Vì vậy, bây giờ khi rắc rối xảy đến, tôi cố gắng ngừng nhìn vào những gì tôi đã làm không tốt về mặt tổ chức. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc mở rộng lòng nhân từ và lòng khoan dung của mình. Đó là trách nhiệm của tôi với tư cách là một học viên.

Nói về tính trung thực, một thời điểm quan trọng trong việc đề cao tâm tính của tôi ở nhà là sau nhiều đêm mất ngủ và làm việc rất nhiều, con gái tôi đã khóc vì thất vọng về một việc mà cháu không thể tự làm, nhưng cháu không muốn tôi giúp cháu. Sau nhiều nỗ lực vô ích để làm con bé bình tĩnh lại, tôi đã bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng tất cả những gì tôi phải làm là bình tĩnh chịu đựng nó. Nhưng nhìn đứa con gái nhỏ bé khóc một mình, tôi nhận ra rằng với tư cách là một người mẹ, tôi là người duy nhất có thể làm con bình tĩnh lại chỉ bằng cách ôm con một cách bao dung hơn một chút, đơn giản là ở bên con thêm một lúc nữa.

Tôi không chỉ là người duy nhất có thể làm điều đó, mà trên thực tế, là người duy nhất phải làm điều đó, vậy mà tôi đã không làm trước đây. Ý nghĩ đó thực sự làm tôi khiếp sợ. Vũ trụ giao cho tôi trách nhiệm chăm sóc cô gái nhỏ bé này và giúp cô ấy học Pháp, tu luyện tâm tính Chân-Thiện-Nhẫn. Nhưng thay vào đó, tôi chỉ ngồi bất lực tự hỏi tại sao mình phải chịu đựng tất cả những điều này. Kể từ đó, hình ảnh này xuất hiện thường xuyên trong tâm trí tôi và bất cứ khi nào tôi phải đối mặt với những tình huống mà tôi chỉ đơn giản là mệt mỏi về thể chất sau những đêm dài mất ngủ. Tôi cố gắng không nghĩ liệu điều đó có công bằng hay không hay liệu tôi không phải là một người mẹ tốt theo tiêu chuẩn ngày nay, mà thay vào đó, tôi nghĩ tôi có đang làm tròn trách nhiệm chăm sóc con cái của mình không?

Cảm giác về trách nhiệm với hai đứa con nhỏ có duyên với Đại Pháp phụ thuộc vào mẹ 24/7 đã khiến tôi nhận ra rằng tâm vị tha được bồi đắp trong quá trình tu luyện không phải để chúng ta một ngày nào đó được hưởng tự do và hết trách nhiệm. Thay vào đó, chúng ta cần có lòng từ bi vô hạn, và đối xử với thế giới bằng lòng từ bi vĩnh cửu, giống như cách mà Sư phụ không ngừng chăm sóc chúng ta. Và đó là trách nhiệm thường hằng của chúng ta-cả bây giờ và sau khi chúng ta đạt Viên Mãn-để suy nghĩ, trái tim và tâm tính của chúng ta phù hợp với Đại Pháp và quan tâm đến thế giới xung quanh chúng ta.

Ngay khi tôi chấp nhận sự thật rằng tôi làm việc nhà, công việc và chăm sóc con cái là trách nhiệm thiêng liêng của một người mẹ của các tiểu đệ tử và chấp nhận cuộc sống gia đình là môi trường tu luyện của mình, tôi ngay lập tức cảm thấy rất bình tĩnh và nhận ra rằng ba đồng tu bên cạnh tôi là những người nên nhận được Thiện và Nhẫn nhiều nhất từ tôi. Tôi nhìn nhận rằng gia đình là một tiểu vũ trụ, một xã hội thu nhỏ, và tất cả những gì Sư phụ giảng về các mối quan hệ xã hội nên được áp dụng cho gia đình của chúng ta.

Nhờ đọc Pháp, tôi lập tức nghĩ rằng tôi nuôi dạy con trai mình bằng cách thiết lập các quy tắc và cố gắng đảm bảo rằng cháu tuân thủ chúng. Nhưng đôi khi tôi có cảm giác chúng tôi trở thành kẻ thù mỗi khi cháu không làm đúng quy tắc. Bây giờ bất cứ khi nào nghĩ đến con mình, tôi coi cháu như một đồng tu. Chỉ cần tôi chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn và hướng nội, mọi thứ đều thay đổi.

Gần đây, tôi chợt nhận ra rằng bất cứ khi nào tôi xếp một bông hoa sen bằng giấy origami để mang theo khi chúng tôi đi dạo, con trai tôi đều hỏi bông hoa này có phải dành cho cháu không và tôi luôn cảm thấy rằng với rất ít thời gian mà mình có, tôi không thể giữ bông hoa nào ở nhà khi mà chúng ta có thể trao bông hoa đó cho bất cứ ai chúng ta gặp để cứu họ. Nhưng lần này tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể cứu người mà không trao đi lòng từ bi vô biên của Đại Pháp cho các con tôi trước. Bông hoa sen tôi làm hôm đó là đặc biệt dành cho con trai mình và nó có màu sắc mà cháu yêu thích. Khi tôi gấp xong bông sen và nói rằng cái này là dành cho con, cháu vui mừng reo lên: “Con có hoa sen của riêng con. Con có hoa sen của riêng con.” Sau đó tôi cảm thấy rằng chỉ bây giờ mới đến lúc tôi có thể bước ra ngoài để cứu người khác.

Tôi muốn cảm tạ Sư phụ đã cho tôi tu luyện trong môi trường gia đình. Quan sát những đứa trẻ thường hành động theo Chân-Thiện-Nhẫn tốt hơn cả cha mẹ, thực sự giúp tôi tiến gần hơn với các đặc tính của vũ trụ và học cách phân biệt đâu là thiện đâu là ác. Bằng cách quan sát chúng và thực sự nhận trách nhiệm giúp đỡ chúng trên con đường tu luyện, đôi khi tôi có thể hiểu rõ hơn cách mà Sư phụ muốn chúng ta tiến bước trong tu luyện. Nó tương tự như cách cha mẹ muốn tạo cho con mình vô số cơ hội để chúng cải thiện cho đến khi chúng thành công. Giờ đây, trách nhiệm mà tôi cảm thấy đối với con cái giúp tôi nhìn nhận quá trình tu luyện của mình ở góc độ Sư phụ đang dõi theo chúng tôi như một người cha tối thượng.

Phần kết luận

Cả đời tôi đã tự hỏi liệu một người có thể thay đổi hay không. Càng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi càng tiến gần với cô bé tin vào điều thiện, không toan tính và tạo nên sự thay đổi bằng cách làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác. Càng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tâm trí tôi càng nhẹ nhàng. Càng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thế giới của tôi càng trở nên tươi sáng hơn. Tôi mãi mãi biết ơn Sư phụ đã cho tôi chứng kiến những Thần tích khi trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Cảm tạ Sư phụ! Xin cảm ơn các bạn đồng tu!

(Trình bày tại Pháp hội Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp ở Anh năm 2023)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/25/461249.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/2/209685.html

Đăng ngày 23-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share