Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-10-2022]

Tên: Vương Văn Phương (王文芳)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 65
Thành phố: Triều Dương
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: 2 tháng 9 năm 2022
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 21 tháng 11 năm 2018
Nơi giam giữ cuối cùng: Đồn Công an Bắc Tháp

Bà Vương Văn Phương, một cư dân thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vào năm 2018 vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi Trại tạm giam từ chối tiếp nhận bà vì lý do sức khỏe, bà đã quyết định sống xa nhà để tránh bị bắt giữ thêm nữa.

Biết rằng cảnh sát không ngừng tìm kiếm mình, bà Vương luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Điều này khiến bà nhanh chóng kiệt sức, suy sụp tinh thần, sức khỏe thể chất cũng sụt giảm. Bất chấp tình trạng của bà, cảnh sát vẫn đến sách nhiễu bà khi biết bà đã trở về nhà, khiến sức khỏe tinh thần và thể chất của bà tiếp tục tồi tệ hơn. Bà qua đời vào ngày 2 tháng 9 năm 2022, hưởng thọ 65 tuổi.

Bước vào tu luyện Pháp Luân Công

Trước kia bà Vương từng là một người khắt khe và chỉ nói một không nói hai. Bà cũng mắc nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh dạ dày nghiêm trọng, tê tay và tăng sản vú.

Sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996, mọi bệnh tật của bà đều biến mất trong vòng 5 ngày, tính nết của bà cũng trở nên ôn hòa hơn và bà biết suy nghĩ cho người khác.

Bị bắt giữ và phải rời xa nhà

Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Vương đã không màng mạo hiểm mạng sống của mình để nói với người dân Trung Quốc về sự tàn bạo của chính quyền đối với các học viên vô tội.

Ngày 21 tháng 11 năm 2018, hơn mười cảnh sát do trưởng đồn Vương Văn Giang của Đồn Công an Bắc Tháp dẫn đầu đã đột nhập vào nhà bà Vương, tịch thu một số hộp tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.

Bởi bà không vượt qua được cuộc kiểm tra sức khỏe và trại tạm giam địa phương đã từ chối tiếp nhận bà, nên cảnh sát buộc phải thả bà. Để tránh bị bắt trở lại, bà Vương quyết định sống xa nhà.

Chỉ một ngày sau khi bà rời khỏi nhà, cảnh sát đã đến tìm bà. Khi biết bà không còn ở nhà, họ tìm mọi cách ép con trai bà khai ra tung tích của bà. Khi anh từ chối, họ đã liệt bà vào danh sách “truy nã”.

Cuộc sống cơ cực trong khi sống lưu lạc

Bà Vương cảm thấy vô cùng áp lực mỗi khi nghĩ đến việc bị cảnh sát bắt trở lại và có thể bị kết án tù dài hạn. Không thể sử dụng tài khoản ngân hàng (để tránh sự giám sát của chính quyền) hoặc tìm việc làm, bà phải ở nhờ trong một căn phòng do các học viên địa phương hỗ trợ. Họ cũng chu cấp cho bà đồ ăn và quần áo.

Trong mùa đông lạnh giá, thứ duy nhất mà bà dùng để sưởi ấm là chiếc bếp đắp bằng bùn cỡ nhỏ mà bà cũng dùng để nấu nướng. Bất cứ khi nào có ai đó gõ cửa bà cũng rất sợ hãi và run rẩy hỏi người đó là ai. Ngay cả tiếng gió thổi hay tiếng lá cây cũng khiến bà vô cùng sợ hãi, vì bà nghi ngờ là cảnh sát đến bắt mình.

Bà luôn chỉ bật một bóng đèn nhỏ trong phòng vì bà sợ nếu để phòng quá sáng, người khác sẽ nhận ra trong phòng có người. Sự sợ hãi đã khiến bà tê liệt, dẫn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bà nhanh chóng suy giảm.

Một ngày nọ, khi một học viên ghé thăm bà Vương thì thấy bà không có trong phòng. Người học viên liền gọi tên bà và thấy bà bước ra từ phía sau cánh cửa. Bà nói rằng bà đã rất sợ hãi khi nghe thấy ai đó bước đến nên đã trốn ở sau cánh cửa. Bà chỉ cảm thấy nhẹ nhõm sau khi xác định rằng người đó là học viên.

Không lâu sau, địa phương bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra dân số. Điều này càng khiến bà Vương thêm áp lực. Với sự giúp đỡ của các học viên địa phương, bà đã chuyển đến một căn hộ có thiết bị sưởi ấm. Dù môi trường sống đã được cải thiện nhưng bà vẫn không thể vượt qua nỗi sợ hãi khi bị liệt vào danh sách “truy nã” nên bà luôn đóng kín cửa sổ và kéo rèm. Bà suy sụp tinh thần và bắt đầu xuất hiện ảo giác rằng có ai đó đang ở trong phòng của mình.

Với tình trạng của bà, các học viên đã phải đưa bà trở về nhà. Sau khi cảnh sát trưởng Vương Văn Giang phát hiện ra, ông ta đã ra lệnh cho cấp dưới của mình tới sách nhiễu bà một lần nữa. Thỉnh thoảng họ còn nhìn trộm vào nhà bà qua cửa sổ, có lúc thì gọi điện cho con trai bà hoặc đến nhà con trai bà để hỏi anh ấy thông tin về bà Vương.

Cuối cùng, bà Vương không chịu nổi áp lực tinh thần và đã qua đời vào ngày 2 tháng 9 năm 2022.

Một học viên khác bị bức hại

Trong khi tìm kiếm bà Vương, cảnh sát phát hiện bà từng ở và trông nom nhà cửa cho một học viên khác là bà Khương Thúy Liên khi người này vắng nhà. Sau đó, cảnh sát đến lục soát nhà bà Khương nhưng không tìm thấy gì và bỏ đi.

Ngày 11 tháng 6 năm 2020, cảnh sát lại đột nhập vào nhà bà Khương một lần nữa. Bởi lúc đó bà không có ở nhà, cảnh sát đã bắt giữ chồng bà dù ông không tu luyện Pháp Luân Công, và tra hỏi ông tại đồn công an trong suốt một ngày. Ông không biết vị trí chính xác của bà Vương, nhưng vì quá sợ hãi nên đã nói với cảnh sát về khu phố nơi bà thường lui tới trước kia.

Cảnh sát đã xác định được căn hộ đầu tiên mà bà Vương ở nhờ và bắt đầu theo dõi nơi này. Khi hai học viên đến đó vào ngày 29 tháng 6 năm 2020, họ đã bị cảnh sát theo dõi và bắt giữ. Cảnh sát đã lừa họ mở cửa bằng cách nói rằng nơi này đang bị rò rỉ nước ở tầng dưới. Hai học viên đã được thả sau 7 ngày bị giam giữ.

Không tìm được bà Vương, cảnh sát đã bắt giữ bà Khương (khi đó 68 tuổi) vào ngày 6 tháng 9 năm 2020, với lý do “chứa chấp tội phạm”. Bà bị giam 1 năm trong trại tạm giam thành phố Triều Dương và được thả vào ngày 6 tháng 9 năm 2021. Trong thời gian bị giam giữ bà bị tra tấn tàn bạo, nên tại thời điểm được thả, bà đã không thể nói được nữa, bà chỉ có thể thốt ra được vài từ chứ không thể nói đủ câu.

Thủ phạm Vương Văn Giang

f69d8233aae5b85bd3e5a40d57a8cc2c.jpg

Vương Văn Giang

Vương Văn Giang 51 tuổi. Ông ta từng làm đồn trưởng của một số đồn công an và phân cục trưởng.kể từ đầu những năm 2000. Sau này ông ta được thăng chức làm phó quận trưởng của quận Song Tháp, phụ trách các hoạt động của công an và tư pháp địa phương. Hiện tại ông ta đang giữ chức trưởng Công an thành phố Lăng Nguyên (một thành phố cấp huyện trực thuộc địa cấp thị Triều Dương).

Trong thời gian đương chức, Vương luôn tích cực tham gia bắt giữ, sách nhiễu, đe dọa và tống tiền các học viên Pháp Luân Công địa phương. Ngoài những khổ nạn của bà Vương và bà Khương, ít nhất 4 học viên khác đã bị kết án tù trong thời gian ông ta giữ chức đồn trưởng của Đồn Công an Bắc Tháp. Trong số họ, bà Lưu Trí Hiền bị kết án 1 năm, bà Ngưu Thục Cầm bị kết án 3 năm, và ông Phan Ngọc Phong và ông Ân Bảo Hợp mỗi người bị kết án 5 năm.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/10/450617.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/11/204261.html

Đăng ngày 25-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share