Bài viết của học viên Pháp Luân Công tại Washington D.C

[MINH HUỆ 05-07-2022] Từ ngày 28 đến 30 tháng 6 năm 2022, các học viên trẻ của Hội Sinh viên Ủng hộ Pháp Luân Công đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF) thường niên lần thứ hai tại Washington D.C. Các học viên, tuổi từ 19-26, đã từ Georgia, North Carolina, New York, Michigan, và Ohio đến để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp).

1622c4bb2cc1c20940ec8ebf8f630f4d.jpg

Cô Hàn Vũ (trên cùng bên trái), con gái của một nạn nhân bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng, và 9 học viên trẻ của Hội Sinh viên Ủng hộ Pháp Luân Công

Cuộc bức hại Pháp Luân Công và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là những chủ đề được các diễn giả tập trung thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh năm nay. Bà Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson; ông Nury Turkel, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ; ông Ethan Gutman, nhà nghiên cứu và tác giả cấp cao; và ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, đã phát biểu về tình trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc tại một phiên thảo luận do Viện Hudson tổ chức. Trong một phiên họp khác, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã trình bày các số liệu thống kê và phân tích mới nhất về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

31a180f350444b8f8907a91787e058f2.jpg

Anh Simon Liao phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh

Anh Simon Liao, học viên trẻ đến từ Maryland, đã được mời thay mặt cho Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Washington D.C phát biểu tại lễ khai mạc của hội nghị thượng đỉnh. Bài phát biểu của anh nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do thông tin và chống lại sự đàn áp của phương tiện truyền thông trong việc ủng hộ tự do tôn giáo.

“Chúng tôi khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thêm kinh phí cho các công cụ phần mềm vượt tường lửa của Trung Quốc. Điều này sẽ mở rộng đáng kể phạm vi ảnh hưởng của các công cụ này ở Trung Quốc. Người dân Trung Quốc được tiếp cận nhiều hơn với thông tin miễn phí sẽ ít có khả năng trở thành đồng phạm với tội ác của ĐCSTQ,” anh Liao nói.

Sau bài phát biểu của anh Liao, nhiều người đã đến thăm quầy thông tin của Pháp Luân Công để tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại.

Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng thu hút sự chú ý của quốc tế

Trọng tâm chính của Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế năm nay là về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. Vấn đề này đã được đưa ra nhiều lần trong các phiên họp toàn thể và thảo luận xuyên suốt hội nghị. Video về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc đã được phát trong một phiên họp toàn thể và được các nhà tổ chức hội nghị chia sẻ trên mạng xã hội.

Cô Hàn Vũ có cha là nạn nhân bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Khi cha cô bị giết hại, cô Hàn 19 tuổi.

“Tôi đã nhìn thấy thi thể của cha tôi trước khi ông được hỏa táng. Trông ông gầy rộc và bầm tím khắp người, nhưng ông có một vết rạch từ cổ dọc xuống thân. Ở vùng bụng của cha tôi, chúng tôi có thể cảm thấy có khối đá cứng bên dưới lớp da đã được khâu lại bằng chỉ dày màu đen,” cô Hàn cho biết.

Câu chuyện của cô Hàn đã khiến nhiều người chú ý. Cô đã được Mạng truyền thông Cơ đốc CBN, Christian Broadcasting Network, phỏng vấn. Tại phiên thảo luận do Viện Hudson chủ trì, bà Nina Shea đã bắt đầu phiên họp bằng cách đề cập đến câu chuyện của cô.

Cô Hàn cũng được mời đến gặp và chào hỏi với Enes Kanter Freedom, cầu thủ bóng rổ NBA từng chơi cho Boston Celtics và nhà hoạt động nhân quyền, người thẳng thắn chỉ trích các vụ vi phạm nhân quyền và tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra của Trung Quốc.

“Bạn là một cô gái rất dũng cảm và bạn đang khích lệ nhiều người hơn bước ra và lên tiếng cho đức tin của họ, điều đó cũng có nghĩa là cha bạn đã không thiệt mạng một cách vô ích,” anh Freedom nói với cô Hàn.

78f2653d7293c2d524c622c161d5c673.jpg

Cô Hàn Vũ với cầu thủ bóng rổ NBA Enes Kanter trong Cuộc gặp gỡ những người sống sót IRF

Sự ủng hộ của khách tham dự hội nghị tại quầy thông tin Pháp Luân Công

Nhiều người đã ghé qua quầy thông tin do Hội sinh viên Ủng hộ Pháp Luân Công và Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp dựng lên để tìm hiểu thêm về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Một số phụ nữ trẻ từ một hiệp hội Myanmar đã đến quầy Pháp Luân Đại Pháp và cảm ơn các học viên đã giải thích sự thật cho họ về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

“Chúng tôi chưa bao giờ biết đến điều này trước đây. Thật kinh hoàng khi người ta có thể gây ra tội ác khủng khiếp này đối với chính đồng bào của họ… [Pháp Luân Công] thật tốt và yên bình, và chúng tôi cần điều đó,” họ nói.

1c19cd789b7a1b4b2c2f9c21c91f0f9a.jpg

Bốn phụ nữ trẻ đến từ Myanmar hỏi thông tin về Pháp Luân Đại Pháp

Ông Andrew Stafford, Cán bộ Chống Đàn áp Xuyên Quốc gia tại Phòng An ninh và Nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đồng thời là diễn giả tại sự kiện, đã rất sửng sốt khi biết rằng có hàng triệu học viên đã bị giam giữ. Ông không biết quy mô của cuộc bức hại lại nghiêm trọng đến thế, và đó là quy mô của một cuộc diệt chủng.

df49936bbc130678d9598fd2631277df.jpg

Ông Andrew Stafford với học viên Pháp Luân Công Chloe Phong

Ông Hamid Gharagozloo, chủ tịch một tổ chức của Iran tại hội nghị thượng đỉnh, và vợ ông, bà Sharareh Afshari, đã rất xúc động trước những gì các học viên Pháp Luân Công đã và đang làm để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

2ffca3af8cb596327c8e949150fcea5d.jpg

Bà Sharareh Afshari (bên trái) và ông Hamid Gharagozloo (bên phải) trước quầy Pháp Luân Công

“Chúng tôi rất mong các bạn tiếp tục cho mọi người biết đến điều này… Tôi tin rằng việc nâng cao nhận thức là rất quan trọng, miễn là chúng ta vẫn còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh này để cho mọi người biết rõ về sự đàn áp tôn giáo… thì ngày càng có nhiều người biết đến điều này,” bà Afshari nhận định.

ca4278775beff7d7b85a6fe32acc364c.jpg

Học viên trẻ Nicholas Haley (bên trái) nói chuyện với một học viên Việt Nam (bên phải) về cuộc bức hại Pháp Luân Công

Khách tham quan quầy thông tin đánh giá cao nỗ lực của các học viên trẻ tại hội nghị. Nhiều người cho biết họ cảm thấy hy vọng và lạc quan như khi thấy những người trẻ tuổi tham gia và đứng lên chống lại cuộc bức hại.

Trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, ba học viên từ Hội Sinh viên Ủng hộ Pháp Luân Công đã thuyết trình về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Họ giới thiệu về sự khởi đầu của Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại, cũng như những cập nhật về cuộc bức hại được báo cáo bởi Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp. Mặc dù buổi thuyết trình diễn ra vào sáng sớm trước sự kiện chính của hội nghị, nhưng phòng họp gần như kín chỗ, điều đó cho thấy mức độ quan tâm về vấn đề này.

Cô Vương Minh Huệ, sinh viên tại Đại học California, Berkeley, đã chia sẻ câu chuyện của chính cô về việc cha mẹ cô bị bức hại ở Trung Quốc chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

0084cd84e191e8d99115007e32e3e02e.jpg

Cô Vương Minh Huệ chia sẻ bức ảnh cô chụp cùng cha mẹ cô trong buổi thuyết trình tại hội nghị thượng đỉnh IRF

Cô Vương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ khi còn nhỏ và rất biết ơn Pháp Luân Công đã giúp cô không ngừng nâng cao tiêu chuẩn đạo đức. Đáng tiếc là, cha mẹ cô thường xuyên bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, bởi vậy cô được đưa đến sống cùng ông bà từ lúc chưa biết nói. Cô sống với ông bà ngoại cho đến 5 tuổi.

Cô Vương nhớ lại ký ức đầu tiên khi nhìn thấy mẹ mình trong một trung tâm tẩy não: “Mẹ tôi bị còng tay vào ghế với một ống nhựa rất dày nhét vào mũi … bà bị bức thực bằng một chất lỏng có mùi khó chịu.” Cô kể lại trong sự kinh hãi bởi mẹ cô “rõ ràng là đang đau đớn tột độ.”

3722e5e775ac7ac360807d37223654fb.jpg

Một người Việt Nam đã không cầm được nước mắt khi đặt câu hỏi trong phiên hỏi đáp.

Nhiều người tham dự đã cảm động đến rơi lệ trước câu chuyện của cô Vương. Sau phần trình bày của cô, một phụ nữ đã nghẹn ngào không nói lên lời khi đặt câu hỏi. Một số khán giả đã trực tiếp hỏi thêm thông tin và muốn dịch bài trình bày sang tiếng Việt để nắm rõ câu chuyện hơn.

7c06758d01535e50b60813c77dabb65f.jpg

Bà Loan Nguyễn (bên trái) và cô Vương Minh Huệ (bên phải) bên quầy Pháp Luân Công

Bà Loan Nguyễn, một giáo viên tiếng Anh của tổ chức Boat People SOS, đã đến thăm quầy thông tin Pháp Luân Công sau buổi thuyết trình của cô Vương. Bà đã bị sốc khi biết về những tội ác kinh hoàng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với chính người dân của nó.

Bà Nguyễn chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều muốn trở thành người tốt. Tất cả chúng ta đều giống nhau, vậy mà tại sao các nhà chức trách Trung Quốc không thấy điều này?“

Là một giáo viên tiếng Anh, bà tin rằng giáo dục có tác động rất mạnh mẽ, và bà bày tỏ rằng bà rất vui khi thấy những người trẻ tuổi nâng cao nhận thức cho công chúng về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/5/445834.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/6/202122.html

Đăng ngày 07-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share