Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-05-2022] Kể từ khi bà Dương Lan Anh (53 tuổi, cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam) bị bắt vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công, gia đình bà không được vào thăm và cũng như không biết gì về tình trạng vụ việc của bà. Hiện tại họ mới biết bà đã kết án bí mật 3,5 năm tù và đã bị đưa đến Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam vào ngày 1 tháng 3 năm 2022.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền độ cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999.

Ngày 31 tháng 8 năm 2021, bà Dương bị bắt khi đang ở nhà một mình. Vào buổi tối, khi người nhà bà về nhà, họ thấy kinh sách Pháp Luân Công, tài liệu và máy tính xách tay của con gái bà bị mất. Họ nghi ngờ bà đã bị bắt, nhưng không biết đến đâu để hỏi về tình hình của bà.

Một tuần sau, chồng bà Dương nhận được cuộc điện thoại của một cảnh sát thuộc Đội An ninh Nội địa quận Mã Long. Người này yêu cầu ông gửi một ít quần áo và nhu yếu phẩm đến Trại tạm giam quận Kỳ Lân ở thành phố Khúc Tĩnh gần đó (cách Côn Minh khoảng 90 km) cho bà Dương.

Sau đó chồng bà Dương mới xác nhận được rằng bà đã bị cảnh sát an ninh nội địa ở quận Mã Long (thành phố Khúc Tĩnh) và quận Bàn Long (thành phố Côn Minh) bắt giữ. Nhưng cảnh sát không cung cấp thông báo giam giữ bà Dương cho gia đình, cũng như không cho họ biết lý do của vụ bắt giữ.

Hai cảnh sát Kim Hoa Hùng (Đội An ninh Nội địa quận Mã Long) và Sử Thụy Lâm (Đội An ninh nội địa quận Bàn Long) đã kéo đến nhà bà Dương vào ngày 10 tháng 9 để thẩm vấn chồng và con gái bà. Họ hỏi hai người có biết bà Dương đang tu luyện Pháp Luân Công không, bà có phát tài liệu không và hai người có cố ngăn bà phát tài liệu không. Cảnh sát cũng hỏi liệu chồng và con gái bà có tu luyện Pháp Luân Công không, và ra lệnh cho họ ký tên vào biên bản lời khai sau cuộc thẩm vấn.

Cùng lúc đó, người của Đội An ninh Nội địa quận Mã Long cũng thẩm vấn mẹ, chị gái và anh em trai của bà Dương với những câu hỏi tương tự.

Việc bắt giam bà Dương đã giáng một đòn nặng lên người mẹ già của bà. Sức khỏe của bà cụ nhanh chóng giảm sút và bà qua đời vào cuối tháng 10 năm 2021.

Gia đình bà Dương đã nộp đơn tố cáo hành vi vi phạm thủ tục pháp lý của cảnh sát trong quá trình giải quyết trường hợp của bà Dương. Đến ngày 27 tháng 10 gia đình mới nhận được thông báo bắt giữ ban hành từ ngày 30 tháng 8. Nhưng gia đình không hề nhận được thông báo giam giữ bà.

Cuối tháng 10 năm 2021, một cảnh sát họ Lưu của Công an quận Mã Long đã gọi điện cho gia đình bà Dương, nói rằng đơn tố cáo của gia đình là không đúng sự thật, và không đưa thêm bất kỳ giải thích nào. Anh ta còn trách bà Dương đã tái phạm tội nhiều lần (thức ra là trước đó bà cũng từng bị giam giữ phi pháp bởi tu luyện Pháp Luân Công). Anh ta nói rằng hồ sơ của bà đã nằm ở viện kiểm sát và bảo gia đình nếu có thắc mắc gì thì hãy liên hệ với công tố viên.

Tháng 11 năm 2021, gia đình bà nhận được thông báo phê chuẩn lệnh bắt giữ bà Dương do Viện Kiểm sát quận Mã Long ban hành. Bà bị truy tố và hồ sơ của bà bị chuyển sang Tòa án quận Mã Long và thẩm phán của tòa án này lại chuyển tiếp hồ sơ của bà sang Tòa án quận Kỳ Lân (cũng ở thành phố Khúc Tĩnh).

Thẩm phán của Tòa án quận Kỳ Lân chưa bao giờ thông báo cho gia đình bà Dương về tình trạng vụ án của bà. Ông ta cũng không thông báo cho gia đình về phiên tòa xét xử bà Dương dự kiến ​​diễn ra vào ngày 21 tháng 12. Chỉ vài phút trước phiên tòa, luật sư do tòa án chỉ định của bà Dương mới gọi điện cho gia đình để thông báo cho họ về phiên tòa. Thẩm phán đã kết án bà Dương 3,5 năm tù ngay trong phiên tòa ngày hôm đó, nhưng cũng không thông báo với gia đình bà về bản án.

Chỉ khi gia đình bà Dương nhận được thư từ Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam vào tháng 3 năm 2022, họ mới biết về bản án tù của bà. Họ đã nộp yêu cầu thăm thân cho nhà tù, nhưng nhà tù đã viện cớ đại dịch COVID-19 để từ chối.

Bức hại trong quá khứ

Đây không phải lần đầu tiên bà Dương bị chính quyền bức hại vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Trước đó bà từng bị bắt vào ngày 21 tháng 3 năm 2008, chỉ vì tặng cho khách hàng ở tiệm cắt tóc của mình tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát lục soát nhà bà vào ngày hôm sau mà không xuất trình bất kỳ giấy tờ cần thiết nào. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công và tài sản cá nhân khác của bà, đồng thời từ chối cung cấp cho bà biên bản tịch thu đồ vật.

Ngay sau khi bà Dương bị đưa đến Trại tạm giam quận Mã Long, lính canh đã cưỡng chế lấy dấu vân tay và chụp ảnh bà. Họ cũng buộc bà phải đọc thuộc nội quy của trại tạm giam, nếu không họ sẽ tra tấn bà trên “ghế cọp”. Họ không cho bà đi tắm, mà chỉ cho bà dùng khăn để lau người ngay tại buồng giam. Người nhà không được vào thăm bà. Sau 29 ngày bị giam giữ tùy tiện, bà bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Vân Nam để thụ án 1 năm 9 tháng tù.

54c5fc23d1a595e2399802a1c3ba53c2.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: ghế cọp

Bà Dương kể lại rằng trong khi bị giam ở trong trại lao động, lính canh đã lột quần áo và bắt bà ngồi xổm 20 lần. Họ cũng ra lệnh cho hai tù nhân theo dõi bà 24/24 và không để bà nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công khác đang bị giam giữ ở đó. Vào mùa đông, bà Dương chỉ được tắm bằng nước lạnh. Lính canh bắt bà phải mặc đồng phục tù nhân và làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày mà không được trả tiền công. Công việc bà phải làm gồm làm mặt dây chuyền, đóng gói bánh quy, thêu thùa, cũng như dọn dẹp bệnh viện nhà tù, nhà ăn và phòng vệ sinh. Sự ngược đãi thể xác khiến bệnh tim của bà tái phát và bà thường xuyên bị đau dữ dội ở chân.

Sau khi hệ thống trại lao động bị bãi bỏ vào năm 2013, nhưng cuộc bức hại vẫn chưa chấm dứt và những thương tổn cả tâm lẫn thân của bà Dương đã không thể lành lại.

Trong đơn kiện Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo chế độ cộng sản và là thủ phạm đã phát động cuộc đàn áp) năm 2015, bà viết: “Bởi chính sách bức hại và tuyên truyền lừa dối của Giang Trạch Dân, chồng tôi đã rất sợ hãi và ông ấy luôn lo lắng cho tôi. Điều này đã khiến tinh thần của ông ấy thất thường và không thể làm việc được nữa. Sức khỏe của mẹ chồng tôi cũng tổn thương và sụt giảm nghiêm trọng và cuối cùng bị nằm liệt giường. Đứa con gái mới 10 tuổi của tôi vô cùng sợ hãi, đến mức bị trầm cảm không nói năng gì và thành tích học tập giảm sút. Tiệm làm tóc mà tôi dành nhiều công sức để gây dựng đã buộc phải đóng cửa, điều này làm khiến tài chính của gia đình chúng tôi bị tổn thất nặng nề“.

Ngày 9 tháng 12 năm 2019, bà Dương lại bị bắt vì phát tặng lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Bà bị tạm giam hành chính 15 ngày tại Nhà giam thành phố Côn Minh. Các nhà chức trách chỉ cấp cho bà một giấy chứng nhận trả tự do, chứ không có thông báo tạm giam.

Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại:

Vương Văn Sinh ( 王文生), TrưởngCông an thành phố Khúc Tĩnh: +86-874-3392639
Lý Côn ( 李鲲), thẩm phán của Tòa án quận Kỳ Lân: +86-874-3217177
Phó Lệ Bình ( 付丽萍), viện trưởng của Viện Kiểm sát quận Mã Long: +86-874-8880261

(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Hán.)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/28/昆明杨兰英女士被非法判刑三年半劫入冤狱-444176.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/11/201772.html

Đăng ngày 05-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share