Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 15-07-2022] Trong suốt hành trình tu luyện hơn 20 năm qua, tôi vẫn luôn được Sư phụ từ bi bảo hộ. Những lúc tôi làm tốt, Sư phụ đã khích lệ tôi, khi tôi làm chưa tốt, Sư phụ luôn nhắc nhở, và khi tôi phạm sai lầm, Sư phụ đã cảnh tỉnh tôi.

Tôi muốn chia sẻ một sự việc xảy ra gần đây đã giúp tôi tu bỏ tâm tật đố.

Tôi là người hướng ngoại, thẳng thắn và bộc trực. Tôi vẫn luôn cho rằng bản thân mình không có tâm tật đố, vì vậy tôi không cần phải đề cao về khía cạnh này. Tôi cho rằng mình chỉ có tâm tranh đấu và đã dành không ít công phu để tu bỏ tâm tranh đấu này.

Gần đây tôi bị đau răng, tôi đã hướng nội tìm chấp trước. Tôi ngộ ra được rằng việc không tu khẩu là nguyên nhân căn bản dẫn đến đau răng. Mặc dù tôi đã nhận lỗi với Sư phụ vài lần nhưng chiếc răng vẫn tiếp tục đau nhức.

Khi tôi bận rộn làm việc thì răng không bị đau. Nó không ảnh hưởng đến quá trình làm ba việc của tôi, cũng không cản trở tôi làm việc nhà, mà cơn đau thường đến sau khi tôi xong việc và định nghỉ ngơi hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Lúc cơn đau kéo đến, toàn bộ nửa đầu bị đau nhức khiến tôi không thể nghỉ ngơi một cách thoải mái. Phát chính niệm cũng không có hiệu quả, thậm chí còn đau hơn trước. Chỉ khi tôi học thuộc Pháp thì răng mới không bị đau, tôi đã bị như vậy trong hơn 20 ngày.

Một hôm trước giờ đi ngủ, tôi đã cầu xin Sư phụ giúp đỡ: “Thưa Sư phụ, cơn đau răng của con vẫn chưa khỏi nhưng con không biết mình đã sai ở đâu. Xin Sư phụ điểm hóa cho con.”

Ngay trước khi tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau tôi nghe thấy một câu nói rất rõ ràng: “Nói xấu sau lưng người khác.” Tôi ngộ ra rằng đây chính là Sư phụ đã điểm hóa cho mình.

Nghĩ lại, tôi nhớ mình đã chỉ trích hai học viên sau lưng họ và việc này đã xảy ra không chỉ một lần. Khi tôi phân tích động cơ khiến mình làm như vậy, tôi nhận ra đó chính là tâm tật đố. Điểm hóa của Sư phụ như một gậy “bổng hát” khiến tôi tỉnh ngộ. Bỗng nhiên tôi minh bạch ra và nhìn lại bản thân một cách kỹ lưỡng hơn nữa. Không chỉ là có tâm tật đố, mà tâm này còn rất mạnh mẽ. Tâm tranh đấu chính là bắt nguồn từ tâm tật đố này. Nó khiến tôi quên mất việc phải tu khẩu và đã nói xấu sau lưng các đồng tu khác. Tâm chấp trước này quả là mạnh mẽ, thật đáng sợ!

Nguyên nhân của tâm oán hận

Cách đây 2 năm tôi đã trải qua một quan nghiệp bệnh nghiêm trọng kéo dài trong 2 tháng. Người nhà và các đồng tu đều rất lo lắng cho tôi và lần đó tôi tưởng như mình sẽ không thể qua khỏi.

Trong lúc nghiệp bệnh nguy cấp, những người tôi muốn được gặp nhất chính là các đồng tu. Tất cả mọi người đều đã đến thăm và động viên tôi. Chỉ riêng đồng tu A, vốn là điều phối viên của một khu vực khá rộng, đã không đến thăm tôi dù chỉ một lần. Tôi không nghĩ ông ấy lại hành xử như vậy bởi vì trước đây ông ấy vẫn luôn đối xử tốt và giúp đỡ tôi rất nhiều.

Thời gian tôi phải sống trôi giạt khắp nơi, ông ấy đã bảo vệ và giúp đỡ tôi. Sau khi tôi bị giam giữ phi pháp ở trại lao động cưỡng bức, ông ấy đã thường xuyên tới thăm gia đình tôi và nhắc họ nên thường xuyên tới trại giam để giảm thiểu bức hại đối với tôi. Sau khi tôi được trả tự do, ông ấy đã liên lạc với các học viên khác để giúp tôi thiết lập một điểm sản xuất tài liệu chân tướng tại nhà.

Với sự trợ giúp của đồng tu kỹ thuật tôi đã có thể làm được việc thường xuyên gửi các bài viết tới trang web Minh Huệ. Mỗi khi bài viết của tôi được đăng tải hay khi các đồng tu nhờ tôi viết bài cho họ, ông ấy đều nhắc nhở tôi không nên sinh ra tâm hoan hỉ. Mỗi khi tôi không thể vượt qua khảo nghiệm, ông ấy luôn nhắc nhở tôi phải chiểu theo Pháp. Đó là sự khích lệ rất lớn dành cho tôi.

Thậm chí tôi còn cảm thấy ông ấy gần với tôi hơn là người nhà của mình. Cứ như vậy, ông ấy đã trở thành một nguồn động viên tinh thần đối với tôi. Tuy nhiên, lần này khi tôi trải qua quan thập tử nhất, ông ấy đã không đến. Tôi rất ngạc nhiên và rất bất bình trong tâm.

Tôi cũng tức giận đồng tu B, là điều phối viên trong làng chúng tôi. Đồng tu A luôn giữ liên lạc với đồng tu B. Khi họ gặp nhau, đồng tu A sẽ phải đi qua nhà tôi. Vì lý do an toàn, đồng tu A sẽ không đến nhà tôi trừ phi có lý do đặc biệt. Tôi và B phối hợp với nhau trong một số việc, tuy nhiên nếu có việc cần A giúp đỡ thì ông ấy sẽ đến.

Trong hai tháng tôi nằm liệt giường, đồng tu A đã tới nhà đồng tu B rất nhiều lần nhưng không hề ghé thăm tôi, mặc dù nhiều lần đi ngang qua nhà tôi. Tôi đã sinh ra tâm nghi ngờ, cho rằng lý do đồng tu A không đến thăm tôi là vì đồng tu B, có thể cô ấy đã nói xấu sau lưng tôi. Tâm oán hận này bao trùm lên tôi ngày càng nặng nề hơn mà tôi không hề nhận ra.

Mối quan hệ giữa tôi và hai đồng tu đó có thể nói là bằng mặt mà không bằng lòng, bề ngoài tỏ vẻ như không có chuyện gì, nhưng trong tâm tôi luôn có một nút thắt ở đó. Tôi đã không hiểu được rằng nguyên nhân gây ra chuyện này là do tâm tật đố. Vì tâm chấp trước đó mà tôi thường nói xấu sau lưng đồng tu A và đồng tu B. Đồng tu B là người hướng nội, cô ấy không dám nói ra những gì mình nghĩ mà hay giữ lại trong lòng. Vì vậy mối quan hệ giữa tôi và cô ấy đã trở nên căng thẳng. Tôi thầm oán ghét cô ấy và chỉ tập trung nhìn vào khuyết điểm của cô. Tôi không những chỉ ra những thiếu sót của cô ấy trước mặt, mà còn nói xấu sau lưng cô.

Các đồng tu xung quanh nhận thấy tôi quá hung hăng nên đã nhắc nhở tôi nhiều lần về chuyện này. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể thay đổi. Sau khi sự việc đã qua, tôi luôn cảm thấy vô cùng hối tiếc vì hành động của mình nhưng tôi vẫn bất lực không thể cải thiện cách cư xử. Tôi ngộ được rằng cơn đau răng dai dẳng chính là sự điểm hóa từ bi của Sư phụ, nhắc nhở tôi rằng tôi vẫn còn tâm tật đố rất mạnh mẽ. Tôi chỉ tập trung nhìn vào khuyết điểm của đồng tu và không tu khẩu. Vậy nên chính tâm tật đố đã gây ra tâm tranh đấu và hệ quả là những hành vi biểu hiện ma tính đó trong tôi. Khổ nạn này đã phơi bày tâm chấp trước rất chân thực. Sư phụ đang giúp tôi nhận ra nó và cải biến bản thân dựa trên Pháp.

Sư phụ giảng:

“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả. Trước đây có thể chư vị đã nghe thuyết rằng Phật A Di Đà giảng về việc mang theo nghiệp khi vãng sinh; [nhưng] nếu tâm tật đố không bỏ thì không được. Nếu phương diện khác còn kém chút ít, mang theo đôi chút nghiệp vãng sinh, rồi tu tiếp, điều ấy có thể được, nhưng nếu tâm tật đố không bỏ thì tuyệt đối không thể. Hôm nay tôi giảng [điều này] với những người luyện công, chư vị chớ có chấp mê bất ngộ như thế; nếu chư vị muốn đạt mục đích tu luyện lên cao tầng, thì tâm tật đố nhất định phải vứt bỏ.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Cuối cùng tôi cũng đã tỉnh ngộ

Khi tôi ngẫm lại khổ nạn của bản thân và đối chiếu với các Pháp lý mà Sư phụ giảng, bỗng nhiên tôi tỉnh ngộ và nhìn ra thiếu sót của mình. Tôi chưa thực sự tín Sư tín Pháp, vậy nên tôi không hiểu đúng những nguyên lý của Đại Pháp. Chính điều đó đã gây ra cái vòng luẩn quẩn này. Đột nhiên tôi nhận ra trạng thái tu luyện của mình thật tệ.

Điều này thực đáng sợ và cũng thật đáng buồn. Tôi không chỉ hại các đồng tu mà cũng làm hại chính mình. Vấn đề mấu chốt nhất là mặc dù đã tu luyện trong nhiều năm nhưng cuối cùng tôi vẫn đi lạc sang ma đạo. Chẳng phải mọi nỗ lực tu luyện của tôi đều vô ích sao?

Sư phụ đã thực sự lo lắng cho tôi nhưng Ngài chỉ có thể cho đệ tử một “gậy bổng hát” dưới hình thức cơn đau răng. Tôi đã khóc và hối hận vì đã cô phụ sự cứu độ từ bi của Sư tôn.

Ngay sau khi tôi đắc Pháp tu luyện, Sư phụ đã khai mở thiên mục cho tôi. Những hình ảnh thù thắng và vi diệu ở những không gian khác đã khích lệ tôi vượt qua mọi quan nạn. Pháp Luân luôn ở bên cạnh tôi. Tuy nhiên, giờ tôi đã hiểu Sư phụ ban cho tôi khả năng này là để tăng cường tín tâm tu luyện và khích lệ tôi tu luyện tinh tấn. Nhưng tôi đã không thực sự tu luyện bản thân mình. Thay vào đó tôi đã khiến Sư phụ từ bi phải lo lắng và thất vọng vì đệ tử này.

Cuối cùng tôi cũng ngộ ra tầm quan trọng của việc thanh trừ tâm tật đố.

Con xin cảm tạ Sư phụ đã không buông bỏ con mặc dù con đã khiến Ngài vô cùng lo lắng và thất vọng. Xin cảm tạ Sư tôn đã ban cho con một “gậy cảnh tỉnh.” Không ngôn từ nào có thể biểu đạt được lòng tôn kính của con với Sư phụ từ bi vĩ đại.

Tôi phải thanh lý tâm tật đố vì nó không chỉ hại mình hại người mà còn phá hoại con đường tu luyện của tôi. Tôi cần phải triệt để trừ bỏ nó. Tôi muốn viết xuống bài chia sẻ này để phơi bày rõ tâm tật đố của bản thân, tôi muốn bắt kịp tiến trình và nỗ lực hơn nữa để tu luyện bản thân thật tốt.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/15/446052.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/10/204241.html

Đăng ngày 18-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share