Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Anh quốc

[MINH HUỆ 31-05-2022] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 1998. Tôi rời Trung Quốc đại lục đến Anh quốc năm 2007. Hai năm rưỡi trước, thông qua trang tin quảng cáo việc làm, tôi đã tìm được công việc tại một tiệm bánh Trung Hoa không xa chỗ tôi ở. Làm việc ở đó trong quãng thời gian đại dịch cho tôi cơ hội rất tốt để giảng chân tướng và tu luyện bản thân.

Tu bỏ những quan niệm vị kỷ

Khi đại dịch bùng phát năm 2020, chúng tôi không được phép tiếp tục duy trì quầy giảng chân tướng tại địa điểm thu hút khách du lịch của địa phương. Tiệm bánh nơi tôi làm việc cũng tạm thời đóng cửa. Đột nhiên, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi. Tôi tham gia tích cực hơn trên nên tảng RTC giảng chân tướng trực tiếp cho người Trung Quốc và giúp những người mới tiếp cận nền tảng này một cách nhanh chóng. Ngày trôi qua của tôi bận rộn nhưng bổ ích.

Một ngày cuối tháng 5, người chủ tiệm bánh gọi điện đề nghị tôi quay trở lại làm việc vì tiệm bánh không có người làm. Tôi nói: “Ông đừng quá lo lắng. Tôi sẽ giúp ông vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Ông ấy rất cảm động và hứa sẽ tăng lương cho tôi.

Là một người tu luyện, tôi biết mình luôn phải suy nghĩ cho người khác. Tôi không thể lợi dụng tình cảnh của ông chủ nên tôi trả lời: “Ông không cần phải trả thêm tiền cho tôi đâu, chỉ cần mức lương như cũ là ổn rồi. Tôi cũng biết công việc kinh doanh của tiệm bánh gặp khó khăn thế nào suốt thời gian qua. Tôi không muốn ông tốn thêm chi phí”. Người chủ tiệm bánh nói: “Thật mừng vì chị nghĩ vậy. Tôi sẽ trả chị 100 euro một ngày. Vì chị là người duy nhất làm việc cho cửa tiệm nên chắc sẽ phải làm việc nhiều giờ không nghỉ”.

Tôi quay trở lại làm việc vào đầu tháng 6. Công việc kinh doanh tốt hơn tôi tưởng. Khách hàng khiến tôi luôn bận rộn. Lúc đầu, tôi chỉ làm việc 3 ngày một tuần, sau đó là 4 ngày. Vài ngày sau, ông chủ điều chỉnh thành 5 ngày một tuần. Và giờ làm việc cứ thế kéo dài thêm ra. Thậm chí, tôi có hai tuần làm việc đến sáu ngày.

Tôi không bận tâm lắm về điều này trong hai lần đầu tiên ông chủ tăng số giờ làm việc của tôi lên. Nhưng khi ông ấy tiếp tục cho tăng ca, thì tôi thấy khó chịu. Tôi hướng nội tìm nguyên nhân khiến tôi có cảm giác này. Tôi nhận ra đó là tâm oán hận. Tôi thấy công việc đang chiếm quá nhiều thời gian của tôi. Tôi kiệt sức vì phải làm nhiều giờ trong 5-6 ngày một tuần.

Chẳng phải tất cả chúng đều bắt nguồn từ tâm đố kỵ hay sao? Thực ra, mỗi lần người chủ thay đổi thời gian làm việc, ông ấy đều hỏi ý kiến tôi và đảm bảo là tôi thấy thoải mái. Nếu tôi đã đồng ý, tôi nên giữ lời và làm tốt công việc của mình. Khi nhận ra điều này, tôi cảm thấy tâm tính trầm ổn trở lại.

Tiệm bánh trở thành điểm giảng chân tướng

Khi đồng ý quay lại làm việc, tôi không lo lắng chút nào về nỗi sợ nhiễm virus mà thực lòng muốn giúp ông chủ của mình. Đơn giản chỉ có vậy.

Sau khi một mình làm việc tại tiệm bánh ít ngày, tôi nhận thấy đây là cơ hội vô cùng quý báu. Ở đó chỉ có mình tôi, trong khi quy định chỉ cho phép một khách hàng được vào cửa tiệm cùng một thời điểm. Đây chẳng phải là hoàn cảnh tuyệt vời để giảng chân tướng sao? Nếu lại như lúc trước, có vài người làm việc tại cửa tiệm, thì tôi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nói chuyện với khách hàng về Đại Pháp. Những người làm cùng sẽ thấy khó chịu nếu tôi bỏ thời gian dù chỉ một chút để nói chuyện với khách.

Cơ hội quý giá như vậy thật hiếm có. Tôi đã chuẩn bị các tờ rơi giảng chân tướng bằng tiếng Anh và tiếng Trung để đưa cho khách hàng. Khi những khách hàng nói tiếng Anh thân thiện bước vào, tôi sẽ đưa cho họ tờ rơi bằng tiếng Anh. Nếu khách hàng trông như là người châu Á, tôi sẽ tìm hiểu xem họ đến từ đâu trước. Nếu họ từ Trung Quốc đại lục, tôi sẽ bắt chuyện rồi mới đưa cho họ tờ thông tin về đại dịch hoặc một cuốn tạp chí Minh Huệ đa ngữ. Hầu hết mọi người đều nhận chúng và cảm ơn tôi.

Thật sự tôi thấy khá lo lắng về việc phát tờ rơi cho khách vì tôi chưa nhận được sự đồng ý của ông chủ. Trong cửa hàng có lắp nhiều camera an ninh, tại quầy thu ngân cũng có. Hẳn là ông ấy sẽ thấy việc này. Lo lắng đó là một khảo nghiệm tâm tính.

Một hôm, có một khách hàng nói giọng Phúc Kiến (một tỉnh miền nam Trung Quốc) bước vào cửa hàng. Khi chào hỏi vị khách hàng này, tôi đưa anh ấy một cuốn sách tài liệu giảng chân tướng. Anh ấy lật từng trang rồi hỏi: “Đây là gì vậy”. Tôi trả lời đó là sách về Pháp Luân Đại Pháp. Mặt anh ấy tối sầm lại. Anh ta ném cuốn sách lên quầy và quát: “Chị đang chống lại ĐCSTQ. Chị có biết tôi làm ở đâu không?”. Tôi hỏi đó là đâu, thì anh ấy cho tôi xem huy hiệu của mình. Có vẻ như anh ta làm việc cho một cơ quan của chính phủ Anh.

Sau khi anh ta rời đi, tôi thấy bối rối và lo lắng không biết liệu anh ta có phàn nàn tôi với ông chủ không. Tôi nhận ra đó là tư tưởng bất hảo nên lập tức trừ bỏ nó đi: “Mình không việc gì phải sợ hãi. Mình đang làm điều đúng đắn”.

Hôm đó tôi đã phát hết sớm các tờ rơi và sách thông tin về Đại Pháp.

Quảng bá Thời báo Đại Kỷ Nguyên

Các học viên địa phương đã cung cấp miễn phí các ấn bản đặc biệt của Thời báo Đại Kỷ nguyên trong chiếc hộp đựng báo đặt ngoài tiệm bánh. Chúng là nguồn thông tin tuyệt vời để mọi người biết về nguồn gốc đại dịch Covid và chân tướng Đại Pháp. Nhưng tôi không thể mang những ấn phẩm này vào trong cửa hàng. Tôi băn khoăn tự hỏi mình nên làm gì?

Một hôm tôi nảy ra suy nghĩ: “Mình chỉ cần nói với mọi người về các ấn phẩm này”. Thật là một ý tưởng hay. Tôi nghĩ ra một vài câu đơn giản giới thiệu về báo Đại Kỷ Nguyên và nhờ một học viên khác dịch nó sang tiếng Anh. Mỗi khi có một khách hàng nói tiếng Anh bước vào cửa hàng, tôi sẽ giới thiệu cho họ về thời báo và chỉ cho họ chỗ lấy.

Hầu hết mọi người đều vui vẻ đón nhận. Sau khi cầm tờ báo, vài người còn giơ ngón cái của họ lên khi đi ngang qua tiệm bánh, một số khác vẫy vẫy tờ báo như thể muốn nói lời cảm ơn với tôi. Khi có khách hàng cầm nhầm báo khác, tôi sẽ đem chúng để lại hộp và chỉ cho họ ấn phẩm đặc biệt của Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Mỗi ngày đều có ít nhất hai chục khách hàng nhận báo.

Tôi không nghĩ được cách nào hay để giảng chân tướng cho khách hàng người Trung Quốc nếu không có các tờ rơi. Tôi luôn lo lắng rằng mình không có đủ thời gian để giảng chân tướng cho họ. Hầu hết họ chỉ đứng trong cửa tiệm thời gian ngắn, từ lúc bước vào, chọn bánh, đến khi thanh toán. Vậy nên không có nhiều thời gian để giảng kỹ chân tướng cho họ.

Một ngày, một người đàn ông Trung Quốc với vẻ ngoài nhếch nhác bước vào tiệm. Khi chào hỏi người khách này, tôi nghĩ đến việc giảng chân tướng cho ông ấy nhưng không thể nghĩ ra cách nào để bắt chuyện. Người đàn ông đó rời đi sau khi đã thanh toán. Thất vọng về mình, tôi cầu xin Sư phụ: “Xin Sư phụ giúp con. Xin Ngài ban cho con trí huệ”.

Nhờ có Sư phụ trợ giúp, tôi nảy ra một suy nghĩ. Tôi sử dụng lập luận cho rằng “Sức khỏe và sự an toàn là những thứ quan trọng nhất trong đại dịch” để bắt đầu câu chuyện và giảng chân tướng. Tôi cũng đề nghị những những khách hàng từ Trung Quốc thoái Đảng và các tổ chức liên đới của nó. Những ngày sau đó, tôi có thể giảng chân tướng cho từng khách hàng đến tiệm. Tôi nói nhiều đến mức cuối ngày miệng tôi khô khốc.

Nhưng một hôm, tự nhiên tôi cảm thấy không muốn nói chuyện với các khách hàng hay giảng chân tướng cho họ. Tôi nhận ra đó là can nhiễu của tà ác. Chúng không muốn tôi giảng chân tướng cứu người. Tôi không thể để chúng làm theo cách của chúng. Tôi đã chính lại bản thân và tiếp tục nói chuyện với khách hàng.

Trong 5 tuần làm việc một mình tại tiệm bánh, tôi đã giúp hơn một chục khách hàng thoái Đảng và các tổ chức liên đới của nó.

Giảng chân tướng cho người chủ tiệm bánh

Một biến thể mới của virus Covid đã được các nhà khoa học phát hiện vào tháng 1 năm 2021. Những người làm công cho cửa hàng thấy lo lắng và lại xin nghỉ làm. Việc này chắc chắn sẽ khiến người chủ tiệm gặp nhiều khó khăn. Ông ấy tỏ ra thất vọng và giận dữ. Tôi hiểu tại sao ông ấy cảm thấy vậy. Ông ấy đã phải trả 30.000 Euro tiền nhà một tháng. Nếu tiệm bánh đóng cửa, ông ấy vẫn phải trả tiền nhà và đó sẽ là một tổn thất lớn về tài chính.

Người chủ tiệm hỏi tôi có thể làm thêm giờ như lúc trước không. Tôi nói với ông ấy: “Ông không cần lo lắng, tôi sẽ giúp ông”. Ông ấy thở phào nhẹ nhõm và đề nghị sẽ trả tôi 100 Euro một ngày như trước đây. Tôi vui vẻ từ chối lời đề nghị này: “Cảm ơn ông. Nhưng tiệm bánh kinh doanh rất chậm vài tuần qua. Doanh thu bán hàng đã giảm gần 30%. Tôi không chắc cửa tiệm của chúng ta sẽ ra sao nếu tiếp tục mở cửa”. Người chủ rất biết ơn vì tôi đã quan tâm đến tiệm bánh. Ông ấy nói: “Chỉ có chị là giúp tôi. Trong giai đoạn khó khăn này, chị là người duy nhất mà tôi có thể tin tưởng”.

Tôi dành nhiều thời gian nói chuyện với chủ tiệm trong hơn hai tháng sau đó và hiểu ông ấy rõ hơn. Trong lúc trò chuyện, tôi kết hợp giảng chân tướng về Đại Pháp cho ông nghe. Ông ấy nói: “Khi lần đầu chị đến cửa tiệm làm việc, ai đó đã nói với tôi rằng chị tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Phản ứng lúc đó của tôi là ‘Vậy sao?’ Nhưng tôi không nghĩ được rằng học viên Pháp Luân Đại Pháp là chị lại ở bên cạnh và giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Chị là người tốt và rất xem nhẹ chuyện tiền bạc”.

Mỗi lần người chủ tiệm khen ngợi tôi, tôi đều nhắc nhở bản thân mình không phải ở đây để chứng thực bản thân mà để chứng thực Pháp. Tôi nói với ông ấy: “Tất cả là do tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Pháp Luân Đại Pháp đã dạy tôi tuân theo chân lý của vũ trụ là Chân-Thiện-Nhẫn và trở thành người tốt.

Người chủ không hoàn toàn đồng ý với mọi điều tôi nói về Đại Pháp. Ông ấy cho rằng tôi là người tử tế vì bản chất tôi vốn là người tốt. Ông ấy nghĩ như vậy bởi hiểu biết của ông về Đại Pháp rất hạn chế. Tuy vậy, ông ấy nhiều lần nói với tôi, ông ấy không phản đối bất kỳ tôn giáo nào, ngụ ý là ông ấy không chống đối Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã viết một bức thư gửi cho người chủ tiệm, kể chuyện tôi đã bị chính quyền quấy rối như thế nào khi còn ở Trung Quốc, chỉ vì đức tin của mình. Sau khi đọc bức thư, ông ấy nói: “Tôi hiểu chị. Cha tôi là một chủ doanh nghiệp của Thượng Hải và ĐCSTQ đã lục soát nhà của chúng tôi”.

Tôi đã đưa bản chụp bức thư này cho một số người cùng làm việc tại cửa tiệm đọc khi tôi mới bắt đầu làm việc tại đó, nhưng tôi không đủ can đảm đưa nó cho người chủ tiệm. Tôi đặt quyết tâm vượt qua tâm lý sợ hãi. Tôi mong muốn người chủ tiệm hiểu ĐCSTQ tà ác như thế nào. Muốn ông ấy biết được chân tướng của cuộc bức hại và mức độ mà các học viên Đại Pháp phải chịu đựng.

Tôi đã hỏi lại người chủ tiệm rằng ông ấy có thấy vấn đề gì về việc tôi để một số tờ rơi Đại Pháp trên quầy không. Ông ấy nói: “Công việc là công việc. Đừng khiến cho nó trở nên quá phức tạp. Nhưng tôi thấy không vấn đề gì khi chị nói cho mọi người biết điều đó”. Tôi hiểu điều ông ấy lo lắng. Ít nhất ông ấy đồng thuận việc tôi nói chuyện với khách hàng về Đại Pháp.

“Tôi đánh giá cao chị. Chị đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”

Người chủ tiệm phải nhập viện. Tôi nói với ông ấy là mình sẽ cố hết sức duy trì hoạt động của tiệm bánh và cầu chúc ông ấy nhanh chóng bình phục. Hôm đó trên đường về nhà, tôi nghĩ về người chủ tiệm, ông ấy đã ngoài 70 tuổi và phải chống chọi căn bệnh ung thư hơn một thập kỷ. Tôi thấy thương cảm cho ông ấy. Chăm lo tiệm bánh chỉ là giúp ông ấy việc kinh doanh, nhưng nói cho ông ấy biết chân tướng Đại Pháp mới là cứu độ chúng sinh và giúp ông ấy có được tương lai tươi sáng.

Tôi đã gửi cho người chủ tiệm bài hát “Tâm nguyện”, một bài hát do học viên sáng tác, đường link truy cập các bài giảng của Sư phụ và đề nghị ông ấy mở ra nghe. Tôi nói với ông ấy trước khi bị bức hại, Đại Pháp đã phổ truyền rộng rãi tại Trung Quốc như thế nào. Sau khi nghe bài hát, ông ấy nói nó rất tuyệt vời. Ông ấy cũng nghe các bài giảng của Sư phụ ba lần và nói Sư phụ giảng rất hay.

Tôi thường nghĩ đến việc tôi đã được an bài làm việc tại tiệm bánh đó, nó không phải chỉ để kiếm tiền mà còn là để kết nối với người khác và nói cho những người hữu duyên biết chân tướng Đại Pháp. Làm thế nào để giúp họ hiểu chân tướng Đại Pháp? Tôi cho rằng cách tốt nhất là cần chú ý lời nói và việc làm của bản thân khi tiếp xúc với người khác, cũng như làm việc chăm chỉ và trung thực. Người thường có thể không đọc Chuyển Pháp Luân, nhưng họ có thể hiểu Đại Pháp từ hành vi của chúng ta.

Sau này, chủ tiệm đã thuê hai người giúp việc và giao cho tôi hướng dẫn họ. Có lần người chủ tiệm đã nói với tôi: “Tôi đánh giá cao chị. Chị đã giúp tôi vượt qua quãng thời gian khó khăn. Tôi không muốn giữ lại bất kỳ nhân viên nào của cửa tiệm. Họ làm việc chỉ vì lợi ích của bản thân. Họ không bao giờ đứng vào hoàn cảnh khó khăn của người khác để suy xét. Giờ tôi rất tin tưởng và giao cho chị quản lý cửa hàng này”.

Tôi nói: “Người quản lý cũ rất có năng lực. Cô ấy có thể hỗ trợ cửa hàng trong nhiều lĩnh vực. Hai người làm công mới cũng đã có kinh nghiệm và biết việc. Giữ họ lại sẽ giúp ông tiết kiệm rất nhiều thời gian và nguồn lực”.

Vượt qua tâm oán hận với đồng nghiệp

Khoảng hai tháng sau, người chủ tiệm gọi điện nói với tôi: “Người quản lý lúc trước muốn quay lại làm việc. Tôi gọi để muốn biết suy nghĩ của chị về việc này”. Tôi nói với ông ấy: “Vâng, ông hãy làm những gì ông cho là đúng. Dù có thế nào tôi cũng tôn trọng quyết định của ông”. Thành thật mà nói, tôi không hề muốn trở thành người quản lý. Tôi không bận tâm lắm đến việc người quản lý sẽ quay lại làm.

Hai tháng sau, cửa tiệm đã trở lại hoạt động bình thường như trước khi có dịch. Hai tháng tiếp theo, người quản lý lại xin nghỉ việc vì bất đồng với chủ tiệm. Cửa hàng còn lại hai nhân viên có kinh nghiệm, hai nhân viên mới và tôi, tổng cộng là năm người. Khi tôi đảm nhận vị trí quản lý, nhiều quan niệm người thường ẩn sâu của tôi đã có dịp nổi lên. Chúng biểu hiện ra khi tôi làm việc chung với người khác, đặc biệt là với hai người đồng nghiệp làm việc lâu năm tại tiệm.

Từ lúc mới bắt đầu làm việc tại tiệm bánh, tôi đã chăm chỉ và không quan tâm nhiều đến được mất của bản thân. Tôi thân thiện với đồng nghiệp và hòa thuận với những người khác. Khi mâu thuẫn xảy đến, tôi hướng nội và tìm nguyên nhân ở bản thân.

Nhưng có một phụ nữ lớn tuổi người Malaysia dường như chưa từng quý mến tôi. Bà ấy luôn phàn nàn và thường hay đổ lỗi cho tôi làm sai. Bà ấy còn lên giọng nói: “Tôi đến chết mất với cô mất thôi”. Có những ngày tôi khiến bà ấy tức giận đến mức “chết đi sống lại” nhiều lần trong ngày. Làm việc cùng ca với bà khiến tôi thấy khó chịu.

Người phụ nữ Malaysia đó là người không thích giải quyết khó khăn và trốn tránh trách nhiệm bất cứ khi nào có thể. Bà ấy luôn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Từ khi tôi bắt đầu công việc của mình tại cửa tiệm, bà ấy luôn nghi ngờ tôi đem chuyện bà ấy nói với người quản lý, nên tỏ ra không thích tôi. Bà ấy cũng quan hệ không tốt với người quản lý cũ.

Bà ấy rất thích đè đầu cưỡi cổ người khác, nhưng vì người làm cùng có kinh nghiệm hơn nên bà ấy luôn giữ khoảng cách với họ. Bà ấy thường nói: “Tôi chịu đựng điều này chỉ vì đồng lương mà thôi”. Nhưng bà ấy thích bắt nạt tôi vì tôi là người mới. Mặc dù chúng tôi chưa từng xảy ra tranh cãi, nhưng tôi không mấy có thiện cảm và cực kỳ căm phẫn bà ấy. Tôi cố tìm ra chấp trước của mình và buông bỏ chúng nhưng đôi lúc chúng lại nổi lên.

Khi tôi trở thành quản lý cửa hàng, thái độ của người phụ nữ này quay ngoắt 180 độ. Bà ấy hỏi ý kiến và sự cho phép của tôi về mọi việc, ngay đến cả những việc nhỏ. Khi bán hàng, bà ấy cũng hỏi tôi số tiền khách hàng phải trả là bao nhiêu. Có vẻ như bà ấy muốn kiểm tra khả năng của tôi. Có lần tôi phát cáu lên với bà ấy: “Chị chỉ cần làm những gì như chị vẫn làm khi bán hàng. Cả hai chúng ta đều là những người làm công cho cửa tiệm. Chị không phải kiểm tra tôi về những thứ nhỏ nhặt”. Sau khi thốt ra những lời này, tôi hối hận vì mình đã nặng lời.

Hôm đó trên đường trở về nhà, tôi tự hỏi tại sao mình lại đối xử với bà ấy như vậy. Tôi tìm thấy một chấp trước mạnh mẽ – đó là tâm cay cú muốn trả đũa. Tôi nghĩ: “Trước đây, bà luôn bắt nạt và tỏ thái độ với tôi đến thế nào”. Khi nhận ra chấp trước bất hảo này, tôi tự nhủ: “Mình không muốn nó, mình sẽ trừ bỏ nó đi”.

Tôi oán hận người phụ nữ này vì tôi chưa từng xem xét mối quan hệ của chúng tôi dựa trên Pháp. Đúng là có thể bà ấy bắt nạt tôi, nhưng theo Pháp giảng không có điều gì xảy ra là ngẫu nhiên và đều có nguyên do của nó. Bà ấy cư xử tồi với tôi trong kiếp này, có lẽ vì kiếp trước của tôi đã đối đãi không tốt với bà ấy cùng theo cách đó. Chẳng phải Sư phụ đã giảng Pháp lý này trong Chuyển Pháp Luân từ lâu rồi sao? Tôi đã không đứng tại tầng thứ cao để ngộ ra mà giải quyết vấn đề như một người thường.

Vào ngày chủ nhật, các nhân viên sẽ gửi chủ tiệm bánh một danh sách các vật tư, nguyên liệu cần mua cho tuần sau. Tôi nghỉ ngày chủ nhật, nên người phụ nữ Malaysia đó sẽ phụ trách việc lập danh sách. Bà ấy thường xuyên mắc lỗi, còn người chủ tiệm không hài lòng về việc này. Khi ông chủ nói chuyện với bà ấy càng khiến bà ấy lúng túng hơn.

Người chủ tiệm đã gọi điện và đề nghị tôi giúp bà ấy. Sau khi cúp máy, tôi nghĩ: “Tôi hiểu rõ những gì chúng tôi cần làm vào ngày cuối tuần. Vậy sao tôi không đi giúp bà ấy? Tôi có thể chỉ cho bà ấy cách kiểm hàng tồn và lập một danh sách. Tôi vẫn đố kỵ và oán hận bà ấy phải không?”. Tôi cũng nhận ra mình không nỗ lực làm việc hết mình. Tôi vẫn có suy nghĩ ích kỷ rằng nếu tôi không phải lập danh sách đó, tôi sẽ bớt đi phiền phức. Chẳng phải tôi nên lập danh sách đó vì nó là công việc của tôi hay sao. Kể từ đó, hàng tuần tôi đều giúp người phụ nữ đó lập danh sách.

Tôi chỉ làm việc ba ngày một tuần vì người phụ nữ Malaysia chịu trách nhiệm vào sổ thu ngân trong những ngày tôi nghỉ. Người chủ đã vài lần hướng dẫn cách làm nhưng bà ấy vẫn thường xuyên mắc lỗi. Người chủ tiệm lại nhờ tôi chỉ dẫn cho bà ấy. Tôi đã dạy cho bà ấy một số kỹ thuật và mẹo mà tôi học được. Giờ bà ấy không còn mắc lỗi nhiều như trước.

Thông qua việc tu luyện bản thân, tôi cảm thấy thứ vật chất bất hảo thao túng tâm oán hận ít dần đi. Giờ tôi quan tâm tới bà ấy nhiều hơn.

Tu luyện bản thân qua việc làm quản lý cửa hàng

Ngoài người phụ nữ Malysia đó, còn có một người nữa đã làm việc cho tiệm bánh được 13 năm, lâu hơn những người còn lại chúng tôi. Cô ấy thường ra lệnh và điều khiển tôi làm theo mong muốn của cô ấy.

Chúng tôi có một kho hàng cách cửa tiệm khoảng 9 mét. Trước đây, khi chúng tôi cần lấy hàng trong kho, người nam giới phụ trách bếp luôn làm việc đó cho chúng tôi. Nhưng những ngày anh ấy không đi làm, nếu chúng tôi cần thứ gì thì không một ai biết nó để chỗ nào trong kho để lấy ra.

Vì vậy, tôi nói với cả nhóm: “Để thuận tiện hơn cho khâu nhập hàng, đề nghị mọi người ghi nhớ từng vị trí để hàng trong kho”. Sau lời đề nghị đó, mọi người đều học cách lấy hàng từ kho, ngoại trừ nhân viên kia ra. Cô ấy không màng đến việc đó. Lúc đầu việc này khiến tôi thấy khó chịu. Nhưng nghĩ sâu hơn, tôi nhận ra mình cần trừ bỏ chấp trước muốn người khác tuân lời mình. Thực tế, chẳng có gì khác biệt nếu nhân viên đó biết chỗ để hàng ở đâu cũng như lấy chúng ra như thế nào.

Người thường có câu: “Ba người phụ nữ tạo thành cái chợ”. Cửa tiệm có tới năm người phụ nữ nên thường xuyên có những khảo nghiệm tâm tính. Để xử lý thật tốt các vấn đề, tôi cần khiêm tốn và độ lượng hơn. Tôi không nên khoe khoang cũng như cố chứng minh bản thân với người khác chỉ vì người chủ đã tin tưởng tôi. Khi tôi thực sự làm được điều này thì việc vượt qua các bài khảo nghiệm cũng trở nên đơn giản hơn.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/10/441120.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/31/201613.html

Đăng ngày 19-09-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share